KỆ NGÔN IX
HẠNH PHÚC XXXI
Tapa
Cố gắng đoạn tuyệt điều ác
Tapa: tiếng này đã nói nhiều trong các đoạn trước, có nghĩa là thiêu đốt, nóng hoặc là lửa. Tôi xin nhắc lại rằng tiếngTapa là tiếng đã có trước khi Đức Thế Tôn thành đạo, là một tiếng cổ của đạo Bà la môn thường dùng. Về sau, Đức Thế Tôn truyền bá giáo pháp lại dùng tiếng Tapa mà theo ý nghĩa khác hơn, để chỉ sự hành động khác hơn xa. Vì vậy tôi tưởng nên giải rõ thế nào là Bà la môn giáo, thế nào là Phật giáo.
Bà la môn giáo là một tôn giáo có lẫn với giáo pháp cổ truyền của người trong cõi Diêm Phù. Bà la môn giáo thịnh hành về miền Bắc cõi Diêm Phù là từ sông Gangā và Bārānasī lên miền Bắc, Bà la môn giáo thuộc về đa thần giáo. Bà la môn giáo tin rằng thế gian mà chúng sanh có đây là do nơi Phạm thiên tạo ra, và phải đặt dưới quyền điều khiển của Phạm thiên. Tín đồ muốn cho Phạm thiên sửa đổi định mạng của mình, thì phải có phương pháp cúng dường và cầu khẩn do các thầy Bà la môn chủ trương cầu với Phạm thiên.
Sau này có Phật giáo, truyền bá rất nhanh và rất mạnh trong dân chúng, số tín đồ theo Phật giáo càng ngày càng nhiều không kể xiết. Bà la môn giáo lại đổi lại là Hindu.
Hindu giáo trộm lấy Phật ngôn đem về dạy tín đồ của mình. Tín đồ Phật giáo là một số của Bà la môn giáo. Vì vậy nên khi cần giảng giải giáo pháp, Đức Phật lại dùng ngay tiếng của Bà la môn để dạy, một là tiện cho người thời ấy hiểu, hai là chỉ cho thấy sự khác biệt của triết lý hai tôn giáo, như tiếng Yanna, Hindu giáo dạy ý là giết thú để cúng dường cho Phạm thiên, nhưng trái lại, Phật giáo dùng tiếng Yanna với nghĩa là bố thí; tiếng Brahma (Phạm thiên) trong Hindu giáo là vị chúa tể tạo ra vũ trụ và chúng sanh, nhưng theo Phật giáo, là cha mẹ, tiếng Brahma trong Hindu giáo chỉ là người hiểu thông kinh luật của Hindu, nhưng trong Phật giáo, là người diệt trừ phiền não. Còn rất nhiều tiếng như thế nhưng xin miễn giải.
Nhờ Đức Thế Tôn đem những tiếng ấy lại dùng và chỉ cho thấy ý nghĩa khác nhau, nên rất nhiều người trí thức ở Bà la môn giáo nhận thấy lẽ phải, nên trở theo giáo pháp của Đức Phật.
Tiếng Tapa của Bà la môn giáo chỉ 16 điều là:
1. Gabbhā Dhāna: sự mang thai bào, ý nói khi có thai người mẹ phải cho người trong gia đình biết và có cách thức cúng và hành theo phương pháp của Hindu.
2. Punnusavan: cách thức rước hồn của đứa trẻ vào thai.
3. Sīmātayan: cách thức chia tóc của người có thai ra có giới hạn, nghĩa là cách thức chải đầu của người có thai.
4. Jātakarasa: cách thức sanh.
5. Nāmakarana: cách thức đặt tên.
6. Annaparana: cách thức đút cơm.
7. Cudakarana: cách thức để tóc.
8. Kannābeda: cách thức xỏ tai.
9. Bijārambha: cách thức bắt đầu học văn chương hay nghề.
10. Yannoparita: cách thức cầm chỉ để làm lễ.
11. Bedarambha: cách thức học kinh Phệ đà.
12. Samāpatti: cách thức làm lễ khi học xong.
13. Samañvantana: cách thức khi học xong rồi về nhà.
14. Bibah: cách thức làm lễ khi đính hôn.
15. Banaparāsa: cách thức hành Tapa.
16. Sanyāsi: cách thức xuất gia.
Trong 16 điều này, điều thứ 10 không phải là phận sự của người phụ nữ và điều 16 tùy ý người hành theo.
