Phải Trái Cuộc Đời

Đa số, người có quyền lực đều sống trong lo âu sợ hãi và bất an, vì sao? Vì sợ người khác tranh giành chiếm đoạt quyền lợi địa vị của mình, nên bằng mọi cách triệt tiêu đối thủ trước, dù biết đó là đê hèn, ti tiện và thấp kém.

ĐÔI LỜI TÂM SỰ

Chúng ta sống trên cõi đời này mà chưa từng nếm trải hương vị ngọt ngào hay đắng cay, từ người thân thiết của mình quả là một điều quá hạnh phúc vì không bị ai làm tổn hại. Đâm sau lưng chiến sĩ, luôn làm cho con người phiền não, hận thù, oán ghét xã hội và trách đời sao quá đen bạc, để rồi dính vào vòng lao lý trong cơn thịnh nộ khi không làm chủ được bản thân.

Hầu như tất cả mọi người ai cũng mong muốn có quyền lực và thành công để đạt được hạnh phúc như giàu có, vật chất sung túc đầy đủ, danh tiếng và sắc đẹp. Nếu chúng ta giàu có và quyền thế mà cuộc sống không hạnh phúc, luôn bất an lo âu và sợ hãi, như vậy chúng ta có quyền lực để làm gì?

Ngày xưa, tại một đất nước nọ dân chúng đang sống trong an lạc và thái bình. Bổng nhiên tai họa bắt đầu ập đến, có một loài yêu tinh ma mị đã bắt đi nàng công chúa xinh đẹp, là đứa con duy nhất của nhà vua. Quá buồn rầu và đau khổ, nên nhà vua truyền lệnh cho khắp tất cả đất nước, nếu ai cứu được công chúa thì trẩm sẽ nhường ngôi cho và được quyền lấy nàng làm vợ. Có hai dũng sĩ vốn là bạn bè thân thiết tên Cường và Bảo cùng phát tâm đi cứu công chúa. Hai chàng trai ấy quả là dũng cảm và tuyệt vời, trải qua bao gian nan vất vả, trăm đắng nghìn cay tưởng chừng như mất mạng. Nhưng cuối cùng hai chàng, cũng hạ gục được yêu tinh và đem công chúa trở về an toàn.

Nghiệt ngã và trớ trêu thay. Vậy ai sẽ là người chồng lý tưởng của công chúa, bởi hai người đều khôi ngô tuấn tú và tài giỏi ngang nhau. Quả thật là điều khó xử, không lẽ công chúa phải lấy hai người? Không thể được! Nhà vua cho mời tất cả các quan trong triều họp lại, để tìm ra giải pháp tốt đẹp nhất. Cuối cùng mọi người đều đi đến thống nhất, trong hai dũng sĩ chỉ chọn một. Và hai người bắt buộc phải đấu kiếm với nhau, để chọn người thắng cuộc, kẻ bại trận phải chịu chết.

Cường và Bảo giao đấu cả ngày trời nhưng bất phân thắng bại. Mọi người đang hồi hộp để chờ kết quả, cuối cùng Cường bị thất thế và nằm đo ván trước mũi kiếm sắc bén của Bảo. Tới đây thì mọi người đã biết công chúa thuộc về ai rồi. Nhưng trong khoảnh khắc chớp mắt, thời gian như ngừng lại và một sự yên lặng chưa từng có, Bảo đang phân vân lưỡng lự. Chàng tự nghĩ thầm, không lẽ vì chút công danh sự nghiệp của riêng mình mà ta đành lòng giết chết người bạn thân thiết nhất từ xưa nay, không thể được? Lương tâm không cho phép Bảo làm như vậy!

Bảo liền thu kiếm lại và quay lưng bỏ đi. Vì không nỡ xuống tay. Nhưng, trong cuộc chiến bắt buộc một người phải thắng và một người phải chết. Cường nhân cơ hội này nhanh tay lượm kiếm lên và lao đến đâm sau lưng Bảo. Cả khán đài đều la ó lên và đội ngự lâm quân của nhà vua đã kịp thời ngăn chặn lại, nên cứu được Bảo trong tầm tay. Nhờ vậy Bảo được cứu sống và thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Công chúa liền trình với vua cha, người xứng đáng để cho con làm vợ đó là Bảo, Cường là người đâm sau lưng chiến sĩ, con không thể nào lấy người đó được? Nếu lấy anh ta, chắc sau này con cũng có thể bị như vậy!

