Thật sự từ lâu người viết rất khổ tâm về cái tánh thích đọc sách, thích nghe pháp thoại , thích sưu tầm và thích ghi chép lại tất cả những lời hay của cổ nhân dù trên một sách nào đã đọc qua hay trên một bài giảng và nó đã trở thành một tính cách. Lại thêm có một trí nhớ biết rằng câu nói đó thích hợp với chủ đề nào nên thường sử dụng lại trong đời sống hằng ngày.
Và vì thế những gì mà mình đã học nó đã trở thành cái vốn riêng của mình rồi, nó đã trở thành con người mình rồi vì mình sẽ không nhớ điều đó mình đã học ở đâu và học với ai.
Có điều lạ rằng không những trong đời sống hàng ngày mà không riêng gì trong việc học giáo lý Phật pháp nữa nó lại càng quan trọng lắm vì một khi có giáo lý rồi ta sẽ sống theo với những gì đã ăn sâu vào tiềm thức (có nghĩa là ta sẽ sống với những định luật duyên hệ , nhân quả, nghiệp bào và biết lo sợ cho bất cứ lời nói hành động ý nghĩ vừa phát khởi trong đầu).
Có những điều từ lâu luôn giấu kín
“Đa thư loạn tâm” ám ảnh nặng mang
Thích gìn giữ chấp thủ kiến thức vì THAM
Sẽ ngăn ngại con đường dẫn đến Chánh Pháp
Chính “Thường cận y duyên” tạo nên tính cách
Với niềm tin học hỏi, nguyện lực chí mầu
Khám phá phương tiện thích ứng nhu cầu
Sẽ …giảm được mặc cảm” SỞ TRI CHƯỚNG “
Tiếp nhận lời dạy “THẬP NHƯ THỊ “ mà định hướng
Sống Chánh niệm lấy giáo lý làm đầu
Kiên nhẫn tinh tấn chiêm nghiệm sâu
Thì ra :
“PHẬT PHÁP VÔ BIÊN, CỨU CÁNH TỰ TẠI “ ( thơ Huệ Hương )
Đâu đó trong một bài pháp thoại nào trong ngàn bài pháp thoại đã nghe tôi nhớ một vị giảng sư đã nhấn mạnh rằng : “Muốn học được chân lý, Chánh pháp cũng giống như sống ở trên đời đôi lúc ta phải nhìn lên để mà học hỏi, ở trên nhìn xuống để mà bao dung, ở trong nhìn ra để mà giao lưu, ở ngoài nhìn vào để mà cảm thông”.
Và đặc biệt nhất là từ khi bắt đầu học Phật tôi thường chú trọng đến phần nghiệp quả, có lẽ trong hành trình kiếp người tôi đã được nghe và chứng kiến nhiều sự việc mà những bậc tiền bối ưa thốt lên :
Dục truy tiền thế nhân
Kim thân thị giả thọ
Dục truy lai thế quả
Kim thân tác thị giả.
Có nghĩa là “ Muốn biết kiếp trước ta làm gì, nhìn ta bây giờ. Muốn biết đời sau ta như thế nào nhìn ta bây giờ ”.
Cũng có nghĩa là : Nhìn quả bây giờ , biết nhân đời trước, nhìn nhân bây bây giờ biết quả đời sau.
Nào mời các bạn cùng tìm hiểu thêm vài điều về Nghiệp và Duyên nhé để cuối cùng sẽ thấy vì sao mình đã bớt mặc cảm và khổ tâm về cái SỞ TRI CHƯỚNG của mình nhé.
Nghiệp và duyên là 2 lực tác động từ cái chủ ý trong hành động. Chính cái đó nó quyết định chúng ta đời sau sẽ ra sao. Nó sẽ ra sao thì cái mức ảnh hưởng của chúng ta nó sẽ theo đó mà ra sao. Do chủ ý trong mỗi hành động của ta ra sao mà mai này ta sẽ ra sao. Khi ta sẽ ra sao thì cái ảnh hưởng của ta đối với người khác nó cũng theo đó mà ra sao, một cách tương ứng.
Như ta đã biết, theo đạo lý về nghiệp thì khi một người đang gặp khổ đau chính là anh ta đang thọ một nghiệp quả nào đó qua một nghiệp nhân mà anh ta đã tạo ra trong quá khứ ( có thể trong một thời gian khó biết được ), còn người gây hại chỉ là DUYÊN để cho nghiệp quả ấy có cơ hội để trổ sinh mà thôi.
Ta còn được biết rằng Duyên ấy không nhất thiết phải liên hệ với nhân quả của NGHIỆP ấy ( nghĩa là Duyên cũng có thể độc lập với nghiệp kia. Duyên ấy có thể vô tri, vô hình, hay hữu ý ).
