Chìa Khoá Sống Thanh Thản

CHƯƠNG III: VÀ VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH

1. Đừng lãng phí thời gian

Trong cuộc sống, đôi khi có những lý do khiến bạn vô tình bỏ phí thời gian của mình. Bạn hãy thử nghĩ xem mình có rơi vào một trong số những lý do dưới đây hay không?

  • Do có quá nhiều việc để làm, tôi không thể làm được việc gì đến nơi đến chốn cả!

Đây không phải là lý do thực sự khiến bạn sử dụng thời gian của mình một cách thiếu hiệu quả. Tại sao nhiều người khác cũng sống trong một căn nhà bừa bộn, nhưng họ vẫn có thể sắp xếp, dọn dẹp được? Khi biết tự hỏi mình câu hỏi đó, bạn sẽ tìm được động cơ thúc đẩy mình biết sử dụng thời gian một cách có hiệu quả hơn, chứ không còn phải bận tâm lo lắng vì những lý do nhỏ nhặt không đâu trong cuộc sống. Một người có thể hoàn thành nhiều công việc khác nhau trong một ngày. Dù rằng, bạn không thể tập trung chú ý làm tốt được nhiều việc cùng một lúc, nhưng chắc chắn là bạn biết cách tổ chức, sắp xếp các công việc vào các khoảng thời gian thích hợp để hoàn thành tốt mọi việc trong ngày của bạn.

  • Tôi còn nhiều thời gian, tôi có thể làm việc đó sau!

Thật tức cười! Lý do này thoạt nghe có vẻ trái ngược với lý do ở trên. Nhưng cả hai lý do này đều góp phần khiến bạn dễ trì hoãn, chậm trễ không chịu bắt tay vào công việc. Do đó, tốt hơn hết, chúng ta cần lập tức nhìn nhận một cách thực tế rằng, quỹ thời gian của mình là quý giá và có hạn, nên mình phải bắt tay vào công việc ngay!

  • Ngay lúc này tôi đang bận rộn quá, nên tôi phải tạm hoãn lại một số việc để dành làm vào lúc khác!

Lý do này cũng rắc rối không kém! Thường thì lý do này là đúng. Nhưng thật ra thì lúc nào chúng ta cũng bận rộn như nhau thôi. Thời gian của chúng ta, dù là ở thời điểm nào, thì cũng đều đáng giá như nhau. Do đó, chúng ta phải cố gắng đúng giờ cho mọi công việc hoặc những điều khác trong cuộc sống. Tốt nhất, bạn nên nghĩ rằng: “Hôm nay cũng là một ngày bận rộn như mọi ngày, bởi vì tôi còn cả một chồng sách mua đã lâu nhưng chưa có thời gian để đọc!”. Bạn cứ mạnh dạn dành thời gian ra đọc sách đi, nhưng chắc chắn là thời gian đọc sách không thể chiếm hết thời gian của bạn từ sáng đến tối được. Bạn vẫn có thời gian nghỉ giải lao, hoặc tạm ngưng đọc để suy nghĩ. Những lúc như vậy, bạn có thể làm công việc nhà, sắp xếp lại bàn ghế, sách vở, tưới cây, ủi áo quần… Ngoài ra, bạn còn thời gian dành cho những cuộc gặp gỡ, giao tiếp, tiệc tùng, sửa xe đạp, chơi thể thao… Ngày nào cũng là một ngày phong phú và bận rộn cả! Do đó, bạn đừng bao giờ trì hoãn lại việc này việc nọ nếu như mình vẫn có thể sắp xếp được. Vì nếu tạm gác việc lại nhiều quá, thì những ngày sau bạn cũng bận rộn và không biết đến bao giờ thì những việc mà bạn đã tạm gác lại mới được đem ra thực hiện.

  • Sắp xếp đi sắp xếp lại bản kế hoạch cũng là trì hoãn thực hiện công việc.

Hiển nhiên là, kế hoạch công việc của bạn trong một ngày dù đã được cân nhắc kỹ lưỡng, thì có khi vẫn phải điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình mới, với những thông tin mới bạn vừa có được, hoặc phù hợp với những việc đột xuất vừa xảy ra… Nhưng nếu như bạn có tật cân nhắc tới lui, không thể có một kế hoạch chắc chắn, rõ ràng, cụ thể cho từng ngày, thì coi chừng bạn đang đánh mất thời gian dành cho công việc của mình. Trong những trường hợp như vậy, hãy dừng lại ngay và suy nghĩ về công việc mà mình thực sự muốn làm. Nếu đó là công việc quan trọng hoặc có ý nghĩa đối với mình, thì bắt tay vào làm ngay, không chần chừ gì nữa!

  • Việc này nhỏ thôi, không quan trọng mấy!

Ví dụ như, tôi cắt túi thực phẩm có bao bì bằng nhựa ra, rồi tôi ném cái bao nhựa ấy vào trong góc bếp. Một lát nữa, tôi lại mất thời gian tìm nhặt cái bao ấy trong góc bếp để ném nó vào sọt rác. Thế thì tại sao sau khi cắt cái bao nhựa ra tôi không bỏ nó ngay vào trong giỏ rác luôn cho tiện, đỡ mất thời gian và công sức hơn không? Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng hay hành động như vậy đấy! Chúng ta thấy việc này việc kia là việc nhỏ, nên chẳng thèm làm ngay, cứ tạm để đó, nhưng sau này chính mình lại phải mất thời gian để làm lại. Đừng bao giờ để những việc cỏn con ấy làm lãng phí thời gian của mình!

Từ những lý do nêu trên, nếu muốn sống tốt và làm việc hiệu quả, chúng ta phải biết sắp xếp thời gian.

Ích lợi chủ yếu của việc biết sắp xếp hợp lý thời gian hằng ngày là: nó sẽ giúp bạn cảm thấy thanh thản tâm hồn và nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn. Thường thì, việc sắp xếp thời gian sinh hoạt, làm việc mỗi ngày một cách hợp lý chỉ đòi hỏi ở bạn một chút cố gắng nhỏ thôi! Và hiệu quả của nó sẽ khiến bạn phải bất ngờ. Dưới đây, chúng ta thử xem xét một vài ích lợi cụ thể của việc biết sắp xếp thời gian.

  • Giảm căng thẳng

Nhiều tình huống căng thẳng hằng ngày có thể tránh được, nếu như bạn có kế hoạch tổ chức và sắp xếp thời gian của bạn. Khi bạn tránh được những mệt mỏi, căng thẳng, thì bạn dễ dàng dồn nhiều sức lực hơn cho sáng tạo và nâng cao hiệu suất công việc của bạn.

  • Cảm nhận được ý nghĩa công việc và thanh thản tâm trí

Hầu hết trạng thái không thỏa mãn hoặc lo lắng trong công việc là do bạn không chắc mình đang làm gì hoặc bạn cảm thấy giống như mình chẳng đi đến đâu cả. Cho nên, việc sắp xếp hợp lý thời gian còn bao hàm cả kỹ năng sắp xếp những mục tiêu công việc của mình một các thông minh – nó sẽ giúp bạn nhận rõ công việc mình đang làm và con đường tối ưu để hoàn thành công việc của mình. Bạn sẽ cảm thấy rằng mình thật sự đạt tới những mục tiêu của mình, và chắc chắn bạn sẽ đạt tới những mục tiêu đó. Và bạn sẽ cảm thấy mãn nguyện với thành quả công việc của mình.

