Duyên Khởi

III. TỨ DUYÊN:

Để nhận thức rõ hơn về ý nghĩa và vai trò của Duyên đối với các pháp, các luận sư Phật giáo đã giải thích bốn loại duyên như sau:

1. Nhân Duyên (Pratyayàhetu):

Các pháp sinh khởi là do quan hệ nhân và duyên. Nhân là yếu tố chính để sinh ra pháp. Duyên là yếu tố phụ hỗ trợ cho chính nhân để pháp sinh ra. Như hạt lúa giống là nhân, đất nước phân bón thời tiết là duyên để cho cây lúa sinh ra. Cả hai nhân và duyên đều cùng tương quan tùy thuộc vào nhau để làm cho pháp sinh khởi. Theo Luận Trung Quán của Bồ Tát Long Thọ thì tương quan nhân duyên này áp dụng cho tất cả pháp hữu vi.


2. Đẳng Vô Gián Duyên hay Thứ Đệ Duyên (Anantara Pratitya):

Duyên làm cho pháp sinh khởi liên tục không gián đoạn. Tức là cái duyên tác trợ cho pháp này sinh và cũng làm duyên cho pháp khác sinh khi pháp này diệt, cứ thế liên tục không gián đoạn. Theo Ngài Long Thọ trong Luận Đại Trí Độ thì loại duyên này chỉ cho tâm tâm số pháp của sinh hoạt tâm lý, vì trong sinh hoạt tâm thức, ý niệm này sinh diệt rồi ý niệm khác sinh diệt, cứ thế thứ lớp sinh khởi không ngừng, ngoại trừ tâm số pháp tối hậu của vị A La Hán, vì vị A La Hán khi vượt qua tối hậu tâm thì nhập vào trạng thái tâm bất động, tâm không còn sinh diệt biến dị như pháp hữu vi nữa.

3. Sở Duyên Duyên (Alambana Pratitya):

Duyên làm đối tượng cho pháp nương tựa vào để sinh khởi. Pháp không tự mình sinh khởi được, cho nên phải nương tựa vào pháp khác để phát sinh, pháp làm đối tượng cho pháp khác bám vào, nương vào để sinh khởi thì chính là sở duyên duyên. Duyên này phổ cập đối với tất cả các pháp sắc và tâm.

4. Tăng Thượng Duyên (Adhipateyam Pratitya): 

Duyên trợ lực cho pháp sinh khởi và tồn tại. Duyên này cũng có mặt trong hết thảy pháp. Ngược lại với tăng thượng duyên là những nghịch duyên làm trở ngại cho các pháp khởi sinh và tồn tại. Như thiện pháp là thuận tăng thượng duyên cho hạt giống bồ đề sinh trưởng, ngược lại ác pháp là nghịch duyên làm trở ngại sự sinh trưởng của hạt giống bồ đề.

IV. NGŨ CHỦNG DUYÊN KHỞI:

Các nhà tư tưởng Phật học căn cứ trên giáo nghĩa Duyên khởi trong các Kinh Luận của các bộ phái, các tông phái đã đề xuất ra năm loại giáo thuyết Duyên khởi như sau:

