Hà là tên quán cà phê nép mình dưới bóng xà cừ ấy và cũng là tên cô chủ quán tuổi ngoài đôi mươi. Quán chỉ kê được bốn cái bàn con nhưng đông khách. Chẳng hiểu vì thứ cà phê chính hiệu, ngon tuyệt hay vì cô chủ quán đẹp người mà đã hút bao chàng trai đến đây. Vừa uống cà phê, các chàng vừa trêu cô chủ đang thì khiến lắm kẻ mòn con mắt.
Bên những mái tóc xanh, chỉ duy nhất có một mái đầu trắng. Ông cụ đến quán Hà đã gần tuần, lặng lẽ ngồi trong góc nhìn ra đường. Sáng nào ông cũng đến tầm sáu giờ ngồi cùng chai nước khoáng đến bảy giờ; khi mọi người bắt đầu đi làm, ông uể oải ra về. Buổi chiều, cỡ bốn rưỡi, ông lại có mặt ở quán; độ năm giờ, ông đứng lên trả tiền kèm lời chào rồi dắt xe máy, quay lưng. Chiều nào Hà bận đón con, đã có bà bán tạp hóa bên cạnh giúp cô lấy nước cho ông.
Sự lặp lại như điệp khúc của ông khách khiến Hà để ý. Ngồi trong quán nhưng mắt ông mãi nhìn về ngôi nhà hai tầng bên kia đường. Hình như ông đến đây chẳng để uống nước mà chỉ để nhìn về nơi ấy, bằng chứng là lắm hôm chai nước gần như còn nguyên. Mỗi khi chủ nhân ngôi nhà đó, anh giám đốc sở trẻ nhất của thành phố này, xuất hiện nơi cổng, ông khách nhướng cổ nhìn không chớp mắt. Dường như lúc đó ông quên hết mọi thứ trên đời và đôi mắt buồn bỗng ánh lên niềm vui bất chợt. Ông sững người như bị thôi miên. Khi thấy anh giám đốc sở lên xe đi làm, ông bước vội ra cửa quán nhìn theo, nhìn cho đến khi khoảng bụi mù sau xe tan hẳn. Có hôm ông lập cập va vào ghế, rơi vỡ cả ly. Khi chủ nhân ngôi nhà kia đi khỏi, ông khách quay lại ghế với vẻ bần thần; cũng đột ngột như khi đến, niềm vui trong mắt ông chợt tắt. Vẻ khác thường của ông khách lặp lại đến ngày thứ năm thì Hà không thể nén được tò mò: “Hình như bác quen anh giám đốc sở?”. Ông khách giật mình, bối rối: “Ừ… à… nhưng không”. Ông nhìn lảng đi nơi khác như ông đã từng né tránh một sự thật gần bốn mươi năm trước.
… Ngày đó, nơi chiến khu Hòn Tàu ngút ngàn bom đạn, ông là một cán bộ tuyên huấn được nhiều người để ý. Đang hoạt động trong lòng địch, khi bị lộ, ông được rút lên căn cứ để lại người vợ cùng tuần trăng mật dang dở. Không chỉ có tài nói năng, ông còn có khiếu thơ ca. Những tờ báo tường do ông làm chủ biên, những buổi văn nghệ có ông đệm đàn… đã hút ánh nhìn ngưỡng mộ của bao người. Không có mốt nào khác ngoài chiếc mũ tai bèo cùng bộ đồ bà ba màu lá nhưng ông đẹp sang trọng hệt như chàng hoàng tử trong chuyện đời xưa tái thế. Ông bị, nói đúng hơn là được, “chiếu tướng” từ nhiều phía cũng là điều dễ hiểu. Trong số đó, cô văn thư cùng ban tuyên huấn với ông được lợi thế cả cự ly lẫn cường độ. Cô bé vừa qua tuổi dậy thì không lâu, mũm mĩm, xinh tươi cứ như thách thức cả bom thù và sốt rét đã khiến ông xao lòng. Kết quả mối tình lén lút ấy là cái mầm sống đang lớn dần trong người con gái ông thương. Hoặc là dang tay đón nhận cô gái đang hoang mang đau khổ để chấp nhận kỷ luật hoặc ngoảnh mặt ngó lơ để rồi sẽ được thăng chức cao hơn mà ông đang ngấp nghé, kỳ vọng. Người ông như bị phân thân giữa hai chiều trái ngược. Thế rồi giữa khe hẹp của đôi bờ dũng cảm và hèn nhát, bao dung và ích kỷ, ông đã chọn lối mà những kẻ mặt mốc trên sân khấu tuồng xưa nay từng làm. Cô văn thư không hề oán thán, cam chịu kỷ luật một mình. Tấm thân nhỏ tưởng như không đứng được trước nỗi đau lớn lại phải san sẻ nuôi con còn trứng nước trong cảnh đói cơm lạt muối. Ngày lên đường về hậu cứ chờ sinh con, cô gái nói với ông không phải bằng giọng quan tòa dành cho tội phạm mà trầm lắng đến không ngờ: “Rồi anh sẽ hối hận!”.
