CHƯƠNG BẢY
Sự nghịch ngợm của một chú tiểu ở chùa dẫu sao cũng có những giới hạn của nó. Khung cảnh nghiêm trang, yên tĩnh làm cho lòng người dịu xuống, và những lăng xăng chộn rộn của thể xác cũng nhờ vậy mà giảm bớt đi. Ngoài ra, việc ăn chay quanh năm suốt tháng cũng góp phần lớn trong việc nuôi dưỡng tâm tính hiền hòa, thuần hậu. Thầy dạy tôi cứ so sánh khuôn mặt và điệu bộ của những con thú ăn cỏ, ăn lá với những con thú ăn thịt, ăn cá, tất sẽ thấy vẻ hiền lành hay hung dữ được phản ảnh chính từ miếng ăn, miếng uống hàng ngày đó. Chưa kể đến việc trì tụng kinh chú, tham thiền, niệm Phật… những sinh hoạt tâm linh như vậy tác động rất mạnh mẽ vào tâm hồn và cuộc sống của một chú tiểu. Còn nữa, sự gần gũi, tiếp xúc mỗi ngày, mỗi giờ với những con người hiền đức, lại là một yếu tố quan trọng hàng đầu, giáo dục trực tiếp cho nếp sống của tiểu ấy.
Thế cho nên, có thể nói rằng, tôi được thuần hóa rất nhanh so với các chú tiểu khác nhờ ở chỗ mới vào chùa đã làm thị giả, thân cận thầy trong mọi sinh hoạt. Tính ý nghịch ngợm tuổi thơ nếu có thì cũng ít cơ hội để phát triển hoặc tiến đến hành động cụ thể. Cho nên cái hoang trở thành hoang ngầm. Như nước mạch chảy trong lòng đất, đào đất lên thì nước trào dâng. Mà tâm tôi là cái tâm rất cực đoan, nên tôi có thể trở thành con người rất giới hạnh, nhưng nếu không có người hướng đạo dẫn dắt con đường tốt đẹp chân chính, tôi cũng có thể trở thành một tên nghịch tặc hư đốn.
Có lẽ thầy tôi cũng đoán xét phần nào tâm tính của mỗi đệ tử nên cách dạy của thầy có những sai khác mà để ý lắm mới thấy được. Nhưng trong ba đệ tử nhỏ của thầy tôi hiện đang tu học tại viện Hải Đức này (tôi, Sung và Sáng), tôi thấy Sung là tội nghiệp nhất. Một lòng kính quý và thọ ơn giáo dưỡng của thầy, tôi không dám nghĩ rằng thầy tôi đã bất công với Sung. Có lẽ thầy có lý do nào đó mà tôi không hiểu được. Dù sao, trường hợp của Sung khiến mỗi khi nghĩ đến, tôi không sao khỏi thấy bùi ngùi trong lòng.
Sung và Sáng cùng tuổi với nhau, nhỏ hơn tôi hai tuổi. Khi tôi và Sáng chưa xuất gia thì Sung là đệ tử duy nhất của thầy tôi tại viện (hai đệ tử lớn của thầy đi học xa và hai đệ tử lớn khác đang ở chùa Diên Thọ tại Diên Khánh). Vậy mà Sung vẫn không được chọn làm thị giả hay quan tâm dạy dỗ như tôi và Sáng sau này. Hẳn nhiên là Sung phải cảm thấy bị thầy bỏ rơi, dù rằng không phải chú tiểu nào vào chùa cũng làm thị giả hay thân cận thầy. Nếu không có tôi và Sáng thì sự kiện Sung không được thầy quan tâm nhiều cũng là thường, có thể được coi như là thầy đối xử với Sung như đối xử với Dũng, Kính, hay các chú khác. Đàng này, tôi, Sáng và Sung cùng là huynh đệ đồng sư mà hai đứa gần thầy, còn một đứa nhỏ tuổi xuất gia trước lại bị thầy bỏ rơi thì chắc chắn là phải có vấn đề để mặc cảm. May là Sung lanh chanh, lóc chóc, đùa giỡn vô tư, không để bụng chuyện gì nên rồi cũng qua hết.
Có một thầy trong số những học tăng trẻ, thương mến Sung, chăm sóc Sung như tình anh em. Như vậy cũng tạm yên, coi như Sung cũng có chỗ nương tựa tình cảm. Một đứa bé xa gia đình vào chùa xuất gia tất phải cần tình thương của thầy bù đắp. Sung thiếu tình thương của thầy thì có một thầy học tăng chăm sóc cũng được an ủi phần nào.
