Câu Chuyện Chú Tiểu Xây Chùa Trên Cát

Trên đỉnh núi Linh Sơn với khung cảnh hữu tình, mây trời lãng đãng, xung quanh những dòng suối chảy rì rào, thật thơ mộng hữu tình, núi non hùng vĩ, chim chóc líu lo. Xa xa nhìn thấy một am cốc nhỏ bé đơn sơ, nhưng mang đậm tính chất thiền. Trong am cốc chỉ có hai Thầy trò, hằng ngày tu hành Kinh kệ, tiếng chuông, mõ âm vang cả núi rừng. Mỗi buổi sáng thức dậy chú tiểu Lợi cầm chổi quét sân, bề ngoài nhìn vào khuôn mặt thật dễ thương, với đôi mắt hiền hòa, hình dáng giản dị chất phác.
Hằng ngày khách thập phương viếng thăm chùa lễ Phật. Khi nhìn thấy chú tiểu Lợi, ai nấy cũng đều thích thú với giọng nói ngọt ngào nhỏ nhẹ, đi đứng oai nghi, mọi hành động của chú luôn chánh niệm. Nhưng chú Lợi có một khuyết điểm  ít am hiểu về kiến thức Phật pháp. Chú chưa bao giờ nói một bài Pháp hay viết bài Pháp nào để chia sẻ với Phật tử. Bởi vì chú rất e ngại và sợ mọi người nhìn ra khuyết điểm của chú là không thông hiểu về kiến thức Phật pháp
Nhưng rồi một hôm Sư phụ của chú tiểu Lợi bị lâm trọng bệnh, chú tiểu Lợi phải xuống núi để hốt thuốc về chữa bệnh cho Sư phụ. Sau khi hốt thuốc xong trên đường trở về lại Linh-Sơn-Tự, chú tiểu Lợi tình cờ gặp chú tiểu Trí từ Hải – Đảo đang đi vào làng khất thực.

Hai chú tiểu gặp nhau, nghĩ là nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp là huynh đệ với nhau, hai chú tay bắt mặt mừng. Sau khi chắp tay chào nhau, chú tiểu Trí liền họa bài thơ:
Tri âm tri ngộ, kết duyên lành
Tình thâm Pháp hữu đẹp trăng thanh
Cùng nhau ươm hạt, Bồ đề trí
Đơm hoa, kết trái, ban chúng sanh.
(T. Trí Giải)
Bấy giờ chú tiểu Lợi hỏi chuyện:
–        Chú Pháp danh gì? Xuất gia chùa nào? Và sống ở đâu mà vào làng khất thực?
–         Mô Phật! tiểu Tăng pháp danh là “Không Trí” à! tu chùa Bát-Nhã ở ngoài Hải- Đảo. Sư phụ vừa mới viên tịch, cho nên Trí phải đi khất thực để nuôi thân hành Đạo và gieo duyên ban phước lành đến bá tánh, nhằm mục đích: “hoằng Pháp vi gia vụ, lợi sinh vi bổn hoài” đó ạ!
–         Oh, Pháp danh của chú là “Không Trí” sao nghe có vẻ ngộ nhỉ! Có nghĩa là người kém thông minh hiểu biết, là người không có trí tuệ đúng không chú?
–         Không phải đâu à! “Trí” nghĩa là trí tuệ, “Không” nghĩa là “Tánh không” là Trí tuệ Bát nhã đó ạ! Ui chú này thiệt tình có vậy cũng không hiểu
–         Oh, thì ra là vậy! Bởi vì Lợi ở trên núi ít có học nên không hiểu, giờ thì Lợi hiểu rồi. (cười)
Tiếp theo câu chuyện chú tiểu Trí hỏi chú tiểu lợi
–    Còn chú Pháp danh gì? Chùa của chú ở đâu? Chú đi đâu đây?