Đây là một câu chuyện ngụ ngôn, có tính cách triết lý sâu sắc vì cộng đồng xã hội loài người. Chúng ta sẵn sàng gây tạo tội lỗi hoặc giết hại người thân một cách dã man, để được chút danh vọng, tiền bạc, sắc đẹp, do đó bất chấp luân thường đạo lý, miễn sao được lợi cho mình thì thôi.

Đúng là đâm sau lưng chiến sĩ ! Bảo, người đã chiến thắng nhưng lương tâm đã không cho phép mình làm tên sát nhân, để hưởng quyền lực tối cao và sắc đẹp. Bảo và Cường là đôi bạn chí thân, hai người đã thề nguyền sống chết có nhau, có phước cùng hưởng, có họa cùng chia, họ sống với nhau rất là thâm tình tưởng như không có gì, có thể chia cắt nỗi. Trước tấm lòng bao dung và độ lượng của Bảo, cầm chắc chiếc vé vinh hoa phú quý sờ sờ trước mắt. Nhưng chàng dũng sĩ này không nỡ nhẫn tâm, vì mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình mà đành lòng giết đi người bạn thân thiết. Thà mình chấp nhận chịu chết để bạn mình được sống, hưởng trọn vẹn vinh hoa phú quý.

Quả thật trong cuộc đời này, chúng ta khó tìm đâu ra được những con người như thế, hành động và tấm lòng cao thượng của Bảo, đã chiếm trọn tâm hồn và trái tim của công chúa. Chàng dũng sĩ ấy đáng được người đời ca tụng tôn vinh, như là hiện thân của một vị Bồ tát đi vào đời để cứu độ chúng sanh, phần thiệt hại nhận về mình, phần lợi lộc nhường cho người.

Và chúng ta cũng không nên vội chê trách Cường, vì lúc này không có con đường nào khác, nhất là phần thưởng đã dành cho mình quá lớn, có được quyền lực trong tay và cô công chúa xinh đẹp kiều diễm. Chúng ta ai cũng muốn có được quyền lực và sự thành công, nhưng nếu vì quyền lực và sắc đẹp mà chúng ta đành lòng giết hại người thân. Sao ta nỡ, nhẫn tâm tàn ác đến thế ư?

Nếu quyền lực và sự thành công của mình để đem lại sự chết chóc và đau thương cho người khác, thì quyền lực đó có ý nghĩa và giá trị gì? Chúng ta có thể tạo dựng một thứ quyền lực đích thực mà vẫn luôn có cuộc sống cao sang và tôn quý. Khi ấy mọi người sẽ sống thoải mái hơn, cảm thấy mình an lạc và hạnh phúc trong từng phút giây. Một thứ quyền lực này sẽ làm cho con người bớt khổ đau và luôn được phúc lộc bình an, ngay tại đây và bây giờ. Nếu cuộc sống củachúng ta không có tâm từ bi và tình thương yêu nhân loại, thì dù có quyền lực và giàu sang cách mấy, cũng không thể an vui hạnh phúc được.

Đa số, người có quyền lực đều sống trong lo âu sợ hãi và bất an, vì sao? Vì sợ người khác tranh giành chiếm đoạt quyền lợi địa vị của mình, nên bằng mọi cách triệt tiêu đối thủ trước, dù biết đó là đê hèn, ti tiện và thấp kém. Thà ta phụ người chớ không để người phụ ta, nhất là một thứ quyền lực chính trị nó giống như con dao hai lưỡi, đụng vô đầu nào cũng bị đứt tay hết.

Có một thứ quyền lực giúp chúng ta an lạc hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ, vượt qua rào cản của tranh đấu và giết hại. Đây là một thứ quyền lực đích thực mà ai cũng có thể nắm bắt và an hưởng được, mà không cần phải có địa vị cao sang hay thấp hèn. Sống ở đời, đứng trước sự cám dỗ của tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, nhiều khi là người thân của nhau mà ta còn đành lòng giết hại để tranh danh đoạt lợi. Huống hồ là Cường đứng giữa làn ranh sống chết, ai dại gì phải bỏ giang sơn gấm vóc, bổng lộc vương tước và sắc đẹp, nếu không vậy thì mình sẽ mất hết tất cả hay sao?