Vậy đó mà chuyện không đơn giản. Tôi phải xét việc mình để hiểu chuyện chung mà cũng không hiểu nổi. Nguyên do là trong luật có cấm hàng sa-di được kết thân hay sinh hoạt chung với hàng tỳ-kheo. (Tỳ-kheo là những vị từ hai mươi tuổi đã tiếp thọ đại giới, chính thức là tăng sĩ Phật giáo; Sa-di là những người mới xuất gia, tuổi từ bảy đến mười chín tuổi – có người lên tới hai mươi hay hai mươi lăm tuổi, tùy theo trình độ tu tập hay thời gian xuất gia lâu mau).
Lý do ngăn cấm này thường không được giải thích trong cuốn luật Sa-di (mà tôi học thuộc lòng), nhưng có thể hiểu được qua các bô luật giải hoặc sự suy diễn của các vị thầy chuyên về luật học. Mà đã là suy diễn thì có thể có nhiều quan điểm, nhiều lối giải thích khác nhau, nhưng cách giải thích được nhiều người công nhận nhất là, vì hàng sa-di và tỳ-kheo có tuổi tác và sự thọ trì cấm giới khác biệt nhau, nên thường khiến sinh ra những quan điểm bất đồng, hoặc những ảnh hưởng hỗ tương lợi bất cập hại khi để họ chung sống, gần gũi nhau trong một phòng. Cũng có người giải thích dễ hiểu hơn rằng: vì các sa-di thân tâm chưa được thuần thục, chưa thực sự kiểm soát được những hoạt động cả khi thức lẫn khi ngủ của mình; đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng ồn ào, náo động, có thể gây phiền nhiễu cho các vị tỳ-kheo (điều này được chứng minh bằng chiếc mền xanh mà tôi giấu dưới giường gỗ). Chuyện tôi và Sáng ngủ trong phòng thầy là trường hợp đặc biệt được cho phép khi thiếu phòng hay thiếu chỗ ngủ (giống như hồi xưa sa-di Rahula được Phật cho phép ngủ chung phòng với thầy là Sariputra khi phòng của Rahula bị khách tăng chiếm mất). Tôi không bị cấm và cũng không được giải thích gì về chuyện được phép ngủ trong phòng thầy. Tôi mới vào chùa, chưa học thông luật nên không làm sao hiểu nổi. Nhất là khi tôi bị thầy cấm chơi với các thầy học tăng trẻ của viện. Điều đó làm tôi khó hiểu nhất. Tôi nghĩ bụng: “Đáng lẽ mình chơi với người lớn, học được nhiều thứ, mau chững chạc, mau thành người lớn, thì thầy khuyến khích thêm mới phải. Sao thầy lại cấm? Để mình chơi với mấy chú tiểu loi choi lóc chóc, mình sẽ dễ hư đốn hơn chứ?”
Đầu tiên của việc cấm đoán gắt gao cũng là do từ tôi. Một hôm, tôi theo thầy Châu đi tắm giặt. Khi về, ngang qua phòng khách, thầy tôi thấy được bèn gọi tôi đến để la rầy:
“Điệu thì chới với điệu, không được chơi với mấy thầy, mấy chú lớn!”