Chú tiểu Lợi nhanh nhảu trả lời:
–      Mô Phật mình pháp danh là “Nhuận Lợi”, tu ở Linh-Sơn-Tự, chùa nằm trên đỉnh núi Linh-Sơn, Sư phụ là Đại lão HT: thượng Quảng hạ Định. Sư phụ năm nay 81 tuổi rồi, tuổi già sức yếu đang lâm trọng bệnh. Cho nên Lợi vào làng hốt thuốc về chữa bệnh cho Sư phụ đó à! Sư phụ chắc là sống không bao lâu nữa. Chúng ta rồi đây sẽ sống lẻ loi, không còn Sư phụ để làm nơi nương tựa, như những chú chim lẻ loi giữa bầu trời vô định, không biết bay về đâu. Vì thế Lợi có ý kiến thế này? Trí thấy thế nào, chúng ta kết bái thành huynh đệ, tình như thủ túc, Lợi mời chú về Linh-Sơn-Tự cùng nhau tu hành, sống gian khổ có nhau, ngọt bùi sẻ chia, cùng khoác vai nhau vượt qua chướng ngại chông gai của cuộc đời. Huynh đệ nương tựa nhau trong cuộc sống hoằng Pháp lợi ích cho Đạo và đời, được không?
Chú Không Trí tiếp chuyện:
–         Ah! Pháp danh của chú hay đấy! “Nhuận Lợi” nghĩa là “Lợi Nhuận” là chỉ biết lợi ích cho bản thân mình mà không nghĩ đến tha nhân đúng không? (it means selfish) nó nghĩa là ích kỷ đúng không?
–         No, không phải ý nghĩa này, chú này nghĩ bậy bạ và xuyên tạc rồi đó
–      Kakaka ui mình nói chơi, chọc chú thôi chứ mình hiểu mà “Nhuận Lợi” chữ “Nhuận” nghĩa “thấm nhuần.” “Lợi” là lợi ích, nghĩa là người xuất gia có tâm nguyện luôn mang lại nhiều lợi ích, an lạc cho chúng sinh. Cho nên chú luôn nghĩ đến việc hoằng Pháp lợi ích cho đời đúng chưa nè?
–         Vâng! Đúng rồi, là ý nghĩa này đó ạ! Chú này thiệt tình
–         Trí nghe Lợi đưa ra ý kiến hay lắm và đầy ý nghĩa, Trí đồng tình với ý kiến này, Vậy chúng ta kết bái tình huynh đệ không cần suy nghĩa nhiều nữa
Bấy giờ hai chú tiểu quỳ xuống chắp tay, tuyên thệ kết bái thành huynh đệ, chú Lợi lớn hơn chú Không Trí một tuổi. Cho nên chú Lợi làm sư huynh, hai chú rất vui và mừng rỡ, đã có bạn với nhau, tâm sự chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Bấy giờ hai chú dung dăng dung dẻ nắm tay nhau về Linh-Sơn-Tự để bái kiến với Sư phụ. Khi hai chú bước vào phòng thì nhìn thấy Sư phụ đã viên tịch, hai chú tiểu vô cùng buồn bã, não nề, âu cũng là số phận của kiếp sống vô thường có sinh ắt có diệt, chỉ có điều Không Trí thiếu duyên chưa gặp Sư phụ thì sư phụ đã ra đi, hai chú đã động viên cho nhau để vượt qua sự mất mát quá lớn này
Thời gian thấm thoát trôi nhanh, nỗi buồn cũng qua đi, hai chú gắng bó với nhau sống trong một am cốc thật an lạc, tình huynh đệ sống rất hòa hợp, an lạc và hạnh phúc trong chốn thiền môn. Chú tiểu Lợi là sư huynh nên lo việc điều hành công việc chùa, còn chú Không Trí phụ giúp sư huynh vấn đề hoằng Pháp độ sanh, đức hạnh của hai chú tiểu đã cảm hóa nhiều Phật tử trở về Linh-Sơn tu tập.