Lấy thí dụ: một người bị vấp sợi dây mà ngã và bị gãy xương.
Sợi dây ấy tuy vô tri nhưng lại là Duyên.
Còn việc gãy xương của y là do nhiều nguyên nhân khác trong quá khứ đã tạo
Do đó Nghiệp là một đạo lý không đơn giản như chúng ta tưởng.
Đức Phật vẫn thường nói Nghiệp là một trong 4 pháp không thể nghĩ bàn ( nghĩa là không thể suy luận hay tưởng tượng quá xa ) vì nếu suy luận nhiều quá có thể bị điên loạn.
4 điều bất khả tư nghì là:
1. Những Ân đức của Chư Phật như trí tuệ toàn giác của Chư Phật, đó là điều bất khả tư nghì, không nên suy nghĩ; người nào suy nghĩ, người ấy sẽ trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm khổ tâm mà thôi.
2. Thần thông, thiền định, đó là điều bất khả tư nghì, không nên suy nghĩ; người nào suy nghĩ, người ấy sẽ trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm khổ tâm mà thôi.
3. Nghiệp và quả của nghiệp, đó là điều bất khả tư nghì, không nên suy nghĩ; người nào suy nghĩ, người ấy sẽ trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm khổ tâm mà thôi.
4. Tạo thiên lập địa, đó là điều bất khả tư nghì, không nên suy nghĩ; người nào suy nghĩ, người ấy sẽ trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm khổ tâm mà thôi.
“Này chư Tỳ khưu, đó là 4 điều bất khả tư nghì, không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ, người ấy sẽ trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm khổ tâm mà thôi”.
Cho nên tôi đã dừng lại một thời gian khá lâu không suy nghĩ nhiều nữa để rồi học lại giáo lý căn bản từ đầu nhưng có lẽ cũng do tính cách nào đó đã khiến tôi bổng gặp được một định nghĩa trong chú giải về chữ” Đa Văn” một trong bảy thất thánh tài ( Tín, Giới, Tàm, Quý, Đa Văn, Thí, Trí Huệ ) ,mà một người còn phàm phu như tôi đã ao ước làm sao có được dù trải hà sa kiếp. Thế là ….
Nào mời các bạn cùng đọc với tôi nhé!
ĐA VĂN trong Phật Giáo có hai nghĩa:
– Một là nghe nhiều , biết nhiều, nắm giữ được nhiều dữ kiện, nhiều vấn đề.
– Hai là thấu suốt tới nơi tới chốn từ đầu đến cuối của một bài kệ ngắn…Điều này có lẽ phải dựa vào điều một ở trên vì chỉ khi nào ta có đủ dữ kiện , đủ tài liệu thông tin ta mới có thể đào sâu vào một vấn đề nào đó.
Xem xong lạ thay bao nhiêu mặc cảm về sở tri chướng của tôi bỗng tiêu tan thì ra cái việc thích học giáo lý nó còn phải cần đến một cái thiết tha trong chuyện tư duy và suy ngẫm trong cái nền tảng nào đó mình đã có cơ duyên trong nhiều kiếp …và với vòng luẩn quẩn nào tôi lại tìm về với giáo lý nghiệp và duyên thì mới đọc được chú giải như sau: Một khi học và hiểu rõ thế nào là nhân là quả, biết cái quả nào đến từ nhân nào. Hiểu biết về nhân quả là biết cái gì là duyên trợ sinh ( tạo điều kiện cho cái chưa có thành có ) và cái gì là duyên trợ lực ( giúp cho cái đã có được thêm sức và phát triển hơn ) Và nhờ cái biết này mà ta sẽ thấy được cái thói quen đã tạo ra những nghiệp gì v.v… Chú giải cũng nhấn mạnh rằng cái biết này của mình càng rộng chừng nào thì đời sống mình càng thoải mái và việc tu tập của mình sẽ tiến bộ bội phần.
Theo chú giải khi dạy đạo lý này có lẽ chủ yếu của Đức Phật chỉ muốn giúp chúng ta quan sát và chiêm nghiệm sự vận hành của nghiệp nơi chính mình hay ở tha nhân để một mặt chúng ta tránh được sai trái hay bất thiện do hành động, nói năng suy nghĩ và có thể thực hiện những điều tốt lành hiền thiện cho mình hoặc cho người.
Còn mặt khác, Ngài muốn chỉ rõ và giúp chúng ta thoát được lưới nghiệp của chính mình và đừng đổ thừa cho định mệnh.
Và điều quan trọng nhất có lẽ là chúng ta phải biết chịu trách nhiệm cho hành vi của chính mình chứ không dựa và tin vào bất cứ hình thức thưởng phạt nào từ bên ngoài.
Được biết: Nhân là yếu tố khởi đầu tạo ra một chuỗi hiệu ứng – Duyên là điều kiện xa và gần trợ giúp cho Nhân chuyển biến hoàn thành chuỗi hiệu ứng từ nhân đến quả sau.