Thật ra Cường đáng thương hơn đáng ghét, vì chỗ này chỉ có một người thắng và kẻ bại, người sống kẻ chết. Không thể nào khác được. Ai cũng biết rằng sự sống con người vô cùng quý báu và ai cũng ham sống sợ chết. Không chết mà lại có tất cả, tội gì không đâm sau lưng chiến sĩ, quả thật giữa quyền lực, sắc đẹp và tay trắng, ai dại gì bỏ qua. Khó có ai đủ can đảm và bản lĩnh, để nhận lấy đau thương về phần mình. Có nhiều người quan niệm rằng, thà một phút huy hoàng còn hơn ngàn năm tắt lịm, nên suốt đời sống trong si mê lầm lỗi.

Vào thời xa xưa khi đất nước Việt Nam còn nghèo nàn lạc hậu, quân Mông cổ thừa cơ hội xâm lăng định thôn tính đất nước ta. Thế lực của người Mông Cổ rất hùng mạnh, nên vị vua thời đại đó cho họp hết các tướng lãnh, ba quân chiến sĩ và dân chúng, góp ý kiến nên chống lại hay nên đầu hàng. Tất cả đều đồng ý phải quyết tâm gìn giữ đất nước. Cuối cùng, do tinh thần của người Việt Nam quá mạnh mẽ nên đã đẩy lui được thế giặc.

Chiến tranh vừa kết thúc, một chàng lính người Việt Nam mặt mày còn bê bết bùn đất, đang lấy một bình nước để uống. Bổng lúc này bên tai anh nghe tiếng ai đó, đang rên siết từ phía trước mặt mình. Bước tới nhìn xem, thì ra một người lính Mông Cổ bị thương tích đầy mình, đang lăm lăm nhìn vào bình nước trên tay của anh một cách thèm thuồng. Chàng lính Việt Nam liền rót nước kê vào miệng cho người đó uống, bất ngờ tên lính Mông Cổ chụp cây kiếm chém thẳng vào anh. Anh né kịp, nên chỉ bị thương nhẹ nơi cánh tay thôi. Thay gì giết chết người lính Mông Cổ, nhưng, người lính Việt Nam không làm thế và sẵn sàng bao dung tha thứ cho anh ta. Tinh thần của người lính Việt Nam là như thế, khi chiến tranh thì phải bảo vệ và gìn giữ đất nước. Khi hòa bình, thì mọi người phải có trách nhiệm và bổn phận yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, lúc gặp hoạn nạn hay khó khăn.

Sau này một vị quan biết được mới hỏi, tại sao lúc đó anh không giết chết tên lính vong ân bội nghĩa đó đi. Người lính nói, tôi vì giặc ngoại bang xâm chiếm nên mới đứng lên bảo vệ biên cương bờ cõi. Bất đắc dĩ lắm mới ra tay giết hại, còn hiện tại anh ta là người bị thương và là kẻ bại trận. Tôi không thể giết người dưới ngựa. Nghe xong, vị quan liền ban thưởng cho anh ta vô số vàng bạc. Qua câu chuyện trên chúng ta thấy tấm lòng từ bi, tinh thần cao thượng của người Việt Nam, xứng đáng để cho mọi người học tập và noi theo. Vì bị giặc ngoại bang xâm lăng nên mới phải gìn giữ và chống trả lại, chớ không có tâm cố ý giết hại.

Kẻ nịnh thần hoặc người vong ân bội nghĩa, thường hay gian dối phản bội để trục lợi cho riêng mình, nên sẵn sàng gây tạo tội lỗi, dù đó là người ơn. Nhân cách phẩm chất cao quý của một con người, sẽ mất đi và mãi mãi bị tiếng đời bêu rếu, rồi đến giai đoạn nào đó bộ mặt thật cũng lòi ra. Vậy thì, chúng ta thành công và có quyền lực bằng xương máu của người khác để làm gì? Kẻ phản bội dù có quyền lực và danh vọng ngay tức khắc, nhưng họ sẽ trả một giá rất đắc ngay tại đây và bây giờ. Đến khi phước hết họa đến, thì không làm sao cứu kịp, lúc này dù có ăn năn hối hận cũng phí công vô ích. Kính mong mọi người hãy nên chính chắn suy xét cho tường tận, đừng chờ quả xấu đến rồi ngồi đó than phân trách phận.

