Me ơi, hôm nay là Mother’s Day. Theo truyền thống của Hoa Kỳ và đa số các quốc gia trên thế giới ngày nay, ngày Hiền Mẫu được tổ chức hằng năm vào Chủ Nhật thứ nhì của tháng 5, tháng của mùa thu, mùa của những chiếc lá đã đổi màu từ xanh ra vàng lợt, đậm, nâu, có cây thì lá toàn màu đỏ rụng đầy thảm cỏ đủ màu sắc như cảnh thần tiên, lòng con dâng tràn cảm xúc. Từng chiếc lá đong đầy thương nhớ con góp nhặt gởi về me, mùa thu gợi nhớ thương, hình bóng mẹ hiền như tràn ngập không gian, cảnh càng đẹp con càng nhớ me và con muốn viết thư về cho me như từ ngày còn bé không có me bên cạnh.
Ngày ba mất, nhiều người đến xin chịu tang và nói họ là con nuôi của ba, tất cả đều là con trai, một số trí thức đã vững nghiệp tiếng tăm trong xã hội và một số sĩ quan, sau này thành những vị tướng lãnh của quốc gia, mẹ xem tất cả đều là con cái.
Có người nói với mẹ.
– Bà hãy coi lại, tại sao ông nhà có nhiều con nuôi vậy, con nuôi hay con riêng ?
– Con nuôi hay con riêng đều là con của chúng tôi, ông chu du mọi nơi, tánh vô cùng hào sảng, có sẵn nhà các ở tỉnh và bên Pháp, nuôi một người ăn học có đức độ là hình thành cho đất nước có thêm một công dân tốt.
Mẹ nhớ không, con không được gần mẹ lúc con lên 13, cái tuổi như con chim non chưa đủ lông cánh giữa bầu trời rộng lớn, hoàn cảnh bắt buộc mẹ con mình phải xa nhau. Ba mất để lại công việc làm ăn ở khắp mọi nơi, ban đầu Vú còn ở lại bên con, sau công việc nhiều quá nên mẹ cần người trợ giúp uy tín, thế là Vú, người mẹ thứ hai cũng phải rời con, mẹ kêu anh về ở với con vì các anh chị kia đều đi học hay phải làm xa.
Anh rất thương con và bên con có chị Hương hơn con 1 tuổi, chăm sóc vui đùa với con. Chị bếp và 2 chú làm vườn cũng lo cho con nữa, nhưng bao nhiêu người ấy cũng không thể sánh bằng mẹ, con nhớ mẹ từng đêm … từng đêm…. Con hay khóc thầm và luôn mơ về mẹ.
Hôm đó là chiều thứ sáu, tan trường vừa đến nhà con vội viết thư cho mẹ rồi lấy xe đạp chạy ra bến xe để gởi thư về. Chị bếp gởi thêm 4 hộp cá mòi của Pháp, vì buổi sáng mẹ thích ăn bánh mì nóng do chị bếp hay anh bồi chế biến với cá mòi.
Chủ xe là người ở làng mình, mỗi ngày chỉ chạy một chuyến từ làng đến Nha Trang và chiều từ Nhatrang chạy thẳng trở lại làng. Thấy con chú nói:
– Cháu gởi thư cho mẹ làm gì, lên xe ngồi là đến nhà, chủ nhật theo xe về đi học.
– Con không có đem theo tiền.
Cả xe đều cười ồ.
– Con bé này thật ngây ngô! Ai mà lấy tiền xe của con nít.
– Nhưng con có chiếc xe đạp.
– Bỏ xe lên mui là xong.
Muốn được nhìn thấy mẹ, con không nghĩ thêm gì hết, mẹ đã chiếm hết tim con rồi.
Lên xe, có Bích ngồi sẵn đó, Bích bằng tuổi con cũng học ở Nhatrang và cuối tuần về thăm nhà, hai đứa con gái gặp nhau là tía lia mồm mép.