  • Tránh được tình trạng “ Nhàn cư vi bất thiện”

Chúng ta thường bị đè nặng bởi những việc mà chúng ta chưa hoàn thành hoặc những việc mà chúng ta đang phải làm để hoàn thành. Nếu biết sắp xếp thời gian một cách hợp lý, chúng ta sẽ học được cách vượt qua thói quen chần chừ và biết sắp xếp ưu tiên thứ tự công việc. Điều này sẽ giúp bạn luôn cảm thấy yên tâm rằng: lúc này đây là thời điểm quan trọng nhất để mình hoàn thành công việc mà mình đang phải hoàn thành và mình có thể hoàn thành bằng tất cả khả năng của mình. Từ đó, bạn sẽ luôn tự tin trong khi làm việc, không còn phải mất thời gian lo nghĩ vẩn vơ hoặc nhàn rỗi ngồi suy nghĩ những chuyện linh tinh có hại…

  • Nâng cao tính tích cực và nghị lực của bản thân trong công việc

Những việc bạn chưa làm xong sẽ khiến bạn phải mệt mỏi tâm trí hơn là những việc bạn đã hoặc đang hoàn tất. Nhờ biết sắp xếp thời gian một cách hợp lý, bạn sẽ không phải tản mát tâm trí vào những việc chưa đến và tập trung tất cả nghị lực của mình vào công việc đang làm, hoàn tất công việc này sẽ tiếp tục bắt tay vào công việc khác, và cuối cùng mọi công việc đều được giải quyết ổn thoả.

  • Có nhiều khoảng thời gian sống có chất lượng cao hơn

Trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện vụn vặt không đáng để mất thời gian, nhưng bạn lại tiêu tốn khá nhiều thời gian cho những chuyện như vậy. Biết cách sắp xếp thời gian, bạn sẽ dành được nhiều khoảng thời gian ý nghĩa hơn để thưởng thức cuộc sống.

Những ích lợi nêu trên chưa phải là tất cả. Trên hết, ích lợi của việc sắp xếp thời gian là bạn sẽ được sống một cuộc sống khoẻ mạnh hơn, thanh thản, hạnh phúc trong tâm hồn nhiều hơn và chắc chắn là sẽ hữu ích hơn!

2. Nhưng cũng đừng nóng vội

Đôi khi, trong cuộc sống, làm việc và cố gắng hết sức mình không phải lúc nào cũng là tốt! Điều đó khiến chúng ta trở nên nôn nóng, khiến chúng ta tự mình làm giảm sút đi hiệu quả công việc của chính mình.

Trong cuộc sống, có rất nhiều trường hợp như vậy, có rất nhiều việc mà chúng ta không thể nôn nóng được, chẳng hạn như chuyện học hành. Học hành là cả một quá trình, cả một con đường dài có quá nhiều bước đi, mà mỗi bước đi lại chứa đựng những khó khăn riêng của nó. Người ta không thể ngày một ngày hai mà thành tài! Nhớ lại lúc còn sinh viên, chúng tôi quá hăng hái, lao vào học như điên, tối ngày cắm mặt xuống trang sách, nhưng kết quả học tập lại rất thấp.

Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có quyền mơ ước, và cũng không ai có quyền ngăn cản chúng ta tự đặt ra những mục tiêu cố gắng khác nhau trong cuộc đời mình. Nếu bạn muốn đạt được một mục đích nào đó, cách tốt nhất là bạn cứ làm việc và điều bạn mong ước sẽ đến với bạn. Đừng thúc ép nó, đừng mong nó phải đến ngay theo ý muốn chủ quan của mình. Nhiều khi chính vì bạn quá thúc ép nó nên nó lại đến chậm hơn.

Muốn đạt được một mục tiêu nào đó, chúng ta phải biết sống với giây phút hiện tại. Cứ cố gắng làm việc hết mình, làm việc say mê, rồi chuyện gì đến sẽ đến. Một khi chúng ta cố gắng như vậy rồi, thì kết quả tốt đẹp sớm hay muộn gì cũng sẽ đến với chúng ta mà thôi! Thái độ làm việc hết mình, làm việc say mê, hoàn toàn khác với thái độ nôn nóng chỉ muốn “chộp” ngay lấy kết quả thành công của công việc! Chúng ta cần tỉnh táo phân biệt được sự khác nhau đó!

Tại sao khi ta nôn nóng thì ta khó thành công? Trái lại, khi ta bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì với công việc thì ta lại dễ thành công hơn? Lý do thật dễ hiểu, khi ta nôn nóng thì ta đâu còn bình tĩnh để tự rút kinh nghiệm từ công việc của mình. Ta đâu còn kịp suy xét những biến đổi của tình hình thực tế nhằm bổ sung, điều chỉnh kế hoạch công việc của ta. Đó là chưa nói, khi ta làm việc mà quá nôn nóng, thần kinh của ta dễ bị căng thẳng. Và thế là, vô tình chính ta làm cho mình trở thành kẻ thất bại mà ta không hề hay biết gì!

Thái độ quá nôn nóng cũng là một thái độ bất chấp tính chất khách quan của hoàn cảnh. Trong cuộc sống, rất nhiều khi ta muốn nhưng thực tế khách quan chưa cho phép ta muốn, thì ta cũng không thể nào muốn được. Rất nhiều trường hợp, chúng ta phải biết dằn lòng ham muốn của mình lại và chờ đợi một thời cơ thích hợp hơn. Những lúc như vậy, chúng ta giống như con thuyền đi trên dòng nước ngược hay giữa trời giông bão, cần phải biết dừng lại, biết tạm hoãn chuyến đi của mình lại, đợi đến khi hoàn cảnh thay đổi rồi đi tiếp. Nếu chúng ta cứ cố gắng mà lao đi trong nghịch cảnh đó, thì sức lực của chúng ta sẽ mau bị giảm sút. Khi giông tố qua đi, ta lại không đủ sức để tiếp tục đi nữa! Đó là chưa nói, khi cứ nôn nóng bước đi giữa bão giông, chúng ta có thể sẽ gặp nguy hiểm.

Do vậy, ngay từ ngày hôm nay, bất cứ khi nào quyết tâm làm một việc gì, chúng ta cứ cố gắng làm việc hết sức mình, nhưng không hề tỏ ra nôn nóng, mà hãy bình tâm chờ đợi thành quả tốt đẹp sẽ đến!

3. Học nữa và học mãi

Dù bạn đang ngồi trên ghế nhà trường hoặc đã đi làm, bạn vẫn luôn luôn cần học tập không ngừng để tiến xa hơn trên con đường nghề nghiệp. Những gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn có thể học tập đạt hiệu quả cao nhất:

  • Xác định “thời gian tốt nhất” dành cho việc học tập:

Mỗi người đều có những khoảng thời gian mà mình có thể tập trung cao nhất hoặc rất khó tập trung. Có những bạn dễ tập trung nhất vào buổi tối, sau khi mọi công việc trong ngày đã đâu vào đấy, họ có thể yên tâm tập trung chú ý cho việc học. Những bạn khác, trái lại, dễ tập trung vào buổi sáng sớm, sau một giấc ngủ đầy đủ, khoan khoái. Lại có những bạn rất dễ tập trung chú ý, dường như học tập vào thời điểm nào trong ngày cũng được! Vậy bạn thuộc về “người buổi sáng sớm” hay là “người buổi tối”? Hãy biết tận dụng khoảng thời gian phù hợp nhất với mình – khoảng thời gian mà bạn dễ tập trung nhất, để tập trung cao độ cho việc học của bạn. Ngoài ra, những khoảng thời gian bạn khó tập trung chú ý, thì dành để làm những công việc lặt vặt khác.

