1. Điều tâm niệm thứ nhứt là hãy nghĩ đến nỗi khổ đau của ta và người.
Người niệm Phật thường nên tâm niệm rằng, chúng ta đã trót mang nghiệp làm người, không ai tránh khỏi những nỗi khổ đau. Chúng ta nên luôn nghĩ đến những cảnh thống khổ của cuộc đời. Trước hết, nên nghĩ đến những nỗi khổ đau của chính bản thân mình. Đối với bản thân của chúng ta, kể từ khi chào đời cho đến khi nhắm mắt nằm yên trong quan tài, chúng ta đã trải qua không biết bao nhiêu điều đắng cay hệ lụy đau thương. Ngoài những nỗi khổ cực vất vả toan tính mưu sinh để có thể đáp ứng cho những nhu cầu vật chất của sự sống ra, ai cũng phải trải qua những cảnh thống khổ: già, bệnh, chết. Đó là những nỗi đau khổ lớn nhứt của cuộc đời mà không một ai tránh khỏi. Nỗi đau khổ của tuổi già, của đau yếu, tật nguyền, bệnh hoạn và của cái chết đau thương, tất cả đều làm cho chúng ta luôn cảm thấy bức bách, vày vò, xốn xang, khó chịu. Biết bao nỗi lo lắng ưu tư sầu khổ của kiếp người mà không bút mực nào có thể diễn tả hết được.
Ngoài nỗi đau khổ của bản thân ra, rồi đến những nỗi đau khổ liên hệ đến gia đình. Cảnh xào xáo bất hòa của vợ chồng, của con cái, và của người thân thường hay xảy ra hằng ngày. Không có gia đình nào có được vẹn tròn hạnh phúc cả. Gia đình bất hòa, con cái hư hỏng, cha mẹ cãi vã đánh đập bạo hành, thậm chí còn ly thân ly dị với nhau làm khổ đau cho con cái rất nhiều. Có nhiều gia đình vì một chuyện vặt vãnh không đâu mà gây ra cảnh nồi da sáo thịt, nhà tan cửa nát, mất đi sự hòa khí và mất luôn cả tình yêu thương xây dựng hạnh phúc lúc ban đầu. Sống trong gia đình mà mỗi người là một ốc đảo dị biệt xem nhau như người xa lạ. Thậm chí, họ còn căm thù giận tức ganh ghét lẫn nhau, không ai chịu nhường nhịn ai, ai cũng sẵn sàng muốn ăn thua đủ. Họ tranh chấp hơn thua với nhau từng hành động và lời nói. Thật là oán tắng hội khổ. Tuy sống trong gia đình mà mỗi người cảm thấy như sống trong cảnh giới địa ngục. Như thế thì thử hỏi còn nỗi đau khổ buồn tủi nào hơn! Là người biết chút ít tu hành lại thêm ăn chay niệm Phật, thì tại sao chúng ta không tập tu hạnh hỷ xả của Bồ tát. Ta càng ôm ấp cố chấp nhiều chừng nào thì ta càng đau khổ nhiều chừng nấy. Niệm Phật mà tâm không buông bỏ mọi việc, vẫn còn chứa chất đầy những thứ phiền trược cấu uế trong lòng, niệm Phật như thế, thì thử hỏi Phật nào chứng minh cho ta?! Và như thế, thì đời ta biết đến bao giờ mới hết khổ đây! Ta muốn đời ta bớt khổ đau, thì mỗi người cần phải thực tập hạnh hỷ xả buông những gánh nặng lo âu phiền muộn để cho tâm hồn ta vơi đi nhẹ bớt ưu phiền. Có thế, thì sự niệm Phật của ta mới có thể tương ưng với Phật phần nào. Ta hãy cố gắng tập buông bỏ từ từ, buông bỏ từ cái thô nặng vật chất tài sản bên ngoài, rồi buông dần đến cái vi tế phiền não trong tâm ta. Nhất là buông hết những tiếng thị phi đàm tiếu vô ích của thế gian. Vì những thứ nầy không mang lại lợi ích gì cho đời ta cả. Chẳng những thế, mà nó còn mang đến họa hại cho ta, nếu ta cứ khư khư cố chấp giữ chặt nó trong lòng. Ta hãy vươn lên làm người khôn và đừng bao giờ cam tâm làm kẻ dại khờ ngu ngơ nữa. Chúng ta hãy mở rộng trái tim yêu thương hiểu và cảm thông nhau để cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc gia đình. Đó là điều tâm niệm thứ nhứt mà người niệm Phật cần phải lưu tâm ý thức thật hành.
