Mười Điều Tâm Niệm Của Người Niệm Phật

4. Điều tâm niệm thứ tư là hãy gìn giữ những giới luật mà mình đã lãnh thọ.

Sống giữa cõi đời loạn lạc phức tạp, thật may mắn thay chúng ta được sống trong ánh đạo vàng từ bi của đạo Phật. Chúng ta lại được sự bảo vệ che chở của giới luật. Những giới mà ta đã lãnh thọ nó có công năng mang lại sự an lạc hạnh phúc cho ta. Năm cấm giới của người Phật tử tại gia đã phát nguyện giữ gìn, khác nào như năm lá bùa hộ mạng. Nếu chúng ta giữ được giới nào thì chúng ta sẽ được giải thoát khổ đau của giới đó.

Như ta nguyện gìn giữ giới thứ nhứt không sát hại sinh vật, điều nầy có nghĩa là ta ý thức được những nỗi khổ đau do sự sát hại gây ra. Ta nguyện với lòng là luôn học hạnh từ bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Bởi ta biết rõ sự sống thật là quý giá nên ta cần phải tôn trọng. Ta hủy diệt sự sống của muôn loài tức là ta cũng tự hủy diệt chính ta. Vì không có muôn loài thì cũng không có mặt ta. Do đó, ta cần phải bảo vệ dù là một sinh vật rất nhỏ nhít. Chúng ta nên nuôi dưỡng và phát triển tâm Bi của ta ngày càng lớn mạnh hơn.

Đến giới thứ hai là ta phát nguyện gìn giữ không gian tham trộm cướp của ai. Điều nầy cũng có nghĩa là ta đang mở rộng cõi lòng tôn trọng tài sản của mọi người. Bởi ta ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và những bất công xã hội gây ra mà ta nguyện học hạnh đại từ để đem lại niềm vui sống hạnh phúc cho mọi người. Khi khởi một ý niệm tham lam muốn chiếm hữu tài vật của người khác, ta phải ngăn chặn ngay cái ý niệm ích kỷ xấu xa đê tiện đó. Bởi chính nó gây ra bao cảnh đau thương trong xã hội. Của cải mình tạo ra thì mình biết bo bo giữ lấy, còn của cải của người khác thì mình lại muốn chiếm hữu cuớp đoạt. Như thế, thì ta thử hỏi có công bằng không? Khi mất một món đồ quý giá mà ta yêu thích, thì ta luyến tiếc đau khổ như thế nào, thì kẻ khác khi bị mất mát một món đồ, họ cũng bi lụy đau khổ như ta thế ấy. Nghĩ thế, ta không nên gây cho người khác phải đau khổ vì hành động ích kỷ tham lam hèn hạ của ta. Bởi cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác phải đau khổ. Giữ giới nầy nhằm đem lại sự ấm no công bằng cho xã hội.

Đến giới thứ ba ta phát nguyện gìn giữ không làm những việc bất chánh tà hạnh làm mất trinh tiết phá hoại hạnh phúc gia cang của kẻ khác. Ta ý thức được những nỗi khổ đau do thói tà dâm gây ra làm tổn thương đến danh dự và làm tan nát hạnh phúc gia đình của người khác, nên ta nhứt quyết không làm những điều bất chánh đó. Bởi vì hành động thiếu trách nhiệm sáng suốt sẽ mang đến cái hậu quả đau khổ cho mình và người. Ý thức được điều đó nên người Phật tử tại gia nguyện suốt đời không lang chạ tư tình với những người khác phái mà chỉ một vợ một chồng mà thôi. Lời nguyện nầy có năng lượng rất lớn là ta quyết tâm bảo vệ hạnh phúc cho gia đình mình cũng như cho gia đình hoặc cá nhân người khác.

Đến giới thứ tư ta phát nguyện gìn giữ không thốt ra lời nói vô ý thức làm tổn hại thanh danh uy tín của mình. Đồng thời vì lời nói quái ác thiếu chánh niệm của mình có thể gây ra làm tổn thương đau khổ cho người khác. Là Phật tử ta nên nói lời chân thật hòa ái, yêu thương và êm dịu. Vì lời nói của ta có tác động ảnh hưởng rất lớn cho người nghe. Nếu lời nói của mình đem lại niềm an vui lợi lạc cho kẻ khác thì ta nên nói. Còn nói mà đem lại sự chia rẽ, thù hằn, ganh tỵ, ác độc, thì tuyệt đối là ta không nên nói. Vì một lời nói của mình mà người ta phải đau khổ mang theo suốt cả cuộc đời. Như vậy, thì quả thật là ta quá ác độc. Do đó, ta nguyện với lòng là lời nói của ta khi thốt ra sẽ làm tươi mát cho người khác, quyết không nói làm cho người khác phải đau khổ. Ta nên luôn dùng lời ái ngữ yêu thương xây dựng, đoàn kết, đến cho mọi người.

