Những Câu Chuyện Thiền Môn – Hoa Vô Ưu

Sáng sớm hôm nay, cảnh chùa chìm ngập trong sương mù. Màn sương giăng phủ dầy đặc. Cây cối đứng ủ rủ im lìm. Trên những cành cây, một vài con chim đang nhảy nhót tung tăng reo mừng gọi nhau ríu rít như chào đón buổi bình minh đã trở về. Những cây cải bẹ xanh trải lá xòe ra như đang hứng những giọt sương đầu ngày. Mặt trời màu hồng ửng đỏ vừa mới nhô lên trông rất đẹp mắt. Ánh nắng của buổi sáng ban mai tươi mát dịu hiền thật dễ chịu.

Như thường lệ, sau thời công phu khuya, cả ba thầy trò đều đi bách bộ chung quanh vườn chùa. Họ đi trong tỉnh lặng. Đi bộ là một phương pháp rất tốt và bổ ích cho sức khỏe. Ngoài việc thể dục bằng cách đi bộ ra, thầy Huệ Văn và chú Huệ Minh, cũng thường hay đi thiền hành vào những buổi chiều tà. Cứ sau mỗi buổi cơm chiều, người ta thấy bóng dáng của hai nhà sư trẻ trong chiếc áo màu nâu đi từng bước khoan thai thật vững chãi và thảnh thơi.

Bước đi trong tỉnh lặng
Mỗi bước nhịp thở đều
Tâm an nhiên tự tại
Mầu nhiệm biết bao nhiêu.

Thiền hành xong, cả hai đều chuẩn bị cho thời khóa tịnh độ tối. Hôm nào cũng vậy, bà bảy đi thắp nhang ở các bàn Phật và bàn vong. Xong rồi, bà đến đại hồng chung để hô chung. Tuy trọng tuổi, nhưng âm thanh của bà vẫn còn trong trẻo. Bà được vị sư phụ dạy cho bà cách thức hô chung. Từ xa, người ta nghe tiếng của bà cất lên:

Nguyện tiếng chuông nầy vang khắp nơi,
Phá tan phiền muộn trí sáng ngời,
Sáu chữ Di Đà không niệm khác,
Gìn lòng niệm Phật dạ thảnh thơi.

Bài hô chung chỉ vỏn vẹn có bốn câu thật đơn giản mà nhà sư trụ trì sáng tác cho bà dễ nhớ thuộc lòng. Cứ mỗi câu hô lên là bà thỉnh lên một tiếng chuông. Âm thanh của tiếng chuông ngân vang như xé tan bầu không khí yên tĩnh của buổi tối. Tiếng chuông như réo gọi thức nhắc mọi người hãy tỉnh thức lập tức trở về với hơi thở chánh niệm. Ngoài ra, tiếng chuông còn có công năng cảnh tỉnh khách trần nên mau cố gắng tinh tấn thúc liễm tu hành. Hô xong bốn câu, bà bắt đầu niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Bà niệm Phật cho đến khi nào tụng xong thời Kinh A Di Đà mới thôi.

Sau thời khóa, như thường lệ hai huynh đệ vào giảng đường để nghe sư phụ giảng dạy giáo lý. Đặc biệt, buổi học giáo lý hôm nay, vị sư phụ đề cập đến một đề tài có liên quan đến ngày Đại lễ Phật đản. Đó là nói về Đóa Hoa Vô Ưu.

Sư phụ nói: Như các con biết, hôm nay còn không bao lâu nữa là đến ngày kỷ niệm mừng ngày đản sanh của đức Từ Phụ Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngày mà toàn thể Phật giáo đồ trên khắp năm châu bốn biển đều nhất loạt cử hành đón mừng ngày đức Thế Tôn giáng thế. Đây là ngày đai lễ rất quan trọng, đánh dấu sự ra đời của đức Phật.

Những lần trước, thầy cũng có giảng cho các con nghe sơ qua về cuộc đời của đức Phật từ lúc giáng sanh cho đến khi nhập diệt. Hôm nay, thầy không có giảng về lịch sử đời Ngài, mà thầy chỉ muốn nói lên ý nghĩa của đóa hoa vô ưu. Nói đóa hoa vô ưu, vì căn cứ theo sử liệu ghi lại, lúc Thái Tử ra đời, Ngài đã ra đời dưới cội cây nầy tại vườn Lâm Tỳ Ni.

