Trước hết, khiêm hạ là một hành xử đạo đức vắng bóng tự ngã, dẹp tan kiêu mạn. Kiêu mạn là một tập khí sâu dày của chúng sanh nói chung.
Kinh Tăng chi nêu ra ba thứ kiêu mạn căn bản. Theo kinh Tập, khi cái tôi nhỏ lại thì mọi sự va chạm do kiêu mạn ít xảy ra: Ai phá hoại kiêu mạn/ Không còn chút dư tàn/ Như nước mạnh tàn phá/ Cây cỏ lau yếu hèn. Và theo Đức Phật, chỉ những ai chinh phục được tự ngã thì mới có thể nhiếp phục lòng kiêu mạn.
Câu chuyện khoác lác của chàng thanh niên Saccaka khi dõng dạc tuyên bố: Dầu ta có đối thoại với một cột trụ vô tình, cột trụ ấy khi đối thoại với ta cũng run sợ, cũng hoảng sợ, cũng khiếp sợ, huống nữa là một người thường. Sau khi được Phật thuyết giảng, thanh niên Saccaka đã nhận ra sai lầm và biết cách ứng xử khiêm hạ với Đức Phật và chúng Tỳ-kheo. Chuyện tiền thân Đức Phật số 125 cũng đề cập câu chuyện khoác lác tương tự, nhưng nhân thân là một vì Tỳ-kheo.
Thứ hai, khiêm hạ là thể hiện sự tôn trọng kẻ dưới và kính nhường người trên. Biết tôn trọng lẫn nhau trong giao tiếp, ứng xử là sự thể hiện đẳng cấp đạo đức. Từ câu chuyện ứng xử tôn trọng lẫn nhau giữa chim đa đa, khỉ và voi, Đức Phật đã dạy các thầy Tỳ-kheo: Những người rành rẽ Pháp/ Tôn kính bậc cao niên/ Kiếp này được khen ngợi/ kiếp sau sanh về Trời. Trong những hội chúng Sa-môn, Bà-la-môn thời Phật, chỉ có hội chúng đệ tử của Đức Phật là có sự nhường nhịn, tôn trọng lẫn nhau thể hiện ở các hành vi: Kính lễ bậc trưởng thượng/ Không ganh tị một ai. Truyền thống đạo đức này sở dĩ có được là do tính khiêm hạ tạo ra.
Thứ ba, khiêm hạ không có nghĩa là hạ thấp mình mà còn có nghĩa tự khẳng định bản thân, là tôn trọng chính mình trong yên lặng tỉnh giác. Trong nghĩa này, khiêm hạ gần với lòng tự trọng. Đó cũng là điều được Đức Phật huấn thị: Hãy học các dòng nước/ Từ khe núi vực sâu/ Nước khe núi chảy ồn/ Biển lớn động im lặng/ Cái gì trống kêu to/ Cái gì đầy yên lặng/ Ngu như ghè vơi nước/ Bậc trí như ao đầy.
Có thể thấy, một trong những chuẩn mực ứng xử của người học Phật là thái độ khiêm hạ, định tĩnh, nhu nhuyến, thong dong và vững chãi trước dòng xoáy của bản ngã và sở hữu của bản ngã.
Trong đời sống để ta và mọi người có cơ hội ngồi lại bên nhau để được học hỏi điều hay lẽ phải, để được thầy bạn tận tâm, tận lực trao truyền kiến thức, trao truyền kinh nghiệm, để mọi người có truyền thông với nhau, một bí quyết mà ông cha ta đã để lại đó là “đức tánh khiêm hạ”.
Nếu bạn cống cao ngã mạn, luôn tỏ ra thái độ là người thông minh nhất thiên hạ, thì chính bạn đã chôn vùi mình dưới vực thẩm. Và mãi mãi bạn sẽ không có cơ hội thân cận để học hỏi, mọi người sẽ lánh xa bạn như tránh hố lửa. Bạn càng tỏ ra là một người thông minh thì chính bạn đã tự khẳng định với mọi người bạn là người vô trí.
“ngu mà biết mình ngu là người trí
ngu mà tự cho là trí đó là người ngu”
Tỳ kheo điều phục lưỡi
Khiêm ái không tự cao
Diễn giải nghĩa kinh điển
Lời êm dịu ngọt ngào
(pháp cú 363)
Nếu áp dụng bài pháp nầy vào đời, áp dụng “Đức tính khiêm hạ” vào cuộc sống thì tin chắc rằng bạn sẽ thành công…
Nguồn tin: lieuquanhue.vn