Ông đâu hay những tiếng xót xa ấy là lời tiên tri sớm linh nghiệm và đã ám ảnh suốt đời ông. Sau này, ông có quyền cao chức trọng, nhiều tiền bạc và được lắm người kính nể nhưng ông không thể yên lòng khi nhớ lại mối tình sớm kết trái oán hờn của một thời xa lắc. Và bão gió thật sự nổi lên trong ông khi vợ ông không thể có con do lần đầu sinh không tròn, lại bị tai biến hậu sản… Tuổi già đến, nỗi nhớ quay về những tháng năm xưa và kỷ niệm buồn như muối xát lòng ông. Không dám gặp lại đứa con bị cha chối từ khi còn trong bụng mẹ nhưng ông vẫn lặng lẽ dõi theo nó qua mỗi chặng đời. Ông biết, khi lên năm tuổi thì con ông đã có cha kế, có một gia đình đầm ấm, được học hành tử tế và thành đạt. Đã bao lần ông đứng trước cổng trường, không kể nắng trưa mưa chiều, chỉ mong được nhìn con trong thoáng chốc. Ông thấy tủi hổ tràn đầy nhưng không thể khác khi phải đứng xa nhìn con nơi cổng công sở hay nhà riêng. Cả khi con trai ông chuyển nhà đến gần quán cà phê Hà này, ông lại lẳng lặng lần theo. Đã bao lần ông tự sỉ vả sự khuất tất giống kẻ trộm của mình nhưng ông không thể thắng được trái tim đau khổ. Con ông đấy, đứa con duy nhất của ông đấy, giọt máu từng bị ông hắt hủi, giờ đã là giám đốc sở trẻ nhất thành phố biển này. Là người đứng đầu một ngành của thành phố, con ông từng nhiều lần lên ti-vi. Những lần ấy, ông căng mắt và xích sát lại màn hình, cứ như muốn ôm lấy hình bóng yêu thương, gần đấy nhưng xa đấy. Rồi những lúc ngồi cùng ly nước mát nơi quán Hà, lòng ông cay đắng khi phải giấu mặt trước cốt nhục của mình; chỉ cần bước qua năm mét đường là có thể chạm vào những gì gần gũi thiêng liêng nhất của con người nhưng ông không thể. Ý nghĩ ấy đeo đẳng, bóp nghẹt trái tim ông, khiến nước mắt luôn chực ứa ra.
