Câu chuyện một đêm giao thừa

Một hôm có một bà khách quen đã trọng tuổi, nhà ở gần đó đến quán ăn cơm. Hôm đó đã xế trưa, quán vắng khách, chị Ba cũng xong việc, hai người lân la nói hết chuyện này lại bắt sang chuyện khác. Sau cùng bà khách kể cho chị Ba Mén nghe về một ngôi chùa nhỏ tên là thiền thất Phật Đà ở trong một con hẻm phía bên kia đường, cách quán cơm khoảng vài trăm thước. Thầy trụ trì là một vị sư già thuyết giảng rất hay. Thầy chuyên giảng kinh Pháp Cú. Kinh gồm bốn trăm hai mươi ba tiết, mỗi ngày thầy giảng một tiết, khi nào giảng hết thì thầy lại giảng lại từ tiết đầu. Chị Ba Mén chẳng hiểu Đạo Phật là gì cả nhưng cũng muốn đến nghe một lần cho biết. Một hôm chị dọn dẹp bếp núc xong, tắm rửa thay quần áo sạch sẽ và tìm đến thiền thất Phật Đà.

Bỏ dép bước vào gian chính điện nhỏ xíu, chị Ba Mén nhìn lên bàn thờ Phật. Giữa bông hoa và những ngọn nến lung linh là một pho tượng Phật thật lớn trong tư thế ngồi thiền, vẻ uy nghi và thanh thản. Một vị thầy già gầy nhom ngồi tréo chân trên một tấm phản nhỏ đặt trước bàn thờ. Chung quanh chị hơn ba mươi người đang ngồi yên lặng, hướng vào vị thầy, vẻ mặt họ thật thanh thản và thành kính. Trước cảnh tượng đó chị Ba Mén bàng hoàng cả người, chị có cảm giác như đang bước vào một thế giới khác, một thế giới thật yên lặng và an bình.

Chị chưa biết phải xử trí ra sao thì ngay lúc đó có một chú tiểu từ phía sau bàn thờ Phật bước ra tiến đến gần chị, vái chị một vái và trao cho chị một cái gối nhỏ và ra hiệu bảo chị hãy dùng gối để ngồi. Chị đặt gối xuống chiếu và ngồi lên như một cái máy. Không ai để ý đến chị, thế nhưng chị cảm thấy an tâm một cách lạ thường. Trong gian chánh điện chật hẹp tỏa rộng một bầu không khí thật an bình và thân thiện.

Độ mười lăm phút sau thì vị thầy đánh một tiếng chuông báo hiệu buổi tập thiền chấm dứt. Chú tiểu phía sau bàn thờ Phật lại xuất hiện với một cái mõ lớn và ngồi xuống bên cạnh vị thầy. Tất cả mọi người tụng một bài kinh ngắn, chú tiểu gõ mõ đánh nhịp, vị thầy thỉnh thoảng đánh một tiếng chuông. Chị Ba Mén cảm thấy mình lọt vào một thế giới khác, một thế giới thật êm ả, thiêng liêng và hoàn toàn xa lạ đối với chị trước đây. Ít nhất thì cái thế giới đó cũng khác với cái xó bếp ngột ngạt của chị, với cái quán cơm ồn ào và hỗn độn với những người khách đến ăn còn đang đói, hoặc đã no bụng và hả hê.

Sau thời kinh, các người đến chùa đứng lên và hướng vào bàn Phật. Chú tiểu và vị thầy thì đứng trước bàn thờ Phật và hướng vào họ, hai bên đối mặt với nhau. Vị thầy cầm một cái chuông nhỏ đánh khẽ một tiếng, tất cả mọi người mọp xuống để lạy. Vị thầy lạy người đến chùa là một cách trả lễ cho Phật, và đồng thời cũng là để tỏ lòng kính trọng họ như những vị Phật. Người đến chùa thì lạy Phật và cùng lúc cũng lạy cả vị thầy như người đã thay Phật để hướng dẫn họ. Chị Ba Mén cũng bắt chước mọi người mọp xuống để lạy, vụng về và ngượng nghịu. Thế nhưng đồng thời thì chị cũng cảm thấy có một sức mạnh nào đó đang manh nha và chớm nở trong lòng mình, một sức mạnh thật khiêm tốn nhưng bao la và tràn ngập yêu thương. Khi úp mặt lên chiếu để lạy, chị cảm thấy mình trở nên thật nhỏ bé và vô nghĩa, cả cái thân xác cục mịch và nặng nề của mình hình như cũng tan biến hết.

