Hiền hòa xứ sở Chămpa

Cửa chùa tấp nập người đến tham quan nhưng không hề ồn ào, chen lấn. Lễ vật vào dâng cúng Phật rất đơn sơ, thanh bạch. Đúng là lễ bạc lòng thành như ta thường nói. Mấy bông sen trắng, một nén hương, thế thôi. Những thứ này dân bày bán dọc đường hay do trẻ em bán ở cổng chùa. Người bán cũng nhẹ nhàng, chẳng kỳ kèo thách giá và cũng không có kiểu lẽo đẽo bám theo du khách…

Tôi nghĩ người Lào rất có lý khi chọn chăm pa làm quốc hoa. Hoa chăm pa chính là hoa đại, hoa sứ theo cách gọi của người Việt Nam ta. Đó là loài hoa mà cả sắc và hương đều thanh nhã, tinh khiết nên rất gần với đạo lý nhà Phật. Có lẽ vì thế mà loại cây này thường được trồng ở các chùa chiền. Sang nước Lào anh em đi tới đâu ta cũng gặp chùa, cây chăm pa cùng với tượng Phật và bóng áo cà sa thấp thoáng muôn nơi. Đất nước hơn 5 triệu dân nằm bên tả ngạn sông Mê Kông rộng 263 ngàn cây số vuông này (bằng khoảng 2/3 diện tích nước ta) có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ. Có những ngôi chùa cổ nổi tiếng như Ing Hăng ở Savanakhẹt, Thạt Luổng ở Viêng Chăn… dọc đường đi tôi thấy mấy nơi tượng Phật được đặt trong các ngôi nhà rất đơn sơ, cột gỗ mái tôn bốn phía không che thưng gì cả.

Đức Phật có mọi nơi trên đất nước Lào không chỉ ở vẻ bề ngoài như ta đã thấy mà hình như nó đã thấm vào sâu, thật sâu; bền, thật bền trong nhịp điệu sống hôm nay của người dân xứ sở chăm pa. Nhịp điệu sống ấy có thể gói lại trong mấy chữ: Chậm rãi – hiền hòa.

Tôi cho đó là tính Phật. Đạo Phật đã thành công trong sự giác ngộ và cảm hóa dân tộc này. Hàng nghìn năm dằng dặc, triết lý sống ở hiền gặp lành đã được bền bỉ truyền lưu và thực hiện ở đây, như hạt giống tốt gieo xuống màu mỡ đất lành để nên cây, nên rừng nhân đức hồn hậu sum suê tươi tốt hôm nay.

Sáng tháng tư. Savanakhẹt chói chang nắng. Sau Tết Bua hốt nậm (hội té nước) lẽ ra là bắt đầu mùa mưa, mùa gieo hạt, thế mà vẫn hầm hập nắng nóng. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu hình như đã can thiệp đến mọi quốc gia trên hành tinh này, không chịu bỏ sót ai. Bạn tôi, Hồ Quốc Thắng, lãnh sự Việt Nam tại tỉnh Savanakhẹt và phu nhân lấy xe ô tô chở vợ chồng tôi đi thăm chùa Ing Hăng. Chùa này có trên hai nghìn năm tuổi, đã trải qua ba thời kỳ xây dựng và được hoàn thành vào thế kỷ XV. Đây là một trong những bảo tàng văn hóa – tôn giáo nổi tiếng của Lào với trên 400 pho tượng Phật.