Thầy không giải thích vì sao, chỉ nói vắn tắt như vậy. Thực ra, tôi mới mười một, mười hai tuổi, có dám “chơi” với mấy thầy đâu. Chẳng qua, thầy Châu đã dạy tôi giặt đồ, rồi từ đó, mỗi lần đi tắm giặt là ghé rủ tôi đi. Dần dần thầy ấy càng thương tôi thêm, lúc nào rảnh cũng tìm tôi mà trò chuyện, chiều đến giờ phóng tham thầy dắt tôi đi dạo núi hay lên tháp chuông, qua Kim Thân Phật Tổ để ngắm biển. Gần như giữa tôi và thầy Châu cũng đã có một thời khóa biểu thường xuyên cho việc gặp gỡ hàng ngày, hàng tuần rồi. Vậy thầy tôi cấm là cấm cái việc chơi thân một cách đặc biệt đến nỗi có một thông lệ tiếp xúc, gặp gỡ kiểu đó, chứ bình thường thì bọn tiểu chúng tôi có thể ngồi chơi nói chuyện với mấy thầy năm ba phút cũng chẳng sao. Cái khó là tôi phải nói sao với thầy Châu để thầy ấy khỏi buồn và không trách thầy tôi. Buổi chiều vào giờ phóng tham, tôi không được thầy cho ra ngoài chơi như mọi hôm mà bắt ngồi tại phòng khách coi nhà, học bài. Thầy Châu thấy tôi không đến phòng để cùng đi dạo núi, liền xuống phòng khách tìm. Thấy thầy Châu đến gần, tôi đâm hoảng, sợ thầy tôi lại bắt gặp, cho rằng tôi không nghe lời thầy. Tôi nói thật nhỏ với thầy Châu:
“Thầy không cho con đi đâu hết. Bắt ngồi ở đây học thôi. Thầy cũng không cho con đi theo mấy thầy, nói chỉ được phép chơi với mấy điệu thôi. Thầy đừng… ngồi đây, con sợ bị la quá.”
Thầy Châu ngồi một lúc bên cạnh tôi rồi lắc đầu, quay đi. Tôi thấy tôi nghiệp thầy Châu quá mà chẳng biết làm sao. Một lúc sau, thầy tôi đi ngang, hỏi tôi rằng:
“Thầy Châu rủ con đi chơi phải không?”
“Dạ… con có nói là… con không được phép đi chơi nữa mà phải lo học.”
Thầy tôi suy nghĩ một lúc rồi nói:
“Không phải riêng mình con mà tất cả các điệu đều phải tuân theo điều luật này: không được kết thân, cặp kè với các chú và các thầy học tăng ở viện. Thầy quản chúng sẽ nói rõ cho các điệu nghe vào tối nay.”
Quả nhiên thầy tôi đã yêu cầu thầy quản chúng ngăn cấm chúng tôi việc giao du với các thầy học tăng trẻ ở viện. Buổi tối trong giờ dò kinh, thầy quản chúng dặn:
“Kể từ nay, tất cả các điệu phải ngồi coi nhà và học tại chỗ qui định. Cấm tuyệt kết thân, đi chơi, hay lảng vảng vào phòng quý thầy nữa. Chú nào không nghe sẽ bị phạt mười roi, quỳ một cây nhang.”
Lệnh đó đưa ra rồi, bọn tôi đều buồn. Cảm thấy có cái gì căng thẳng, mất tự nhiên trong cuộc sống. Gặp quý thầy học tăng đi ngang hay đến gần, chúng tôi cúi đầu ngó vào cuốn kinh, không dám cười đùa, chào hỏi như trước đây. Đôi lúc chúng tôi phải tìm cách né tránh để khỏi bị bắt tội là chơi với quý thầy. Mà chuyện cấm này làm cho Sung bơ vơ hơn. Lâu nay chú được thầy Long chăm sóc, giờ phải lo tránh né, trông thật tội nghiệp.
Tuy vậy, lệnh cấm cũng theo thời gian mà nới ra, không chặt chẽ, cứng nhắc như lúc đầu nữa. Cho nên, bọn tiểu chúng tôi dần dần lại “chơi” với quý thầy. Lẽ ấy thật là tự nhiên: chúng tôi là con nít, ai thương thì thương lại, ai chăm sóc thì thích gần gũi. Làm sao có thể cưỡng chống được sức hút của tình thương! Ở nhà thì có tình cảm cha mẹ, anh chị em. Vào chùa thì có tình thầy trò, nhưng thầy nghiêm khắc, bận bịu, xa cách quá, không gần gũi thầy được. Vậy thì gần gũi những thầy trẻ, tuổi anh mình, để tìm chút hơi ấm thương yêu chứ. Có gì là lạ đâu! Dù sao, lệnh cấm cũng còn chút dư âm, chúng tôi không dám trái lệnh một cách công khai trắng trợn. Thầy quản chúng thì thông cảm, không bắt bẻ gì nên không sao. Miễn đừng làm gai mắt thầy tôi là được rồi.