Bấy giờ Linh-Sơn-Tự được nhiều Phật tử biết đến với cái tài biện tài vô ngại thuyết Pháp của chú Không Trí, đã thu hút nhiều Phật tử về chùa, ngôi chùa trở nên nhộn nhịp lời kinh tiếng mõ suốt sáu thời, đồng thời tổ chức những khóa tu cho Phật tử. Bấy giờ rất nhiều Phật tử đã theo chú Không Trí, và lơ là đối với chú tiểu Lợi. Từ chỗ đó mỗi ngày tạo nên sự ganh tỵ, hiềm khích ẩn chứa trong tâm của chú Lợi, nhưng chú Lợi vẫn kìm chế không nói ra, rồi hằng ngày bằng cách dùng lời ngon tiếng ngọt, nói lời thêu dệt, dùng tình cảm để chinh phục niềm tin Phật tử. Nhưng vẫn thất bại, chú Lợi không biết làm cách nào để lôi kéo Phật tử về bên mình, còn chú Không Trí thì vô tâm, không hề hay biết sư huynh mang tâm ganh tỵ và hiềm khích, đang tìm cách hãm hại mình. Hằng ngày chú Trí thuyết giảng Phật pháp một cách vô tâm không để ý đến việc gì xảy ra xung quanh mình, chú Không Trí cứ nghĩ việc hoằng Pháp là giúp ích mang lại kiến thức Phật pháp cho mọi người để tu tập và an lạc. Nhưng chính vì sự vô tâm ấy đã tạo nên sự xung đột giữa hai huynh đệ nung nấu với nhau cũng vì danh vì lợi cho bản thân
Bấy giờ chú Lợi nghĩ ra cách “tự mình vừa đốt chùa vừa la làng” nghĩa là đi nói xấu những chú tiểu khác xung quanh chùa với Phật tử, hạ uy tín những chú tiểu khác, nâng giá trị đạo đức của mình, để Phật tử cung phụng cho mình, nghĩa là: “Giả trang thiền tướng cầu bỉ cung kính.”
Một hôm chú Không Trí đến thăm những ngôi chùa xung quanh, chú nghe được những lời tâm sự của những chú tiểu xung quanh kể rõ về hành vi của chú tiểu Lợi đó là vu khống, nói lời thị phi không đúng sự thật với Phật tử, nhằm hãm hại hạ uy tín của chúng tôi, chúng tôi chẳng biết làm gì hơn, nhờ Không Trí lấy lại công đạo cho chúng tôi.
Chú Không Trí nghe kể rất bức xúc về việc này, cho nên chú Không Trí đã lên tiếng chỉ trích, góp ý xây dựng với sư huynh những việc làm sai trái đó với những chú tiểu xung quanh, làm mất uy tín cho Linh-Sơn-Tự. Điều đó chẳng có lợi ích gì, hại người tức là hại mình, nói xấu người tức là nói xấu mình. Nhưng vì lòng tự ái và sự ganh tỵ với chú Không Trí đã ẩn chứa lâu rồi, nhân cơ hội đó chú tiểu Lợi tìm cách hãm hại tiếp chú Không Trí cho là vô lễ với sư huynh, không tôn ti Đạo nghĩ, sư đệ dám bắt bẻ lỗi sư huynh. Vì thế chú Lợi đã đuổi Không Trí đi ra khỏi chùa, tự cắt đứt tình huynh đệ cũng chỉ vì một lời nói góp ý xây dựng, chú Không Trí cũng đành chấp nhận từ biệt sư huynh khăn gói ra đi về lại Hải Đảo để tu tập, và tiếp bước con đường hoằng Pháp cho bản thân mình
Sau khi chú Không Trí rời Linh-Sơn Tự về lại Hải-Đảo, khi Phật tử về chùa không thấy chú Không Trí đâu hết, Phật tử mới hỏi chú Lợi. Chú Lợi không biết lý do gì để trình bày với Phật tử cho hợp lý, để họ bỏ niềm tin với chú Không Trí họ theo mình, bằng cách nói xấu về hành vi đức hạnh của chú Không Trí đã vi phạm giới luật chốn thiền môn. Cho nên bị trục xuất khỏi sơn môn, nhưng Phật tử không tin điều đó xảy ra. Họ mới rủ nhau đi ra Hải-Đảo tìm chú Không Trí để hỏi ra sự thật về câu chuyện ra đi của chú Không Trí như thế nào
Bấy giờ chú Không Trí trình bày lại sự việc một cách cụ thể cho Phật tử hiểu thấy rõ bản chất giả dối của sư huynh là “giả trang thiền tướng cầu bỉ cung kính,” khi những Phật tử nghe kể ra những hành vi ấy của chú Lợi họ thật kinh tởn và họ hiểu ra một điều nữa, thật ra không phải gì một lời chỉ trích của Chú đối với sư huynh mà bị đuổi khỏi chùa, hay vi phạm giới luật thiền môn gì cả, chẳng qua vì lòng ganh tỵ sợ chú lôi kéo Phật tử về bên chú hết. Cho nên chú Lợi nghĩ ra cách đó, nói xấu chú đuổi chú đi khỏi chùa, cũng vì “Lợi Nhuận” cho bản ngã, để rồi dùng lời ngon ngọt để thanh minh cho bản thân mình. Bằng cách nói xấu về chú Không Trí với tất cả Phật tử để tự cho mình là trong sạch và tu hành đức độ, tuy có những Phật tử tin theo, nhưng cũng có những Phật tử đã thấy rõ được việc làm phi pháp và hành vi xấu xa của chú Lợi, nên cuối cùng nhiều Phật tử đành bỏ chùa Linh-Sơn-Tự ra đi, đến những ngôi chùa khác xung quanh để tu tập.
