Đời sống vật chất đầy đủ liệu có thể đảm bảo được hạnh phúc lâu dài hay đời sống vô sản tuyệt đối như các nhà sư mới thật sự hạnh phúc?
MỤC LỤC
Chương 1 : Quan niệm hạnh phúc
Phóng thích sự bực dọc
Biết tâm đang bị khổ đau
Theo đuổi ước mơ
Biết thỏa mãn ước mơ
Tình yêu với “chánh pháp”
Chấp nhận người khác
Cách ứng xử với cuộc đời
Hạnh phúc thuộc về nhận thức
Chương 2 : Hạnh phúc của kiếp người
Nhu cầu hạnh phúc
Có con cái hiếu thảo
Có tài sự nghiệp
Hưởng phước đúng cách
Không có nợ nần
Không có lỗi lầm
Có trí tuệ lớn
Chương 3 : Hạnh phúc hôm nay
Hạnh phúc và tự do
Vun đắp tình thương yêu
Chịu khó – Không khó chịu
Chương 4 : Hạnh phúc trong tầm tay
Bản chất hạnh phúc
Quên đi quá khứ
Cần nỗ lực xây dựng lại những gì đã làm
Hạnh phúc từ cái bình dị
Chấp nhận sự thay đổi
Hài lòng tích cực
Rộng mở tấm lòng
Chương 5 : Bản chất hạnh phúc
Hạnh phúc chỉ là cảm xúc
Nhận dạng bản chất khổ đau
Vượt qua đau để không bị khổ
Phóng thích nỗi khổ
Hạnh phúc của thân tâm
Tác nhân của hạnh phúc
Thời lượng hạnh phúc
Hai loại hạnh phúc
Ước muốn hạnh phúc
Nỗi buồn thành niềm vui
Chấp nhận bản thân
Chấp nhận người khác
Chấp nhận hoàn cảnh
Sống thong dong và buông xả
Chương 6 : Sống hạnh phúc
Quan niệm hạnh phúc
Niềm vui của cá
Nghề gác đêm
Cái vỏ ốc
Lời cha dạy
Chương 1 : Quan niệm hạnh phúc
Giảng tại Chùa Tịnh Luật, Houston, USA, ngày 19-9- 2004 Đánh máy: Tâm Hương, Diệu Đồng và Lệ Mỹ
Phóng thích sự bực dọc
Một người đi ngoài trời nắng dưới nhiệt độ trên 350C, thân anh ta cảm thấy oi bức nóng nực. Nếu vào nhà bật máy điều hòa không khí, mát mẻ, thoải mái sẽ đến tức thì. Sự thoải mái đó thường được đánh đồng với trạng thái của hạnh phúc. Như vậy có thể hiểu hạnh phúc trước nhất là dòng cảm xúc mang lại sự dễ chịu, làm tâm trở nên hân hoan, phấn khởi, nhẹ nhàng. Trong khi thực tế, hạnh phúc lại thuộc về nội tại. Cái cảm giác đi ngoài trời nắng vào phòng máy lạnh chỉ là phản ứng hóa chất của cơ thể đối với môi trường xung quanh. Hạnh phúc, dựa vào cảm xúc sinh học, chỉ là phản ứng nhất thời và dĩ nhiên thời lượng của nó trong trường hợp này không lâu dài. Tìm đến hạnh phúc là phải tìm đến cái gì đó trường tồn, không bị điều kiện hóa như trường hợp vừa nêu. Vì khi điều kiện mát mẻ nhờ máy điều hòa không còn nữa thì cảm giác khó chịu, còn gọi là phản ứng không hài hòa, khó có thể duy trì được hạnh phúc.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu một cách nôm na rằng: Hạnh phúc là phản ứng phóng thích những cảm giác bực dọc, những cảm giác khó chịu từ thân thể mình ra bên ngoài. Những trạng thái khó chịu có thể xuất hiện dưới hai cơ quan chính yếu của con người, thứ nhất là thân, thứ hai là tâm. Thân không thoải mái, dĩ nhiên con người có những phản ứng như: Nhăn nhó, co rút tay chân, hoặc tìm ai đó để tâm sự, chia sẻ. Về phương diện sinh học, nhờ vào phản ứng phóng thích mà nỗi đau phần nào được đưa ra ngoài một cách tự nhiên. Tại bệnh viện, các bệnh nhân thường được yêu cầu kìm nén phóng thích cơn đau ra ngoài để đảm bảo không gây ồn cho người khác. Do đó, phóng thích để tạo ra trạng thái thoải mái trong thời gian ngắn đã bị ức chế làm cho họ bị đổ dồn cơn đau, khổ đau ngày càng lớn, và cứ tồn tại như một đoạn kết.
Từ góc độ này có thể hiểu, nếu việc phóng thích cơn đau thân thể bằng phản ứng sinh học là một trong những cách làm cho con người được hạnh phúc thì việc phóng thích nỗi đau của tâm còn quan trọng hơn rất nhiều. Trong cuộc sống, con người tiếp xúc với môi trường hoàn cảnh thường không mang lại những điều mong đợi. Cho nên sự phóng thích về góc độ của tâm là nhu cầu rất cần thiết để hấp thụ một đời sống hạnh phúc.
Biết tâm đang bị khổ đau
Chủ yếu dựa vào quan sát. Tuy nhiên, sự quan sát có thể bị nhầm lẫn, bởi vì đối với những người sống với chiều thức của nội tại, họ có những cách thức thể hiện bên ngoài rất tươi, dù tâm họ có thể đang buồn bã. Hoặc khi quan sát dáng đi khoan thai mà cho rằng người đó hạnh phúc, đôi khi lại sai lầm. Cho nên, quan sát thật sự là quan sát vào đời sống nội tâm.
Nội tâm vốn vô hình, làm thế nào để quan sát? Chẳng hạn người hạnh phúc thực sự thì nụ cười của họ không gượng gạo, nụ cười toát ra từ tâm và nó như một phản ứng tự động, lây lan niềm hoan hỷ đến người khác, có nghĩa là nhìn vào nụ cười của họ, chúng ta được cộng hưởng từ sự hoan hỷ của nụ cười đó.
Chẳng hạn hàng ngày chúng ta quan sát tượng của đức Phật trong tư thế trang nghiêm, ung dung tự tại, mặc dù Ngài không cười. Gương mặt của Ngài, thông qua tài điêu luyện của các nhà điêu khắc hoặc của các nghệ nhân, chúng ta cảm nhận chất liệu an lạc thật sự. Đời sống nội tâm của chúng ta được ảnh hưởng lan truyền từ hình ảnh trang nghiêm tự tại đó. Tương tự, khi quan sát một người, nếu họ có chất liệu an lạc thực sự thì nó tỏa ra bên ngoài mà nhà Phật thường gọi là hào quang.
Hào quang là một khái niệm vật lý, nó như thứ ánh sáng tỏa bên ngoài con người. Nói cách khác, xung quanh mỗi con người có một vùng từ trường, còn gọi là vùng nhân điện hay từ trường sinh học,…. Mỗi từ trường sinh học có chất liệu giao thoa, tương tác với các trường sinh học của người khác. Cho nên, khi tiếp xúc với người an lạc thực sự, dù lúc đó tâm không được an, chúng ta cũng được ảnh hưởng và tâm trở nên lắng dịu một cách tự nhiên. Sự tương tác đó nếu nhìn bằng tâm, chúng ta sẽ cảm nhận được, còn nhìn bằng mắt thường, đôi lúc sẽ hiểu sai.