Vậy là tôi lại có một thầy khác yêu thương mến, dìu dắt. Thầy ấy tên An. Thầy An học chương trình Chuyên khoa (nội điển) chứ không phải chương trình Phổ thông (ngoại điển) như thầy Châu. Hình như thầy tôi không tin tưởng nhiều ở mấy thầy theo đuổi chương trình Phổ thông, cho rằng mấy thầy ấy hướng ngoại, chạy theo đời nhiều, dễ sa ngã. Điển hình nhất là thầy Châu. Không biết thầy ấy đã làm gì, nhưng đã rời khỏi viện, đi đâu lúc nào tôi không biết. Tôi nghe nói lại là thầy Châu bị đuổi vì vi phạm trầm trọng nội quy và giới luật của viện. Có lẽ thầy tôi ngăn cấm tôi kịch liệt cũng vì người tôi theo là thầy Châu chăng?
Thầy An chăm sóc tôi còn kỹ hơn thầy Châu, vì thầy còn lo tìm sách, mua tự điển cho tôi, dạy tôi học thêm chữ Hán v.v… chứ không phải chỉ dẫn đi chơi rảo rảo trên núi như thầy Châu. Nhưng tôi cũng chỉ giao thiệp với thầy An một cách lặng lẽ chứ không để cho thầy tôi biết. Một dạo nọ, viện có cơn dịch sốt, lây từ người này sang người kia. Bệnh xá tấp nập người ra kẻ vào. Người xin thuốc uống, kẻ xin xông và giác hơi, cắt lể. Các thầy y tá đông y, tây y ở bệnh xá phải cực nhọc ngày đêm để lo cho bệnh nhân. Có người bị sốt nặng quá phải lấy xe viện đưa đi bác sĩ tư (bác sĩ riêng của Phật học viện). Tôi cũng không tránh khỏi bệnh sốt này. Ban đầu tôi được đưa vào bệnh xá. Xông, uống thuốc hai ngày rồi mà vẫn không thấy bớt. Thầy tôi có vào bệnh xá thăm tôi vào ngày đầu. Hai ngày kế tiếp thì thầy phải đi Diên Khánh để lo lễ trên đó. Thầy An giúp các thầy y tá chăm sóc tôi. Thầy An ngồi mãi bên tôi, lo thuốc lo nước, còn giặt đồ cho tôi nữa. Đến ngày thứ ba, thầy An đo nhiệt kế thấy tôi nóng đến bốn mươi độ thì hoảng kinh, yêu cầu thầy y tá đưa tôi đi bệnh viện. Thầy y tá không đưa đi, nói rằng chưa được phép của viện, nhất là của thầy tôi; hơn nữa, ở bệnh xá cũng có mấy người nóng bốn mươi độ mà rồi cũng trị hết được, không cần thiết phải đưa xuống bệnh viện hay đi bác sĩ riêng của viện. Thầy An nóng ruột, cứ sợ tôi sốt nặng mà chết vô duyên nên tự động chạy xuống nhà tôi, báo tin cho gia đình tôi biết, yêu cầu mẹ tôi lên viện đưa tôi về, không để trên viện mà chết oan uổng. Dĩ nhiên mẹ tôi nghe thầy An nói tôi bệnh nặng có thể chết thì phải thất kinh, lật đật lên viện thăm tôi, xin phép thầy quản chúng cho tôi về để gia đình chữa trị, lấy cớ rằng để bệnh xá có đủ giường cũng như đủ người để chăm sóc cho nhiều người bệnh khác. Mặc dù thầy tôi đi vắng, thầy quản chúng cũng không dám thay quyền để cho phép mẹ tôi đưa tôi về. Nhưng mẹ tôi nóng ruột, cứ năn nỉ hoài, cuối cùng thầy phải xiêu lòng, đồng ý. Thầy An liền cõng tôi xuống núi, đặt tôi trên chiếc xích-lô chờ sẵn. Mẹ tôi cám ơn thầy An rồi đưa tôi về nhà.