Ta thấy 16 điều này đi từng bậc một. Pháp Hạnh phúc của Phật giáo cũng hành từng giai đoạn một.
Hindu giáo dạy hành Tapa rằng đợi đến đúng ngọ, hành giả ngồi giữa trời rồi đốt lửa xung quanh mình, mới lần đầu thì lửa để xa hành giả chừng một sải tay, sau càng ngày càng đem lại gần. Hành giả học tham thiền thế nào đạt đến một mức độ không còn thấy cảm xúc với sự nóng. Hành Tapa như vậy Bà la môn giáo gọi là đốt phiền não.
Theo lịch sử Phật pháp, thì Đức Từ Phụ của chúng ta khi chưa đắc đạo, nghĩa là trong vòng sáu năm khổ hạnh, Ngài cũng thực hành Tapa theo thể thức của Bà la môn giáo. Sau này, Ngài mới thấy Chánh đạo.
Sau khi thành đạo được 9 tháng, Ngài thuyết câu này tại Vương Xá Thành: “Sự tinh tấn nhẫn nại là pháp cao quí nhất của Tapa“.
Trong câu này, Đức Phật dùng tiếng Tapa theo Phật giáo, chỉ pháp nhẫn nại, chớ không theo quan niệm của Bà la môn, là hơ hay thiêu phiền não.
Muốn giải rõ Tapa tôi xin chia ra làm hai phần: định nghĩa tiếng Tapa và cách hành Tapa.
Tapa có nghĩa là làm cho nóng, như nấu nước uống. Phạn ngữ là Udakam Tapati: nóng lòng, Paccā taya ti dukaram: sự hành động tội lỗi nóng lòng (ăn năn) về sau. Ta có thể định nghĩa tiếng Tapa là hơ, nướng, nấu, nung, thiêu đốt.
Theo Phật pháp, Tapa ngụ ý chỉ sự làm cho nóng, nhưng làm cho nóng những phiền não trong tâm ta, vì những phiền não ấy thường nhiễu nhương tâm ta, không để tâm ta yên tịnh nên ta phải đốt nó.
Sự nhẫn nại là một pháp Tapa. Có câu Phật ngôn dạy: Khanti tapo tapassino, nghĩa là nhẫn nại là Tapa của người hành tinh tấn.
Giới là một pháp Tapa. Trong Túc sanh truyện Somasaka có nói rằng ta sẽ dứt bỏ những trần dục bằng Tapa, ý nói sự trì giới không cho phạm.
Bát quan trai giới là Tapa, vì bát quan trai giới là pháp ngăn ngừa không cho ác pháp sanh trong tâm và đánh đuổi ác pháp ấy ra khỏi tâm.
Có 3 pháp quan trọng:
– Yonisomanasikāra: dùng trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm.
– Virya: tinh tấn.
– Indriyasamvara: sự thu thúc lục căn.
1. Dùng trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm: Bất cứ trường hợp nào, đời hay đạo, ta cũng cần phải có trí nhớ và trí tuệ để quan sát chuyện làm càn và làm bướng. Trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm là một pháp Tapa có thể diệt trừ được các ác pháp trong tâm và ngăn ngừa không cho các phiền não bên ngoài xâm nhập vào. Đức Thế Tôn biết tâm chúng sinh hằng chạy theo trần, nên làm nô lệ cho phiền não, nên ngài dạy phải dùng trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm. Em của Đại đức Xá Lợi Phất là người có đủ trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm, nên giải thoát được.
Khi xuất gia, Đại đức Xá Lợi Phất còn có một người em trai và một cô em gái ở nhà. Mẹ ngài là người tà kiến, không tin theo Phật giáo, nên ngài mới yêu cầu chư Tăng, khi nào thấy em trai ngài có xin xuất gia, thì cứ tự tiện cho, không cần có sự ưng thuận của mẹ ngài.
Bà mẹ thấy con trai trưởng của bà là Đức Xá Lợi Phất xuất gia, bà sợ con trai út cũng xuất gia theo anh, nên bà lo cưới vợ cho con. Ngày rước dâu, theo phong tục người thời ấy, thì phải chọn một người rất già mà còn đủ vợ chồng đến xối nước trên tay của cặp tân hôn, nên trong họ chọn được bà ngoại của cô dâu là người có đủ điều kiện. Khi làm lễ, bà ngoại vợ đến nắm tay cặp tân hôn rồi xối nước và nói rằng: “Bà cầu chúc cho hai cháu được như bà hôm nay” (ý nói rằng bà cầu xin hai cháu ăn ở với nhau cho đến răng long tóc bạc như bà đây vậy).