Ngày hôm nay trước đà tiến bộ của nhân loại, con người tăng trưởng quá nhanh chính vì thế kéo theo nhiều tệ nạn xã hội. Nhân cách đạo đức con người ngày càng tuột dốc, nạn cướp của giết người quá tàn nhẫn chỉ vì một chút vật chất cỏn con. Nạn bạo lực học đường, bạo lực gia đình, nạn đam mê vui chơi quá đáng dẫn đến bạo lực dâm dục. Nhiều vụ án cưỡng dâm, hiếp dâm đối với trẻ chưa đến tuổi trưởng thành và còn vô số chuyện đau thương khác đang xảy ra trong cuộc đời. Vì tham vọng quyền lực không chân chánh chỉ biết hưởng thụ cho riêng mình, nên đã làm tổn hại cho nhiều người.

Đôi lời tâm sự chân thành xin gửi đến chư huynh đệ pháp lữ gần xa, một chút duyên lành có được ngày hôm nay mong được kết nối yêu thương cùng với tất cả mọi người.

Kính ghi

PHONG TRẦN CUỒNG NHÂN

ĐẠO VÀ ĐỜI

Trong thời Phật còn tại thế có một vị quan tổng trấn, đã từng làm quan gần hai chục năm nhờ nhân duyên tốt nên từ bỏ quyền lực, danh vọng, xuất gia làm Tỳ kheo. Sau thời gian áp dụng lời Phật dạy, thầy cố gắng siêng năng tinh cần tu tập, miên mật không một phút giây lơ là. Một hôm, thầy ngồi dưới gốc cây vô ưu thiền quán tinh chuyên, nên thấy rõ nhân duyên thật giả trong cuộc đời, do đó phát sinh định tỉnh và hỷ lạc, cảm nhận được phút giây bình yên nhất trong cuộc đời từ trước đến nay. Thầy hoan hỷ thốt lên, ôi thật hạnh phúc thay! Ôi thật hạnh phúc thay! Các vị Tỳ kheo đang tu tập gần bên, tưởng thầy than phiền đời sống xuất gia quá cơ cực, bần hàn. Ai cũng nghĩ, chắc thầy đã quen đời sống xa hoa vương giả ngoài đời, vì bất đắc dĩ mà phải xuất gia nên không kham nỗi cuộc sống nhà thiền muốn ít, biết đủ.

Phật biết nhân duyên tốt lành của người đệ tử, đã thật sự cảm nhận được pháp lạc từ sự buông xả các quyền lực và lợi dưỡng thế gian, nên mới thốt lên những lời mầu nhiệm như thế. Để động viên và sách tấn quý thầy tu học, Phật cho mời tất cả bốn chúng lại để kiểm nghiệm sự thật, của vị đệ tử từng có quyền cao chức trọng, nay đã khép mình vào chốn thiền môn. Phật hỏi, này đệ tử có phải tối hôm qua con thốt lên câu, hạnh phúc quá phải không? Vậy con có thật sự được hạnh phúc hay không? Con hãy trình bày cho tất cả đại chúng được biết rõ ràng.

Quả thật con rất ư là hạnh phúc chưa từng có từ trước đến nay, thưa đức Thế tôn. Khi chưa xuất gia tu học, con là vị quan tổng trấn tối ngày bận rộn lo toan với đủ thứ công việc. Tuy con sống trong giàu sang, phú quý và quyền lực, nhưng con chưa có một ngày an lạc hạnh phúc thật sự, vì phải bất an, lo lắng, sợ hãi đủ điều. Nào là sợ giặc bên ngoài xâm lăng, cho nên lúc nào binh lính cũng tập dợt phòng thủ để sẳn sàng ứng chiến dẹp loạn. Rồi nỗi sợ hãi những người giúp việc cho mình sợ họ manh nha lật đổ. Cho nên cuộc sống của con không có một ngày bình yên thật sự, tuy được sống trong giàu sang uy quyền và thế lực.

Ngày nay được tắm mình trong giáo pháp của Thế tôn, được sự chỉ dạy tận tình của Người, con như kẻ lầm đường lạc lối bị bóng tối vô minh che phủ, nay nhờ ánh sáng giác ngộ mà vượt qua mê lầm từ muôn kiếp. Hôm qua, trong lúc tọa thiền con cảm nhận được phúc lạc bình an nhất trong cuộc đời, cho nên mới thốt lên những lời như thế, làm tác động và ảnh hưởng đến sự tu học của đại chúng, cho con xin được thành tâm sám hối.