Cái tính quân tử tàu được tôi áp dụng rất sớm trong cuộc sống dạy tôi rằng, đã lìa bỏ gia đình đi xuất gia thì phải trao phó thân mạng mình cho chùa lo liệu, đừng để gia đình phải vướng bận nữa. Cho nên tôi thực sự không muốn để gia đình biết chuyện tôi bệnh nặng. Ngay cả khi mẹ tôi lên chùa lo thu xếp cho tôi về nhà, tôi cũng rất ái ngại và thầy mắc cỡ với các chú tiểu khác. Lúc thầy An cõng tôi rời bệnh xá thì Dũng và Sung cũng đang nằm bệnh trên hai cái giường gần đó. Tôi buồn bã mà cũng vừa chạnh lòng khi bỏ hai chú lại, dù rằng tôi có nằm đây thì cũng chẳng giúp gì được cho các chú. Gia đình Dũng ở xa, tận ngoài Huế. Gia đình Sung thì ở Diên Khánh. Tôi không thiếu tình thương của thầy, lại được thầy An lo lắng như tình anh em ruột, rồi còn được mẹ đưa về nhà chữa trị. Sự đầy đủ tình cảm đó làm cho tôi cảm thấy rằng hình như tôi chưa có được cái dõng mãnh của một người tu đơn độc dấn thân vào gian khổ. Ngồi cùng mẹ trên chiếc xích-lô đi ngang xóm Xưởng, tôi cũng cảm thấy mắc cỡ khi thiên hạ nhìn mình. Hình ảnh một chú tiểu ngồi với mẹ có cái vẻ gì không được ổn cho lắm. Từ chùa về ngang phòng mạch bác sĩ Cao, mẹ đưa tôi vào khám, chích thuốc, mua thuốc rồi mới đưa về nhà. Mới vài tháng rời gia đình mà tôi đã thấy có một khoảng cách ghê gớm giữa mình với người thân. Tôi nằm dưỡng bệnh trên giường, anh chị em tôi vào thăm mà tôi chẳng biết nói gì. Tôi chỉ trả lời khi có ai hỏi tới. Khung cảnh gia đình không còn thích hợp với tôi nữa. Nhưng bàn tay chăm sóc của mẹ ngọt ngào làm sao! Khuôn mặt lo âu của mẹ đáng thương làm sao! Chỉ có bóng mẹ mới làm tôi sung sướng tạm quên đi cơn bệnh đang hành hạ mình và cũng tạm quên đi những mặc cảm thua cuộc trong chuyến về nhà này. Tình mẹ muôn đời vẫn thế, có thể trùm lấp mọi lý lẽ. Đến chiều thì ba tôi về. Ông ngồi nắm tay tôi thật lâu với vầng trán nhăn nhó. Tôi không biết ông đang lo nghĩ gì. Trước khi ngủ mê, tôi nhớ tôi đã mỉm cười với ông khi ông hôn lên trán tôi.
Hôm sau thì tôi hạ cơn sốt, có thể ngồi dậy đi vòng vòng trong nhà. Qua hôm kế tiếp thì tôi lành bệnh. Nhưng tôi phải đối đầu với một thử thách khác: sự rủ rê của người anh lớn. Anh ấy vẫn ngoan cố nghĩ rằng chuyện tôi đi tu là không có lợi ích gì hết, có thể vì tôi bất mãn chuyện gì đó trong gia đình mà bỏ đi tu. Bây giờ thì mọi việc đã qua rồi, hãy trở về với gia đình, đừng chôn cuộc đời trong ngôi chùa tẻ lạnh buồn khổ. Nói vậy sợ chưa đủ sức thuyết phục tôi, anh còn đưa ra một viễn cảnh sáng sủa tươi vui cho tôi hăng hái trở về. Anh nói rằng anh đang thành lập một ban nhạc. Anh muốn ban nhạc này chỉ gồm toàn anh chị em trong gia đình chứ không mời người ngoài vào. Tay đàn, tay ca đã đầy đủ, chỉ thiếu tay trống. Anh muốn tôi trở về làm tay trống của ban nhạc. Tôi ngồi im không nói gì. Xa nhà hai tháng, bây giờ tôi thật lúng túng chuyện nói năng với người nhà. Tôi thấy anh tôi xa lạ hơn là thầy An. Tôi thấy em tôi không thân thiết bằng chú Sung, chú Dũng. Vậy thì còn gì để nói? Tôi không mở miệng được. Thấy anh cố gắng hết sức để thuyết phục mình, tôi cảm động. Tôi biết anh thương tôi, sợ tôi phải chịu khổ nhọc trong chùa. Nhưng chắc chắn là tôi không thể bỏ tiếng chuông chùa để đi theo tiếng trống nhạc xập xình được. Tôi nghĩ vậy trong lòng mà chẳng nói được lời nào. Mẹ tôi biết được anh tôi rủ rê tôi về, bèn la rầy anh:
“Chuyện đi tu của em là do em quyết định, chẳng ai xúi dục mà cũng chẳng ai ngăn cấm. Ba mẹ còn không cản được thì mấy đứa con còn muốn nói lời ngon ngọt rủ rê gì em nữa đây? Để em yên tâm dưỡng bệnh chứ!” rồi mẹ dắt tay đưa tôi về phòng nghỉ.