  • Học những môn khó trước:

Khi mới bắt đầu học, đầu óc bạn còn tỉnh táo, nên bạn có thể tiếp thu thông tin nhanh và suy luận, giải quyết các vấn đề một cách mau lẹ hơn những lúc khác. Do đó, hãy ưu tiên học những môn khó trước. Nếu bạn thấy môn khó mà tạm hoãn lại, tự nhủ rằng mình cứ để đó rồi sau này giải quyết, thì chắc chắn là bạn sẽ hoãn lại mãi mãi.

  • Phân chia thời gian học và nghỉ ngơi, giữa học lý thuyết và thực hành:

Thời gian học nên chia thành từng khoảng nhỏ, có xen thời gian thư giãn ngắn. Phải cố gắng để mình có thể luôn học tập với tâm trạng hứng thú và yêu thích môn học của mình, chứ không nên quá căng thẳng. Đó cũng là cách tốt nhất để bạn tiết kiệm thời gian học tập. Vì một khi bạn biết phân chia hợp lý thời gian học tập và nghỉ ngơi, học tập với niềm thích thú cao độ, thì bạn sẽ hiểu nhanh, nhớ lâu, thích suy nghĩ đi suy nghĩ lại, đào sâu những gì mình học ngay cả khi bạn không ngồi đối diện trực tiếp với cuốn sách.

  • Bảo đảm môi trường xung quanh phù hợp với việc học:

Điều này giúp bạn giảm thiểu phân tán sự chú ý, tránh được chuyện bỏ phí thời gian trong khi học. Nếu như nơi ở của bạn quá ồn ào thì tốt nhất là bạn tạm thời làm những công việc mà đầu óc không cần phải tập trung chú ý nhiều, đợi đến khi tạm bớt ồn thì hãy học tiếp.

  • Biết tham gia các hoạt động xã hội:

Học tập là góp phần hoàn thiện bản thân và thăng tiến trong công việc, chứ tự nó không phải là tất cả. Ngoài việc học, bạn còn cần biết đến các hoạt động xã hội, cuộc sống phong phú ở xung quanh mình. Đừng nên nghĩ tham gia các hoạt động xã hội sẽ làm mất thời gian học tập! Tham gia các hoạt động xã hội chẳng những giúp bạn tìm được sự cân bằng cho tâm trí, mà còn giúp bạn gắn liền những gì mình học với cuộc sống quanh mình.

  • Cố gắng kết hợp các hoạt động:

Đây là cách tốt nhất để tranh thủ thời gian dành cho việc học. Bạn nói bạn bận rộn quá không còn thời gian để học? Sao bạn không học bằng cách kết hợp với các hoạt động khác? Chẳng hạn, khi đứng chờ ở trạm xe buýt hoặc khi đi xe buýt, bạn vẫn có thể cầm theo một mảnh giấy nhỏ ghi sẵn một số từ vựng để học ngoại ngữ. Khi đi siêu thị, sao bạn không liếc qua tên các thành phần nguyên liệu chế biến sản phẩm có in sẵn trên bao bì? Bạn nói không có thời gian để theo dõi tin tức thời sự, sao không vừa làm bếp vừa nghe tin tức trên đài phát thanh? Ngoài ra, còn rất nhiều cách kết hợp khác để bạn vừa có thể làm việc, vừa học để nâng cao kiến thức của mình.

4. Đừng lo nghĩ vẩn vơ

Những suy nghĩ trong đầu óc chúng ta đều có ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Chúng tạo ra những trạng thái cảm xúc, ảnh hưởng đến cả sức khoẻ của chúng ta nữa. Những gì chúng ta suy nghĩ đều ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân và những mối quan hệ xã hội, ảnh hưởng đến cả những quyết định, những lựa chọn trong cuộc sống của chúng ta.

Nhìn vấn đề một cách giản dị, mỗi người chúng ta có 3 loại suy nghĩ:

  1. Suy nghĩ về những điều mình muốn làm,
  2. Suy nghĩ về những gì mình có thể làm,
  3. Và những suy nghĩ lo âu khác…

Liệu bạn có ngạc nhiên không, phần lớn những suy nghĩ thường xuyên của chúng ta là những suy nghĩ lo âu vớ vẩn về đủ thứ chuyện hằng ngày, chuyện lớn cũng như chuyện nhỏ. Điều đó đem lại không ít ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Như trên đã nói, những trạng thái cảm xúc bắt nguồn từ những suy nghĩ trong đầu óc của chúng ta. Nếu bạn có những suy nghĩ tích cực, thì bạn sẽ cảm thấy tràn đầy hy vọng và thanh thản trong lòng. Trái lại, nếu bạn chỉ có những suy nghĩ tiêu cực, thì bạn sẽ cảm thấy vô cùng lo âu, khắc khoải.

Những suy nghĩ tiêu cực ngăn cản bạn, khiến bạn không còn hăng hái bắt tay vào hành động làm biến đổi cuộc đời mình. Trong khi đó, những suy nghĩ tích cực khuyến khích bạn hăng hái, kích thích bạn nỗ lực hoạt động.

Những suy nghĩ tiêu cực làm cho đầu óc bạn như bị một đám mây mù che khuất, nên bạn không còn nhìn thấy được những khía cạnh tích cực của vấn đề, mà chỉ toàn thấy những điều bi quan, chán nản. Ngược lại, những suy nghĩ tích cực làm cho đầu óc bạn thoải mái, dịu êm, dễ chịu, bạn dễ dàng phát hiện ra những ý tưởng mới, những khía cạnh tích cực của vấn đề và cả những cơ hội để bạn bắt tay vào hành động nhằm biến đổi cuộc đời mình.

Những lo âu, khắc khoải trong cuộc sống hằng ngày phần lớn có nguyên nhân từ những suy nghĩ tiêu cực. Chúng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội của bạn, tạo ra những sự xích mích, căng thẳng, bất hòa. Trái lại, niềm vui bắt nguồn từ những suy nghĩ tích cực trong đầu óc sẽ nâng cao nhiều phương diện khác nhau của cuộc đời bạn.

Những ích lợi của suy nghĩ tích cực, và những tác hại của suy nghĩ tiêu cực mà chúng tôi vừa nêu trên là điều quá hiển nhiên. Bất cứ ai trong chúng ta cũng ít nhiều đã từng trải nghiệm và cảm nhận được những kinh nghiệm đó. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều ý kiến cố tình phản đối lại.

Nhiều người cố tình biện hộ cho những âu lo của họ trong cuộc sống: “Nếu tôi không lo âu nữa, tôi cũng đâu có ngăn cản được những chuyện không may xảy đến cho tôi đâu! Vì thế, tôi cứ phải lo âu!”. Như chúng tôi đã nói ở trên, những suy nghĩ tiêu cực ngăn cản chúng ta hành động, mà hành động là điều cơ bản nhất để ngăn ngừa hiểm nguy. Cho nên, một khi bạn có những suy nghĩ tích cực thì bạn mới tích cực bắt tay vào hành động để ngăn ngừa hiểm nguy được. Điều này có ích hơn nhiều so với việc “khoanh tay chờ chết”. Và như vậy, chẳng có lý do gì để bạn phải mãi lo lắng.