Không, con không có lỗi lầm gì cả. Con người sở dĩ đau khổ và làm tổn hại cho nhau chỉ vì ham muốn quá đáng, cái gì cũng muốn tóm thâu về cho mình, nên khi có quyền hành và thế lực, thì tìm cách bóc lột và vơ vét. Quyền lực lúc nào cũng đi kèm với quyền lợi và sắc đẹp, chính vì thế mà không biết bao người đã tàn nhẫn giết hại lẫn nhau để bảo vệ quyền lực, khi được thì sợ người tranh giành nên tìm cách hạ bệ người khác, dẫn đến oan gia trái chủ, ân oán hận thù nhiều đời không có ngày thôi dứt.

Vị quan tổng trấn đã từng nắm quyền hành gần hai chục năm, tuy đang sống trong giàu sang danh vọng, nhưng thực ra chưa có một ngày sống bình an thật sự. Lúc nào cũng sống trong lo âu và sợ hãi. Nhân duyên xuất gia vì nể lòng người bạn, không phải vì mục đích giác ngộ và giải thoát. Nhưng, nhờ sống gần gũi chư vị Thánh tăng, nương theo lời dạy của Phật nên thầy đã cố gắng tinh cần tu tập, do đó cảm nhận được sự an lạc hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ, chẳng phải tìm kiếm đâu xa.

Đây mới thật sự là một thứ quyền lực đích thực, mà không ai có thể cướp được vì xuất phát từ nội tâm thanh tịnh trong sáng mà ra. Người đời vì không biết nên cứ mải mê chạy theo tranh giành triệt buộc lẫn nhau, để được một thứ quyền lực tạm bợ bằng xương máu và nước mắt của nhiều người. Cuối cùng chuốc họa vào thân, đến khi chết ra đi với hai bàn tay trắng và chỉ mang theo vạn khối sầu do nghiệp xấu chiêu cảm.

Nhiều người lầm tưởng rằng có tiền tài, danh vọng, địa vị là hạnh phúc nên khi có quyền hành tìm cách vơ vét thu gom về cho mình, do đó càng thêm gây thù chuốc oán, mang đau thương mất mát đến cho nhiều người, thì làm sao có được hạnh phúc thật sự. Hạnh phúc theo cách nhìn của người con Phật là tâm không dính mắc vào sự thành bại, nên hư, được mất của thế gian. Khi được giàu sang danh vọng, quyền cao chức trọng, cũng không tự mãn kiêu ngạo hoặc khi nghèo khó thiếu thốn vẫn không buồn lòng, vì biết tất cả là nhân duyên vô thường. Khi có phước báo đầy đủ thì muốn gì được nấy, do đó người con Phật phải chú trọng việc gieo trồng phước đức và siêng tu trí huệ. Người tu có phước mà không có trí tuệ, thì đời sống vật chất sung túc đầy đủ, nhưng vẫn còn bị tham lam, sân giận, si mê chi phối do đó khó vượt qua biển khổ sông mê. Ngược lại, người có trí huệ mà không gieo bòn phước đức thì chẳng giúp ích gì cho nhân loại, chỉ được thảnh thơi an lạc cho riêng mình mà thôi. Như có một tu sĩ thời Phật còn tại thế, do siêng tu trí tuệ nên đã chứng quả A La Hán, nhưng ngược lại do không đóng góp giúp ích gì cho ai, nên từ khi mở mắt chào đời cho đến khi viên tịch đều phải chịu thiếu thốn đói khát. Cho nên người con Phật phải biết quân bình phước huệ song tu, vừa có phước vừa có trí tuệ thì không bị luyến ái khổ đau ràng buộc. Lúc sống thì dấn thân phục vụ đóng góp vì tất cả chúng sinh, lấy niềm vui nhân loại làm niềm vui chính mình, đến khi hết duyên đời thì tự tại ra đi không một chút luyến tiếc.

Cuộc đời này ai cũng có ước mơ đáng quý và trân trọng, nhưng vì không có hiểu biết chân chánh nên dễ rơi vào chỗ si mê, tối tăm, mờ mịt. Vì thấy biết sai lầm, nên cứ tưởng rằng có quyền cao chức trọng là đem lại hạnh phúc, nhưng chúng ta không ngờ rằng thuyền to thì sóng lớn, như người đang nằm trên chảo dầu đang sôi sùng sục mà không biết. Thế gian này sẽ không có hạnh phúc thật sự, nếu chúng ta sống mà không có niềm tin, không biết áp dụng nhân quả vào trong đời sống hằng ngày. Và chúng ta, cũng phải tự tin chính mình có khả năng làm được những đều tốt lành, để giúp ích cho nhân loại vượt qua cạm bẩy cuộc đời.

