Phạm Công Thiện Một Thi Sĩ Kỳ Tuyệt Thiên Tài

Có những con người đến rồi đi qua mặt đất trần gian này như một cơn sấm sét, gây chấn động kinh hồn, làm bùng vỡ một điều chi kỳ tuyệt, tinh khôi trên bầu trời tâm thức nhân loại, Phạm Công Thiện là một con người độc đáo như vậy.

Anh đã ra đi từ đó, từ thời buổi hỗn mang. Trong từng khoảnh khắc sát na, từng quãng liên tục vi tế của hạt bụi, anh từ chối chính mình. Khi mọi người ca tụng anh như một thiên tài, anh vất bỏ thần tượng để đi như một tên lãng tử vô lại…Người lữ hành bước đi, từng con sóng của đại dương cuốn theo xóa sạch từng dấu chân đi. Lưu lại trong khách ảo ảnh tiền thân, phảng phất mùi hương và sắc màu quá khứ không phai nhạt.”* Tuệ Sỹ giới thiệu như thế về Phạm Công Thiện, một tâm hồn hạo nhiên chi khí, một thi sĩ thượng thừa đã khơi nguồn mạch sáng tạo trào dâng ngất ngưởng, mở ra thể điệu phiêu bồng trên cung bậc văn chương, thiền học, triết lý, thi ca bát ngát dị thường. Bước đi một mình một bóng, đơn thân độc mã quá đỗi phong trần gần 50 năm trời nay, say gót mộng chuếnh choáng lang bạt kỳ hồ, lang thang lêu lổng suốt muôn chiều phiêu lưu, phiêu lãng ngàn phương. Lướt cánh đại bàng, tung hoành ngang dọc khắp năm châu bốn biển, thênh thang giữa thiên địa hoàn cầu.

Vào một chiều tháng 6, bắt đầu mùa hạ năm 1941, Phạm Công Thiện ra đời bên dòng sông thơ mộng Cửu Long, một dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ngút ngàn chảy xuống dọc ven bờ phố thị Mỹ Tho, một thị xã nhỏ nhắn, lặng lẽ hiền hòa ở miền Nam. Thi sĩ lớn lên từ đó, suốt ngày đêm cứ mặc sức mơ mộng rong chơi, tha hồ tắm sông lội nước, nằm ngắm mây trời bay lãng đãng xa xôi.

Rồi bất thình lình, đột ngột một hôm vụt đứng dậy, xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như một thần đồng biết nhiều thứ tiếng, một thiên tài lỗi lạc : Năm 1957, mới 16 tuổi đã xuất bản Tự điển Anh ngữ tinh âm, 19, 20 tuổi viết Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, 23 tuổi, viết Tiểu luận Bồ Đề Đạt Ma, 25, 26, 27 tuổi, viết Hố thẳm tư tưởng, Im lặng hố thẳm, Ý thức bùng vỡ, Bay đi những cơn mưa phùn, Trời tháng tư, Ngày sinh của rắn, Mặt trời không bao giờ có thực, Nikos Kazantzaki, Rainer Maria Rilke, Henry Miller và dịch thuật những tác giả vĩ đại Krishnamurti, Nietzsche, Heidegger… làm chấn động toàn thể giới văn nghệ sĩ trí thức thời bấy giờ.

Thuở ấy, năm 1967, khi Phạm Công Thiện làm Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, đúng lúc 26 tuổi thì Tuệ Sỹ, Bùi Giáng cũng có mặt ở đó thường xuyên, là những cây bút cốt cán, nền móng trong tạp chí Tư Tưởng, tiếng nói của Viện Đại học Vạn Hạnh.

Trước đó, nhà thơ cũng đã từng làm những chuyến giang hồ tứ chiếng, xách túi thơ bầu rượu ngao du sơn thủy qua Paris, London, New York, Washington rồi, từng diện kiến, sống gần gũi với những nhân vật kiệt xuất lừng lẫy trên thế giới như Krishnamurti ở Paris, Henry Miller ở Los Angles.