Một số bạn khác lại hỏi: “Lúc nào tôi cũng phải dành thời gian để suy nghĩ tích cực, liệu tôi có phí phạm thời gian của cuộc đời mình không? Vậy thì tôi còn thời gian đâu để thả hồn theo những ý tưởng mơ mộng, lãng mạn của tôi?” Bạn hãy yên tâm, niềm tin và những suy nghĩ tích cực chắc chắn sẽ đem lại những điều tươi đẹp cho cuộc đời của bạn. Trước hết, nó đem lại cho bạn trạng thái cảm xúc tươi vui, bạn tránh được những căng thẳng (stress), mà những điều này lại rất tốt cho sức khoẻ của bạn. Những suy nghĩ tích cực sẽ luôn kích thích bạn tìm kiếm những giải pháp hợp lý cho những vấn đề khó khăn hiện tại của mình, gia tăng sức mạnh để bạn hoạt động. Tóm lại, nói ngắn gọn là những suy nghĩ tích cực luôn cần và có ích cho bạn trong bất cứ khoảnh khắc nào của cuộc đời, chẳng hề có sự phí phạm thời gian nào cả. Cuộc đời bạn sẽ đẹp, sẽ tươi vui, mà những niềm hạnh phúc này là rất thật, chứ bạn không cần phải mơ mộng lãng mạn tận đâu đâu!

Một số bạn khác lại phản đối quyết liệt: “Nếu tôi không lo âu, thì thử hỏi tôi làm sao có đủ thời gian để chuẩn bị cho những viễn cảnh tồi tệ nhất biết đâu sẽ xảy đến với tôi?” Chúng tôi xin được trả lời cùng bạn rằng, những viễn cảnh tồi tệ có thể xảy đến với bạn mà cũng có thể không. Nếu chúng không xảy đến thì cũng chẳng có gì để bàn cãi cả. Nhưng lỡ chúng xảy đến thì sao? Chúng tôi tin tưởng rằng, nếu bạn là người luôn suy nghĩ tích cực lâu nay, tự nhiên bạn sẽ dễ dàng tìm được lời giải cho những hoàn cảnh tồi tệ của bạn thôi. Thiết nghĩ, bạn đã có mấy tháng dài sống trong tươi vui và thanh thản, thì bạn sẽ dễ dàng đương đầu với hoàn cảnh hơn, chứ ngồi lo âu một thời gian dài chỉ làm cho bạn thêm yếu đuối tinh thần đi mà thôi, không ích lợi gì cả! Tóm lại, muốn đương đầu với những viễn cảnh tồi tệ, chính bạn phải luôn suy nghĩ tích cực.

Hy vọng rằng với một loạt những ý kiến vừa trình bày ở trên, phần nào chúng tôi cũng đã thuyết phục được bạn. Nếu bạn muốn vượt lên tất cả mọi tình huống khó khăn của cuộc đời, bạn hãy học cách sử dụng những suy nghĩ tích cực của mình. Những suy nghĩ trong đầu óc chúng ta liên quan mật thiết đến những trạng thái cảm xúc của chúng ta, ảnh hưởng đến những hành động tạo nên cuộc đời chúng ta. Bạn hãy sử dụng sức mạnh của những suy nghĩ tích cực để sống với mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời của bạn. Bạn đừng chần chừ gì nữa, mà hãy suy nghĩ một cách tích cực ngay từ bây giờ đi nhé, để luôn sống hạnh phúc và nâng cuộc đời mình vươn lên!

5. Kiểm soát những cơn giận

Bất cứ ai cũng không thể tránh khỏi có những lúc nóng giận. Trong cuộc sống, có nhiều nguyên nhân khiêu khích từ người khác hoặc nguyên nhân chính từ bản thân ta làm cho ta nóng giận.

Trước đây, tôi rất dễ “nổi điên” mỗi khi có điều gì đó xảy ra không được như ý mình. Tại sao tôi lại phản ứng kỳ quặc như vậy? Đơn giản chỉ vì lúc nào tôi cũng muốn mọi việc được hoàn tất theo ý muốn riêng tư của bản thân tôi mà thôi! Nhưng rồi đến một ngày, tôi nhận ra rằng, nếu mình cứ tiêu phí sức lực của mình cho những cơn nóng giận, cho những lời phàn nàn, kêu ca, rên rỉ thế này thế nọ thì mình cũng chẳng được lợi ích gì cả! Đó là chưa kể, những người xung quanh sẽ nhìn mình, đánh giá mình bằng con mắt chẳng “hay ho” gì! Thay vào đó, mình cứ lặng lẽ âm thầm tìm cách khác để thích nghi với những khó khăn của tình huống mới, tìm cách tháo gỡ những khó khăn đó thì có phải là tốt hơn không?

Tục ngữ có câu: “Giận quá mất khôn.” Hậu quả của những cơn giận dữ thật khó lường, có thể mang lại biết bao nguy hiểm cho người khác và cho chính bản thân ta. Dù rất nhiều người ý thức được điều này, nhưng lại ít người biết kiềm chế cơn giận của bản thân.

Dưới góc độ tâm lý học, chúng ta có thể kiểm soát và kiềm chế được cơn giận hay không? Thực ra, giận dữ chỉ là một loại cảm xúc tiêu cực, một sự mất thăng bằng tạm thời của tâm trí, nên chúng ta hoàn toàn có thể học cách làm chủ, kiềm chế cơn giận. Đó cũng là một bí quyết để sống thanh thản cho mình và cho người khác.

Có một thực tế đáng buồn là, cuộc sống càng bận bịu căng thẳng, nhịp sống càng gấp gáp, người ta càng dễ tỏ ra nóng giận. Mối quan hệ giữa cá nhân này với cá nhân khác trong cuộc sống xã hội càng trở nên thô ráp, cộc cằn hơn, khó gìn giữ được sự êm đẹp. Kết quả của cảm xúc tiêu cực và sự mất cân bằng tâm trí này ngày càng lây lan từ người này sang người khác, càng khiến cho con người ta dễ bất đồng, xung đột với nhau hơn. Trong những lúc nóng giận, người ta dễ tỏ ra hung dữ như cọp, trong khi lúc bình thường có thể người đó chỉ có lá gan của con chuột nhắt mà thôi. Cứ như vậy, những nỗi bất đồng, xung đột càng lớn dần và người ta không còn kịp phân tích nguyên nhân của nó. Người ta có những phản ứng, hành động rồ dại, rồi sau khi bình tĩnh suy nghĩ lại, hiểu được nguyên nhân thì đã muộn.

