Chuyển Pháp Luân Và Tứ Diệu Đế – Phần 4

Phần II – BỐN CHÂN LÝ CAO SIÊU (Tứ Diệu Ðế – Ariya Sacca)

XIN ÐỘC GIẢ LƯU Ý KHI BƯỚC VÀO NỘI DUNG

– Chữ đứng là những câu Phật ngôn.

– Chữ nghiêng là lời giải thích của Ðại đức Nyanatiloka và của soạn giả.

– Số và chữ bên lề ghi những phẩm của Tạng Kinh:

D … Digha Nikàya (Trường Bộ)
M … Majjhimà Nikàya (Trung Bộ)
A … Anguttara Nikàya (Tăng Chi)
S … Samyyutta Nikàya (Tương Ưng)
DHP … Dhammapada (Pháp Cú)
UD … Udàna (Phật Tự Thuyết)
IT … Itivuttaka (Phật Thuyết Như Vậy)
SUP … Sutta Nipàta (Kinh Tập)
VM … Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Đạo)

M. 141 – “Hỡi các Tỳ Khưu! Ðấng trọn lành, Ðấng siêu việt, Ðấng hoàn Toàn Giác Ngộ đang xây dựng tại vườn Lộc Giả (Isipatana) gần thành Bàranasì một giang sơn tuyệt vời về chân lý mà trong khắp các giới: Ðạo sĩ, Bà La Môn, Phạm Thiên, người, Ma Vương, A Tu La hay một ai khác không sao phủ nhận.

Ðấng Chí tôn đã công bố, khai sáng chỉ dẫn, giải thích đúng theo thực tế về 4 chân lý cao siêu như thế nào?

Chân lý cao siêu về sự Khổ.
Chân lý cao siêu về nguyên nhân sự Khổ.
Chân lý cao siêu về sự dứt Khổ.
Chân lý cao siêu về con đường đưa đến nơi dứt Khổ”.

S. 54 – Ðức Thế Tôn thuyết: “Này các đệ tử! Trước khi thành đạt trí tuệ cùng tột và 4 chân lý cao siêu chưa phát hiện rõ rệt, đã hèn lâu ta nghi ngờ về tư cách Giác Ngộ mà từ xưa tới nay, trên khắp thế gian chẳng có hạng chúng sanh nào thông suốt kể cả: Ðạo sĩ, Bà La Môn, Phạm Thiên, Ma Vương, A tu la, nhân loại. Chỉ có khi thấu rõ và thành đạt tuệ giác về 4 chân lý cao siêu ấy, ta mới quả quyết là đã đến nơi hoàn Toàn Giác Ngộ không có chi sánh bằng”.

M. 26 – “Rồi Như Lai khám phá ra được chân lý cao thâm huyền diệu đó, rất khó lĩnh hội, khó thông suốt. Nó đem lại an vui tuyệt đối, nhưng không thể thành tựu bằng lý luận và chỉ có bậc hiền triết mới thấu rõ.

Chúng sanh lại chú trọng về những thú vui, say mê trong hỷ lạc, hân hoan trong sự bê tha, không thấu rõ về qui luật về cội rễ của vạn vật, không thông suốt tư cách kết thúc của những vật hữu vi, không chịu huỷ diệt nguyên tố tái sanh, tham muốn để chứng quả Niết Bàn.

Tuy nhiên cũng có hạng chúng sanh với đôi mắt chứa ít bụi nhơ sẽ thấy được chân lý cứu cánh”.


II-1 CHÂN LÝ CAO SIÊU VỀ SỰ KHỔ (Khổ đế – Dukkha Ariya sacca)

D.22 – “Thế nào là chân lý cao siêu về sự Khổ?

Tư cách sanh trưởng là Khổ. Sư suy bại Già nua là Khổ, chết là Khổ, Ðau đớn là Khổ. khóc than, phiền não, thất vọng, muốn không được là Khổ. Năm uẩn bảo trì nguồn sống là Khổ”.

SANH LÀ THẾ NÀO?

“Trạng thái sanh trưởng của chúng sanh thuộc các giới cấp từ lúc ra đời, sự cấu tạo suốt quá trình đi đến kiếp sống, tư cách bừng tỉnh cả Ngũ Uẩn, cội rễ của đời sống, sự hoạt động của lục căn đều gọi là sanh”.

GIÀ LÀ GÌ?

“Trạng thái Già nua của chúng sanh thuộc các giới cấp đã có nhiều tuổi thọ, xác thân rệu rã, suy nhược nhăn nhó, giảm sinh khí, lục căn mòn mỏi đều gọi là Già”.

SAO GỌI LÀ CHẾT?