Em của Đức Xá Lợi Phất nhìn vợ thì thật là đẹp, khi xoay qua trông thấy bà ngoại vợ già, miệng móm, da nhăn tóc bạc, coi thật xấu. Ông mới thầm nghĩ rằng: “Bà ngoại vợ ta khi còn trẻ cũng đẹp như vợ ta hôm nay, sắc đẹp ấy không còn nữa phải chịu số phận như thế. Vậy sắc đẹp đâu còn tồn tại mãi được, trên đời này không có chi trường tồn bền vững. Khi mà sắc đẹp của vợ ta phai lợt với thời gian, thì còn thú vị gì nữa? Thảo nào mà anh của ta đi tìm đường giải thoát”.
Suy nghĩ đến đó, chàng phát tâm chán mùi tục lụy, ý chàng muốn xuất gia theo gương của anh. Chang mới nghĩ ra được một kế. Trên đường đi rước dâu, chàng giả bộ đau bụng, cứ đòi xuống đi sông mãi.
Nhiều lần như vậy, bà mẹ tưởng con mình bị kiết lỵ, nên không để ý, để cho chàng tự do và cho xe rước dâu về trước, để chàng đi sau. Dịp may đã đến, chàng bèn thẳng vào chùa ở gần, xin chư Tăng cho xuất gia.
Chư Tăng hỏi: “Ngươi có được phép của cha mẹ cho xuất gia chăng?”
– Bạch Đại đức, không!
Chư Tăng không dám cho xuất gia. Đức Thế Tôn cấm không cho người xuất gia trong khi cha mẹ không cho phép.
Khi đã hết sức yêu cầu, mà chư Tăng không bằng lòng cho xuất gia, chàng mới la to rằng: “Bớ người ta! Ăn cướp đồ tôi đây!”. Chư Tăng lấy làm lạ hỏi rằng: “Gã kia! Ngươi đã điên rồi chăng? Tại sao ở giữa Tăng chúng mà ngươi lại la lên như thế? Ai cướp của ngươi?”
– Bạch chư Tăng, trong vòng sanh tử luân hồi đệ tử đã bị Ma vương cướp lấy duyên lành của đệ tử rất nhiều rồi; và hơn nữa tử thần đã lấy sanh mạng của đệ tử cũng nhiều rồi và rồi đây tử thần sẽ cướp lấy sanh mạng này đi thì làm sao gặp được chân lý của Phật?
Chư Tăng nghe nói có lý mới hỏi: “Ngươi là con của ai?”
– Bạch chư Đại đức, đệ tử là em của ngài Xá Lợi Phất.
Chư Tăng mới sực nhớ đến lời của Đức Xá Lợi Phất nên cho phép người em của ngài xuất gia, rồi về sau, em ngài Xá Lợi Phất đắc quả A La Hán.
Nhắc lại tích này để quí vị thấy rằng, trong lúc đám cưới ngài đã trông thấy sự thay đổi của thân này, dùng trí tuệ quan sát thấy vô thường, khổ não, và vô ngã, bỏ sự nghiệp giàu sang và vợ đẹp mà xin xuất gia. Nhờ vậy mà đắc được quả A La Hán.
Trí nhớ và trí tuệ có quả báo cao thượng vô cùng vô tận như thế, vậy ta nên áp dụng trí tuệ trong mỗi trường hợp dù trong chuyện rất nhỏ. Có vậy, ta mới tránh khỏi tai nạn và tội lỗi, mà đó cũng là nguyên nhân làm cho ta đắc đạo quả.
2. Tinh tấn: trong bộ kinh Anguttaranikāya, Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Sự cố gắng tiêu trừ tất cả sự lười biếng gọi là Tapa“. Vì nhờ sự cố gắng ấy mới tiêu trừ sự lười biếng và đắc được minh sát tuệ, Đạo quả và Niết Bàn. Người đời cũng vì lười biếng mà không tu hành tinh tấn. Ta nên nhớ việc gì ta làm chưa xong là món nợ chưa trả hết.
Trong bộ kinh ấy Đức Thế Tôn dạy thêm rằng: “Không bao giờ Như Lai giải đãi, vì Như Lai nghĩ rằng mặc dù máu, thịt của ta khô đi, chỉ còn da gân và xương, ta cũng chẳng màng, nếu ta chưa được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác bằng sự tinh tấn”.