Sau ba lạy thì vị thầy tiến đến gặp chị Ba và cất lời với chị :

– Có lẽ chị đến đây lần đầu ? Chị cứ tự nhiên, nhà của Phật là nhà của mọi người. Mỗi tối đều có một buổi ngồi thiền kéo dài nửa giờ, sau đó là phần thuyết giảng. Nếu chị cần biết thêm điều gì thì cứ hỏi nhé !

Vị thầy ngồi xuống trước bàn thờ Phật, các người đến chùa ngồi thành một vòng chung quanh. Vị thầy cất lời :

– Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem tiết thứ mười chín trong Kinh Pháp Cú muốn nói lên điều gì. Trong câu này Đức Phật nhấn mạnh đến vai trò của sự chú tâm và cảnh giác. Ngài nói rằng một người mê muội, thiếu chú tâm và cảnh giác cũng tương tự như một người chăn bò đếm đàn bò của người khác. Sự chú tâm và cảnh giác giúp chúng ta nhận thấy những gì đang xảy ra chung quanh hầu giúp chúng ta biết trở về với con người đích thật của chính mình.

Vị thầy còn giảng thêm rằng sự chú tâm và cảnh giác đối với những gì mình cảm nhận được bằng thân xác, bằng mắt, tai, mũi, lưỡi và kể cả những xúc cảm và sự suy nghĩ của mình, sẽ giúp mình hòa nhập với thế giới chung quanh dễ dàng, thích nghi và đúng đắn hơn.

Tuy không hiểu hết ý nghĩa của những câu giảng đó, thế nhưng những gì vị thầy vừa nói cũng đã biến cải cả đời sống tinh thần của chị Ba Mén và cũng đã đánh dấu một khúc quanh lớn trong cuộc đời của chị. Từ trước đến nay chị vẫn sống, thế nhưng không hề ý thức được là mình đang sống. Chị không hề cảm nhận được sự sống bên trong nội tâm mình cũng như sự sống đang biến động trong bối cảnh chung quanh. Mỗi ngày chị làm các công việc thường nhật trong bếp như một cái máy. Lắm lúc chị cũng không ý thức được là mình đang làm gì và vừa làm xong được những gì. Mỗi sáng chị chờ các cô phụ bếp đến để cùng đếm với họ thật hăng say và ồn ào những đàn bò trong đầu họ.

Kể từ khi được nghe giảng về sự chú tâm trên đây, chị Ba Mén thường xuyên đến chùa và tham gia vào các buổi ngồi thiền và nghe giảng, chỉ hôm nào mệt lắm thì chị mới không đến chùa. Những lời thuyết giảng của vị sư già đã mang lại cho chị một tâm hồn phong phú, bén nhạy và nhiều yêu thương hơn. Chị cảm thấy gian bếp quả là một nơi nhơ nhớp và hôi hám, nào là mùi khô, mùi mắm, mùi cá, mùi lông gà, huyết heo, lòng heo, mùi kho nấu, chiên xào… bốc lên nồng nặc. Hình ảnh những con gà dẫy chết khi bị cắt cổ, những con cá dẫy dụa khi bị đập đầu, tiếng dao chặt xương, tiếng mỡ sôi trong chảo, kể cả đôi khi tiếng nước tiểu của khách hàng rót vào lỗ cầu trong góc bếp cũng nghe rõ mồn một…, tất cả đã tạo ra một sự kinh hoàng trong gian bếp chật hẹp của chị.

Những lời thuyết giảng của vị thầy già thật ra không hề tạo ra cho chị Ba Mén những khả năng nhận xét mang lại một sự sợ hãi hay kinh tởm nào cả, mà đúng hơn đã giúp chị nhận thấy được bản chất khổ đau của những gì đang xảy ra chung quanh chị, phản ảnh bởi sự thèm khát miếng ăn của con người, bởi bản năng dục tính khích động và xô đẩy họ rơi vào những xúc cảm bấn loạn, những hành động điên rồ và u mê. Ý thức được các điều đó chị Ba Mén liền ăn chay và không còn tham gia vào các câu chuyện tình yêu gây cấn do các cô phụ bếp và chạy bàn kể chuyện với nhau. Mỗi khi trông thấy chậu lòng heo mà mỗi ngày chị phải rửa và phải luộc thì chị đều cảm thấy một chút đau nhói trong lòng. Mỗi khi nghe các cô phụ bếp và chạy bàn hăng say thuật lại hồi thứ năm mươi hay sáu mươi của một bộ phim Hàn Quốc trình chiếu tối hôm qua trên truyền hình, thuật lại chuyện cô này thương cậu kia, cậu kia hất hủi cô nọ…, thì chị Ba cảm thấy thương hại các cô phụ bếp và chạy bàn vô cùng. Suốt ngày đi làm cực nhọc, tối đến thì ngồi xem và đếm những đàn bò trong đầu những diễn viên trên màn ảnh truyền hình.