Xe chờ đủ khách quen rồi chạy. Chiều đã xuống, những làn khói lam hai bên đường càng làm con nhớ nhà và bóng đêm bắt đầu hắt xuống.
Mới đến đèo bánh ÍT qua khỏi làng Phú Thọ tự nhiên xe khựng lại rồi bị hư.
Người trên xe nhốn nháo vì sửa một hồi mà xe vẫn chưa chạy được. Ai ở nhà gần đó thì xuống đi bộ, họ đem đồ trên mui xuống, sẵn lấy xuống chiếc xe đạp dùm con, còn một số người vẫn ở lại trên xe bởi họ mang theo thật nhiều hàng hoá. Con và Bích thay phiên nhau đèo xe đạp về làng.
Tụi con hăm hở vui vui bên những người đi bộ, nhưng nhà họ ở làng Thanh Danh hay Bình Tây nên họ đều tẻ ngõ khác về nhà.
Đường tới làng còn khoảng 5 cây số, chỉ còn 2 đứa con lầm lũi, phải qua 2 cái đèo nữa, chung quanh lạnh tanh với những ngôi mộ của người Chàm bằng đá vôi thật to đặt sát lề đường, và phía trong là đồi núi mênh mang, muốn quay lại chỗ xe hư thì cũng đã quá xa rồi.
Bich nhỏ con lên dốc đạp không nổi nên con phải ráng sức, Bích úp mặt sát vào lưng con, con biết Bích nhắm mắt để bớt sợ, hai tay ôm bụng con cùng 4 hộp cá.
Con bặm môi lại và cũng muốn nhắm mắt để khỏi thấy các ngôi mộ sát đường hiu quạnh, con sợ ma quá vì trong làng thường nghe kể lại những chuyện ma ở khúc quanh này. Nhưng nhắm mắt làm sao thấy đường lái xe, ánh đèn xe chỉ leo lét trong đêm, may mà hôm đó có ánh trăng phụ soi lối cho chúng con về. Qua cái dốc thứ 2 đổ xuống là đến hòn Đá Đốt đầu làng con mới lấy lại bình tĩnh bớt run.
Con gái mẹ rất lịch sự đưa Bích đến tận nhà gần cuối làng rồi mới quay lại nhà mình. Từ cổng vào nhà sao thấy còn xa quá bởi thời gian tâm lý, con nhảy xuống đất dắt xe chạy một hơi vào.
– Út, sao con về giờ này mà đi xe đạp?
Tiếng của dì bảy Đợi, người bà con ở nhà mình phụ chị bếp.
– Dì làm ơn dắt xe vô dùm con.
Con bỏ xe lao vào nhà, mẹ đang nằm trên võng ở hiên nhà ngắm trăng sao. Quỳ xuống gối đầu lên ngực mẹ, con khóc như mưa to sấm chớp, thật nhẹ nhàng, mẹ đỡ đầu con để ngồi dậy rồi hai tay vuốt lưng con, mẹ cuối xuống hôn lên tóc lên mặt con.
Đêm đó con không rời mẹ, ôm hai chân và gục mặt trên đầu gối mẹ, ôm mẹ mà ngủ, một giấc ngủ no tròn không mộng mị.
Ngày con lấy chồng mẹ gởi gấm con trước khi rước dâu đi, rồi mẹ khóc.
30 tháng 4 mẹ ở quê nhà, con ở tận Sài Gòn, mẹ thư vào dặn con đừng về, mẹ âm thầm một mình chịu dựng những lần đấu tố trong các buổi họp làng xã khóm phường, mẹ bị khép tội tư sản dân tộc vì nhà ta quá giàu, các người giúp việc bắt buộc phải rời mình, căn nhà rộng thênh thang giờ chỉ còn hai người già nương nhau mà sống là Vú và mẹ.