“Này các thầy Tỳ khưu, Như Lai đắc được tuệ giác vì sự không dễ duôi. Pháp an vui tuyệt đối là sự giải thoát khỏi luân hồi. Như Lai đắc bằng sự không dễ duôi. Này các thầy Tỳ khưu, các thầy nên gắng tinh tấn, đừng thối chuyển, nên cố phát nguyện rằng máu thịt của ta có khô cũng chẳng màng, bao giờ ta không đến nơi giải thoát hoàn toàn bằng sự tinh tấn của người nam, thì ta không thối chuyển.
“Này các thầy Tỳ khưu, trong thời gian không lâu, các thầy sẽ đắc quả an vui tuyệt đối, sẽ đến nơi cùng tột của Phạm hạnh. Vì lẽ ấy các thầy nên học nằm lòng rằng: chúngta là người có sự cố tinh tấn không giải đãi, ta phát nguyện rằng dù máu thịt …v.v…
Chú giải bài kinh Caturangaviriya giải thích Đức Thế Tôn dạy câu này ngụ ý rằng khi Như Lai chưa đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Như Lai cố hành theo pháp tinh tấn, không hề thối chuyển dù thân này có tiều tụy, còn da bọc xương mà không đắc đạo quả cũng không bỏ sự tinh tấn diệt trừ phiền não. Nhờ vậy mà dưới cội cây bồ đề, Như Lai thắng Ma vương, diệt tận gốc phiền não.
Vậy, chúng ta không nên thối chí ngã lòng, nên cố gắng cho đến hơi thở cuối cùng, như thầy Tỳ khưu trẻ trong sự tích sau đây.
Có một thầy Tỳ khưu trẻ tuổi, học thiền định ngay với Đức Thế Tôn. Ông vào rừng cố hết sức tham thiền ba tháng không hề dám giải đãi, nhưng không kết quả chi cả. Ông mới nghĩ đến lời của Đức Thế Tôn dạy và cho rằng mình là một trong bốn hạng người không thể đắc quả trong kiếp này, vậy thì ở rừng rất là vô ích, nên ông trở về chiêm ngưỡng tôn nhan của Đức Từ Phụ và nghe pháp ở chùa Kỳ Viên. Có nhiều vị Tỳ khưu biết thầy Tỳ khưu trẻ tuổi ấy chán nản sự hành đạo, nên mới vào Phật và bạch chuyện ấy.
Đức Thế Tôn mới dạy Tỳ khưu trẻ tuổi ấy rằng: “Thầy Tỳ khưu, thầy là người xuất gia theo giáo lý của Như Lai, là con đường giải thoát, sao ngươi không làm ra con người để kẻ khác nhận biết người tri túc, ít tham vọng, người thanh tịnh, người không chung đụng với thiện tín, là vị Tỳ khưu có nhiều tinh tấn?
“Kiếp trước rất nhiều ngươi nhờ sự cương quyết tinh tấn của một mình ngươi, mà được uống nước trong khi ở giữa bãi sa mạc. Tại sao bây giờ ngươi lại thối chuyển bỏ tinh tấn?”
Khi ấy có nhiều vị Tỳ khưu muốn hiểu rõ chuyện quá khứ, nên cầu xin Đức Thế Tôn thuyết Túc sanh truyện ấy cho nghe.
Lúc quá khứ, có một đoàn người đi buôn bằng xe, có 5 trăm cỗ xe đi bán tại xứ Bārānasī, phải đi qua một bãi sa mạc 60 do tuần (một do tuần là 16 kilômét). Vì vậy nên những người đi qua bãi sa mạc phải chuẩn bị đủ nước, gạo, cỏ v.v… cho đủ dùng. Họ đi ngang qua sa mạc chỉ đi ban đêm, nên người dẫn đường hay mỏi mệt. Khi đoàn xe ấy đi được 59 do tuần, người hướng đạo hay dạy phải bỏ bớt đồ cần thiết để nhẹ xe, cho đỡ khổ bò.