Trong cuộc sống, nguyên nhân gây nên nóng giận thì rất nhiều, không thể kể hết. Không chỉ trong phạm vi quan hệ xã hội mới xảy ra chuyện nóng giận, mà ngay trong phạm vi gia đình, đã có bao nhiêu chuyện nóng giận xảy ra khiến bao mái ấm gia đình phải tan nát. Nói chung, trong cuộc sống hằng ngày, có biết bao nguyên nhân, biết bao lý do lớn nhỏ khiến người ta nóng giận. Có người bản chất rất dễ nóng giận, nhiều khi chẳng có nguyên nhân gì hệ trọng cũng khiến họ tỏ ra nóng giận. Có khi, người ta nóng giận vì hiểu lầm nhau, bất đồng quan điểm với nhau về một vấn đề nào đấy. Có khi, người ta nóng giận vì mâu thuẫn với nhau trong niềm tin, thói quen sinh hoạt, thói quen sống, khác nhau về những giá trị mà mỗi người theo đuổi trong cuộc sống, khác nhau về nhận thức, về tầm hiểu biết, về cách đánh giá, phê bình một điều gì đó, khác nhau về lòng kỳ vọng, về lợi ích riêng tư, về lòng mong muốn, ước ao… Khi cùng đứng trước một vấn đề, có người giải quyết theo cách này nhưng có người lại không đồng ý và đòi giải quyết theo cách khác… Có khi, một người đã chấp nhận cách giải quyết vấn đề trong đó mình đã tự nguyện chấp nhận thiệt thòi, nhưng những kẻ khác dù được hưởng phần hơn rồi mà vẫn còn “già hàm”, chưa chịu thôi, cứ xì xào bàn ra tán vào…

Kiểm soát, làm chủ cơn nóng giận của mình cũng có nghĩa là làm chủ những cảm xúc tiêu cực trong lòng mình, can đảm thừa nhận cái sai của mình và học hỏi cái đúng của người khác. Đây cũng là biểu hiện của một người có nhân cách trưởng thành, có học vấn, thực sự hiểu biết và được giáo dục đàng hoàng. Mỗi khi cảm thấy nóng giận, bạn hãy tự hỏi mình: “Ô kìa! Cách phản ứng của mình có phải là cách phản ứng của một người có giáo dục hay không nhỉ?” Bất cứ khi nào biết tự hỏi mình một câu hỏi đơn giản như vậy thôi, tự dưng bạn sẽ cảm thấy “máu hăng” trong người mình nguội bớt ngay!

Trong cuộc sống, phải cố gắng lắng nghe, tìm cách thấu hiểu người khác, học hỏi cái hay, cái đúng của người khác. Tuyệt đối đừng bao giờ khiêu khích người khác, khiến mình trở thành nguyên nhân chính để họ nóng giận. Nếu như một người có giáo dục luôn biết cách làm giảm những bất hòa, xung đột trong cuộc sống, thì chính những kẻ luôn tìm cách gây ra những bất ổn, xung đột trong cuộc sống là biểu hiện của sự thiếu giáo dục. Chẳng có gì hay ho trong việc cố tình khiêu khích, làm cho người khác nóng giận cả. Bởi vì, khi làm như vậy, nếu người ta không còn làm chủ được cơn nóng giận mà có những hành động rồ dại, thì kẻ bị gánh chịu hậu quả trước tiên chính là kẻ đã cố tình khiêu khích, chứ không phải ai khác!

Một cách khác để nguôi quên những cơn nóng giận là hãy luôn học cách tư duy, nhìn nhận mọi chuyện lớn nhỏ trong cuộc đời bằng một cái nhìn sâu sắc và đúng đắn. Điều này đòi hỏi vốn kiến thức, thái độ khiêm tốn học hỏi, cầu tiến. Đành rằng, trong xã hội, mức độ hiểu biết của mỗi con người đều khác nhau, nhưng làm thế nào để ít bị hiểu lầm, hiểu sai về nhau thì càng tốt. Đánh giá bất cứ vấn đề gì cũng phải cố gắng công tâm, khách quan, đừng bao giờ vịn vào lòng yêu ghét chủ quan của mình rồi bắt buộc người khác cũng phải theo ý mình!

Cuối cùng, hãy biết quên cái tôi cá nhân của mình đi. Những con người vĩ đại thật sự là những con người rất đỗi hiền lành, khiêm nhường. Trái lại, những kẻ bất tài, thiếu hiểu biết thì rất hay đề cao cái tôi của bản thân. Trong một xã hội mà bất cứ ai cũng tự coi cái tôi của mình là “cái rốn của vũ trụ” thì những bất hòa, xung đột, nóng giận luôn xảy ra sẽ chẳng phải là điều khó hiểu!

Khi mình đã cố gắng sống tốt với người khác rồi nhưng họ vẫn nóng giận với mình, tốt hơn hết là mình không nên chấp nê làm gì! Bởi vì, người nào hay nóng giận thì sẽ rất dễ bị ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ, tổn thọ, ít cảm thấy thanh thản và hạnh phúc trong cuộc sống. Khi mình biết cảm thông và tha thứ cho cơn nóng giận của người khác, mình sẽ sống cao thượng và thanh thản hơn!

Tóm lại, khi chúng ta biết cách gạt bỏ những xúc cảm tiêu cực như: nóng giận, hờn ghen, tức tối, khinh bỉ… thì cũng là lúc cõi lòng của chúng ta dần dần lắng lại, dành chỗ cho những xúc cảm tích cực như: yêu thương, tràn đầy sức sống, tự tin, bình tĩnh… nhen nhúm trong cõi lòng mình.

6. Làm sao để giảm cân?

Trong cuộc sống hiện nay, bị tăng cân đang trở thành nỗi lo của nhiều người. Khi bị tăng cân, ngoài việc phải lo lắng mình sẽ trông không còn đẹp như trước, chúng ta còn mang bao nhiêu nỗi lo về đủ mọi nguy cơ của các căn bệnh nguy hiểm khác đang chờ đợi mình. Và khi phải luôn sống trong nhiều mối lo như vậy, tâm hồn chúng ta cũng khó mà thanh thản được. Vậy làm thế nào để thoát khỏi nỗi lo mình bị tăng cân?

Việc giảm cân đòi hỏi ở bạn sự thay đổi thói quen ăn uống, tập luyện, thay đổi cách nghĩ lâu nay của mình về vấn đề thực phẩm, và nhiều điều khác nữa. Những đòi hỏi như vậy là quá nhiều! Nếu chỉ nhìn thoáng qua những vấn đề “vĩ mô” như vậy, có thể nhiều người sẽ ngán ngẩm, bỏ cuộc, không còn muốn theo đuổi “mục tiêu giảm cân” của mình nữa.

Bí quyết của việc giảm cân là bạn phải biết chia thành từng bước thực hành nhỏ, như vậy bạn dễ đạt được mục tiêu của mình hơn. Thành công trong từng bước đi nhỏ, bạn sẽ có thêm động lực để cố gắng. Và một ngày nào đó, bạn sẽ đột nhiên thấy mình có được cân lượng lý tưởng mà bạn không ngờ!