Ngày tháng Linh-Sơn-Tự trở nên hiu quạnh, như một ngôi miếu bỏ hoang. Vì thế cơn sân và sự bực tức của chú Lợi lên đến tột độ, chú Lợi chạy vào trong hang động của Linh-Sơn thét lên để hả cơn giận, chú Lợi la hét ở ngoài thì sợ mọi người biết và khinh chê mình tu hành còn sân si. Bấy giờ chú tiểu Lợi la hét lên một cách hãi hùng:
“Ta ghét Ngươi”
Thì trong hang động vang lại y như tiếng đó
“Ta ghét Ngươi”
Bấy giờ chú Lợi hốt hoảng và sợ hãi, tại sao trong hang động chỉ có một mình tôi thôi mà ai lại căm ghét mình, chửi lại mình như thế? Vì tiếng la hét ấy vang cả núi rừng, làm kinh động đến Thần núi. Lúc bấy giờ Ông Thần Núi hiện ra mới giải thích cho chú Lợi rằng:
  
– “Chú à! đây là quy luật trong cuộc sống, khi chú cho người ta điều gì, thì chú sẽ nhận lại điều đó, chú gieo gió thì phải gặt bão, nếu chú thù ghét người cũng chính là thù ghét chính chú vậy. Chú là người xuất gia phải biết sống yêu thương, dùng từ bi hỷ xả, để ứng nhân xử thế, hằng ngày chú luôn nói xấu hãm hại người khác, để nâng cao giá trị của mình, thì khi bại lộ hậu quả mọi người sẽ xa lánh chú. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật dạy chú quên rồi sao? “Người ác hại người hiền, như ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt ấy không đụng trời mà lại rơi vào chính bản thân người ấy, như đứng ngược gió tung bụi, bụi không bay đến người khác, mà bụi đó sẽ tấp vào người tung bụi, người hiền khó có thể bị hại, tai họa ắt hại chính mình” (Đệ bát chương: Trần thóa tự ô). Thôi chú mau giác ngộ, hãy dừng lại, dùng ánh mắt từ bi nhìn đời, hãy dùng tâm độ lượng, khoan dung, trang trải tình thương đến với mọi người. Hãy dẹp bỏ tất cả lòng sân hận, ganh tỵ, đố kỵ, ghi ngờ,…mà hãy dùng tâm từ bi để độ sanh, không cầu lợi, không hiềm khích, không ganh tỵ bạn bè và Phật tử…thì tình thương, an lạc niềm hạnh phúc, mọi người sẽ đến với chú, và chú sẽ có tất cả. Bản thân của chú làm sai có lỗi, tại sao chú không nhận lỗi với bạn bè với những người chú đã làm sai với họ? Chú tự ái sợ mất danh tiếng vào đây la hét cho hả cơn giận. Chú có học mà quên đi trên đời có hai hạng người đáng tôn kính một là người chưa bao giờ phạm lỗi, hai là người phạm lỗi biết sửa đổi. Khi nào chú nhận lỗi việc sai trái của mình làm, mọi người sẽ bỏ qua và kính phục chú, hơn là cứ tìm đủ mọi cách che lấp tội lỗi và bản ngã của mình. Phương pháp đó không bao giờ thành công và lợi ích trên con đường giải thoát. Bởi vì phiền não và tội lỗi vẫn còn nằm mãi trong tâm, chú hãy sám hối và gạn lọc những điều không hay ra khỏi tâm, và từ hôm nay chú hãy đối xử mọi người với ánh mắt từ bi và lòng bao dung độ lượng, thì chắc chắn mọi người sẽ về bên chú. Chú cứ tiếp tục gây hận thù thì bao giờ chấm dứt “Hận thù diệt hận thù đời này không có được, không hận diệt hận thù là định luật ngàn thu.