Thoát nợ! Khỏi cần phải nói lại lời nào với người anh đang quan tâm thương mến mà không hiểu gì về mộng ước của mình. Tôi vào phòng nằm nghỉ mà vẫn còn nghe tiếng anh tôi nói lớn bên ngoài:
“Ở chùa có lợi ích gì đâu chứ! Nhà này tuy không khá giả nhưng đâu có thiếu cái gì mà phải đi tu. Vô chùa rồi gõ mõ tụng kinh, chẳng học chẳng hành, ù ù cạc cạc, không biết chi về đời. Ba mẹ chiều nó, cho nó đi tu để rồi nó khổ cả đời cho mà xem!”
Rồi có tiếng mẹ tôi:
“Tụi bây là con Phật, có ăn học, mà đến chừng này tuổi vẫn chưa hiểu được sự quý giá của xuất gia. Có phải thiếu ăn thiếu mặc mới vào chùa tu đâu! Cũng không phải vô chùa thì chẳng học, chẳng hành. Tụi bây không biết là thầy Thiên Ân, thầy Nhất Hạnh, thầy Minh Châu… bao nhiêu là thầy giỏi đã đỗ tiến sĩ ở nước ngoài sao? Thời nay mà còn nghĩ rằng mấy ông thầy ở chùa không học không hành là quá lạc hậu đi rồi. Mà cho dù họ không có cái học ngoài đời đi nữa thì những hiểu biết Phật pháp và trình độ tu tập của họ cũng đủ làm thầy của thiên hạ rồi. Bao nhiêu cái bằng tiến sĩ có đem vào chùa thì cũng vất đi mà thôi!”
Tối hôm đó, ba mẹ tôi ngồi nói chuyện với tôi trong phòng của ông bà. Mẹ tôi nói:
“Con đường xuất gia của con là chân chính, đúng đắn, không anh chị nào của con làm được.”
Ba tôi tiếp lời mẹ:
“Chị Trang con vừa lấy bằng tiến sĩ văn chương tại Mỹ. Ba mẹ rất vui và hãnh diện với sự thành công của chị, nhưng ba mẹ có thể nói thật với con rằng, có một đứa con đậu tiến sĩ cũng chưa vui bằng có một đứa con đi tu theo Phật.”
Ba mẹ tôi nói chừng đó, tôi tưởng cũng quá đủ. Lời của ba mẹ làm tăng thêm niềm tin và sức mạnh cho tôi để tiếp tục dấn bước trên lộ trình xuất gia gian nan hãy còn dài trước mặt.
Ngày mai, mẹ tôi đưa tôi trở về chùa. Thầy tôi đã từ Diên Khánh về lại viện từ hai hôm trước, biết tôi theo mẹ về nhà mà không có phép của thầy, thầy không hài lòng. Mẹ con tôi phải quỳ lạy sám hối thầy. Mẹ tôi xin chịu hết lỗi về phần bà để xin thầy tha thứ, chấp thuận cho tôi trở về tiếp tục tu học. Nể tình ba mẹ tôi là chỗ quen biết lâu năm, cuối cùng thầy bỏ qua.
Chú Dũng, chú Sung cũng đã hết bệnh. Tôi gặp lại mấy chú mà thấy trong lòng vui mừng hơn là gặp anh chị em trong nhà mấy ngày trước. Chú Sung kể tôi nghe rằng, khi thầy tôi về thấy không có tôi, thầy đã trách thầy quản chúng, rồi lòi ra chuyện thầy An xuống nhà báo tin cho mẹ tôi v.v… Thầy bèn gọi thầy An xuống Tổ đường, bắt nằm dài xuống nền đất mà đánh hai chục roi rất nặng tay. Thầy tôi đã cấm thầy An gần gũi tôi hay bất cứ chú tiểu nào khác. Tôi nghe kể vậy thì thất kinh, không ngờ chuyến về của mình lại thành lớn chuyện như vậy. Nhưng tôi nghiệp nhất là thầy An, đã vì thương tôi, lo lắng cho tôi mà phải bị đòn. Thầy An cũng đã hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi rồi chứ đâu có nhỏ nhoi gì, vậy mà vẫn bị bắt nằm xuống phạt đòn thì quả là chuyện lớn. Lý do được thầy quản chúng giải thích rằng phải tập cho tôi tánh tự lập, bớt liên hệ với gia đình chừng nào tốt chừng nấy; hơn nữa, thầy An là học tăng, phải lo học, không có trách nhiệm bao đồng chuyện bệnh của các chú tiểu (vốn đã có y tá của viện đảm trách); và học tăng cũng không được có những liên hệ với gia đình Phật tử ở ngoài nếu không phải là công tác do đại chúng cắt cử.