Vì đi đường nhiều đêm, người hướng đạo mỏi mệt ngủ quên, xe lại đi về chỗ cũ, khi xem sao mới biết là đi lạc, thì tình thế không còn cứu vãn được nữa, đành ngừng xe nghỉ. Vật tối cần cho người đi trong sa mạc là nước uống, mà lúc đó đoàn đã hết nước rồi. Người hướng đạo mới lo đi tìm nước. Đi cả ngày mới thấy có nơi nọ có cỏ mọc được; mới nghĩ rằng thế nào ở dưới chỗ đó cũng có nước nên cỏ mới mọc được, liền gọi đoàn người đến đào. Khi đào chỗ ấy sâu đến 60 hắc tay, mà không có nước, ai ai cũng ngã lòng. Người hướng đạo xem thấy phía dưới có một tảng đá to, y kê tai nghe có tiếng nước chảy, y mới gọi người phụ của y đến bảo rằng: “Này con, một khi mà ta bỏ sự trì chí, thì cả đoàn đều chết khát, vậy con lấy khúc sắt này xuống đập cho bể tảng đá ấy, tức thì có nước”. Người phu ấy vâng lời xuống đập bể tảng đá, tức thì thấy quả có một môi nước to bằng thân cây thốt nốt, nhờ đó mà cả đoàn khỏi bị chết khát.
Khi nhắc tích này xong, Đức Thế Tôn thuyết rằng: “Những người không nản chí đào giếng giữa sa mạc, cũng như các bậc trí thức kiên chí, không lười biếng, không dễ duôi, sẽ được sự tĩnh lặng”.
Đức Thế Tôn thuyết thêm pháp Tứ Đế. Vị Tỳ khưu ấy quán niệm về minh sát tuệ, đắc quả A La Hán. Đức Phật mới dạy rằng người hướng đạo ấy là Như Lai, còn người đập tảng đá ấy chính là thầy Tỳ khưu trẻ tuổi ấy.
Tapa là sự tinh tấn đem lại hạnh phúc như đã trình bày trên.
3. Thu thúc lục căn (Indryasamvara): Chú giải bộ kinh Mangalasutta có giải rằng thu thúc lục căn gọi là Tapa, vìTapa là pháp thiêu hủy các ác pháp như tham lam, sân hận, si mê. Hơn nữa Tapa có nghĩa tổng quát là ngăn ngừa, tiêu trừ các pháp ác.
Sự để trí nhớ không cho tâm phóng túng theo cảnh trần gọi là thu thúc, vì thu thúc có nghĩa là chặn đứng (không cho lục căn tiếp xúc với tục trần).
Biết chặn đứng không cho lục căn tiếp xúc với lục trần gọi là thiêu hủy các pháp ác. Đức Thế Tôn biết khi lục căn không thu thúc bị trần cảnh xâm chiếm, thì phiền não phát sanh, thì đạo hạnh phải bị hư hoại, như sự tích vị đạo sĩ sau đây:
Thời quá khứ có một vị đạo sĩ tên Lomassa-kassapa là tiền thân của Đức Phật. Ngài hành đạo tại rừng Tuyết Lãnh. Vì sự hành Tapa của ngài rất là tinh tấn, nên sức nóng xông lên đến Đức Đế Thích. Đức Đế Thích lấy làm lạ không biết vì nguyên nhân nào, ngài xem lại mới biết rằng có vị đạo sĩ hành Tapa. Ngài mới nghĩ phương pháp để chặn đứng sự hành Tapa của vị đạo sĩ ấy.
Đêm khuya lại, ngài mới hiện đến long sàn của đức vua, phát hào quang sáng rực và gọi đức vua bảo rằng: “Đại vương hãy tỉnh dậy, trẫm đây là Đế Thích, đến mách cho đại vương biết rằng nếu đại vương muốn là chúa tể cả cõi Diêm Phù này thì hãy giao công chúa cho vị quốc sư Seyyaha, bảo đem đến rừng Tuyết Lãnh cám dỗ cho được ông đạo sĩ tên Lomassakassapa. Rồi đại vương nhờ đạo sĩ ấy giết thú tế thần lửa, nhờ quả ấy đại vương sẽ không già, đau và chết, cũng như Thiên Vương Đế Thích, và làm chúa cõi Diêm Phù Đề”.
(Chúng ta thấy hành vi của Đức Đế Thích dường như thật ác, nhưng kỳ thật, ngài biết rằng đã là Bồ tát bởi sự hành đạo, vì sự hành đạo của ngài làm nóng nảy đến Đế Thích, bởi Đế Thích kém đức hạnh hơn).