Những thay đổi trong thói quen ăn uống:

  • Đừng quên uống nhiều nước. Làn da của bạn cũng sẽ tươi sáng hơn khi bạn uống đủ lượng nước mỗi ngày.
  • Ăn theo khẩu phần và đúng bữa mỗi ngày. Tuyệt đối không ăn vặt.
  • Giảm bớt lượng bơ sữa và chất béo trong khẩu phần ăn hằng ngày.
  • Hạn chế ăn đồ chiên: trứng, khoai tây… Nếu có, chỉ nên ăn mỗi tuần một hoặc hai lần.
  • Hạn chế dùng đường khi uống trà và cà phê.
  • Nên ăn nhiều các loại rau tươi, trái cây tươi hơn là các sản phẩm công nghiệp chế biến như: khoai tây chiên hoặc các loại bánh kẹo.
  • Cố gắng không uống những loại nước giải khát giàu chất dinh dưỡng.
  • Trước khi dùng một loại thực phẩm công nghiệp chế biến nào đó, phải đọc kỹ nhãn hiệu dán bên ngoài để biết rõ thành phần dinh dưỡng của sản phẩm đó.
  • Dù ăn món gì cũng vậy, luôn cố gắng ăn kèm với rau tươi.
  • Luôn chú ý đến thành phần các loại dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hằng ngày, để có kế hoạch đi chợ, mua sắm những loại thực phẩm tốt, không làm bạn tăng cân, lại tiết kiệm tiền cho gia đình.

Và những thay đổi trong thói quen sinh hoạt:

  • Đừng bao giờ bỏ qua những cơ hội mà bạn có thể vận động cơ thể được. Chẳng hạn: lựa chọn đi cầu thang bộ hơn là cứ theo thói quen lâu nay thích đi thang máy; vừa nghe tin tức thời sự hoặc vừa xem truyền hình vừa kết hợp đi đi lại lại trong phòng, chứ không nên nằm hoặc ngồi một chỗ.
  • Nên dành ưu tiên cho việc tập thể dục mỗi ngày, chứ không nên chỉ tập thể dục khi nào mình còn lại chút thời gian rảnh. Ngày nào cũng vậy, cố gắng thức dậy sớm để tập thể dục cho khoẻ khoắn trước đã, rồi bắt tay vào một ngày làm việc hiệu quả.
  • Luôn tìm mọi cơ hội để mình được đi bộ. Ví dụ, đi mua sắm ở siêu thị; đi trên hành lang, đi hóng mát ở bờ sông, công viên, hoặc sân vườn nhà mình. Việc đi bộ chẳng những vừa giúp bạn giảm cân, mà còn giúp bạn có thêm thời gian thảnh thơi để suy nghĩ về những vấn đề lâu nay bạn chưa tìm được cách giải quyết, hoặc những quan hệ ứng xử giữa người với người để sống vui vẻ, yêu đời và sâu sắc hơn.
  • Đừng bỏ qua những công việc trong nhà để có dịp vận động thân thể: lau nhà, sắp xếp bàn ghế, rửa chén bát, nấu ăn, tưới cây. Làm như vậy, bạn vừa chia sẻ bớt công việc nặng nhọc với người thân trong gia đình, vừa tạo cho mình một cảnh sống sạch sẽ, ngăn nắp, vừa làm cho mình giảm cân.

7. Tiền bạc không phải là tất cả

Cuộc sống hiện nay đang mở ra những cơ hội mới lẫn những thách thức mới trong kinh doanh. Một trong những ý nghĩ phổ biến hiện nay về mục đích kinh doanh của nhiều người là: “Làm sao để kiếm được thật nhiều tiền?” Chúng ta cứ bị cuốn hút vào chuyện miếng cơm manh áo, chuyện mưu sinh, và vô tình lãng quên nhiều vấn đề khác trong cuộc sống. Chúng ta nghĩ rằng, trong cuộc mưu sinh đầy vất vả của mình, chuyện “làm sao để kiếm được thật nhiều tiền” cũng đồng nghĩa với việc tranh đua, đè bẹp người khác để vươn lên giành giật những gì tốt nhất cho mình. Càng đùn đẩy người khác vào chỗ đường cùng, càng làm cho người khác yếu thế đi, thì chỗ đứng của mình, thu nhập của mình, tiền bạc của mình càng thêm dồi dào và vững vàng hơn? Liệu thực tế có đúng như vậy chăng?

Trong thực tế, nếu cuộc đời chúng ta chỉ quan tâm đến mỗi chuyện tiền bạc không thôi, thì chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào bế tắc và không tưởng. Bởi lẽ, cuộc sống còn chứa đựng trong nó rất nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh khác nhau nữa, chứ không chỉ giản đơn có mỗi chuyện tiền bạc. Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải biết quan tâm đến rất nhiều vấn đề khác nữa. Và ngay cả với câu hỏi “Làm thế nào để kiếm được thật nhiều tiền?”, để trả lời được chúng ta cũng phải quan tâm đến rất nhiều vấn đề khác nhau.

Trước hết, chúng ta phải nhận thức được rằng, cuộc sống của mình đâu có tách rời với cuộc đời, với cuộc sống của cộng đồng, của rất nhiều người khác! Và do đó, nhu cầu của mình cũng đâu có tách rời nhu cầu của nhiều người khác trong cuộc sống! Muốn kinh doanh để làm giàu, hãy biết nghĩ đến người khác, nghĩ đến nhu cầu và cuộc sống của họ. Ngày nào mình bắt đầu nhận ra câu hỏi của mình “Làm sao để kiếm được thật nhiều tiền?” không tách rời với nhu cầu và cuộc sống của nhiều người khác quanh mình, thì đó mới là ngày mình thực sự biết bắt tay vào công việc kinh doanh với một thái độ trưởng thành nhất!

Ai trong chúng ta mà lại chẳng muốn có thật nhiều tiền! Đó là sự thật. Nếu mình muốn có thật nhiều tiền thì người khác cũng muốn có thật nhiều tiền, chẳng khác gì mình. Điều căn bản đầu tiên của bất cứ ai khi bước chân vào lĩnh vực kinh doanh là: nhận thức được ý nghĩa chân chính của chuyện kiếm tiền. Mình không chỉ kiếm tiền cho riêng bản thân mình, mà còn có bổn phận giúp kẻ khác kiếm tiền.

Những kẻ ích kỷ thì luôn mang câu hỏi: “Anh có thể làm được điều gì ích lợi cho tôi?” hoặc “Khi tôi đến làm ăn với anh, tôi sẽ được lợi gì?”. Những người tốt bụng hơn một chút thì hỏi: “Tôi có thể làm gì giúp anh không?” Thế nhưng, theo thiển ý của chúng tôi, một câu hỏi đúng đắn nhất, quan trọng nhất trong đời sống kinh doanh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay phải là: “Anh và tôi có thể kết hợp, chung sức với nhau như thế nào để làm được những điều tốt đẹp nhất cho anh, cho tôi, và cho cuộc sống quanh chúng ta đây?”

Muốn hỏi được một câu hỏi như vậy, thì trước hết chúng ta phải mở rộng tấm lòng, mở rộng tâm hồn của mình ra. Không thể thiếu điều kiện tiên quyết đó được! Nói cách khác, nếu không có sự mở rộng tâm hồn, chúng ta chỉ có thể nghĩ rằng cuộc kinh doanh của mình là một cuộc tranh đua quyết liệt, đè bẹp lẫn nhau không hơn không kém!