Đến giới thứ năm ta phát nguyện gìn giữ không bao giờ say sưa nghiện ngập hút sách bất cứ thứ gì có chất ma túy, vì những thứ đó có tác hại rất lớn mà ta quyết không nên dùng. Ta ý thức được những khổ đau do ta sử dụng những chất ma túy gây ra tác hại cho bản thân, gia đình và xã hội. Ta đã tự hành hạ xác thân ta. Vì mất chánh niệm nên ta đi vào con đường trụy lạc đau khổ. Ta đã làm khổ ta, khổ cho gia đình ta và khổ cho nhân quần xã hội mà ta đang sinh sống. Ta không thể làm những việc thiếu ý thức như thế được. Ta cương quyết bảo vệ sức khỏe của ta và bảo vệ hạnh phúc gia đình ta. Ta không dại dột gì lại đi tàn hại sức khỏe của ta một cách vô ích như vậy được. Và ta cũng không dại dột gì phải làm cho những người thân ruột thịt của ta phải chịu khổ lây vì hành động dại dột của ta. Ta phải sáng suốt trong cách sống và cách cư xử của ta. Ta không thể đánh mất thời gian của một đời sống vô bổ. Những gì ta tiêu thụ ta cần phải có ý thức đến những thứ mà ta tiêu thụ hằng ngày. Đó là ta tự tạo cho ta có một sự an lạc hạnh phúc trong đời sống. Ta quyết mạnh mẽ hùng tráng vươn lên tìm lại lẽ sống chân thật và như thế ta mới không hổ thẹn và thật xứng đáng làm người trong xã hội loài người.

5. Điều tâm niệm thứ năm là hãy nghĩ đến những bậc trưởng thượng Thầy Tổ của ta.

Hôm nay chúng ta được sống trong một môi trường đạo đức, hít thở không khí chánh pháp, đó là nhờ các bậc thiện hữu tri thức tức các vị Thầy Tổ của ta. Bước đầu đến với đạo ta phải nhờ đến sự hướng dẫn dìu dắt chỉ giáo của những vị nầy. Do đó, ta phải luôn nhớ đến cái thâm ân cao cả mà những vị nầy đã hết lòng chỉ giáo cho ta. Nuôi lớn thân ta là nhờ công ơn của cha mẹ, nhưng làm nên thân ta là nhờ công ơn của thầy bạn. Trưởng dưỡng pháp thân huệ mạng của ta là nhờ công ơn của Phật Tổ. Đó là những ân sâu nặng mà người Phật tử chúng ta cần phải ghi nhớ báo đáp.

Đối với người niệm Phật thì lại càng cảm niệm thâm ân nầy nhiều hơn. Bởi nhờ các vị nầy chỉ cho chúng ta biết rõ đường lối tu hành theo pháp môn Tịnh độ mà mình đang tu. Nếu không, thì làm sao ta biết được mà hành trì cho đúng pháp? Vì vậy, ta phải hết lòng kính trọng và nương tựa với các bậc Thầy Tổ để học hỏi. Trên đường đời hay đường đạo cũng vậy, muốn trở thành người tốt thì ta cần phải học hỏi. Tu hành mà không chịu nghe pháp học hỏi, thì có khác nào như kẻ mù lòa đi trong đêm tối. Đã mù mà đi trong đêm tối nữa thì làm sao tránh khỏi cảnh nguy nan, tán thân mất mạng. Thế nên, học và tu hay hiểu và hành phải đi đôi với nhau. Nếu chỉ biết học hiểu không mà không thật hành làm theo những gì mình hiểu, thì đó chỉ là hiểu suông không lợi ích gì cho đời tu của ta cả. Khác nào như người chỉ biết phân tích cái bánh vẽ mà không thưởng thức được mùi vị của bánh. Ngược lại, chỉ biết tu mà không học hỏi thì có khác gì là kẻ mù lòa. Các bậc sư trưởng là những vị thay Phật tuyên dương chánh pháp. Đó là những bậc Minh Sư đáng kính mà ta cần phải học hỏi với các Ngài. Có thế thì sự tu hành của chúng ta mới không vấp phải lỗi lầm là kẻ tu mù. Trong khi học hỏi hay nghe pháp, ta phải hết lòng trân kính những lời Phật Tổ dạy. Vì những bậc thầy cũng chỉ là người nói lại những gì Phật Tổ chỉ dạy đó thôi. Do đó, ta không nên có thái độ khinh thường mà mang trọng tội phá pháp vậy.