Chị Ba Mén đảm trách công việc rửa ráy và luộc lòng heo đã từ mấy chục năm nay, từ khi chị còn là một cô bé ốm yếu. Ngồi trên chiếc ghế đẩu, chị đặt thau lòng heo trước mặt, khép hai chân vào nhau, gác cằm lên hai đầu gối, chị dùng dao cắt phèo, bao tử, ruột già, gan, dồi trường, riêng ra thành từng phần. Chị nặn bớt thức ăn đã tiêu hóa nửa chừng trong ruột non để phèo bớt đắng, bởi vì các thức ăn đó đã được pha trộn với mật và các dung dịch tiêu hóa khác tiết ra từ gan và bao tử của con heo. Ngày nay thì chị phải ngồi với một tư thế khó khăn và kém thoải mái hơn nhiều, phải dạng hai chân vì bụng chị to quá. Chị kéo thau lòng heo sát vào bụng và mỗi khi nhìn xuống thì chị lại nhận thấy bụng chị che khuất một nửa thau đựng bộ đồ lòng của con heo. Mỗi khi rửa khúc dồi trường trắng phếu thì chị lại liên tưởng đến khúc dồi trường trong bụng chị.

Trước đây trong bếp có một con chuột cống rất tinh ranh, không ai đuổi bắt hay bẫy được nó. Một hôm chị đang chặt thịt và để ý thấy con chuột ló đầu ra ở khe hở giữa hai thùng phuy đựng nước. Chị giả vờ như không trông thấy nó và vẫn cứ tiếp tục chặt thịt. Bất chợt nó phóng ra giữa sân bếp để tha một miếng thịt văng ra khỏi thớt. Chị Ba Mén bèn ném ngay con dao phay đang cầm trên tay vào người nó. Sống dao đập vào giữa lưng con chuột, nó ưỡn người, bốn chân co quắp và run lên. Con chuột chết ngay sau đó, máu trào ra ở mũi và miệng. Chị Ba rất hãnh diện và khoe thành tích của chị với mọi người. Thế nhưng hôm nay khi chặt thịt và liên tưởng đến chuyện ấy thì chị lại thương hại con chuột vô ngần. Hoàn cảnh của nó thì nào có khác gì với hoàn cảnh của chị đâu, cả hai đều phải tranh đấu để kiếm miếng ăn. Nó thường rình rập nơi khe hở giữa hai thúng phuy, còn chị thì phải tự giam mình trong cái xó bếp chật hẹp này từ mấy chục năm nay. Cái chết của chị cũng đang xảy ra trong từng giây phút một, thế nhưng nhẹ nhàng và chậm chạp hơn, không tức tưởi như cái chết của con chuột. Vào một lúc nào đó cái chết của chị biết đâu cũng sẽ xảy đến thật đột ngột và đau thương như cái chết của nó ? Suy nghiệm về những lời giảng của vị sư già, chị bỗng nhận thấy trước đây mình đã sống như trong một giấc mơ, không hiểu biết gì cả, cũng chẳng ý thức được gì cả. Nào chị có biết đến đàn bò trong đầu mình đâu để mà đếm. Chị chỉ nhìn thấy đàn bò trong đầu của người khác.

Xe đến thị xã Cà Mau lúc nào không hay. Tiếng còi xe inh ỏi trên đường phố lôi chị trở về với thực tại. Xuống xe, tay xách tay ôm, thế nhưng chị vẫn cố gắng gọi xe taxi cho người phụ nữ ngồi bên cạnh, giúp cho cả ba mẹ con ngồi vào xe cẩn thận, sau đó chị mới trèo lên chiếc xe đò nhỏ đưa chị về Năm Căn. Đường ổ gà, xe xóc mạnh, chị ôm giỏ quà vào lòng. Trong giỏ có một chai rượu dâu Đà Lạt, bốn lon bia Tiger và một gói thuốc lá hiệu Con Ngựa, và đặc biệt hơn hết là một hộp yến sào bên trong có sáu hủ. Trời đã xế chiều và chị thì còn phải qua đò và đi xe ôm về Tắc Biển.