2. Điều tâm niệm thứ hai là hãy nghĩ đến vô thường
Vô thường là một định luật tất yếu mà không vật nào thoát khỏi. Lớn như quả địa cầu, nhỏ như hạt bụi li ti, tất cả đều phải chịu chung định luật vô thường chi phối. Nhìn lại thân ta và cảnh vật chung quanh ta thì ta sẽ thấy rất rõ điều đó. Nghĩ đến vô thường của kiếp người, ta cần phải ý thức lo tu hành niệm Phật nhiều hơn. Những trận thiên tai xảy ra hằng ngày luôn đe dọa đến sự sống và cái chết của ta. Cái chết đến với chúng ta không biết lúc nào. Mỗi người chúng ta đều mang sẵn trong người cái bản án tử hình hết rồi. Quỷ dữ vô thường sẽ không dung tha ta và chúng sẽ đem chúng ta ra pháp trường xử trảm không biết lúc nào. Cái chết đến với chúng ta không bao giờ hẹn trước. Giờ hành chánh thì chúng ta còn có thể hẹn tới hẹn lui được, còn giờ của Diêm Vương quyết định kêu gọi thì chắc chắn không một ai có thể hẹn lần hẹn lửa nữa được. Câu nói: “Diêm vương quyết định canh ba chết, không thể hoản trì lưu lại đến canh năm“. Nghĩ thế, thì ta còn tranh cãi hơn thua với nhau để làm gì!
Cái thân của chúng ta thật là mỏng manh còn hơn hạt sương mai đầu cành. Thấy đó rồi mất đó. Sớm thấy còn nói năng hoạt động tới lui, chiều lại hóa ra người thiên cổ. Có khi ngủ chưa hết qua đêm thì lại tắt thở khi nào không biết. Đúng là: “Dép dưới giường lên giường vội biệt, sống ngày nay mấy ai dễ biết được ngày mai“. Ngẫm lại, kiếp sống của con người nó ngắn ngủi còn hơn con phù du sớm sanh chiều chết. Mỗi lần tiễn đưa người bạn thân của mình đến nơi lò thiêu hoặc ở nơi nghĩa trang, thì lúc đó mình cảm thấy buồn bã vô hạn. Vì hôm nay mình tiễn người đi, thì mai kia ắt sẽ tới phiên người khác tiễn đưa mình. Cứ thế mà sắp hàng lần lượt tiễn đưa nhau. Nghĩ đến cái chết vô thường như thế, thì mọi sự hơn thua tranh giành phải trái với đời, mình nên quên đi và không bao giờ để nó trong lòng. Mãi tranh hơn thua, đấu đá, ganh ghét, tỵ hiềm thù hận kẻ nầy, người nọ, một mai cơn vô thường xảy đến thì lúc đó mình cũng phải xuôi tay nhắm mắt lìa đời. Khi đó thử hỏi mình còn nắm giữ hay đem theo được cái gì không? Không lẽ cả đời tu hành của mình rốt lại chỉ mang theo những thứ đó thôi sao! Mang nó theo chỉ làm khổ cho mình thôi, không những khổ trong hiện tại mà nó còn kéo dài đến mai sau nữa. Ngày mình đến có mặt với cuộc đời, lúc đó mình như thế nào? Có phải mình từ bụng mẹ chui ra với hai bàn tay trắng và tất nhiên, không có thứ gì của mình cả? Lớn lên tạo sự nghiệp thì có bao nhiêu thứ là cái của mình và chính những cái thứ đó nó giam hãm xiết chặt mình luôn trong ngục tù đau khổ. Những thứ mà mình hưởng thụ rốt lại nó có còn tồn tại với mình hay không? Hay nó cũng theo luật vô thường mà biến đổi sinh diệt tiêu hủy? Đến ngày nhắm mắt ra đi người ta thương tưởng mình tặng cho mình một bộ đồ mang theo để che thân. Và một cái quan tài giấu kín những điều ô uế bất tịnh.
Thật ra, không phải người ta tốt lành gì với mình, mà người ta muốn giấu kín cái thân xác hôi thúi không gây ra làm ô nhiễm ảnh hưởng tác hại đến những người khác đó thôi. Chưa hết, người ta còn lo sợ cái hậu quả làm ảnh hưởng độc hại đến sự sống sinh thái môi trường, cho nên bằng mọi cách là người ta phải thiêu hủy cái thân xác hoặc chôn nó sâu kín dưới lòng đất lạnh cho nó tan hoại ra thành tro bụi. Đó cũng chỉ vì bảo vệ sự sống còn an toàn vệ sinh cho những người còn ở lại dương trần nên bắt buộc người ta phải làm như thế.
Ngẫm kỹ lại, cái thân mà mình cưng yêu chiều chuộng bằng mọi cách bảo vệ nó tối đa đủ thứ, bây giờ nhìn lại nó đâu mất rồi?! Nó đã trở thành một nắm xương khô hay một nắm tro tàn, chỉ có thế thôi! Nghĩ đến và ý thức như thế, thì ta không còn gì phải cố chấp bám víu vào cái xác thân ruỗng mục hư hoại nầy nữa, để rồi phải vì nó mà ta tạo ra không biết bao nhiêu nghiệp bất thiện phải chịu nhiều hệ lụy đau khổ. Người niệm Phật phải luôn tâm niệm như thế để giảm bớt sự luyến ái chấp trước ở nơi thân. Vì ái thân là con đẻ của chấp ngã và đó chính là nguyên nhân gây ra không biết bao nhiêu điều hệ lụy khổ đau. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là ta coi thường nó, khi nó bị bệnh đau thì ta cũng phải chữa trị. Ta chỉ lợi dụng nó như lợi dụng một chiếc xe hay như một chiếc bè để ta tu hành. Mục đích là để đến mục tiêu mà ta nhắm tới. Nghĩa của lợi dụng khác hơn là nô lệ. Người niệm Phật phải sáng suốt nhận ra điều nầy. Có thế, thì sự niệm Phật của chúng ta mới có thêm phần kết quả tốt đẹp vậy.