6. Điều tâm niệm thứ sáu là ta hãy cố gắng bền chí kiên nhẫn tu học và niệm Phật.

Ta nên biết rằng, làm bất cứ việc gì mà thiếu bền chí nhẫn nại, thì việc đó khó mà thành công. Nhất là đối với việc tu hành thì lại đòi hỏi chúng ta phải bền chí kiên nhẫn nhiều hơn. Thông thường, làm việc gì người ta hay nóng nảy muốn có kết quả liền. Đó là vì người đó thiếu đức tánh bền chí nhẫn nại. Trồng cây muốn có trái ăn liền, điều đó không bao giờ có được. Muốn thành tựu kết quả tốt đẹp của việc làm nào đó, tất nhiên đòi hỏi phải có yếu tố thời gian. Vì yếu tố thời gian rất quan trọng đánh giá được thành quả của ta. Cổ Đức thường dạy: “Niệm Phật không khó mà khó ở bền lâu, bền lâu không khó mà khó ở nhứt tâm“. Niệm Phật thì ai cũng có thể niệm được cả. Không luận tuổi tác già trẻ bé lớn mọi người đều có thể niệm được. Tuy niệm Phật được dễ dàng, nhưng có giữ được bền lâu hay không đó mới là điều đáng nói. Đã giữ được bền lâu, nhưng có chịu khó kiên nhẫn trong lúc niệm Phật hay không? Hay khi gặp thuận cảnh dễ dàng thì niệm, lúc gặp nghịch cảnh khó khăn thì lại buông xuôi. Đó là do thiếu ý chí kiên nhẫn mà ra.

Có người lúc đầu mới tu niệm thì tinh tấn lắm, một ngày phân chia ra ba bốn thời khóa, nhưng chỉ được thời gian ngắn rồi sau đó không còn thời khóa nào. Phật dạy, người tu hành giống như một nhạc sĩ khải đờn. Nếu dây đờn dùng quá thì âm thanh nghe không hay, ngược lại, nếu dây đờn thẳng quá thì dễ bị đứt. Chỉ có không dùng không thẳng ở mức độ trung bình thì dây đờn mới tạo thành âm thanh du dương lảnh lót. Phật nói, người tu hành hay niệm Phật cũng thế. Cứ giữ mức độ bình thường bền chí tu hành thì mới mong có kết quả tốt đẹp. Có người lúc đầu tu rút tu vội, tu mau kẻo trễ, nhưng sau đó thì lại trễ luôn. Ban đầu thì tới chùa thường, thời gian sau thì lại vắng bóng bặt tăm bặt tích. Người đời thường nói, ăn ít no dai ăn nhiều tức bụng là vậy. Mặc dù ăn ít, nhưng ăn thường thì tốt hơn là ăn một lần nhiều quá. Ăn như thế, chẳng những không có ích lợi bổ dưỡng cho thân thể mà còn gây ra tai hại bệnh hoạn nữa.

Đến việc phát nguyện niệm Phật cũng vậy. Có người lúc đầu phát nguyện niệm Phật con số rất cao, nhưng sau đó thì lại hạ thấp dần xuống. Đó là vì muốn nhanh mà trái lại không bằng chậm. Người xưa nói, dục tốc bất đạt là vậy. Sư tu hành như người đi bộ. Cứ thong thả mà đi chớ không nên chạy gấp nước rút. Mới chạy thì thấy nhanh hơn người đi rất nhiều, nhưng chạy một chặp thì lại mệt nhoài ngồi hoài thở dóc, chi bằng cứ bền chí mà đi như thế có phải là tốt hơn không. Cho nên, sư tu hành muốn có kết quả cao thì Phật Tổ khuyên chúng ta nên bền chí và nhẫn nại. Chúng ta phải chịu đựng tất cả dù kẻ đó có ác ý muốn hại ta. Ta nên nhớ rằng, kẻ ác tâm hại người hiền, thì chẳng khác nào như người ngước mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt kia không lên tới trời mà trở lại rớt vào mặt mình. Như người đứng dưới gió giê bụi, bụi kia không lên được ngược gió mà nó trở lại rớt vào mình. Khổng Tử cũng nói: “Hàm huyết phún nhơn tiên ô tự khẩu”. Nghĩa là ngậm máu phun người thì dơ miệng mình trước. Hại người trở lại hại mình là vậy.