Nhân chuyện thầy An và tôi, lệnh cấm giao du giữa các chú tiểu và các thầy lại được ban hành! Vì lệnh cấm này nhắm vào tôi là chính, tôi hết sức giữ gìn, không dám tái phạm. Tôi phải né tránh thầy An khi thấy thầy ấy từ xa tiến tới. Nhưng thầy An cứ tìm tôi hoài. Có lần tôi nói với thầy ấy rằng tôi không dám gặp thầy ấy nữa vì có lệnh cấm. Thầy nói thầy có biết lệnh cấm ấy, nhưng chuyện cũ qua rồi, cứ tiếp xúc lại bình thường chứ sợ gì. Tôi không dám. Thấy không trở lại bình thường như trước được, thầy An cũng buồn và hình như là đem lòng giận trách tôi. Tháng sau, thầy ấy ghi danh tham dự khóa giảng sư Phú Lâu Na tại Sài-gòn. Trước ngày lên đường, thầy tìm gặp tôi, xoa đầu tôi, tặng một vài cuốn sách, khuyên bảo mấy lời cuối cùng thật cảm động.
Trong thời gian mà lệnh cấm nói trên đang còn căng thẳng, có một vị thầy trẻ, cũng là học tăng của lớp chuyên khoa Phật học, cứ mỗi lần thấy tôi là cười, đến xoa đầu, hỏi han điều này điều nọ. Tôi chỉ trả lời cho có vậy thôi chứ tôi rất sợ thầy tôi bắt gặp, tưởng tôi muốn kết thân với hàng tỳ-kheo. Vị thầy trẻ này thấp người, chỉ cao hơn tôi chút xíu, trán cao và vồ, nét mặt thông minh, vui tính. Một đôi lúc thấy tôi bị các chú tiểu khác chọc ghẹo, thầy bênh vực tôi với giọng rất hiền. Thầy để ý tôi đang học gì, rồi về phòng kiếm kinh sách đem cho tôi. Thầy còn mua một số sách giáo khoa, sách “Học làm người” cho tôi đọc. Tôi lo sợ thầy tôi bắt gặp, nhưng với lòng tốt và sự quan tâm của vị thầy trẻ này, tôi không khỏi cảm động, muốn quên luôn cả lệnh cấm. Dũng cho tôi biết thầy ấy tên là Lê Từ Vũ. Mấy thầy thân quen trong viện thường gọi đùa thầy là Từ Dũ. Ai chọc thì chọc, thầy ấy chỉ cười, nụ cười rất hiền và cởi mở. Nhưng bọn tiểu chúng tôi không gọi thầy ấy bằng tên tục như đã gọi một số thầy khác, mà gọi thầy ấy bằng pháp danh: thầy Thông Chánh.
Hôm ấy, thầy tôi đi vắng, bọn tiểu chúng tôi rủ nhau xuống gần chân núi, trên con đường phía Phường Củi dẫn lên chánh điện, để chơi tạt lon, giựt cờ v.v… Chơi chán trò chơi này thì bày ra trò khác. Đang mải mê chơi với các bạn, tôi không thấy thầy Thông Chánh đang ngồi ở trên núi nhìn xuống quan sát mình. Lúc tôi ngồi nghỉ mệt, thầy mới ngoắc tôi. Biết thầy tôi đi vắng, tôi dạn dĩ đến ngồi bên thầy, trò chuyện. Thầy quan tâm đặc biệt đến việc tu học và nếp sống hàng ngày của tôi. Cuộc chuyện trò này khiến tôi càng quý mến thầy Thông Chánh nhiều hơn. Đang ngồi với thầy Thông Chánh, bỗng nghe cãi lộn bên dưới. Thông và Sung gây gỗ nhau. Thông cao lớn hơn cả tôi, Sung thì nhỏ tuổi nhỏ xác, nên bị Thông đánh cho mấy cái là Sung xiểng liểng té, chẳng đấm trả lại được. Sung vừa khóc, vừa thét lên:
“Mấy ông ăn hiếp tôi không à, không ai thương tôi hết. Tôi bỏ về nhà cho mà coi. Tôi không tu với mấy ông nữa đâu!”