Sáng ngày, lâm triều đức vua thực hành theo lời của Đế Thích. Vị quốc sư đem công chứa Candadevī đến trêu ghẹo đạo sĩ. Vì không thu thúc, nên vị đạo sĩ bị sắc đẹp của công chúa làm lung lạc, bằng lòng theo quốc sư về thành làm lễ tế thần lửa. Người trong xứ tựu đến xem rất đông. Dân chúng thấy vị đạo sĩ mình còn mặc đồ đạo sĩ mà đi sát sanh, nên những người ấy mới la lên rằng: “Ông đạo sĩ, ông làm chuyện không hợp lẽ đạo”. Rồi họ mới nói câu kệ:
Balam cando balamsuriyo
Balam samana brahmanā
Balam velāsamuddassa
Balāti balāti balamitthiyo.
Nghĩa là mặt trăng có sức mạnh (làm cho sáng bầu trời ban đêm), mặt trời có sức mạnh. Sa môn và Bà la môn cũng có sức mạnh (là nhẫn nại). Nhưng chỉ có hàng phụ nữ có sức mạnh hơn tất cả các sức mạnh khác.
Vì công chúa Candadevī cám dỗ được vị đạo sĩ Lomassakassapa là người đắc được pháp Tapa, phải về làm lễ tế thần lửa.
Ý câu này nói rằng những sức mạnh nào trên thế gian này, cũng không bằng sức mạnh của phụ nữ các bậc xuất gia hành Tapa đến đỗi làm cho Thiên Vương Đế Thích nóng nảy, mà vẫn còn bị cám dỗ vì sắc đẹp. Vì vậy các bậc trí thức nên biết rằng chỉ có sắc đẹp của phụ nữ là mạnh nhất.
Trong lúc người ta la như thế, vị đạo sĩ ấy đưa cây đao lên toan chặt đầu tượng để tế thần. Trước cái chết ấy, tượng kinh sợ rống lên, kế đó những loại thú khác cũng rống la vang rền. Vị đạo sĩ nghe tiếng la rống của thú và tiếng than khóc của người, làm cho ông có thoạt nghĩ: “Chúng sanh đều kinh sợ chết, mà tự ta giết hằng bao nhiêu người để đổi lấy hạnh phúc của dục tình, mình ta thật là đáng thẹn với các bậc trí thức”.
Ông lại tự dạy lấy mình rằng: “Việc làm của ngươi thật là đê tiện”. Ông liền bỏ dao xuống, rồi ông niệm lại đề mục của ông, như khi còn ở rừng, ông đắc tứ thiền lại như trước. Ông liền bay lên hư không, dạy nhà vua hãy bỏ sự cúng dường không hợp theo lẽ đạo và nên phóng sanh. Nhà vua trông thấy sự phi thường như thế, liền vâng lời hành theo lời răn dạy của vị đạo sĩ.
Tích này chỉ cho ta thấy rằng nếu vị đạo sĩ ấy thu thúc lục căn, không nhìn sắc đẹp của công chứa, thì không phải chịu chỉ trích của dân chúng và sự hối hận.
Vì vậy, trong bộ Chú giải Sabbavasutta có dạy người tu hành phải biết thu thúc lục căn và có trí nhớ quan sát tâm trong mọi trường hợp. Một khi thiếu trí nhớ, không thu thúc lục căn thì thật là khó sửa trị.
Điều này có thể ví như nhà vua muốn cho dân chúng được an cư lạc nghiệp, thì một mặt tra xét kẻ bất lương cho nghiêm ngặt, còn một mặt thì phải tuần phòng và phải đóng cửa thành, không cho kẻ bất lương xâm nhập.
Tapa có nhiều pháp khác nhau. Theo đây tôi xin kể những pháp có tên là Tapa:
1. Nhẫn nại.
2. Trì giới (ngũ giới, bát quan trai, tứ thanh tịnh giới …).
3. Học thông kinh luật của Đức Thế Tôn dạy.
4. Hành hạnh đầu đà.
5. Hành thiền định.
6. Hành minh sát tuệ.
7. Thu thúc lục căn,
8. Hành hạnh tinh tấn,
Hành Tapa được hạnh phúc là:
1. Là đại phước.
2. Là người không dễ duôi.
3. Là người vâng giữ hành theo Phật ngôn.
4. Là người thông hiểu theo phương pháp hành đạo.
5. Diệt bỏ được những điều xấu xa.
6. Không chung đụng với ác pháp.
7. Tự mình đi đến cõi trời.
8. Người có chánh tư duy.
9. Thường được hưởng quả an vui.
10. Là người sẽ đắc đạo quả Niết Bàn.