1. Nghiệp Cảm Duyên Khởi:

Giáo nghĩa này thuộc hệ thống A Tỳ Đàm, vì một trong những tư tưởng trọng yếu của A Tỳ Đàm là lý thuyết về nghiệp, đặc biệt là trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận, Đại Luận sư Thế Thân đã diễn giải rất tinh tường về quan điểm nghiệp. Nghiệp, dù là trong giai đoạn nào: gia hạnh nghiệp đạo, căn bản nghiệp đạo, hay hậu căn bản nghiệp đạo, đều được khởi sinh trong ý nghĩa tương quan tương duyên của duyên khởi. Điều đó có nghĩa là một ý niệm, một lời nói, hay một hành động dẫn đến kết nghiệp đều không thể tự nó sinh khởi độc lập mà không nương tựa, tùy thuộc hay tương quan đến bất cứ pháp nào khác. Chẳng hạn, một ý niệm dù đơn thuần cách mấy cũng phải có mặt của một thân xác ngũ uẩn, sự hoạt động của ý thức, kinh nghiệm của xúc đang hiện tiền hay đã trải qua, trần cảnh dù là trong trạng thái độc ảnh cảnh, v.v.. Trong quá trình từ nghiệp nhân đến nghiệp quả, yếu tố duyên vô cùng quan trọng, vì nếu thiếu duyên thì ngay cả nghiệp nhân cũng không thể hình thành huống gì đến nghiệp quả. Thí dụ, trong giai đoạn căn bản nghiệp đạo, hai yếu tố biểu sắc và vô biểu sắc đóng vai trò là những duyên quyết định then chốt, vì mọi hành động đều phải dựa vào động tác của biểu sắc để khởi sinh, sau khi biểu sắc khởi tác động biểu nghiệp thì vô biểu sắc có nhiệm vụ hình thành vô biểu nghiệp để duy trì và dẫn đến nghiệp quả. Không phải chỉ có sự hiện hữu của chánh báo mới bị chi phối bởi nghiệp, sự có mặt của y báo chung quanh chúng sinh cũng do nghiệp chiêu cảm.

2. A Lại Da Duyên Khởi:

Quan điểm về nghiệp của A Tỳ Đàm vẫn chưa nêu bậc vai trò quyết định trọng yếu của yếu tố tâm thức, mặc dù trên thực tế hành nghiệp tâm thức chính là yếu tố hàng đầu không thể thiếu vắng. Như Kinh Pháp Cú, Phẩm Song Yếu, kệ số 1, đức Phật dạy: Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả…….. Chính vì vậy, các vị Đại Luận sư của hệ thống giáo nghĩa Duy Thức đã soi sáng chức năng trọng đại của thức A Lại Da trong việc hình thành và duy trì sự tồn tại của căn thân và thế giới. Giáo nghĩa này đã được nói đến trong Kinh Giải Thâm Mật, Luận Du Già Sư Địa, Duy Thức Tam Thập Tụng, Thành Duy Thức, v.v.. A Lại Da là thức thứ tám tính theo thứ tự của tám thức tâm vương. Thức A Lại Da được hình thành bởi sự huân tập của chủng tử qua sinh hoạt của thức, căn thân và đối cảnh, nó tồn tại dưới dạng thức năng lực sinh diệt không ngừng nghỉ, không bị gián đoạn dù là một sát na tâm, cho đến khi chứng nhập A La Hán quả hay Đệ bát Bất Động Địa. Như vậy, sự hình thành và tồn tại của A Lại Da là do duyên chứ nó không thể tự sinh tồn. Mặt khác, căn thân và thế giới hay chánh báo và y báo mà chúng sinh đang có là nương vào thức A Lại Da mà sinh khởi và tồn tại, hay nói rõ hơn trong sinh hoạt tác nghiệp của chúng sinh vốn đã huân tập những chủng tử là nền tảng cơ bản để hình thành căn thân và thế giới được thức A Lại Da duy trì cho đến khi hiện khởi.

3. Chân Như (Như Lai tạng) Duyên Khởi:

Nếu A lại da là nguồn cội duy trì và phát sinh của căn thân và thế giới, thì chính A lại da cũng là pháp bị chi phối bởi duyên khởi, có nghĩa là A lại da cũng vô thường, biến dị, sinh diệt không ngừng. Nhưng mà một pháp vô thường biến dị không thể tự sinh, vậy thì A lại da do đâu mà khởi, cái gì là căn nguyên của nó? Nếu pháp giới chỉ toàn là pháp sinh diệt biến dị thì đâu là chân thân thường tại không khứ không lai?

Hệ thống giáo nghĩa Chân như duyên khởi ra đời nhắm vào trọng tâm diễn giải một cách đầy đủ căn nguyên và sự hiện hữu của cả hai bình diện chân như và sinh diệt mà đại biểu chính là Kinh Lăng Già, Kinh Thắng Man, Luận Đại Thừa Khởi Tín của Bồ tát Mã Minh.