Con người thường khổ đau phiền muộn vì quá đam mê, tham đắm quyền lực, được thì càng thêm tham, không được thì oán hận thù hằn. Do đó, tạo ra sự mâu thuẩn đối kháng trong cuộc đời, mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ, giết hại lẫn nhau tranh danh đoạt lợi trên sự khổ đau của nhiều người. Nhưng lòng tham muốn của con người thì vô cùng vô tận, nhưng mấy ai được như ý trọn vẹn. Chính vì thế dễ dẫn đến thất vọng, buồn chán, mệt mỏi và tuyệt vọng.

Một thương gia giàu sang phú quý, đang sống hạnh phúc bên mái ấm gia đình với nhà cao cửa rộng, bổng nhiên tai họa bắt đầu ập đến, cô vợ trẻ âm thầm lặng lẽ ra đi không một lời từ giả và ôm đi hết số tiền dành dụm của hai người. Công việc làm ăn đang thuận buồm xuôi gió, cuối cùng bị phá sản do nợ nần chồng chất, không có khả năng chi trả nên đành phải chịu ngồi tù. Sự nghiệp thế gian, bao nhiêu năm tháng dành dụm chắt chiu bây giờ tan thành mây khói, đang sống hạnh phúc với vợ đẹp con ngoan, quyền cao chức trọng, vậy mà giờ đây chẳng còn gì trong tay, tất cả đều đội nón ra đi.

Nhưng ngược lại, vị thương gia này từ khi ở tù cho đến nay luôn vô cùng phấn khởi cảm thấy mình an lạc hạnh phúc chưa từng có bao giờ, làm cho vị cai tù rất đổi ngạc nhiên. Ai ở tù, cũng cảm thấy khổ đau tràn trề trong uất hận. Riêng vị thương gia này có sự thay đổi hết sức kỳ lạ, chẳng ai ngờ ông ta lại được hạnh phúc như thế. Vì xưa kia khi còn ở ngoài đời, ông ta nổi tiếng keo kiệt bỏn xẻn, vẻ mặt lúc nào cũng lắm le, lắm lét như sợ người khác lấy của. Ấy thế mà sao khi bị ở tù, ông ta lại vui vẻ hẳn lên. Khiến mọi người ngạc nhiên nên hỏi ông, bộ ông điên rồi sao? Vị thương gia bình thản nói chuyện một cách tỉnh bơ, như không có chuyện gì xảy ra. Dạ thưa tất cả mọi người, tôi có điên khùng gì đâu! Hiện giờ, tôi đâu còn cái gì để mất.

Lòng tham con người không bờ bến là nguyên nhân sinh ra đau khổ, được thì càng thêm tham cho nên muốn vượt qua phiền não khổ đau chúng ta phải biết từ bỏ tham lam. Nhưng làm cách nào để từ bỏ được nó, đó cũng là một vấn đề nan giải. Nếu lòng tham có hình tướng cụ thể, thì ta có thể buông bỏ nó một cách dễ dàng. Đằng này lòng tham không có hình tướng, nên khi đối diện với tiền tài danh vọng, sắc đẹp và quyền lợi thì nó mới lộ rõ chân tướng, khiến ta phải dính mắc chạy theo bám víu vào chúng, nên khổ đau bắt đầu có mặt.

Này các bạn, không gì không thể làm được chỉ sợ chúng ta thất chí, nản lòng hạnh phúc hay khổ đau đều do chính mình tạo lấy. Chính mình là thượng đế tối cao của bao điều họa phúc, đi đến tận cùng của khổ đau là niềm vui vô hạn. Ai biết nắm lấy cơ hội tốt thì ngay bây giờ hãy vươn lên làm mới lại cuộc đời, làm mới lại chính mình.

Thật ra trong cuộc đời này mỗi người đều có phong cách sống khác nhau không ai giống ai, lối sống đó luôn ảnh hưởng đến cách làm việc và tính tình của họ ngay hiện tại. Có người thích sống trong quyền uy thế lực, nhà cao cửa rộng, giàu sang phú quý và vợ đẹp con ngoan. Họ thích quyền hành, thích ăn trên ngồi trước, thích mọi người phải phục tùng. Chính vì vậy, họ hiên ngang tìm cách vơ vét thật nhiều của cải về cho mình, luôn sống trong tham lam, ích kỷ hẹp hòi, do đó làm tổn hại cho nhiều người.