Có lần ông ngẩn người nhìn anh giám đốc sở đẩy xe đưa người cha bị liệt nửa người đi dạo phố lúc sáng sớm. Vừa đẩy xe, anh vừa gập người xuống nói chuyện; đôi mắt mệt mỏi của người cha cứ ngước theo hướng tay anh chỉ. Chẳng nghe họ nói gì, chỉ thấy cả hai cùng cười rạng rỡ. Tiếng cười vọng lại nhỏ dần và nhọn mãi, khêu vào lòng ông đau nhói. Đi dạo xong, người con đẩy xe đưa cha vào sân. Vẫn để cha trên xe, anh ngồi bệt xuống tam cấp trước cửa, lần lượt gác đôi chân gầy của cha lên vai mình và cứ thế xoa bóp hồi lâu. Hạnh phúc bình dị của người kia, với ông sao mà xa vời, ngỡ như không tưởng. Ông rưng rưng, khóc không thành tiếng. Sự day dứt xen lẫn xấu hổ như nhân lên khi ông nghe chuyện về cô chủ quán vào một chiều mưa. Cơn mưa vội vàng đã giữ ông lại quán Hà lâu hơn mọi bữa và cô chủ quán đang trên đường đón con chắc đã ghé vào mái hiên nào đó bên đường. Bà bán tạp hóa ở cạnh lại qua lấy nước cho ông. Vắng khách, bà nhẩn nha chuyện trò cùng ông. Chuyện lan man xa gần, cuối cùng bà dừng lại chuyện của chính cô chủ quán. … Bốn năm trước, Hà rời làng, ngơ ngác và hồi hộp bước vào cổng trường đại học. Thoạt nhìn, ai cũng nhận ra cô quen với nắng mưa, đồng đất và không ai có thể nói khác – cô đẹp. Nét đẹp tự nhiên của cô trở thành tâm điểm nơi đám đông và thu hút vô số mắt đàn ông. Chẳng phải ngước cao kiêu hãnh mà cô cúi xuống, khép lòng, giữ cho tim mình thăng bằng trọn năm thứ nhất. Rồi khi gục đầu vào ngực chàng trai học trên mình hai khóa thổn thức những lời yêu thương, cô đâu ngờ đó cũng là lúc trang buồn đời cô hé mở. Dại khờ, cô chỉ biết mình có bầu khi thai nhi đã lớn. Nhăn mặt ép cô đến bệnh viện “giải quyết” không được, chàng trai ra đi không ngoảnh lại. Đường về quê bỗng nhiên xa, cổng trường đại học vẫn rộng mở nhưng Hà không thể bước qua. Người cô như tan trong đau đớn, mặc cảm. Hà tìm đến bờ sông, không sợ khi nhìn dòng nước cuồn cuộn xoáy dưới chân mình nhưng cô chợt tỉnh khi mơ hồ cảm thấy con ngọ nguậy. Ngoài ý muốn nhưng đâu ngoài tình mẫu tử, đứa con đã níu cô lại với đời này. Làm gia sư tiếng Anh, đánh máy thuê và khi đã khá hơn, cô thuê nhà, mở quán – ấy là nguồn sống của hai mẹ con cô. Mưa tạnh, mẹ con Hà về. Con thùng thình trong chiếc áo mưa quá cỡ, mẹ ướt sướt mướt, nở nụ cười tê tái chào khách. Ông bối rối nhìn mẹ con cô chủ quán quấn quít bên nhau, chạnh lòng buồn cho chính mình.
Bầu trời, mặt đất nhẹ nhõm sau mưa. Mặt đường sạch như lau, vòm xà cừ bên đường thỏa chí vờn trong gió. Người hân hoan đổ ra đường, nối nhau tấp nập. Tự nhiên ông thấy choáng đầu, chạy xe như vô định. Ông lòng vòng một đỗi rồi ghé vào công viên Biển Đông. Những mong tìm yên tĩnh nhưng ông giật mình thấy mình lạc lõng giữa chốn này. Quanh ông, thanh niên đi từng đôi, trẻ nhỏ đã có đàn, người già vịn vào vai con cháu mà bước, còn ông…
Nhìn những đôi trẻ đang tự tình trên ghế đá, ông những muốn nói to nhưng không thể cất nên lời: “Các bạn trẻ ơi! Trong tình yêu, người ta có thể sai lầm nhưng đừng bao giờ là kẻ hèn nhát và ích kỷ…”
NGUYỄN TRỌNG HOẠT – Tạp Chí Văn Hóa phật Giáo số 142
http://vanhoaphatgiaoblog.com/truyen-ngan/