“Tư cách từ biệt sự ra đi vĩnh viễn của chúng sanh thuộc các giới cấp, xác thân tan vỡ hư hoại,nguồn sống đứt đoạn, Ngũ Uẩn phân tán, thân thể không còn, đều gọi là Chết”.

THẾ NÀO GỌI LÀ KHỔ SẦU?

“Trường hợp phát sanh phiền muộn vì mất mát, thiệt thòi làm cho điên đảo, hoảng hốt, tủi sầu, thất vọng trong tâm não đều gọi là sầu Khổ”.

THAN TIẾC LÀ GÌ?

“Tai nạn sụp đổ, mất mát thiệt thòi về tài sản hay vật quí trọng gây ra phiền muộn âu sầu, bơ vơ luyến tiếc, tủi phận đó là sự than tiếc”.

SAO GỌI LÀ ÐAU ÐỚN?

“Xác thân bị hành hạ đánh đập. Gặp việc trái ý nghịch lòng, cảm xúc não nề, không vui thích khi xác thịt đụng chạm, đều làm cho đau đớn”.

SỰ KHỔ TÂM?

“Lương tâm cắn rứt, chán ghét vật không vừa ý, cảm giác khó chịu, nhờm chán trong khi xác thân đụng chạm, đó là Khổ tâm”.

THẤT VỌNG?

“Là những nguy cơ phát sanh do tai hoạ, mất mát, hư hoại vô phương cứu vãn gọi là thất vọng”.

KHỔ VÌ MUỐN MÀ KHÔNG ÐƯỢC

“Ðối với hạng chúng sanh còn mắc trong luân hồi thường có ý nghĩ như vầy: Than ôi! Phải chi ta không bị luân hồi. mong sao ta không khỏi tái sanh nữa!

Hoặc giả đang bị những cảnh: Bệnh tật, Già nua, từ biệt, khổ đau, thất vọng chi phối, chúng sanh đó lại ước mong: “Than ôi! Phải chi những tai hoạ ấy đừng đến với ta! Phải chi ta không vấp phải những điều như vậy!” Nhưng không thể cầu mong suông mà được – lẽ đó sự chẳng toại nguyện là Khổ”.

LUYẾN ÁI NGŨ UẨN (KHANDHA)

“Năm uẩn đó là: hình thể (sắc), cảm giác (thọ), chấp nhận vào tâm (tuởng), phối hợp tư tưởng (hành), hiểu biết (thức).

Tư cách chấp trước cho rằng những uẩn ấy là ta, đó là nguồn gốc đem lại muôn vàn thống khổ”.

S.21- “Hiện tượng vật chất nào, bất cứ ở nơi ta, dù nó thanh cao hèn hạ, ở xa hay gần, đều thuộc sắc uẩn làm cho phát sanh luyến ái.

Thọ thuộc uẩn thọ.
Tưởng thuộc về uẩn tưởng.
Hành thuộc về uẩn hành.
Thức thuộc về uẩn thức”.

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYNATILOKA (theo Abhidhamma – Vi Diệu Pháp)

Cái mà chúng ta gọi là đời sống cá nhân, trên thực tế chỉ là một chuỗi dài các trạng thái về thể xác (vật chất) và tâm thức (tinh thần) được gọi là danh và sắc (nàmarùpa). Những trạng thái đó có từ vô thỉ trước kiếp sống hiện tại và sẽ tiếp tục mãi sau khi chết, và cứ như thế trong thời gian vô cùng tận. Các uẩn kể trên dù riêng rẽ hay phối hợp nhau lại, cũng chẳng phải là một “thực ngã” (Entité-Ego, tiếng Palì là Atta), mà cũng không có một thực ngã nào ở bên ngoài. Tin tưởng vào một thực ngã trong mỗi con người là sự mơ hồ lầm lẫn.

Cũng như chúng ta đặt tên vật nọ là cái xe. Thật ra cổ xe đó không sao thể hiện được nếu chẳng có sự chấp nối của nhiều bộ phận khác nhau như: thùng xe, vành, trục, cần v.v… hoặc giả cái nhà là tổ hợp của vật liệu và kiểu mẫu, bằng phương thức khác nhau, chớ không có gì “thực thể của cái nhà”.

Nói về sự vật hay con người cũng thế. Ðây là sự cấu hợp của các hiện tượng vật chất và tâm lý bị thay đổi không ngừng và những hiện tượng đó chẳng có tình trạng tồn tại nào cả.

SẮC UẨN HAY LÀ UẨN VỀ THỂ XÁC LÀ THẾ NÀO?

M.28 – “Là 4 nguyên tố căn bản mà xác thân tuỳ thuộc vào đó: Chất rắn chắc, chất lưu động, chất nóng và chất rung chuyển”.