3. Điều tâm niệm thứ ba là hãy nghĩ đến hoàn cảnh chung quanh mà mình đang sống.
Hiện chúng ta đang sống trong một thế giới mà nền đạo đức luân lý của con người ngày càng sa sút tuột giốc thê thảm. Những cảnh tượng tang thương hãi hùng xảy ra hằng ngày chung quanh ta không sao kể hết. Chiến tranh, khủng bố, cướp của, giết người, phạm pháp, tù đày, cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập hút chích xì ke ma túy phá làng phá xóm vân vân và vân vân, đã và đang xảy ra gây nên cảnh rối loạn mất an ninh cho xã hội không lúc nào là không có. Những thảm trạng đảo điên thác loạn nầy có khác gì như chúng ta đang sống trong ngôi nhà lửa. Bốn bề lửa cháy hừng hực bốc lên cao ngọn, tưởng chừng như không còn phương cách nào để có thể chạy chữa được nữa. Cuộc sống luôn luôn bị đe dọa từng giây phút bất an. Từ gia đình đến xã hội luôn luôn bị xáo trộn làm cho con người như mất hết định hướng đạo đức lương tri. Đạo đức nhân bản không còn được đề cao và người ta sống buông thả theo nếp sống sa đọa trụy lạc thời đại. Nền tảng đạo đức gia đình đã bị lung lay đến tận gốc rễ. Từ bản thân đến gia đình và xã hội không lúc nào người ta cảm thấy có được hạnh phúc an ổn. Đó là một sự băng hoại của một nền đạo đức lấy con người làm gốc. Nếp sống thiếu đạo đức sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại khốc liệt khôn lường.
Trước hoàn cảnh hổn độn rối loạn nhiễu nhương tai ương như thế, chúng ta còn được chút ít phước thừa là biết sống quay về với chính mình. Còn được sống hít thở trong không khí môi trường của đạo đức tâm linh giác ngộ. Ánh sáng giác ngộ đó hướng dẫn chúng ta đang đi trên con đường tìm lại lẽ sống chân thật an lạc hạnh phúc của chính mình. Chúng ta được ngồi bên nhau thảnh thơi, cùng tu, cùng học, có thầy, có bạn đồng hành tốt như thế nầy, thì chúng ta hãy biết trân quý những gì hiện có. Chúng ta nên quý kính và hết lòng yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Tuyệt đối, chúng ta cương quyết không gây ra làm khổ đau cho mình và người. Vì chúng ta ý thức rằng, mình gây ra làm khổ cho người tất nhiên mình cũng không có hạnh phúc. Mỗi người luôn tâm niệm gìn giữ cái thâm tình cao đẹp đó. Nếu bỏ lỡ đánh mất cơ hội nầy, thì chắc chắn chúng ta sẽ vô cùng ân hận và hối tiếc.
Chúng ta chỉ biết niệm Phật mà không biết Phật niệm thì đó là một điều thiếu sót lỗi lầm rất lớn. Khi niệm Phật giống như chúng ta đã có sẵn trên tay cái chén và đôi đủa. Tuy nhiên, cái chén và đôi đủa không giúp cho chúng ta no bụng được. Mà chúng ta cần phải đích thân đến lấy cơm vào chén và rồi chúng ta phải trực tiếp dùng cơm. Có thế, thì chúng ta mới no bụng được. Niệm Phật và Phật niệm cũng thế. Phật niệm là chúng ta hãy để cho chất Phật trong lòng của chúng ta được thể hiện ra bên ngoài. Chúng ta nói năng, làm việc, giao tiếp trong chánh niệm và an lạc. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi thái độ, mỗi việc làm của chúng ta phải để chất Phật trong người của chúng ta toát ra hương vị ngọt ngào làm êm dịu tưới mát đến mọi người. Chúng ta không nên có những hành động thô bạo, vị kỷ, thấp hèn, phát xuất từ một tâm niệm chứa đầy phiền não tham, sân, si. Vì như thế sẽ gây ra làm cho chính ta và người khác thêm bực bội khó chịu. Mà chính ta đã làm khổ cho ta trước rồi. Do đó, niệm Phật và Phật niệm phải được đi đôi với nhau. Có thế thì mình và người cả hai mới có thể được lợi lạc hạnh phúc vậy.