Tất cả mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này luôn vô thường biến đổi, nên cuộc sống lúc nào cũng bất như ý nhiều hơn toại nguyện, vì vậy tham muốn nhiều thì càng khổ nhiều. Từ sự vọng tưởng điên đảo tạo tác những điều xấu ác, đến khi đủ duyên mà phải nhận lãnh hậu quả đau thương, càng điên đảo tạo nghiệp xấu ác thì đời sống con người càng thêm rối ren, phức tạp, do đó khó tìm ra được sự an lạc và thảnh thơi. Vì tham cầu đam mê đắm say hưởng thụ cho riêng mình, nên con người càng đánh mất giá trị tình thương chân thật. Cũng có người suốt cả đời chỉ thích sống đơn giản không màng đến danh vọng địa vị, mặc dù có rất nhiều tiền của. Họ không thích phô trương thanh thế, không lãng phí xa hoa biết sống hài hòa vừa đủ và luôn tạo điều kiện giúp đỡ mọi người.

Rồi có người thích sống “ an phận thủ thường”, không hề có tham vọng cao xa, chỉ sống cho riêng mình nhiều hơn, mặc cho thế sự có đổi thay họ cũng chẳng màng đến.

Riêng người con Phật ngoài việc trao giồi giới đức hoàn thiện chính mình lo tròn bổn phận đối với gia đình và xã hội, còn phải có trách nhiệm hộ trì Tam bảo để làm niềm tin vững chắc cho hàng hậu học mai sau. Vị thương gia là một Phật tử thuần thành và có thời gian quán chiếu tu tập, nên trước sự sụp đổ về công danh sự nghiệp, gia đình ly tán và còn bị tù đày nhưng vẫn không bị phiền muộn khổ đau chi phối. Cuộc đời vốn dĩ như vậy, nên hư, thành bại là lẽ thường tình trong cuộc sống, ai biết tích lũy phước đức trao giồi nhân cách, khi gặp bất hạnh không đến nỗi phải bị khổ đau ràng buộc chi phối.

Thông thường khi thành công, thì chúng ta vui sướng tự hào cho rằng mình là người tài giỏi. Khi thất bại thì buồn khổ bực tức phiền muộn đổ thừa tại bị thì là hoặc đổ thừa cho số phận, định mệnh hay ngẫu nhiên. Thật ra trong cuộc đời này mỗi thứ đều có nhân duyên với nhau, thân tâm và thế giới luôn biến chuyển đổi thay theo từng thời gian, nó là mối tương quan chằng chịt trùng trùng duyên khởi.

“Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”.

Do đó, tất cả những vui buồn, được mất hơn thua, thành công hay thất bại…không phải do thượng đế hay đấng tối cao nào, có quyền ban phước giáng họa.

Hiểu được sự thật như thế, người con Phật cần phải tin sâu nhân quả hơn để áp dụng vào trong đời sống hằng ngày. Đời là sống động, nhưng tâm ta vẫn an nhiên bất động trước nghịch cảnh cuộc đời. Muốn được như vậy không phải đơn giản và dễ dàng, mà chúng ta cần phải có thời gian rèn luyện và tu tập tinh cần. Khi việc tốt đến ta cũng không tự mãn coi thường và khi việc xấu đã đến, ta cũng không buồn phiền than phân trách phận, mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Tham muốn quá đáng khiến con người mất hết lương tâm là nguồn gốc dẫn đến khổ đau và làm tổn hại cho nhau.

Người con Phật dù có thành công nổi tiếng trên trường đời cũng không tự mãn coi thường nhân loại. Đến khi bị thất bại cũng không bị buồn khổ bức bách như trường hợp của người thương gia trên. Theo tuệ giác của Thế tôn sở dĩ con người bị đau khổ triền miên, là do không biết bằng lòng với hiện tại. Chính lối sống buông thả chạy theo dục vọng, là nguyên nhân dẫn đến bất hạnh cho đời này và đời sau. Người con Phật khi bị thất bại trên trường đời, vẫn bình tỉnh thản nhiên và luôn an trú trong giây phút hiện tại, thì làm gì bị khổ đau chi phối. Đó là điểm đặc biệt của người Phật tử chân chánh trong thời hiện đại.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.