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYNATILOKA (theo Abhidhamma)

Nói rõ hơn, những nguyên tố trên đây là bốn chất đơn giản. Theo Phạn ngữ Pàli là: Pathavi dhàtu. Apo dhàtu, Tejo dhàtu và Vayo dhàtu, có nghĩa là: bất động, kết hợp, rọi sáng và rung chuyển.

Theo Abhidhamma, xác thân có 24 tinh chất tuỳ thuộc vào các nguyên tố đó là: mắt, mũi, tai, lưỡi, thân thể, sắc tướng, âm thanh, mùi vị, phái nam, phái nữ, sinh lực, cơ quan, tư tưởng, điệu bộ, lời nói, khoảng trống (như lỗ mũi, lỗ tai v.v…) nhậm lẹ, dẻo dai, đồng hoá, tiến triển thời gian, già nua, sai biệt biến chất.

1) Nguyên tố rắn chắc (Pathavi-dhàtu) – Đất

Những chất mang tính cách rắn chắc hiện có trong thân ta hay thân khác đều là chủ quan và khách quan.

Chất nào ở trong thân ta có tánh cách cứng rắn chắc đều là chủ quan, như: tóc, lông, móng, răng, da thịt, gân, xương, tuỷ, thận, tim, gan, hoàn cách mạc, lá mía, phổi phèo, bao tử, ruột, phẩn và tất cả những gì mang tánh cách như vậy đều gọi là “nguyên tố rắn chắc chủ quan”, còn ở ngoài ta thì gọi là “khách quan”. Tuy nhiên, dù chủ hay khách quan, đó cũng chỉ là “nguyên tố rắn chắc” Mà thôi. Vậy cần phải nhận định bằng trí tuệ đúng theo chân lý như vầy: “Ðó không thuộc về ta, mà cũng chẳng phải là ta”.

2) Nguyên tố lưu động (Àpo-dhàtu) – Nước

Những chất mang tánh cách lưu động hiện có trong thân ta hay thân khác đều là chủ quan và khách quan. Chất nào ở trong thân ta có tánh cách lưu động; ướt mềm đều là chủ quan như: mật, đàm, mũ, máu, mùi hôi, nước mắt, nước mũi, nước giãi, nước tiểu, huyết thanh, nước khớp xương, và tất cả những gì mang tánh cách như vậy đều gọi là “nguyên tố lưu động chủ quan”, còn ở ngoài ta thì gọi là “khách quan”. Tuy nhiên, dù chủ hay khách quan, đó cũng chỉ là “nguyên tố lưu động” mà thôi. Vậy cần phải nhận định bằng trí tuệ đúng theo chân lý như vầy: “Ðó không thuộc về ta, mà cũng chẳng phải là ta”.

3) Nguyên tố nóng (Tejo-dhàtu) – Lửa

Những chất mang tánh cách nóng hiện có trong thân ta hay thân khác đều là chủ quan và khách quan. Nguyên tố nào ở trong thân ta có tánh cách phóng quang, nóng đều là chủ quan như những trạng thái ấm áp, đun đốt, rọi sáng do những vật thực ăn uống đưa vào được nhai nếm, tiêu hoá làm phát sanh phóng quang và hơi nóng, và tất cả những gì mang tách cách như vậy đều gọi là “nguyên tố nóng chủ quan”, còn ở ngoài ta thì gọi là “khách quan”. Tuy nhiên, dù chủ hay khách quan, đó cũng chỉ là “nguyên tố nóng” mà thôi. Vậy cần phải nhận định bằng trí tuệ đúng theo chân lý như vầy: “Ðó không thuộc về ta, mà cũng chẳng phải là ta”.

4) Nguyên tố rung chuyển (Vàyo-dhàtu) – Gió

Những chất mang tánh cách rung chuyển hiện có trong thân ta hay thân khác đều là chủ quan và khách quan. Nguyên tố nào ở trong thân ta có tánh cách lay động, bốc hơi, rung chuyển, đều là chủ quan, như những luồn hơi di động lên xuống trong châu thân, hơi trong dạ dày, ruột, hơi thở ra vô, và tất cả những gì mang tách cách như vậy đều gọi là “nguyên tố rung chuyển chủ quan”, còn ở ngoài ta thì gọi là “khách quan”. Tuy nhiên, dù chủ hay khách quan, đó cũng chỉ là “nguyên tố rung chuyển” mà thôi. Vậy cần phải nhận định bằng trí tuệ đúng theo chân lý như vầy: “Ðó không thuộc về ta, mà cũng chẳng phải là ta”.

Cũng như cái nhà bằng đất thành hình do gỗ, sậy, bùn trộn lộn với nhau, cái mà chúng ta gọi là xác thân chỉ là sự phối hợp của xương, thịt, gân, da, máu v.v…

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.