Như Lai Tạng là thai tạng giới cưu mang cả chân như và pháp sinh diệt. Bất giác vô minh thì pháp sinh diệt khởi sinh. Trực ngộ chân tánh thì chân như hiển lộ. Nương vô minh nên các pháp tiếp tục huân tập chủng tử sinh diệt, rồi điên đảo hư vọng trôi lăn trong ba cõi sáu đường. Quy về chân tánh, phản tác tự kỷ, liễu ngộ nguồn chơn, như thật hướng tâm về chánh giác, dứt trừ vọng niệm, xả bỏ tác nghiệp điên đảo, thì chấm dứt vòng sinh tử khổ não. Cho nên, chơn hay vọng, giác hay mê đều từ một nguồn gốc mà ra, rồi cũng về cùng một nơi chốn. Nơi chốn ấy chính là Như lai tạng tâm, vốn bất sinh bất diệt, không khứ không lai, đầy đủ trí đức không hề suy giảm.

4. Lục Đại Duyên Khởi:

Các nhà Mật tông cho rằng pháp giới được tựu thành do sáu duyên lớn: Địa, thủy, hỏa, phong, không và thức. Địa, thủy, hỏa, phong và không là những duyên hình thành sắc pháp. Thức chính là tâm pháp. Về mặt pháp tướng thì lục đại xem như có sự sai biệt trên dạng thức hiện hữu, nhưng về mặt pháp tánh thì lục đại dung thông vô ngại, nghĩa là ở trong pháp giới lục đại đều có mặt khắp cả mà không hề trái chống nhau, cho nên, mới có sự tựu thành kỳ diệu của tất cả các pháp từ hữu tình đến vô tình. Cũng trên mặt pháp tính, Phật và chúng sinh vốn bình đẳng không sai biệt.

5. Pháp Giới Duyên Khởi:

Các pháp đã do duyên mà hiện khởi thì ắt phải có mối tương quan tương duyên chặc chẽ nhau, và nếu có thể dò tìm mối liên hệ duyên khởi này thì chắc chắn có thể thấy được sự tương liên tương hệ rộng lớn bao la không cùng. Thí dụ, một chúng sinh hiện hữu là do nhiều duyên, trong đó có cha mẹ, ông bà, giòng họ huyết thống của nhiều đời nhiều kiếp, có các duyên như thức ăn, quần áo mặc, nước uống, nhà cửa ở, trường học, sở làm, bạn bè thân thích, truyền thống văn hóa, giáo dục, đạo đức, tôn giáo, tín ngưỡng, tập tục của quốc gia sinh trưởng, những ảnh hưởng của xã hội về mặt văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị, tôn giáo, v.v.. Nếu chúng ta có thể vẽ hết các duyên sinh thành và tồn tại của một pháp lên trên mảnh giấy thì mảnh giấy đó nhất định phải rộng lớn như pháp giới về mặt thời gian và không gian, mới có thể diễn bày được hết mối tương quan tương duyên mà pháp đó đã có, đang có và sẽ có. Cho nên, sự hiện hữu của một pháp trong ý nghĩa duyên khởi chính là mối tương quan tương duyên trùng trùng vô tận trong pháp giới. Một pháp như thế, tất cả pháp cũng như thế. Vì vậy pháp giới là một màng lưới tương quan tương duyên không cùng tận trong thời gian và không gian. Giáo nghĩa này đã được phô diễn đến chỗ tinh mật trong Kinh Hoa Nghiêm và về sau trong Tông Hoa Nghiêm. Trong Kinh Duyên Khởi Pháp, số 299, của Tạp A Hàm, đức Phật dạy:

Thử hữu cố bỉ hữu, thử sinh cố bỉ sinh.

Pháp này có cho nên, pháp kia có, pháp này sinh cho nên, pháp kia sinh.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.