Hơn thế nữa ta cũng học được rằng: “ Tất cả mọi vật hữu tình, vô tình trên vũ trụ thế gian này cũng như mọi hiện tượng trong không gian ( sấm sét, gió mưa ) hoặc đời sống con người ( giàu nghèo, khổ đau, hạnh phúc, tốt xấu ) đều không nằm ngoài 7 điều không thể tránh được:
1- Sinh bất khả tị 2-Lão bất khả tị 3- Bịnh bất khả tị 4- Tử bất khả tị 5- Tội bất khả tị (quả báo của nghiệp ác) 6- Phúc bất khả tị (quả của thiện nghiệp ) 7- Nhân duyên bất khả tị.
Ngoài ra nhân được đọc những câu hỏi trên mục hỏi đáp của Trung Tâm Hộ Tông do HT Viên Minh chia sẻ, tôi đã ghi lại vài điều rất hữu ích và mời các bạn cùng cảm nghiệm chung vậy.
— Duyên là những điều kiện hỗ trợ cho Nhân khi nó là thuận duyên và nó cũng mang đến những cản trở cho Nhân khi nó gọi là Nghịch duyên, điều đáng chú ý là HT Viên Minh thường nhấn mạnh đến một điều khiến chúng ta nên suy nghĩ “KHÔNG CÓ VIỆC GÌ ĐẾN VỚI TA TRONG ĐỜI MÀ CÓ HẠI CẢ – Hại là do mình nghĩ mà thôi. Nếu ta biết lấy đó làm bài học cho sự phát huy Đạo và Đức thì giống như chính bùn đang nuôi lớn những đóa sen tinh khiết vậy.
Bạn ơi, đâu đó tôi cũng đã ghi chép được : “Trong vũ trụ này thực ra không có một thứ gì vô nghĩa hay vô nghiệm cả, cho nên trong mọi hướng hành động ta phải luôn luôn nghiêm cẩn , đồng thời nhân cách hoá tất cả những gì mà xưa nay hầu như ai cũng xem thường và lãng quên. Điều đó đi từ một nguyên do rất dễ hiểu là không mấy người biết quan tâm đến một sự thật hết sức hiển nhiên “ BẤT CỨ CÁI GÌ TỒN TẠI,ĐỀU LUÔN CÓ MỘT SỨC SỐNG MÀ MỌI SỨC SỐNG ĐỀU CẦN PHẢI ĐƯỢC TRÂN QUÝ “ có nghĩa là con người ( nói riêng ) và vạn vật ( nói chung ) tuyệt đối không thể hoàn toàn cách ly và phủ nhận nhau được” .
Lời kết
Sở dĩ tôi viết những lời trần tình này là vì từ khi tôi học được lời dạy từ các cao nhân thiện hữu rằng “ Nếu một người muốn tiến bộ trên đường đạo, phải dẹp đi cái hiểu do ảo tưởng, do sở tri chướng đã tạo ra mà phải hiểu đúng sự thật “ Thập Như Thị” như Kinh Pháp Hoa phẩm Phương tiện đã truyền tải lời dạy của Phật về các pháp: Tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy.
Điều khó là mình phải có đầy đủ ý thức , đầy đủ thông minh và đầy đủ sự tỉnh táo để mới đủ sức nghe xong, hiểu được rồi hành trì theo dù cho nó không thích hợp với những lối suy nghĩ từ trước.
Tôi đã mang mặc cảm này lâu lắm rồi và cứ nhiều đêm thao thức “ nếu chưa có đủ những khả năng trên thì làm sao đón nhận Chánh pháp một cách đúng đắn, nhưng may thay câu pháp cú 79 đã giải vây cho mình rằng “ Có một niềm vui khi học Chánh pháp, có niềm tin chân thật vào mọi pháp mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy là đã có một căn cơ lành, một năng lực Phật tiềm tàng tự hữu trong ta và một khi ta thấm nhuần được đạo pháp thì hạnh phúc an lạc vậy.
Người thấm nhuần Chánh pháp
Sống hạnh phúc an lạc
Với tâm nghe Chánh pháp
Người trí thường hoan hỷ.
Hán các bạn sau khi đọc bài viết này sẽ đồng cảm với mình vì các bạn ơi …từ ngày biết Phật Pháp mình chỉ học giáo lý căn bản duy nhất mà thôi vậy mà phải trải qua nhiều năm mới chiêm nghiệm được những điều Phật dạy và hôm nay mới dám mình ghi lại để cùng nhau chia sẻ…
Ước mong những điều vừa tâm tình có sơ sót điểm gì kính mong được bổ khuyết cho nhau các bạn nhé !
Kính trân trọng,
Huệ Hương