Cứ nghĩ ra đi là ngày vĩnh biệt
Nên chập chờn sương khói mịt chiêm bao
Nên lênh đênh ngày tháng vẫn nghẹn ngào
Con nhớ mẹ bút mực nào tả xiết
(Hồ Thành Đức)
Những ngày ở Sài Gòn nhớ mẹ, nhìn trăng sao con càng nhớ mẹ thêm, mẹ nói với con rằng tuy hai mẹ con ở xa nhưng cùng nhìn về một hướng thì sẽ cảm nhận gần nhau.
Con bồng bế 2 cháu từ Sài Gòn về làng thăm mẹ bất chấp chuyện gì. Nghe tin con về tới đầu làng, mẹ chạy như bay ra đón, vứt hết những gì mang trên tay, con và hai cháu chạy thật nhanh lại, mẹ con bà cháu ôm chầm lấy nhau hạnh phúc dâng trào, đêm đó 5 người lên lầu ngủ chung một phòng.
Mẹ nói sợ tai vách mạch rừng, Vú và mẹ cả đêm không ngủ, hai người dặn dò con đủ thứ, phải ra đi tìm tương lai cho các cháu.
Vì tương lai của các con, gia đình con lại xa me một lần nữa, lần này thì đúng là nghìn trùng xa cách! Đêm đêm hướng về quê, con nhớ đôi mắt một trời yêu thương của me, cái nhìn đã cho con ấm lòng và can đảm vượt ngàn cay đắng của cuộc đời.
Con nhớ con đường làng, nhớ phiến đá đốt nơi bọn trẻ chúng con thường nằm nhìn mây trời những buổi chiều xuống thấp, nhớ cây đa, nhớ xóm trên xóm dưới, thèm nghe những câu nói mộc mạc thân quen… Mất quê hương là mất tất cả!!!
Lạc lõng phương trời, bước đi thui thủi,
Sương tuyết phôi pha đã nhuốm bạc mái đầu.
Bỏ quê hương trang trải những niềm đau,
Mà năm tháng chưa phai mờ giông bão.
(Võ Đình Tiên)
Con nằm mơ kêu tên me mà trong giấc mơ không lần nào bước được vào nhà, những lần thức giấc nước mắt còn đầy trên má, con cầu xin một lần mơ thấy me, gặp me trong mơ cũng là một điểm quá hạnh phúc rồi.
Chồng con nói con viết thư cho mẹ nhiều hơn viết thư tình, mùa Vu Lan con mừng đến rơi nước mắt khi mình còn cài được đóa hoa màu hồng.
Rồi điều lo sợ nhất cũng đến, điện thoại từ Việt Nam qua báo tin mẹ đã ra đi, con nghe điện thoại mà như người không còn cảm giác, con ngồi yên người con cứng đơ không khóc được, cả nhà lo sợ cho con, đến khi nghe tiếng anh hai từ Pháp gọi.
– Út ơi, vậy là mình mất mẹ thật rồi hở em?
“Chim xa bầy thương cây nhớ cội
Con tiễn mẹ rồi ngàn giọt lệ rơi!”
Lúc đó hai anh em con mới khóc và chỉ có khóc.
Ngày trước dù vẫn ở xa me nhưng mỗi khi nghĩ đến me vẫn còn trên cõi đời này lòng con ấm lại, dù xa xứ buồn lắm mẹ ơi! Phố xá ở đây thênh thang quá, mỗi khi đi phố con được chọn từng món quà để gởi về mẹ đó là niềm vui của con đó mẹ.
Bây giờ me ở phương nào, nỗi mất mẹ xâu xé tim con, con nhớ lại rồi, ngày xưa lúc ôm con me thường cười và nói, me là trăng là sao, nhớ me thì nhìn lên trời con sẽ thấy mẹ liền, nhưng mẹ ơi sao trời nhiều vô số, sao nào là sao của mẹ, con đem cả tình thương mà me dành cho con để tìm ra mẹ. Trong con đã có mẹ thì không bao giờ mẹ con mình xa nhau, phải không mẹ.
Diệu Ngọc