Cửa chùa tấp nập người đến tham quan nhưng không hề ồn ào, chen lấn. Lễ vật vào dâng cúng Phật rất đơn sơ, thanh bạch. Đúng là lễ bạc lòng thành như ta thường nói. Mấy bông sen trắng, một nén hương, thế thôi. Những thứ này dân bày bán dọc đường hay do trẻ em bán ở cổng chùa. Người bán cũng nhẹ nhàng, chẳng kỳ kèo thách giá và cũng không có kiểu lẽo đẽo bám theo du khách. Theo tục lệ, phụ nữ khi vào chùa phải mặc thêm chiếc váy Lào do nhân viên quản lý di tích phát. Xong xuôi mọi việc cúng bái tham quan thì ra trả lại cho họ. Không qui định giá cả. Ai trả bao nhiêu cũng được, tùy tâm, giống như là tiền công đức vậy. Chất thị trường rành rọt, sòng phẳng theo kiểu tiền trao cháo múc không có ở đây, cả cái cách lên chùa bái Phật của họ cũng thong thả nhẹ nhàng lắm; chẳng vội vàng chen lấn, chẳng mâm cao cổ đầy, chẳng thấy đô la, đồng kíp âm phủ, vàng mã lớp trên lớp dưới như ở ta. Chậm rãi bước đi, chậm rãi thắp hương, chậm rãi quỳ xuống khấn vái… Những gương mặt hồn hậu, đắm chìm trong cõi thiêng, thành kính và tin cậy.

Chúng tôi chầm chậm đi qua hàng trăm bức tượng Phật ngồi, nằm ở trong nhà. Những bức tượng màu vàng dường như đang tỏa ánh sáng nhân từ vào chúng tôi làm cho ai cũng cảm thấy lâng lâng, thanh thoát. Tôi có cảm giác đang ở trong một thế giới khác, giàu lòng yêu thương và sự độ lượng. Khi được đắm mình vào cõi Phật, hình như lòng ta cũng sáng trong hơn, bấy nhiêu vẩn đục được thanh lọc dần. Trách chi, có những người sau khi hết đời quan lại tìm đến với cõi Phật an hòa, từ bi để tìm lại sự thanh thản, yên bình. Hàng ngày, họ tâm niệm lời Phật nhiều hơn những điều đã được học. Chao ôi, lẽ nào chỉ có Đấng Từ Bi mới cứu rỗi được họ ? Nam mô A Di Đà Phật…

Thạt Luổng, tên khác: Tháp Luang Prabang ở Viên Chăn là một ví dụ đẹp nữa về sự có mặt của Phật giáo trên mảnh đất này. Sau chuyến xe đêm qua chặng đường 500 cây số ngược lên phía Bắc, chúng tôi đã có mặt tại địa chỉ nổi tiếng này. Xin được bắt đầu từ huyền thoại của đất nước Lào về việc xây dựng nơi cất giữ xá lỵ của Đức Phật. Luang Prabang – Thạt Luổng là ngôi tháp đại Phật tích được xây dựng vào năm 1566 dưới triều vua Xetthảthilat. Đây là trái tim của ngôi chùa lớn cùng tên. Thạt Luổng là công trình tháp Phật lớn nhất ở Lào, so với các nước khác ở Đông Nam Á, nó cũng được xếp vào hạng lớn. Tháp cao 45 mét, mang dáng một đài sen đang nở tung cánh với đế hình vuông mỗi cạnh dài 90 mét. Trong ánh nắng ban mai rực rỡ, bình Pháp lam hình quả bầu, trên miệng chồng thêm một tháp nhỏ có đỉnh nhọn cùng với khối tháp trung tâm dát vàng hiện lên óng ánh. Trên 30 ngọn tháp nhỏ bao quanh tháp lớn, người ta khắc nhiều câu kinh của Phật giáo Tiểu thừa khuyên nhủ các tín đồ chăm làm điều thiện, cần bố thí, cấm dục và trai giới…

Tôi đã đọc ở đâu đó: Cấu trúc Thạt Luổng là sự giao hòa của nhiều phong cách kiến trúc tháp Phật như tháp Sanchi ở Ấn Độ, tháp Xiêm thời Ayuthia và yếu tố thấp thoáng chất Myanma trong các vùng hành lang nối tiếp và tháp nhỏ bao quanh. Thạt Luổng phản ánh núi vũ trụ Meru mà đỉnh trung tâm là biểu tượng của sơn thần linh diệu này. Đây, không gì khác là nơi tu hành để đạt thành chính quả và cũng là hình ảnh chốn cực lạc linh thiêng – cõi Niết-bàn. Đây, không gì khác là biểu tượng của sự giao thoa và sáng tạo văn hóa giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á – châu Á cũng như tình đoàn kết chung sống hòa hợp của các bộ tộc Lào.