Đứng chờ đò ở bờ sông Năm Căn, chị cảm thấy nôn nao trong lòng vì một chốc nữa đây chị sẽ được gặp lại mẹ sau một năm dài xa cách. Chị mơ màng nghĩ đến tối hôm nay chị sẽ trịnh trọng đặt lên bàn thờ chai rượu dâu Đa Lạt pha phẩm đỏ và hương dâu hóa học cạnh bên chiếc nón hoen ố mồ hôi để cúng cha, một người cha mà chị không hề được biết mặt. Chị sẽ đặt một gói thuốc lá mới hiệu Con Ngựa và bốn lon bia Tiger bên cạnh gói thuốc lá Salem nhăn nhúm mà người anh mình đã bỏ quên nhằm để đặc biệt cúng anh mình, một người anh đã từng bồng bế mình ngày nhỏ. Chị sẽ khui một lọ yến sào cho mẹ ăn. Chị nghe người ta nói rằng yến sào rất bổ cho người lớn tuổi.

Đêm hôm nay chị sẽ chui vào mùng ngủ với mẹ trên chiếc chõng tre. Chị sẽ gác đầù lên chiếc ngực lép xẹp của mẹ để lắng nghe tiếng đập của tim mẹ và để cảm thấy hơi thở âm ấm của mẹ luồn vào tóc mình… Bỗng nhiên một ý nghĩ lạ lùng hiện lên trong đầu, chị chỉ muốn mãi mãi nằm trong bụng mẹ để lúc nào cũng được nghe thấy tiếng tim mẹ đập và tiếng phổi của mẹ thở, chị không muốn sinh ra làm người làm gì. Chị ước mơ một ngày nào đó sẽ cùng với mẹ hóa thành những áng mây trên trời. Chị nghĩ thầm : Mong sao được trở về bụng mẹ, xin chớ sinh làm người, ước tan vào hư vô… Những ý nghĩ kỳ quặc và lạ lùng đó khiến chị phải mỉm cười, thế nhưng đồng thời thì nước mắt cứ trào ra và lăn dài trên đôi gò má phúng phính của chị. Con đò máy đang xoay mũi để cặp bến. Trước mặt chị nước sông Cửa Lớn xoáy cuồn cuộn và đục ngầu.

Một vài ghi chú của người viết

Một kiếp người thì nào có khác gì một chuyến xe. Thế nhưng có khi nào chúng ta tự hỏi rằng chuyến xe của đời mình sẽ đưa mình về đâu hay không ? Nếu ra bến xe mua vé và bước lên xe thế nhưng chúng ta lại không biết là chuyến xe ấy sẽ đưa mình về đâu, như thế có phải là đáng buồn hay không ? Sống nhưng không biết mình sống để làm gì thì cũng tương tự như đang ngồi trong một chiếc xe đò đang chạy nhưng lại không biết là nó đi đâu.

Cũng tương tự như thế, khi bước ra đường và gặp một người đang đi, ta hỏi người này :

– Ông, bà, hay cô, chú… đang đi đâu đấy ?

Nếu người này trả lời là họ đi thế thôi và cũng chẳng biết là mình đi đâu, thì có phải đấy là một điều đáng để đau buồn hay chăng ?

Đối với Phật Giáo thì đi như thế gọi là « đi lang thang ». Tất cả chúng ta đang đi lang thang trong một thế giới bất định, một thế giới lẩn quẩn, loanh quanh. Cái thế giới đó Phật Giáo gọi là thế giới luân hồi hay samsara. Nguyên nghĩa tiếng Phạn của chữ samsara là « một tổng thể đang chuyển động » hay « một đám đông đang đi lại », hoặc nói một cách khác là « một đám người đang đi lang thang ». Đi lang thang có nghĩa là bước đi trong một thế giới của ảo giác, trong một giấc mơ triền miên. Trong giấc mơ đó, đôi lúc chúng ta cũng chợt tỉnh và nhận thấy mình đang ở một nơi nào đó, thế nhưng có lúc chúng ta cũng lại cảm thấy mình đang ở một nơi khác.

Chúng ta lang thang trong một thế giới ảo giác chẳng qua vì chúng ta luôn chạy theo những đàn bò của người khác để đếm và rồi quên mất đường về. Cảnh giác, thức tỉnh và chú tâm chính là cách giúp mình nhận thấy bản chất ảo giác của « thế giới lang thang » và « bản chất u mê » trong tâm thức để trở về với con người đích thật của chính mình.

Bures-Sur-Yvette, 04.02.13

Hoang Phong

http://www.phathoc.net

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.