Chuyển Pháp Luân và Tứ Diệu Ðế – Phần 2

I-4 LUẬN VỀ NGUYÊN NHÂN CỦA KHỔ

Diệu Ðế thứ nhì

Diệu Ðế thứ nhất Ðức Phật dạy về khổ mà Ngài đã giác ngộ. Xin ví như đức Thế Tôn dạy về loài hổ rất hung dữ hằng ăn thịt người, Ngài sợ chúng sanh không biết hình dáng hổ ra sao nên Ngài mới bắt về nhà nhốt trong chuồng cho chúng sanh xem cho biết hình dáng sức mạnh và tiếng gầm của nó. Ý nói rằng: Ngài dạy rất rõ về Khổ để chúng sanh đã nhận thức và kinh sợ khổ thật chớ không phải sơ sơ như chúng ta hằng ngày.

Diệu Ðế thứ nhì là phương pháp diệt Khổ, hay nói cho đúng là phương pháp chống lại hay giết hổ dữ, vì vậy xin quí vị cố suy nghĩ bằng trí tuệ cho kỷ để hiểu rõ những gì mà Ngài đã dạy. Ngài dạy rằng Diệu Ðế là Tập Đế này Ngài cố tâm tìm kiếm hằng 20 A Tăng Kỳ và 100 ngàn kiếp mới gặp dưới cội Bồ đề sau 6 năm khổ hạnh.

Diệu Ðế này là Tập Diệu Ðế

Tập Khổ Diệu Ðế nghĩa là nguyên nhân phát sanh khổ. Ý nói nó là nguyên nhân làm cho chúng sanh phải bị trầm luân trong biển khổ phải bị khổ đủ mọi phương diện.

Tóm sơ lược lời Phật dạy trong bài Chuyển Pháp Luân: Idam kho pana bhikkhave dukkhasamudayo ariyasaccam yà yam tanhà ponobbhavikà v.v… Nghĩa là: Này các thầy Tỳ Khưu, đây là nhân sanh khổ thật sự là Ái dục. Ái dục là nhân sanh làm cho chúng sanh phải sanh vào cảnh giới mới, khi ấy lại phải lẫn lộn với sự ham muốn trong các đề mục (sự việc bên ngoài) là:

– Sự ưa muốn sanh trong cõi dục
– Sự ưa thích sanh vào cõi sắc
– Sự ưa thích sanh vào cõi vô sắc

Theo lời Phật dạy nên cho chúng ta thấy rõ có 3 giai đoạn là:

1) Nguyên nhân sanh khổ là do nơi ở Ái dục
2) Giải rõ cho thấy Ái dục là sự ưa thích sanh vào 3 cõi là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới (thường gọi là Tam giới).
3) Phân giải tỉ mỉ về Ái dục.

Tôi (soạn giả) xin gom lại giải 3 điều là:

1) Nguyên nhân sanh khổ
2) Sự hành động của Ái dục
3) Ái dục

Nguyên nhân sanh khổ

Nói về Khổ vì các vị Giáo Chủ khi xưa hay đồng thời với Ðức Phật giải thích một cách mù mờ. Nhưng có thể tóm lại là: Các vị ấy dạy rằng: Phước tội do nơi một đấng thiêng liêng ban cho và trừng phạt. Vậy người muốn các Ngài không trừng phạt và ban cho hạnh phúc thì phải thừa hành theo lề lối của vị thiêng liêng tồi cao ấy. Chung qui đều thuộc về thần giáo nghĩa là dạy trong sự tin tưởng thần linh hộ trì giúp đở.

Sở dĩ mà đức Thế Tôn được người thời ấy bỏ đạo của họ theo Ngài là vì đức Thế Tôn Giáo ngộ được chánh Pháp là nhân sanh khổ và Ngài giải rõ nhân sanh khổ, và nhân vật diệt khổ. Không có một Ðấng thiêng liêng nào cho phước và hành tội chúng sanh mà tự chính chúng sanh làm cho mình khổ. Hiện nay là thời kỳ nguyên tử rất có nhiều vật mà từ xưa chưa hề khám phá ra được mà các nhà bác học khám phá ra được, nhưng những lời Phật dạy vẫn còn là phương pháp duy nhất bất dịch mà trái lại các nhà bác học vẫn hành theo.

Nhân sanh khổ mà đức Thế Tôn dạy là pháp mới không thể đề cử và ngoài vị Chánh Ðẳng Chánh Giác không ai hiểu thấu nổi. Nên khi Ngài thuyết Tứ Diệu Ðế gọi là Chuyển Pháp Luân, tôi xin nói là khi Ngài thuyết xong thời pháp ấy, chính Ngài thay đổi tất cả vạn vật nghĩa là Ngài lật rõ bộ mặt thật của vạn vật mà Ma Vương cố che đậy từ vô lượng kiếp tới ngày ấy. Nên bài kinh ấy gọi là xoay bánh xe Pháp (Chuyển Pháp Luân).

Thuyết nhân sanh khổ là Ái dục là thuyết không ai cải được làm cho người thời xưa chỉ mới nay ai ai cũng phải nhìn nhận và vâng giữ hành theo. Và cũng nhờ ấy mà Phật giáo truyền bá rất sâu rộng và rất nhanh.

Tứ Diệu Ðế là 4 Pháp thật quí báu mầu nhiệm và chân chánh là pháp chứng minh rằng: Phật Giáo không phải là một tà thuyết, không phải là nhất thần giáo hay đa thần giáo mà là một đạo giải thoát thật sự là nhờ biết rõ khổ, nhân sanh khổ và phương pháp diệt khổ và Niết Bàn là nơi không còn khổ.