Nói rồi, Sung bỏ chạy xuống núi. Các chú kia đứng yên đó, chẳng ai cản trở hay nói lời an ủi khuyên răn gì với Sung. Tôi ở trên thấy vậy thì bỏ thầy Thông Chánh, phóng nhanh, băng đường tắt có cây cỏ rậm và dốc cao để đuổi cho kịp Sung. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi chạy nhanh trên dốc núi như vậy. Thầy Thông Chánh hoảng hốt la lên:
“Đừng có chạy như vậy té chết!”
Tôi bất kể ai, cứ phóng theo, gần bắt kịp Sung, nhưng Sung lanh quá, hai ba lần tôi bắt được vạt áo của chú mà cú cũng vụt ra được mà chạy tiếp. Tôi đuổi không kịp, phải đứng lại nhìn theo. Sung chạy một lúc đến cái cổng sắt cũ phía Phường Củi, biết tôi không đuổi theo nữa, mới chịu ngừng, đứng vịn cổng sắt mà khóc. Tôi bước từ từ đến chỗ Sung định khuyên chú vài lời. Nhưng thấy tôi bước đến là Sung dợm chân muốn chạy tiếp. Tôi nói:
“Đừng chạy nữa Sung. Nói Sung nghe cái này nè. Mấy chú gây với Sung thì đánh nhau vậy thôi, rồi cũng hết chứ đâu có ai ghét Sung đâu!”
Sung vừa khóc tức tưởi vừa nói:
“Đâu có ai thương em đâu.”
Tôi nói:
“Có chứ. Sung nhỏ nhất viện, ai mà không thương.”
Sung lắc đầu nguầy nguậy. Tôi tiến tới. Sung bỏ chạy. Tôi nói vói theo:
“Ai cũng thương Sung hết. Ai cũng thương Sung…”
Rồi tôi ứa nước mắt. Tôi ấm ức trong lòng là đã không giữ Sung lại được, không nói được với Sung niềm thương của tôi. Sung nghịch ngợm nhất trong bọn tiểu chúng tôi, nhưng cái nghịch ngợm tuổi thơ đó đứa bé trai nào lại chẳng có! Cái nghịch ngợm rất bình thường, có thể tha thứ được. Tiếc rằng, viện đông người quá mà Sung vẫn không tìm được tình thương cho chú. Tôi thầm trách thầy tôi đã lơ là việc dạy dỗ và nhất là thương yêu, chăm sóc Sung. Tôi cũng thầm trách lệnh cấm của thầy đã vô tình đẩy Sung vào tình trạng không còn chỗ nương tựa cho đời sống tình cảm của chú. Sung chạy về lúc ấy là chạy luôn về nhà, không bao giờ trở lại. Tôi đau lòng nhiều năm, không sao quên được hình ảnh một chú tiểu vừa chạy vừa khóc với ý nghĩ rằng không ai thương mình.
Khi tôi trở lại nửa đường thì thầy Thông Chánh bước xuống. Thấy tôi xúc động, thầy an ủi tôi:
“Nhân duyên xuất gia không phải cũng có được. Sung nó bị ba má bắt ép đi tu chứ tự nó đâu có muốn.”
“Thật hả thầy?”
“Thật. Chuyện của nó cả viện ai cũng biết. Ba nó ham tu lắm, tưởng rằng cho con đi tu thì con cũng ham như mình. Đâu phải vậy. Thôi đừng buồn nữa. Lần sau đừng chạy như vậy nguy hiểm lắm. Nếu nó không muốn tu nữa, mình có bắt kịp cũng đâu giữ nó lại được. Còn nếu nó quyết tâm tu thì có về nhà cũng quay trở lại. Nhưng chắc là không quyết tâm đâu. Người quyết tâm thì đâu có chuyện nhỏ mà bỏ cuộc, phải không?”
Tôi dạ. Nhưng trong lòng vẫn thấy thương cảm cho Sung. Tôi đã mất đi một người bạn nhỏ rồi.