Gieo Trồng Phước Đức

CÚNG DƯỜNG ĐƯỢC PHƯỚC

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật dạy: Bố thí cho người ác hưởng không bằng cúng dường cho người giữ năm giới. Cúng dường cho người giữ năm giới không bằng cúng dường cho người tu  thập thiện (mười điều tốt.) Cúng dường cho người tu thập thiện không  bằng cúng dường cho Phật. Ý nghĩa câu này là chỉ cho sự lợi ích cúng  dường đúng cách.

Thời đức Phật, có hai vợ chồng là Phật tử rất tín tâm Tam Bảo, nhưng  hoàn cảnh gia đình lại nghèo khó, bữa đói, bữa no. Một hôm, người chồng đến chùa thấy nhiều người đem vật thực đến cúng dường Tam Bảo, anh phát  tâm hoan hỷ vô cùng.

Về nhà, anh thấy nhà mình quá nghèo, không có cái gì có thể mang đến  chùa để cúng dường, anh ta tủi thân, buồn rầu, đau khổ, đến nỗi anh ta  không muốn ăn, chẵng muốn làm. Người vợ biết được, bèn đưa ra ý kiến:  hay là anh đem em bán đi lấy tiền cúng dường, khi nào có tiền thì anh  chuộc em về. Người chồng suy nghĩ, thấy làm như vậy thì quá nhẫn tâm,  nên cả hai vợ chồng bàn nhau đi vay tiền cúng dường, nếu không trả nỗi  thì đến ở đợ làm việc cho họ để trừ nợ.

Sau khi suy tính, chọn lựa, hai vợ chồng đến một nhà phú hộ trong  làng trình bày sự việc, được nhà phú hộ đồng ý cho vay một số tiền với điều kiện trong bảy ngày phải mang tiền đến trả. Nếu không thì cả hai vợ chồng phải đến đây làm việc ở đợ suốt đời.

Nhận được tiền, hai vợ chồng vui mừng mang đến cúng dường cho lễ Trai Tăng với tâm thành kính và hoan hỷ. Mấy ngày sau, hai vợ chồng đều cảm  thấy thật hạnh phúc được góp phần vào công đức này, sẵn sàng tinh thần đến nhà Phú hộ ở đợ vào ngày mai thì hôm ấy nhà vua hay tin nhà chùa  thiết lễ cúng dường Trai Tăng, Ngài thân hành đến chùa xin được cúng  dường cho lễ này. Sau khi được biết đã có hai vợ chồng nhà nghèo cúng  dường, nhà vua yêu cầu hai vợ chồng phải nhường phần cúng dường lễ này  cho Ngài. Hai vợ chồng nhà nghèo nghe lệnh vua như vậy, bèn đến trình  bày: Chúng con nhà quá nghèo, may mà có nhà phú hộ trong làng cho vay  tiền cúng dường, xin nhà vua để cho chúng con lo trọn, chứ lần này con  không được cúng dường Tam Bảo thì e rằng suốt đời, con không có cơ hội  nào nữa. Chúng con phải đi ở đợ làm việc suốt đời cho nhà phú hộ để trả món nợ này. Xin đức vua nhân từ ban ân, để chúng con được làm trọn công đức với Tam Bảo.

Tuy bị từ chối, nhưng nhà vua rất cảm phục tấm lòng cao thượng của  hai vợ chồng. Về triều, nhà vua đem chuyện này thuật lại cho các quan  quân, quần thần nghe, ai cũng đem lòng cảm phục. Và Ngài truyền lệnh cấp phát tiền bạc, nhà cửa, ruộng vườn cho hai vợ chồng làm ăn sinh sống để có cơ hội làm việc phước thiện. Từ đó hai vợ chồng trở nên giàu có, tin sâu Tam Bảo hơn, thường xuyên phát tâm bố thí, cúng dường và nguyện đời đời kiếp kiếp đi theo con đường lợi ích cho tha nhân.

Thật là “nhân quả nhãn tiền,” người thực hành bố thí cúng dường với  tâm thành kính, hoan hỷ, dám hy sinh như hai vợ chồng trong câu chuyện  thật là hiếm thấy trong thời chúng ta.

Một vị minh quân, một ông vua sáng suốt, biết phát huy những việc làm phước đức như ông vua kể trên thật là hạnh phúc cho dân, cho nuớc. Lịch sử nhân loại đã có rất nhiều vị lãnh đạo quốc gia làm được những việc  như thế. Ở Việt Nam có Trần Nhân Tông, một vị vua lãnh đạo đất nước bằng tinh thần Bi, Trí, Dũng của đạo Phật, hướng dẫn dân chúng tu hành theo  tinh thần Phật dạy, xây dựng nên một nước Việt nam hùng cường về mọi  mặt, bên ngoài chiến thắng ngoại xâm, bên trong dân chúng sống thanh  bình, no ấm, an vui như đang sống trong cõi Cực Lạc hiện tiền.

Đạo lý nhà Phật dạy con người sống có ích cho đời và đạo, không vì  lợi ích riêng tư mà làm khổ mình, khổ người. Người Phật tử khi thực hành bố thí cho người, dù họ là người ăn xin hay kẻ tật nguyền cũng đều cung kính tôn trọng, không cho mình là người cao quý, mà có thái độ xem  thường hay khinh rẻ. Tuy hành động bố thí vẫn có phước báu, nhưng lại  tăng trưởng tâm cống cao, ngã mạn làm cho người nhận không vui ắt phải  chịu quả báo không tốt về sau.

Tóm lại, thực hành bố thí cúng dường với lòng hoan hỷ, chân thành,  kính trọng người nhận, đồng thời khởi tâm nguyện cầu Tam Bảo luôn thường trụ thế gian để ta có cơ hội học hỏi đạo lý, phẩm chất làm người, đến  khi xác thân này tan rã không còn nhân duyên bám víu thì nghiệp thức này sẽ dẫn dắt ta tái sinh vào cảnh giới an lành, không bị trôi lăn trong  ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

Khi phát tâm bố thí
Tùy nhân quả chiêu cảm
Như vì thương mà thí
Quả chắc được an vui.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.