Đang là thần tượng của đám sinh viên các đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt thì đùng một cái, Phạm Công Thiện bỏ ngang chức Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh, lên đường viễn phương hành, làm cuộc ra đi theo quẻ Lữ trong Kinh Dịch, lênh đênh qua tận bên kia bờ đại dương tuyệt mù tăm tích vào năm 29 tuổi, tức năm 1970. Đó cũng là năm cuộc chiến tranh Việt Nam đến độ khốc liệt, kinh hoàng, khủng khiếp nhất. trên khắp hai miền Nam  Bắc tang thương.

Cất cánh phụng hoàng, thi sĩ bay vút đi xuyên qua gầm trời giông tố bão loạn, đang đắm chìm giữa dòng sử lịch hỗn mang, tang tóc cuồng phong gầm thét dữ dằn, tan hoang tàn bạo, xô đổ xuống mịt mù âm u hỗn độn, vây khổn đầy bóng tối vô minh trong đêm dài điêu linh, trầm thống, đoạn trường.

Trước ngày khởi hành, ngồi trên đồi cao chùa Hải Đức Nha Trang, thi nhân lắng hồn cô đơn, tịch mịch để nghe vọng về bao nỗi đời ly tán, đớn đau, bàng hoàng trong rưng rưng nhức nhối:

Hồi chuông chùa vọng luân hồi
Chim chiền chiện hót ngang trời đau thương
Trùng dương nằm đợi vô thường
Đồi cao bạt gió hai đường âm u

Âm u hai đường, đông tây đôi ngã thê lương. Còn chi đâu mà nói nữa. Thôi thì cánh chim ngàn cứ tung bay cho hết bầu trời tính phận bao la của mình. “Bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, rộng lượng và không hy vọng.” Văn hào Nikos Kazantzakis đã nói như vậy, cũng như triết gia vĩ đại Heidegger làm những câu thơ như âm thầm khích lệ thi sĩ lên đường :

“Bước tới và chịu đựng
Sự thất bại và câu hỏi
Trung thành với lối đi duy nhất của mi.”

Thi sĩ Phạm Công Thiện đã cảm nhận chân thiết lời thơ đó, nên hùng tâm tráng khí, im lặng thực hiện một cách mãnh liệt cuộc lữ phi thường, khởi sự tấu khúc độc hành ca trên lộ trình hướng về hố thẳm uyên mặc, uyên nguyên. Cuộc lữ dữ dội bi tráng, mở ra những phương trời hoằng viễn như Rimbaud, Hoelderlin, như Nietzsche, Henry Miller, những đồng thanh tương ứng với thi nhân nên luôn luôn xuất thần, ngất trời túy lúy, phóng cuồng phiêu đãng hoan say. Đó là những cuộc đi vô định, vô sở trú, chất ngất trên tuyệt đỉnh núi cao và hun hút tận nguồn sâu hố thẳm tâm linh, vừa bừng bừng thần khí rực ngời lửa tim hồn cháy, vừa ầm ầm cuồng nộ, trào tuôn lai láng như sóng vỗ đại dương. Cháy và chảy, cháy và chảy mãi trong hồn, như một lần đặc biệt, nhà thơ đã từng nhắn gởi cho giới trẻ thanh niên Việt Nam : “Gởi một người đọc không quen, cùng cháy một thứ lửa thiêng như tôi, cùng được nuôi bằng một thứ nước điên nào đó chảy trôi như tôi, cùng sống như tôi đang sống : Cháy và chảy, cháy và chảy không ngừng…”**

Hừng hực ngọn lửa thiêng suốt ngày đêm bừng cháy trong trái tim nên chàng thi sĩ đã hào hứng lên đường ra đi từ dạo đó, từ thuở nào vô thường dâu bể loạn mù xa, giã từ hồng nhan, bái biệt nàng thơ huyền mộng cũ trong ngậm ngùi chia phôi:

Đã đi thì đã đi rồi
Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu
Hạ phương ngày tháng bể dâu
Sắt son tình cũ phượng cầu túy hương
Có còn chi nữa mà thương
Buổi trưa nằm ngủ thấy nường năm xưa
Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Chuyển hình trên đỉnh cô liêu
Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn
Đại Huyền biến ngưỡng triêu tôn
Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao
Án nga nga nẵng bạch hào
Một luồng sáng rưc chiếu vào trái tim

Đứng trên tuyệt đỉnh cô liêu, một chiều hoang vu nọ, nhà thơ bỗng nghe văng vẳng những lời ẩn ngữ mật ngôn huyền bí và chợt thấy thấp thoáng tiền kiếp mình ở tận xứ miền tuyết trắng Tây Tạng hoang sơ. Biết mình là hành giả Mật tông trong các dãy hang động trên tuyệt mù Hy Mã Lạp Sơn, nên trái tim Bát nhã ứng hiện những nàng tiên huyền diệu, dạo khúc cung đàn mười tám tiếng lòng Không Định rung ngân, khiến cho thi sĩ chỉ còn biết đọc thần chú lim dim :

Năm nàng thiên nữ tôn nghiêm
Trùng quan ngũ sắc ứng điềm tán không
Án đa la tịch mịch hồng
Mười phương xuất hiện những đồng sinh thiên
Bát nhã là gái thiên tiên
Khoan thai cởi áo mây hiền trên cao
Gió lùa thơm tóc tơ đào
Thập bát Không Định tiêu dao tiếng đàn
Trời mưa chim ngủ trên ngàn
Sắc son tình cũ nước tràn sang sông

Tiếng đàn tiêu dao vô thanh mà vang ngân bất tận lan dài theo cuộc lữ kỳ cùng, rung hồn rúng chuyển gió sương ngàn khắp vùng thung lũng sơn khê. Ơi chao ! Một đóa hồng hoa vut trổ im lìm như những nàng tiên nữ giáng trần sà nhẹ vào hồn tim, để cho thi nhân xuất thần bay phiêu linh, phiêu hốt trong bồi hồi rộn rã :

Đã đi rồi đã đi chưa
Sắt son triều ngưỡng tình xưa hiện về
Phượng cầu ngũ lĩnh sơn khê
 
Một bông hồng nở bốn bề lặng im
Năm nàng tiên đậu vào tim
Âm nhập dương khởi lim dim xuất thần

Năm nàng tiên ở đây là ẩn ngữ ám chỉ cho năm nàng thơ, năm người yêu dấu nhất  trong cuộc sống thực tế thường nhật của thi nhân. Xuất thần nhập cốt, hưng phấn hân hoan rạt rào, vô cùng cảm hứng là những trạng thái kỳ diệu mà Phạm Công Thiện thỉnh thoảng rơi vào một cách phiêu diêu tuyệt cùng, như một thời sống bồng tênh trên núi rừng phố hoa Đà Lạt, một chiều hiu hắt nọ, chàng choáng váng, sững sờ khi bắt gặp Thiền tông giữa cơn mưa gió bão bùng : “Tôi quỳ xuống lạy lung tung, tôi lạy gió, lạy mưa, lạy nắng, lạy không khí, lạy cái ghế, lạy cái bàn, lạy vách tường, lạy đóa hoa trong ly, lạy cái giường. Ồ tôi hạnh phúc, sung sướng, yêu đời, yêu cả vũ trụ. Cảm tạ hết mọi đau khổ, mọi bất công, mọi bi kịch, cảm tạ hết, cảm tạ bất tận. Tôi đã tìm được tất cả những gì đã đánh mất từ mấy ngàn năm nay.”***