Khi Thần Núi nhắc đến câu Pháp Cú này, chú Lợi đã giác ngộ và cảm ơn Thần Núi đã chỉ giáo và chú bảo rằng:
–         Ông Thần Núi ơi! Có cách nào giúp Tiểu Lợi thắng cơn giận và gạt bỏ hận thù, và sống an lạc trở lại không?
Ông Thần Núi phán rằng:
–         Chú về thiền định quán chiếu lại tất cả những việc làm của chú trước kia, chỗ nào sai trái nên sửa đổi và trừ bỏ đừng tái phạm, và xin lỗi mọi người. Còn những việc nào làm lợi ích cho mình và tha nhân chú hãy phát triển thêm. Nếu chú không không nghe lời tôi thì khác nào từ trước đến giờ chú chỉ xây chùa trên cát, nó sẽ ngã và biến mất bất cứ lúc nào trong bàn tay của chú. Chỉ cần một cơn gió mạch ngang qua sẽ làm ngôi chùa trên cát hủy hoại và bị biến mất. Cũng vậy với tâm ganh tỵ, phiền não, hơn thua, đố kỵ, thị phi… Chú đem những thứ này là chất liệu để xây chùa trong tâm thì khác nào xây chùa trên cát.
Với những lời cảnh tỉnh của Thần Núi, chú Lợi đã giác ngộ việc sai trái của mình và quyết lòng từ nay không xây chùa trên cát nữa, sẽ xây chùa của mình trên mảnh đất Kim Cang bằng chất liệu bằng từ bi, và lòng độ lượng bao dung, tinh thần hỷ xả của đạo Phật. Khi từ biệt và cảm ơn Thần Núi đã chỉ giáo, chú tiểu
Lợi mới hỏi Thần Núi rằng:
–         Ông Thần Núi ơi! Vì sao Ông đọa làm Thần Núi ở nơi hẻo lánh này vậy cho tiểu Lợi biết nguyên nhân được không?
Ông Thần Núi bảo rằng:
–         Tôi đã đọa trăm nghìn kiếp làm Thần Núi ở nơi đây, kiếp trước tôi cũng giống như chú tu hành cũng chỉ vì lòng ganh tỵ, đố kỵ với người khác, tìm cách hại người, rêu xấu lỗi người khác để nâng giá trị của mình. Cho nên khi chết tôi đọa làm Thần giữ núi, nhờ phước đức tu hành vẫn còn, không đọa vào địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, A tu la, mà đọa làm Thần Núi. Bây giờ tôi giác ngộ thì cũng muộn rồi. Thôi chú đừng đi theo cái vết xe đổ của tôi, sẽ khổ lắm chú ơi, “một kiếp không tu muôn kiếp khổ, một đời vô Đạo vạn đời sầu chú có hiểu không”?
–         Dạ, Tiểu Lợi đã hiểu rồi ạ!
Bấy giờ chú tiểu Lợi cảm động trước lời dạy bảo của Thần Núi chú đã  phát nguyện với Thần Núi như sau:
–         Tiểu Lợi xin hứa với Thần Núi sau khi trở về Linh-Sơn-Tự sẽ tu hành trang nghiêm, hoằng Pháp độ sanh một cách chân chính, nhằm mang lại niềm an lạc hạnh phúc đến mọi người, để hồi hướng công đức cho Thần Núi xả bỏ kiếp làm Thần nhé!
–         Thanks so much, chú!
