Suy Nghĩ Về Địa Ngục

Lòng hận thù, ghét ghen, đố kỵ, kỳ thị, tị hiềm, tâm tham lam bỏn xẻn, tâm hơn thua tranh đấu, dã man tàn bạo là những thứ làm nên địa ngục tâm hồn và địa ngục trần gian, làm nên tam đồ ác đạo. Ở đâu có những điều đó thì ở đấy là địa ngục.

Địa ngục là một trong những cảnh giới mà kinh điển thường nói đến, nơi đó chúng sinh phải chịu khổ cùng cực mà không ở đâu có thể sánh bằng.

Theo Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn, Địa ngục, tiếng Phạn gọi là Na lạc ca (Naraka) hoặc Nê lê giả (Niraya), Trung Hoa dịch là: Bất lạc, bất khả lạc, ám minh, khổ cụ, khổ khí… Có nghĩa là nơi ấy không có niềm vui (bất lạc), chẳng thể vui được (bất khả lạc), nơi ấy tăm tối (ám minh), chúng sinh ở đó không hề nghe, thấy, biết được đạo lý, chánh pháp. Nơi đó có vô số cực hình hành hạ khốc liệt khiến chúng sinh chịu nhiều đau khổ. Nói đến địa ngục, người ta hình dung ra ngay đó là nơi nhiều đau khổ, đầy máu và nước mắt, đầy tiếng kêu la, rên siếc, có nhiều cực hình với gươm đau, gậy gộc, gông cùm, xiềng xích (gọi chung là khổ cụ, khổ khí).

Theo quan niệm dân gian, địa ngục có hình luật như nhân gian, bởi vì “Dương gian, Âm cảnh đồng nhất lý”, là một nơi mà khoa học cho rằng không tìm thấy khi khoan sâu vào lòng đất, bởi đó là thế giới siêu hình, con người không thể nhận biết bằng khả năng hữu hạn của mình với năm giác quan, là một cõi ở chiều không gian khác. Theo quan niệm Phật giáo thì địa ngục là một cảnh giới do nghiệp lực hình thành, do tâm thức biểu hiện, bởi vì “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Hình ảnh địa ngục với Diêm La vương, Chúa ngục, ngục quan, các quỷ vương, tiểu quỷ xét xử, hành hình tội nhân được đưa ra trong các kinh điển (chẳng hạn như kinh Địa Tạng Bồ tát Bổn nguyện, Phật thuyết Báo hiếu phụ mẫu ân, Từ bi đạo tràng Mục Liên sám pháp v.v..), hoặc mười hai cảnh địa ngục với Thập điện Diêm vương, ngưu đầu, mã diện (quỷ đầu trâu, mặt ngựa) v.v.. theo quan niệm tín ngưỡng dân gian, tất cả đều nhằm mục đích răn đe người làm việc ác, giáo dục khuyến tấn ý thức làm lành tránh dữ, chỉ ác hành thiện (dừng lại điều ác, bất thiện đã và đang phát sinh, ngăn chặn điều ác, bất thiện chưa phát sinh, thực hành điều lành điều thiện). Trên thực tế, nếu căn cứ theo lý “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” (ba cõi chỉ là tâm, muôn pháp chỉ là thức”, “Vạn pháp duy thức biến”(muôn pháp chỉ là thức biến hiện) thì những lời mô tả về địa ngục trong các kinh điển đều là ngôn ngữ biểu tựơng. Có thể nói địa ngục là một hình thái chịu khổ cùng cực của chúng sinh do nghiệp lực hành hạ.

Chúng sinh không chỉ thấy địa ngục sau khi từ giã cõi đời này và bị cuốn theo dòng ác nghiệp, mà còn thấy địa ngục ngay trên cõi đời này. Ở nơi nào chúng sinh bị rơi vào cảnh khổ cùng cực không lối thoát, ở nơi nào tối tăm hắc ám, ở nơi nào có những sự bế tắc và con người không ngừng bị những nỗi khổ não giằng xé, hành hạ, ở những nơi đó chính là địa ngục. Thế giới chúng ta đang sống có nhiều nơi đang kêu gào thảm thiết trong nỗi kinh hoàng thống khổ vì khủng bố, chiến tranh khói lửa, con người phải sống trong cảnh đọa đày cùng cực: lao tù, bị khảo tra; hành hạ; bị bắt phục vụ chiến tranh; lo sợ vì sự sống bị đe dọa, đói khát khi thiếu lương thực, nước uống, khi chạy tị nạn… Chiến tranh thảm khốc đi qua những nơi đâu đều để lại những đổ nát điêu tàn, đau thương mất mát. Nhiều nơi phụ nữ và trẻ em sống trong cảnh ngục tù, bị đày đọa, hành hạ dã man, phải chịu nỗi khổ cùng cực, họ là nạn nhân của bọn “đầu trâu, mặt ngựa” buôn người làm gái mãi dâm, nô lệ tình dục, bán sức lao động.Trong những lò sát sinh với chảo dầu, lò lửa, dao búa, gậy gộc, người ta giết mổ, nấu nướng sinh mạng chúng sinh. Trên thế gian này, chúng ta vẫn thấy nhan nhản khắp nơi hình bóng của địa ngục, nghe văng vẳng âm thanh của địa ngục.