Hay một lần nơi  thành phố Garden Grove ở California, trong căn phòng trống trải cô tịch vô vi, thi nhân cũng nhập diệu, thấy mình hóa thân trùng trùng giữa mười phương pháp giới vô ngần : “Trong tận cùng sâu thẳm của kiếp người, nó không khác người khác, nó là tất cả mọi người đang di động trên trái đất, nó là tất cả những định tinh và hành tinh, nó là con sâu, cái kiến, con bướm, con quạ, trái cam, chiếc lá. Nó là cơn gió thổi vèo qua kẹt cửa, nó là luồng ánh sáng và đêm tối…Nó là một cảm giác, một tư tưởng, một ý tưởng và một cử chỉ. Nó là mỗi chữ, mỗi tiếng, mỗi lời trong tất cả ngôn ngữ loài người…Nó là sự trống không mênh mông của mười tám cái không tràn trề của Trí tuệ Bát nhã sang sông…Nó là sức mạnh vũ bão của tất cả năng lực vũ trụ, sự tập trung tư tưởng mãnh liệt nhất của tất cả tư tưởng nhân loại, tập thành khủng khiếp của tất cả đạo lý và triết lý…Nó là nguyên lý đồng nhất tối thượng, đồng thời là sự chuyển hóa tối hậu của chính nguyên lý đồng nhất và bước nhảy tịch liêu vào cõi tịch mịch của một đóa hoa hồng tơi tả…”****

Rồi một lần kia, nhà thơ cô đơn, tha thẩn dạo chơi những ngày cận kề cuối năm ở tận góc bể chân trời Ý Đại Lợi xa xăm bỗng nhập thần mộng thấy đại thi hào Nguyễn Du và Thúy Kiều hiện về thấp thoáng vi vu :

Năm tàn nằm mớ Nguyễn Du
Kiều trôi đâu mất la phù dặm khơi
Cuốc kêu bảng lảng tháp hời
Nhắc tên người cũ rã rời cuối năm

Trầm tư bên một góc quán cà phê ở Glebe, trên vùng đồi cao Eanwood, nhìn xuống dòng sông xanh, gần thành phố Sydney ở tận bên kia bờ Úc Châu, thi nhân chợt nghe ra tiếng ngựa hí, tiếng đàn vô thanh của Mã Minh và thấy Long Thọ lang thang dưới ánh trăng thái cổ ảo huyền :
 
Con ngựa ô lồng lộn Mã Minh gãy đàn
Long Thọ thở dài nhật nguyệt lang thang

Rồi lại một chiều phiêu bồng lãng bạt, rong rêu bên dòng sông Seine bồng bềnh, rực ngời hoa nắng óng ả mới lạ ở thành phố hoa lệ Paris, thi sĩ bỗng thấy Van Gogh nhập cốt ứng hiện huyền hòa :
 
Úm tô rô Van Gogh hiện ra
Úm ba la u linh ma ha
Đất nứt nở ra bầy quạ trắng
Hồn thiêng Van Gogh nhập vào ta

Van Gogh là một họa sĩ dị thường, có một câu nói bất hủ : “Trong cuộc đời và trong cả hội họa cũng vậy, rất có thể mi bỏ qua không cần Thượng đế, nhưng mi, kẻ khổ đau, mi không thể bỏ qua, không cần tới một điều cao viễn hơn mi, chính là đời mi : Quyền năng sáng tạo.” Vâng, sáng tạo là một nghệ thuật tối thượng, là bước đi tuyệt cùng tự giải phóng, tự giải thoát bản thân khỏi nhà tù do chính mình tự tạo cho mình, như nhà văn xuất chúng Henry Miller cũng đã từng tuyên bố : “Kẻ sáng tạo kêu gọi con người trực nhận rằng, tất cả mọi tự do có sẵn trong bản thân rồi. Rằng con người không cần phải bận tâm lo lắng đến vận mệnh thế giới ( vì đó không phải là vấn đề của hắn ) mà chỉ nên lo giải quyết vấn đề riêng tư của chính riêng mình, tức là vấn đề giải phóng, giải thoát, chứ không phải vấn đề nào khác cả.”***

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.