Sau khi một thời gian áp dụng lời Thần Núi đã khuyên, chú tiểu Lợi đã thành công trên con đường hoằng Pháp độ sanh, được nhiều Phật tử kính phục với tâm từ bi của chú, và những Phật tử trước kia rời xa chú và Linh-Sơn-Tự đã trở lại ngôi nhà Phật pháp nhiệm mầu và nuôi dưỡng lòng từ bi và trí tuệ để làm hành trang về Bảo Sở, nhờ trải qua sự đau buồn đáng tiếc ấy chú Tiểu Lợi đã rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm bản thân giờ chú tiểu Lợi xin chia sẻ lại với mọi người:
Phàm ở trên đời “gieo nhân nào gặt quả đó,” “phàm làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó,” trong tất cả các mối quan hệ, nếu chúng ta dùng tâm ganh tỵ, đố kỵ, nghi ngờ thì tình cảm sẽ sức mẻ với nhau, chúng ta nên nói lời yêu thương với mọi người
Chúng ta cũng biết rằng chiến tranh bao giờ cũng có sự đổ nát, thiệt hại, chia cách, và chết chóc, tranh chấp hơn thua chỉ sinh thù hận, thiệt hại chính bản thân mình và người, Cổ nhân có dạy: “một sự nhịn chín sự lành.” Trong Kinh Pháp Cú đức Phật có dạy:
“Lấy oán báo oán
Oán nghiệp chập chùng
Lấy ơn báo oán
Oán nghiệp tiêu tan
Thắng lợi sinh thù oán
Thất bại chịu khổ đau
Không hơn thua thắng bại
Sống an nhiên tự tại
Người hơn thì thêm oán
Kẻ thua ngủ chẳng yên
Hơn thua đều xả bỏ
Giấc ngủ được bình yên
Hận thù diệt hận thù
Đời đời không có được
Từ bi xóa hận thù
Là định luật ngàn thu.”
 
Trong cuộc sống chúng ta va chạm rất nhiều qua một lời nói vô tình, cử chỉ vô ý, một câu chuyện bịa đặt, một lời nói thị phi, cũng có thể là nguyên nhân của chuyện thù ghét oán hờn, xung đột chia rẽ tình cảm. Chúng ta cố gắng xây dựng một nếp sống hòa bình bằng sự chân thật và tình yêu thương tha thứ, độ lượng, bao dung đến mọi người, xả bỏ tất cả oán hờn, thù hận để tâm được thanh tịnh và trong sáng.
Ai thường nói xấu, chuyện người ta
Thù oán, thị phi, chồng chất mà
Tình cảm con người, thêm sức mẻ
Nói năng chánh niệm, tránh oan gia (T. Trí Giải)
Sau khi sự giác ngộ những việc sai trái của mình, chú tiểu Lợi đã đi ra Hải- Đảo để thăm sư đệ Không Trí và để nói lời xin lỗi, thời gian cách biệt nhau chú Không Trí cũng rất nhớ sư huynh.
Khi đến Hải-Đảo hai huynh đệ gặp nhau, tâm sự với nhau những việc xung đột trước kia không được tốt đẹp thôi thì hãy bỏ đi những việc không hay trước kia và chú tiểu Lợi kể về câu chuyện gặp được ông Thần Núi đã dạy như vậy.
Chú Không Trí bảo rằng:
–         Thưa sư huynh! Thật ra chẳng có ông Thần Núi nào cả, mà đó là tiếng nói của lương tâm, tiếng nói Phật tánh từ trong tâm phát ra, sau khi sư huynh đã trút bỏ cơn giận một cách triệt để giữa núi rừng yên tịnh, cũng giống như một ly nước phèn, khi mình gạn lọc chất phèn rồi thì nước trở lại trong sạch thôi. Sư huynh đã trút bỏ hết những phiền muộn thì tánh Phật (Trí tuệ Bát nhã) hiện ra làm cho sư huynh tỉnh ngộ, đó là tiếng nói từ nơi tâm chẳng có ông Thần-Núi nào đâu ạ!!!
–         Oh, thì ra la thế ạ! Bây giờ sư huynh đã hiểu rồi cảm ơn sư đệ rất nhiều!!!
Khi chú Không Trí gặp lại sư huynh thật mừng vui khôn xiết và xúc động, chú Không Trí cũng nhận ra khuyết điểm của mình cũng xin lỗi với sư huynh, nhờ xảy ra sự xung đột như vậy đã giúp cho Không Trí rút ra bài học cho bản thân mình trên con đường tu học: Chú Không Trí liền họa thơ:
Cảm ơn Pháp lữ dạy cho tôi
Bài học thời gian, quý cuộc đời
Giúp mình đứng dậy, từ vấp ngã
Thành công cuộc sống, mỉm nụ cười
Cảm ơn những bạn, chỉ trích tôi
Giúp mình hoàn thiện, trong cõi đời
Thấy nhiều nhược điểm, còn thiếu sót
Trau dồi nhân cách, tâm sáng ngời
Ở đời sao tránh, chuyện ghét thương
Người thương, kẻ ghét, chuyện lẽ thường
Ghét, thương, đàm tiếu, người phỉ báng
Vô tâm đối diện, chẳng vấn vương
Ở đời sao lắm, kẻ thị phi
Nói xấu người ta có ích gì
Gieo thù chuốc oán, đời thêm khổ
Chi bằng kết bạn, sánh bước đi
Xuất gia tu học, hạnh từ bi
Pháp lữ đồng tu, học những gì???