Điều rất ấn tượng với tôi, khi đến xứ sở hoa chăm pa là được sống trong một xã hội an hòa mang Phật tính rất rõ. Cách không xa Thạt Luổng, cũng ở thủ đô nước Lào còn có một công viên tượng Phật vô cùng hấp dẫn. Những pho tượng Phật với nhiều tư thế, kích thước nằm ngồi khác nhau dựng ngoài trời, trải qua không ít nắng mưa, dù rêu phong phủ bám vẫn ánh tỏa lên tinh thần từ bi nhân hậu. Cội nguồn của hiền hòa đất nước Lào phải chăng bắt đầu từ đây, từ một quốc đạo đề cao tính thiện, dạy con người biết chừng mực, biết tôn trọng nhịn nhường, biết sẻ chia nâng đỡ, trợ giúp đồng loại.

Tôi đã lang thang trên đường phố Savanakhẹt, Viêng Chăn, đã vào chùa, đi chợ trên đất nước bạn. Chợ Sáng ở thủ đô, cao 5 tầng, sân thượng để xe ô tô cũng là nơi mua bán rất dễ chịu. Kẻ bán, người mua thoải mái, nói thách trả giá mà không sợ bị cạnh khóe lườm nguýt. Sáng sớm, đến xem hàng nhưng không mua cũng là chuyện bình thường, không lo bị càu nhàu đốt vía. Ô tô, xe máy chạy trên đường tuyệt nhiên không có tiếng còi. Không có chuyện tranh đường, chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, lạng lách. Ý thức tự giác tuân thủ vào những lề luật, quy định chung hay bản chất từ tốn thong dong vốn có của người Lào đã tạo ra trật tự giao thông đáng nể vậy? Có lẽ cả hai và đương nhiên, theo tôi không phải do nước Lào ít người nên mới dễ quản lý. Các đô thị của bạn nhìn chung không bằng ta về quy mô, tầm vóc nhưng khá sạch sẽ, ngăn nắp. Kể cả cái chợ ẩm thực rất nổi tiếng không xa Thạt Luổng mấy với những món ăn đặc trưng Lào như gà nướng, xôi lam cũng không lộn xộn bề bộn. Bạn tôi kể, người Lào cũng thích nhậu lai rai, nhưng ít khi ồn ào và càng uống… càng vui.

Nhịp sống thong dong có phần đủng đỉnh như thế mang nét gì đó rất Lào. Không nghi ngờ gì nữa, nó làm cho cuộc sống con người nhẹ nhàng dễ chịu hơn. Nhiều người Việt ta đã và đang sống ở đây cảm thấy tiếc nuối ngại ngần khi phải rời xa đất nước hiền hòa này. Có người thành thật, cứ nghĩ đến cảnh xe cộ chen chúc trên đường phố, bụi khói phả ra mù mịt, những nhiêu khê trong thủ tục hành chính, những xô bồ hỗn tạp quá mức… đã ngại, đã sợ. Rất có thể những người ấy chưa thấy hết sự đổi mới nhanh chóng, thành tựu to lớn và tầm vóc vị thế của đất nước ta hôm nay nhưng nỗi sợ, nỗi ngại của họ cũng đáng cho ta băn khoăn suy nghĩ. Tại sao, trong khi kinh tế phát triển thì đạo đức xã hội của ta lại bị xuống cấp đến mức báo động như thế ? Tại sao, trong bước đi lên của đất nước hôm nay còn thiếu sự cân đối bền vững? Tại sao, đó đây sự lương thiện, trung thực còn bị mỉa mai, chà đạp để ác độc, giả dối lên ngôi? Nhìn những gì xảy ra hàng ngày trên đường chúng ta đã buồn và lo ngại. Quá ít những sự thong thả, chậm rãi… Nhiều thêm bao sự tranh đua lấn lướt.

Tại sao?

Nguyễn Hữu Quý

http://www.daophatngaynay.com

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.