Ngoài cảnh tượng địa ngục mà con người có thể thấy, có thể nghe, còn có vô số địa ngục ẩn hiện trong tâm hồn con người, đó là những địa ngục mà ít ai nhận biết. Hận thù chất chứa trong lòng người như những lò lửa đang hừng hực cháy, như những vạc dầu đang sôi sùng sục, nó sẵn sàng nung đốt, nấu nướng tất cả từ con người cho đến nhà cửa, thành trì. Những tranh chấp hơn thua, ghét ghen đố kỵ, những oán hờn chất chứa trong lòng người như những nhát dao kiếm, như những ngọn roi, như đinh ba, gậy gộc cứ tra tấn, hành hạ con người khiến cho con người sống trong bất an, khổ não. Những tị hiềm, nghi kỵ, phân biệt, chia rẽ, kỳ thị như những gông cùm xiềng xích trói chặt con người, như bàn chông chậu máu bắt con nguời ngồi lên không thể nào tự do cử động, như vách sắt tường đồng mà con người bị giam giữ trong đó không thể ra ngoài, không thể gần gũi, tiếp xúc với nhau. Không chỉ có địa ngục mà tam đồ lục đạo đều có ở trong mỗi con người. Tham vọng, hiếu chiến khiến cho con người trở thành loài Atula luôn tranh đấu, gây hấn, sát hại lẫn nhau dù vẫn mang hình dạng con người. Sự tàn bạo, dã man mất hết tình người, mất hết nhân tính đã khiến con người chẳng khác chi loài cầm thú (súc sinh). Sự sa đọa trong tham đắm dục lạc, sống lọan thác cuồng, không luân lý, đạo đức, nhân cách bại họai suy đồi thì bản chất của loài súc sinh nhiều hơn bản chất con người. Thật sự như thế, nếu con người sống và hành động theo bản năng của mình thì có khác gì loài súc sinh. Sự khác biệt giữa con người và các loài động vật khác là con người có tình cảm và lý trí, con người có nhận thức hiểu biết cao, khôn ngoan, hành động có ý thức, còn loài vật thì sống với bản năng. Rồi sự tham lam, ích kỷ, và luôn chạy theo những ham muốn hưởng thụ làm cho con người trở thành hiện thân của loài ngạ quỷ (quỷ đói): ham muốn, thèm khát, tom góp, vơ vét, giành giật nhau không bao giờ biết đủ, không bao giờ thỏa mãn.

Lòng hận thù, ghét ghen, đố kỵ, kỳ thị, tị hiềm, tâm tham lam bỏn xẻn, tâm hơn thua tranh đấu, dã man tàn bạo là những thứ làm nên địa ngục tâm hồn và địa ngục trần gian, làm nên tam đồ ác đạo. Ở đâu có những điều đó thì ở đấy là địa ngục. Nếu có những thế giới khác ngoài thế giới con người đang sống, mà con người mang những bản chất của địa ngục đến đó thì nơi đó trở thành địa ngục. Bản chất của địa ngục là tăm tối, khổ đau, không có ánh sáng niềm vui; bản chất của địa ngục là đọa đày, giam hãm; bản chất của địa ngục là tàn bạo, dã man; bản chất của địa ngục là kinh sợ, khủng hỏang; bản chất của địa ngục là lao tù, kiềm kẹp, bức bách, khổ não, bất như ý.

Trong một gia đình, trong một xã hội, một quốc gia, hay thế giới, nếu ở đó có những bản chất nói trên thì đó chính là địa ngục, khi ấy con người trở thành hiện thân của ngưu đầu, mã diện, hắc bạch vô thường, hoặc quỷ sa tăng.

Phan Minh Đức

http://www.daophatngaynay.com/vn/cuoc-song/11077-Suy-Nghi-Ve-Dia-Nguc.html

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.