Hận thù hóa giải, không nên kết
Tình thâm pháp hữu, chẳng chia ly ( Thích Trí Giải)
Cuối cùng thì những ngày đen tối như mùa đông đã đi qua, thay vào đó là mùa xuân tươi đẹp, những bông hoa nở rộ, cây cỏ đâm chồi nảy lộc, mang lại một mùa xuân ý nghĩa sức sống mới cho hữu tình và vô tình, cũng giống như câu chuyện đau buồn của hai chú tiểu xây chùa trên cát, cũng đã giác ngộ việc sai lầm của mình. Họ đã bắt tay nhau hòa giải sự xung đột, kết nối lại tình huynh đệ. Cùng nhau mở ra một chân trời mới, tình cảm mới, để mai này hướng dẫn Phật tử tu hành giải thoát,
Hai chú tiểu trong câu chuyện như hai chim én đã biết cất cánh bay vào bầu trời xanh tổ điểm thêm ý nghĩa cho mùa xuân tươi đẹp
Thời gian thấm thoát trôi nhanh mới đó đã hơn một tháng trời kể từ khi chú Lợi đặt chân lên Hải-Đảo, nhưng vì Phật sự ở Linh-Sơn-Tự chú Lợi không ở chơi lâu được. Trước khi chia tay, chú Lợi mời sư đệ về lại Linh-Sơn-Tự để cùng nhau hoằng Pháp độ sanh
Chú Không Trí bảo rằng:
–         Phật pháp bổ xứ, sư huynh có duyên với Linh-Sơn Tự, chúng sinh ở đó đang cần sư huynh hướng dẫn tu hành. Còn Không Trí thì có duyên với Bát Nhã và Hải Đảo, chúng sinh ở đây cũng rất cần đệ để hướng dẫn Phật tử tu hành. Nếu Không Trí đi Linh-Sơn-Tự với sư huynh, thì Phật tử ở đây ai hướng dẫn tu tập.
Khi nghe Không Trí trình bày như thế, chú Lợi đã đồng ý và ngày mai từ biệt Không Trí để về lại Linh-Sơn, bấy giờ chú Không Trí đã quỳ xuống dâng sư huynh những tách trà Đạo muốn tâm sự một điều gì với sư huynh của mình.
Thiền Trà
Giữa Hải-Đảo giá lạnh
Sưởi ấm một tách trà
Thanh khiết và đậm đà
Trở về với thực tại
Thấy cuộc sống an lành
Hương trà
Một tách trà thơm, một ấm trà
Lung linh màu sắc, nở tâm hoa
Cuộc đời Tăng lữ, luôn an lạc
Thưởng thức mùi hương thật đậm đà
Hương tâm trà
Hương tâm Đạo vị để pha trà
Tu sĩ tình thương thật bao la
Màu sắc tinh khôi, vị giải thoát
Lòng thành của đệ kính dâng trà 
(Thích Trí Giải)

Cuối cùng thì hai chú tiểu đã phát huy Phật pháp một cách quang đại, một người xiển dương Phật pháp ở vùng núi, một vị phát huy Phật pháp ở vùng biển mang lại nhiều lợi ích xã hội cho chúng sinh…

Qua câu chuyện chú tiểu xây chùa trên cát như là tấm gương để hóa giải sự xung đột, mâu thuẫn, thù hận với nhau trong mối quan hệ của cuộc sống, nếu bản thân chúng ta tự thắt nút thì chúng ta tự mở lấy đó là bí quyết của thành công

Thích Trí Giải

http://www.nguongquan.com/2011/08/cau-chuyen-chu-tieu-xay-chua-tren-cat.html

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.