Nếu chỉ nghĩ đến nhu cầu của bản thân mình: “Làm sao để kiếm được thật nhiều tiền?”, mà không hề đoái hoài đến nhu cầu của những người khác, của cộng đồng xã hội, thì chắc chắn những thành quả trong kinh doanh của mình cũng không được bền lâu. Hãy suy nghĩ về mục đích chân chính của kinh doanh! Kinh doanh, dù kinh doanh bất cứ sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ nào, thực chất cũng đều là nhằm phục vụ những nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng. Nói cách khác, phải xuất phát từ nhu cầu của đối tượng khách hàng mà mình phục vụ, để xác định những gì mình cần làm trong kinh doanh, chứ không thể chỉ xuất phát từ ước mong chủ quan muốn kiếm được thật nhiều tiền của riêng mình. Sau đó, trong kinh doanh chắc chắn sẽ có cạnh tranh. Cạnh tranh đích thực là hỗ trợ, khuyến khích, giúp đỡ người khác cùng lĩnh vực với mình vươn đến những thành quả cao hơn, tốt hơn trong kinh doanh. Cuối cùng, những nhà kinh doanh thành đạt phải thực sự là những người đóng góp nhiều nhất cho phúc lợi của cộng đồng xã hội.

Đó cũng là lý do vì sao hiện nay, trong cuộc sống của xã hội chúng ta, ngày càng có nhiều doanh nghiệp thành công, tạo ra nhiều công ăn việc làm, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho phúc lợi xã hội. Những doanh nghiệp thành công lớn trong kinh doanh, phải chăng chính là những doanh nghiệp luôn biết nghĩ về mục đích chân chính của kinh doanh trước khi bắt tay vào khởi sự?

8. Vượt qua nỗi cô đơn

Dường như trong cuộc sống hiện nay, cô đơn là cảm nhận thường thấy của nhiều người. Bất kỳ ai trong chúng ta, không nhiều thì ít, cũng đều có những khoảnh khắc cảm thấy mình cô đơn. Khi nói về cô đơn, chắc hẳn không cần đưa ra một khái niệm dài dòng, phức tạp để giải thích cho mọi người cùng hiểu. Bởi vì ai cũng tự hiểu được “cô đơn là gì”, do nó đã từng tồn tại bên trong tâm hồn mỗi người.

Chẳng có ai lại mong mình cô đơn! Thế nhưng, những nỗi cô đơn lại cứ “lảng vảng” đâu đó, rồi tự đi gõ cửa tâm hồn mỗi người chúng ta và “ngự trị” trong đó, khiến chúng ta phải đương đầu với chúng. Cô đơn chẳng khước từ một lứa tuổi nào. Đừng tưởng chỉ có những người cao tuổi sắp “gần đất xa trời” mới cảm thấy mình cô đơn. Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ tưởng như đang sống trong những năm tháng đẹp nhất đời người, nhưng họ vẫn than là họ cô đơn. Và ngay cả các em nhỏ cũng vậy, ở lứa tuổi dường như chỉ biết vô tư chơi đùa, các em vẫn không có bạn, không tìm thấy niềm vui của tuổi ấu thơ hồn nhiên khi sống với những trẻ em khác, đặc biệt là cuộc sống của trẻ em nơi các thành phố lớn với nhịp sống công nghiệp chóng mặt.

Có lẽ chúng ta cần phân biệt giữa “cô đơn” với chuyện “sống một mình”. Nhiều người vẫn thường hay nhầm lẫn về hai điều đó, tưởng chúng là một hoặc đồng nhất chúng với nhau. Thật ra, “sống một mình” chỉ là một dấu hiệu bên ngoài của hoàn cảnh sống, nên nó không nói lên được tâm hồn bên trong của chính người “đang sống một mình” đó có cô đơn hay là không? Đừng bao giờ nghĩ một cách giản lược rằng, hễ cứ “sống một mình” thì tức là bị “cô đơn” và ngược lại. Hiểu như vậy là hoàn toàn sai mất rồi! Thiếu gì những người chỉ sống “có một mình” nhưng họ lại chẳng hề cô đơn chút nào. Trái lại, có biết bao người hằng ngày hằng giờ vẫn gặp gỡ biết bao người khác, nói năng cười đùa đủ mọi thứ chuyện, nhưng họ vẫn cảm thấy cô đơn.

Cô đơn chính là việc bản thân mình đau đớn nhận ra mình thiếu hẳn mối dây liên kết tâm hồn một cách có ý nghĩa với người khác, thiếu sự hiểu biết, đồng cảm với người khác. Chúng tôi nhấn mạnh đến việc “đau đớn nhận ra”, bởi vì chỉ có bạn mới là người hiểu rõ chính bản thân mình và những cảm nhận trong tâm hồn bạn hơn bất kỳ người nào khác. Chỉ có ta là hiểu rõ về bản thân ta nhiều nhất.

Điều cảm nhận rõ nhất khi cô đơn chính là cảm giác trống rỗng trong tâm hồn. Đó là một lỗ hổng khủng khiếp mà ta có thể cảm nhận rõ rệt về nó ngay giữa lồng ngực của mình. Chẳng có thuốc thang của một dược sỹ tài ba nào có thể lấp đầy cái lỗ hổng kinh khủng đó được cả! Bi kịch lớn nhất của người cô đơn là muốn có ai đó để chia sẻ, nhưng quanh mình chẳng còn có ai để đáp lại “tiếng lòng” mình cả!

Càng cô đơn, ta càng muốn có một mối dây liên lạc về tâm hồn đầy ý nghĩa với người khác, nhưng ta lại không thể. Và cứ như thế, ta lâm vào bế tắc. Thậm chí, ngay cả khi ta sống giữa một đám đông cuồng loạn, như đám đông cổ vũ bóng đá tại một sân vận động nào đó chẳng hạn, ta lại càng cảm thấy mình cô đơn nhiều hơn. Nhiều khi, chính trong những đám đông cuồng loạn, xô bồ, rất nhiều người đang hò hét quanh ta, lại là nơi mà ta cảm thấy cô đơn nhất. Cô đơn chẳng có liên quan gì nhiều với số lượng con người sống quanh bạn, mà tùy thuộc nhiều hơn vào mối quan hệ giữa bạn và những người xung quanh bạn như thế nào!

Nhiều người, khi rơi vào trạng thái cô đơn lâu ngày nhưng không có cách nào vượt qua được, rốt cuộc họ đành chấp nhận sống cô đơn như là một cách sống tất yếu trong cuộc đời này vậy. Tuy nhiên, một số người khác thì không dễ dàng gì chấp nhận như vậy, họ tìm cách giải tỏa nỗi cô đơn trong lòng mình nhờ bia rượu, ăn nhậu hay một thú vui chơi nào đó. Khi làm như vậy, họ cũng không sao tránh khỏi cô đơn, vì họ giải quyết một bế tắc này bằng cách lâm vào những bế tắc khác, làm cho những bế tắc trong cuộc sống ngày càng chồng chất nhiều hơn. Theo chúng tôi, những cách phản ứng như vừa rồi đều là cách phản ứng tiêu cực.

Chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng mình có thể vượt qua được cô đơn. Thật vậy, cô đơn là điều khó có thể tránh khỏi, nhưng nó lại hoàn toàn không phải là một “căn bệnh” không có cách gì chữa trị được. Chúng ta cần đi từng bước một để vượt qua thử thách của cô đơn.

Trước hết, hãy nhìn lại chính mình, mình mong ước một cuộc sống như thế nào? Sống hạnh phúc cùng người khác hay là cứ mãi cô đơn như thế?