Cho nên, người tu hành phải cố gắng kiên tâm nhẫn nại vượt qua mọi chướng duyên thử thách. Người ta thường nói: “Lửa thử vàng gian nan thử sức”. Thật vậy, có chịu nhiều gian nan sóng gió bão táp mưa sa mới biết sức chịu đựng nhẫn nhục của con người đến mức độ nào. Bình thường ai cũng có thể tự hào khoe khoang nhẫn nại đủ thứ nhưng khi gặp nghịch cảnh khó khăn xảy đến, thì họ lại bỏ cuộc như chơi. Họ còn nói, tội gì mà phải chịu đựng chi cho khổ cuộc đời. Nếu chịu đựng mà có lợi lộc cho họ thì may ra họ còn có thể chấp nhận cái cảnh chịu đấm ăn xôi. Ngược lại, đã không có xôi thì ai dại dột gì mà phải để cho người ta đấm. Đối với những ai dấn thân làm việc phục vụ cho đại chúng, tất nhiên là phải chịu đựng nhiều sóng gió khó khăn từ mọi phía đưa tới. Phật nói, như con voi ra trận địa phải chịu nhiều lằn tên mũi đạn bắn tới. Tuy nhiên, không phải vì thế mà voi lại chùn bước thối lui. Voi nhứt quyết phải đi tới để hoàn thành sứ mệnh. Cũng thế, người đứng ra gánh vác Phật sự phục vụ giúp cho mọi người thì giống như con voi ra trận mạc. Cũng phải chịu đựng nhiều sóng gió thị phi khen chê, phê bình, chỉ trích, nói xấu đủ thứ, nhưng vẫn phải kiên tâm quyết chí vượt qua mọi thử thách để hoàn thành sứ mệnh thượng cầu hạ hóa. Có thế, thì mới xứng đáng là người tu hành mong cầu thoát khổ vậy.

7. Điều tâm niệm thứ bảy là niệm Phật vì cầu thoát ly sanh tử khổ hải.

Điều tâm niệm nầy mới là tâm niệm chính của hành giả niệm Phật. Chúng ta phải niệm Phật như thế nào mới khế hợp bản hoài của Phật?

– Có người đi chùa thấy người khác niệm Phật cũng bắt chước niệm theo nhưng họ hoàn toàn không có chủ định. Niệm Phật như thế cũng gieo được chút ít căn lành phước đức, nhưng không hợp với bản ý của Phật.

– Có người niệm Phật vì mục đích là nguyện cho mình được tiêu tai giải nạn, cầu cho gia đình mình luôn được khỏe mạnh bình an, mọi việc sinh hoạt hằng ngày đều được hanh thông lợi lộc. Nguyện cầu như thế tuy có phần ích kỷ nhưng cũng không phải là sai hẳn. Tuy nhiên, niệm Phật cầu nguyện như thế tất nhiên là không hợp với bản ý của Phật.

– Có người vì đời sống gặp nhiều hoàn cảnh bất như ý, hay sanh buồn phiền phẫn chí, niệm Phật cầu cho mình hiện tại và kiếp sau đừng bao giờ gặp những hoàn cảnh bất như ý đó nữa. Tất cả đều phải được thuận lợi có một đời sống luôn được như ý. Niệm Phật cầu như thế, tất nhiên vẫn tốt, nhưng không hợp với bản ý của Phật.

Đại khái nêu ra một vài trường hợp của những người niệm Phật không đúng bản hoài của Phật chỉ dạy. Vậy niệm Phật như thế nào mới hợp với bản ý của Phật?

Theo lời Phật dạy, hành giả niệm Phật phải vì cầu thoát ly sanh tử luân hồi khổ đau, chớ không cầu bất cứ điều gì khác. Bởi kiếp sống của con người do tạo nghiệp lành dữ mà thọ những quả báo khổ vui có khác nhau. Nhưng tất cả cũng đều ở trong vòng sanh tử nổi trôi xuống lên trong sáu đường. Có phước thì sanh về cõi trời người hoặc A tu la, còn có tội thì phải đọa lạc vào tam đồ ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Dù cho sanh lên cõi trời nhưng khi hưởng hết phước thì cũng phải bị sa đọa. Chỉ có niệm Phật là con đường thẳng tắt đưa hành giả thoát khỏi cảnh giới lục đạo luân hồi. Khi đã được vãng sanh về cảnh giới Tây phương Cực lạc rồi, thì hành giả sẽ không còn sanh tử luân hồi nữa. Chừng đó, chỉ một bề tiến tu đến thành Phật quả mà thôi. Niệm Phật được liễu sanh thoát tử đó mới là điều hợp với bản ý của Phật vậy.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.