Nguyên nhân sanh khổ có rất nhiều nhưng đức Thế Tôn không dạy những cái khổ đến sau, hay những cái khổ không đầy đủ lý do để ch?ng minh rõ rệt, như nói khổ ấy do nơi một đấng thiêng liêng hành phạt. Trái lại Ngài dạy rằng: Khổ não sanh lên cũng đều do nơi ta. Ðây tôi xin đem lại một ví dụ nhỏ để quí vị dễ chứng minh.

Anh A gây với vợ vì đi chơi bỏ phế việc gia đình.
Anh B bị mất sở vì việc làm không chu đáo.
Anh C bị tù tội vì trộm cắp.

Trong 3 anh này bị khổ khác nhau nhưng chung qui cũng vì Ái dục mà ra. Nếu những người ấy không làm quấy thì đâu bị tai nạn như trên.

Người đời khổ vì sự thương, muốn mà ra cả. Vậy đức Giác Ngộ dạy khổ sanh ra vì Ái dục.

Sự hành động của Ái dục

Ái dục ngụ ý chỉ sự thương yêu, mong muốn ấy là nền tảng của Tâm người thế tục, ngoại trừ các bậc Thánh Nhơn. Vì Ái dục là sự thương yêu mến tiếc,nên trong chú giải có để câu hỏi rằng: ai cũng có Ái dục xấu xa hết chăng? Ðức Phật muốn thuyết pháp độ đời vì thương chúng sanh, vậy Ðức Phật cũng còn Ái dục chăng?

Khi quí vị bị hỏi như thế này, nên nhớ đến một đoạn trong bài kinh Chuyển Pháp Luân, Ðức Phật có dạy: Ái dục có 3 trạng thái cho ta thấy nó là phiền não để trả lời cho câu hỏi ấy.

Ba trạng thái của Ái dục là:

– Ponobbhavikà: Nghĩa là tạo ra cảnh giới mới cho kiếp lai sinh cho mình
– Nandiràgasagatà: Lẫn lộn với tham ái
– Tatrathàbhinandinì: Vui thích trong các đề mục của tham ái

Ba điều trên là 3 trạng thái của ái dục. Ðức Thế Tôn thuyết pháp độ đời vì lòng từ bi dạy chúng sanh bỏ 3 trạng thái nói trên của Ái dục để đi tới nơi yên lặng hoàn toàn giải thoát. Nên chỉ sự hành động của Ngài không gọi là Ái dục mà gọi là giải thoát.

Pháp của Ngài không khác gì chiếc thuyền có đầy đủ tiện nghi ở giữa bể trầm luân. Chúng sanh là người đang bị tầm luân trong bể khổ. Khi trông thấy chiếc thuyền như người được nghe, được gặp Pháp bảo. Khi biết rằng chiếc thuyền ấy có đủ tiện nghi và dành để cho ai là người muốn vượt qua khỏi bể trầm luân thì cứ lên rồi lái vào bờ là nơi giải thoát.

Theo ví dụ trên thì sự muốn cho chúng sanh khỏi luân hồi không gọi là lòng Ái dục được.

Ba điều Ái dục là:

– Kàmatanhà: Ái dục trong cõi dục
– Bhavatanhà: Ái dục trong cõi sắc.
– Vibhavatanhà: Ái dục trong cõi vô sắc

Ái dục trong cõi dục nghĩa là người còn ưa thích ham muốn sanh vào cõi dục là cõi còn có ngũ trần là sắc, thinh, huơng, vị, xúc và tài tình, danh lợi.

Ái dục trong cõi sắc ý nói người còn muốn sanh vào cõi sắc thân này, nhưng không ham mê ngũ trần, không có tài tình, danh lợi.

Ái dục trong cõi vô sắc ý nói hạng này không còn có sắc nhưng thọ, tuởng, hành, thức. Vẫn còn, nhưng không ham mê gì cõi dục hay sắc. Nhưng lại còn ham muốn có cái vô sắc ấy, đây thật là phiền não rất vi tế. Nếu không phải là vị Đại giác thì không bao giờ tầm cho ra nguyên nhân để giải thoát khỏi luân hồi được.

Chung qui là khi còn ham muốn hay ưa thích một điều gì là còn phiền não, còn luân hồi.

Phận sự của Tập Diệu Đế là

Ðức Thế Tôn dạy diệt bỏ nghĩa là càng ngày càng bớt Ái dục dần dần xuống cho đến mức độ chót là không còn có một tí nào, có nghĩa là khô cạn. Sự dứt bỏ Ái dục phạn ngữ gọi là Pahàna. Nghĩa là diệt trừ, cũng có khi gọi là Pahànakicca nghĩa là phận sự phải diệt trừ.

Nếu nói về Khổ đế người cần biết rõ khổ là được. Nhưng nếu nói đến Tập đế cần có sự hành nghĩa là làm thế nào dứt bỏ được khổ.

Vấn đề quan trọng là: phương pháp hành trì để dứt bỏ được bằng cách nào? – Xin quí vị hãy xem phần Đạo Diệu Ðế tiếp theo, đó là phương pháp diệt trừ khổ.

Phật ngôn:

Dukkhasamudayo ariyasaccam pahàtabbam: Diệu Ðế này là Tập đế cần phải diệt trừ.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.