Thứ hai, sau khi đã nhìn lại bản thân mình rồi thì đưa ra quyết tâm để thay đổi. Chính mình phải tích cực, chủ động, không được thụ động chờ đợi người khác đến với mình. Sao mình cứ trách người khác không hiểu mình, thay vào đó, mình hãy chủ động cởi mở tấm lòng của mình trước.

Thứ ba, hãy theo đuổi những việc làm cao đẹp và có ý nghĩa trong cuộc đời, như thăm viếng những người có cảnh sống bần hàn hơn mình, âm thầm làm những công việc từ thiện cao cả…

Cuối cùng, hãy siêng năng đọc sách, đặc biệt là những sách có tư tưởng cao thượng để nâng cao tâm hồn mình và sống với những tư tưởng cao thượng ấy, như một vĩ nhân nào đó đã nói: “Những người có tư tưởng cao thượng sẽ chẳng bao giờ cảm thấy cô đơn!”

Vậy, ngay từ ngày hôm nay, nếu bất chợt có ai đó hỏi bạn: “Bạn có cô đơn không?”, hãy trả lời là: “Có! Tôi biết những nỗi cô đơn là khó tránh khỏi. Nhưng cô đơn cũng chỉ là một thử thách trong cuộc sống, và tôi đã biết cách để vượt qua thử thách đó!”

9. Cảm thông và tha thứ

Làm thế nào để luôn tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn khi hằng ngày chúng ta vẫn luôn chung sống cùng người khác? Nhiều người luôn cảm thấy bực bội, khó chịu, tâm hồn không làm sao thanh thản được, vì họ nghĩ những mối quan hệ với người khác trong cuộc đời sao mà phức tạp quá!

Muốn thanh thản tâm hồn, trước hết chúng ta phải nhận thức được mối quan hệ giữa mình và người khác, hiểu được niềm vui của sự chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống của mình với người khác, cũng như đón nhận những điều mà người khác mang lại cho mình. Đó chính là chân lý giản đơn nhưng cũng là chân lý sâu sắc nhất của cuộc sống xã hội.

Phải biết trao tặng cho cuộc đời cả tâm hồn nhân ái của mình, chúng ta mới tìm thấy trạng thái thanh thản, hạnh phúc cho tâm hồn mình. Và khi đó, chúng ta mới có thể tiếp tục tìm thấy những điều mới mẻ, phong phú, sâu sắc cho tâm hồn mình. Trái lại, nếu lúc nào chúng ta cũng muốn ôm khư khư lấy mọi thứ cho riêng mình, chẳng hề muốn chia sẻ cho ai, thì tâm hồn của chúng ta ngày càng trở nên ích kỷ, cạn hẹp, không thể tìm được sự phong phú hay sâu sắc nào nữa!

Mỗi người chúng ta đều mang trong mình khả năng biết cảm thông và tha thứ cho người khác. Vấn đề bây giờ là chúng ta có nhận ra giá trị cùng ích lợi của việc tha thứ hay không? Và có quyết tâm sử dụng khả năng tiềm tàng ấy của mình hay không?

Chúng ta hãy thử nhìn lại chính bản thân mình mà xem, rất nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đã từng mong muốn được cảm thông và tha thứ cho người khác. Thế nhưng, cũng rất nhiều lần, cái tôi ích kỷ và lòng tự ái nhỏ nhen đã ngăn cản chúng ta, khiến chúng ta không thể cảm thông hay tha thứ cho người khác được.

Những lúc tâm hồn bị rơi vào trạng thái tiêu cực như vậy, chúng ta hãy thử suy nghĩ về những điều sau đây:

  • Mình sống trong cuộc đời này đâu chỉ có cuộc sống của riêng mình. Cuộc sống của mình luôn nằm trong mối liên hệ với cuộc sống của những người khác. Vì vậy, liệu mình có nên chấp giữ mãi những lầm lỗi mà người khác đã gây ra cho mình hay không? Chính bản thân mình cũng rất nhiều lần làm tổn thương người khác, và cũng nhờ có sự cảm thông, tha thứ của người khác mà mình mới còn được sống cuộc sống ngày hôm nay, vậy mình còn lý do gì để mãi mang nặng trong tâm hồn những lầm lỗi của người khác?
  • Hãy thử lắng nghe cuộc sống quanh mình! Chúng ta sẽ nhận ra còn biết bao con người, biết bao hoàn cảnh cần được cảm thông, chia sẻ. Những hoàn cảnh, những tình huống mà chúng ta gặp hằng ngày luôn luôn đa dạng, phức tạp, nhiều khi chẳng có hoàn cảnh nào giống với hoàn cảnh nào. Chỉ có sự cảm thông, chia sẻ mới làm cho cuộc sống của mỗi người, dù trong hoàn cảnh nào, cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu và đáng yêu hơn. Hãy trầm tư suy nghĩ về ý nghĩa sâu sắc của sự cảm thông, sẻ chia những điều tốt đẹp mà mình có với người khác: Tâm hồn của mình sẽ ấm áp ra sao? Mình sẽ cảm nhận sợi dây nối kết thiêng liêng giữa bản thân mình và người khác trong cuộc sống là như thế nào?… Tất cả những điều đó có thể gọi là sự sâu sắc của tâm hồn!
  • Mỗi lần chúng ta đón nhận một điều gì đó tốt đẹp từ người khác, dù nhỏ thôi, chẳng hạn như một lời chào, một nụ cười thân thiện… là mỗi lần chúng ta phải suy nghĩ, tự hỏi rằng: mình nên làm gì để có thể cư xử tốt đẹp hơn nữa với những người khác trong cuộc sống? Cứ như vậy, vẻ đẹp và lòng tốt mà con người dành cho nhau trong cuộc đời này sẽ ngày càng được nhân rộng, lan xa thêm. Phải khiêm tốn nhìn nhận mình là một con người nhỏ bé, rằng mình đã từng nhận được biết bao sự cảm thông, nhận được biết bao điều tốt đẹp từ người khác đã sẻ chia với mình, chứ đừng bao giờ chỉ nghĩ mình là kẻ chỉ biết “cho” chứ không hề “nhận”. Thật ra, chính mình mới là kẻ “nhận” nhiều nhất! Vì ngay cả khi mình nỗ lực “cho” thật nhiều, thì điều lớn lao nhất mà mình sẽ được “nhận” lại chính là niềm vui, niềm hạnh phúc không gì so sánh được trong tâm hồn!
  • Một khi có cơ hội để giúp đỡ người khác thì đừng bao giờ bỏ qua! Bởi lẽ, giúp đỡ người khác là điều dễ dàng nhất để chúng ta tìm thấy sự cân bằng của tâm hồn mình trong cuộc sống. Thường thì chúng ta dễ có khuynh hướng chỉ biết “nhận” nhiều hơn là “cho” đi. Và nếu chỉ mãi “nhận” từ người khác như vậy, có thể chúng ta vô tình trở thành kẻ ích kỷ mà chúng ta không hay! Chính vì vậy, hãy cảm ơn cuộc đời quanh mình còn quá nhiều chuyện buồn khổ, quá nhiều những con người, những hoàn cảnh đang cần chúng ta cảm thông, chia sẻ. Chính những hoàn cảnh, những con người ấy đã tạo cơ hội cho chúng ta hiểu được giá trị của sự cảm thông, chia sẻ, nhất là hiểu được giá trị của tình yêu thương và hạnh phúc.
This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.