Thầy nhắc lại cho các con nhớ, theo tục lệ ở Ấn Độ thời bấy giờ, người đàn bà sắp đến ngày sanh, thì phải trở về quê quán của mình để sanh sản. Do đó, nên bà hoàng hậu Ma Da trên đường về quê, bà ra lệnh cho các người hầu khiêng kiệu dừng lại và bà đích thân đi dạo ngắm cảnh đẹp trong vườn. Đến cây vô ưu, bà vừa đưa tay định bẻ một đóa, thì bỗng nhiên lúc đó Thái Tử ra đời. Ngài xuất hiện dưới ánh nắng tưng bừng của buổi sáng, trong mùi hương ngào ngạt của trăm hoa, với thân ba mươi hai tướng tốt hòa lẫn cùng muôn màu ngàn sắc của thiên nhiên, nó làm cho cả vũ trụ đều rung động theo chiều xuất hiện của Ngài.

Vừa nói đến đây, thầy Huệ Văn như không chờ sư phụ giảng tiếp, thầy liền vội hỏi:

– Bạch sư phụ! tại sao đức Phật không ra đời ở những cây khác mà lại ra đời ở dưới cây vô ưu? Vậy vô ưu có nghĩa là gì? Kính mong sư phụ giải đáp cho chúng con rõ.

Đó là điều mà hôm nay thầy cũng muốn giải thích để cho các con hiểu rõ thêm. Câu hỏi của con thật đúng với ý thầy muốn nói. Nầy các con, vô ưu có nghĩa là không có buồn rầu lo lắng. Các con có biết, đời sống của người thế gian hầu hết ai cũng ưu tư lo lắng. Họ buồn lo đủ thứ. Lo nghèo, lo giàu, lo ăn, lo mặc, lo thiếu, lo đủ v.v… nói chung, chữ “LO” lúc nào cũng lãng vãng trong đầu óc của họ. Bởi lo lắng tính toán đủ thứ, nên người ta dễ sanh ra đủ thứ bệnh và rồi mau già mau chết. Người ta thường nói, ưu sầu là tự sát, hay tâm sầu bạch phát. Vì lo lắng quá độ nên đầu óc dễ bị căng thẳng và gây ra chứng bệnh tâm thần. Theo thống kê của các bác sĩ cho biết, người ta mắc phải chứng bệnh tâm thần nhiều lắm. Hậu quả của sự lo lắng sầu khổ quá mà ra.

Có đôi khi người ta lại lo những chuyện không đâu. Có những việc không nên lo lắng mà người ta lại vẫn cứ hay lo. Lo thì nó đi liền với sợ. Điều đáng lo mà người ta không chịu lo. Như việc sống chết là việc lớn đáng lo mà người ta lại không chịu lo tu hành để được giải thoát. Người lo lắng nhiều thì tâm trí của họ không bao giờ được an ổn. Có khi sự việc chưa có xảy ra, mà người ta lại tính toán lo âu đủ thứ hết. Họ vọng tưởng vẽ vời ra bao nhiêu thứ tính toán trong đầu làm cho vấn đề thay vì đơn giản, lại càng rắc rối thêm. Như sanh, già, bệnh, chết, đó là bốn quy trình luật định không ai tránh khỏi, thế mà người ta vẫn cứ lo lắng sợ hãi những thứ đó. Đó là điều không nên lo mà lại lo. Dẫu có lo cũng không sao thoát khỏi được. Vậy lo lắng làm chi cho thêm đau khổ!

Xưa kia, khi đức Phật còn tại thế, hoàng thái hậu tức thân mẫu của vua Ba Tư Nặc qua đời, nhà vua rất là sầu khổ. Một hôm, ông đến tinh xá thăm Phật, bấy giờ, trên gương mặt của ông hiện ra những nét nhăn nheo ưu sầu tiều tụy khó coi, thấy thế, Phật mới hỏi: Tại sao hôm nay gương mặt của đại vương lại thiểu não ưu sầu như thế? Có phải nhà vua đang lo rầu ưu tư chuyện gì đó phải không? Nghe Phật hỏi, vua Ba Tư Nặc không chút ngần ngại liền nói:

– Dạ! bạch Thế Tôn, con đang buồn vì mẹ con mới chết.

– Phật bảo: Nầy đại vương! việc sống chết là lẽ thường nhiên của con người. Hễ có sanh tất phải có tử, có hợp tất phải có tan, sanh tử luân hồi mấy ai tránh khỏi. Có ai sanh ra mà không chết đâu! Cái lý lẽ đơn giản như thế mà đại vương không hiểu sao lại còn phải ưu tư sầu não như thế! Đại vương nên nghĩ rằng, khi vô thường đến, chính cái thân mạng của đại vương mà đại vương còn không giữ được thay, huống gì cái thân mạng của người khác. Thử hỏi làm sao đại vương giữ được? Đó là điều không đáng lo mà đại vương lại lo. Có phải là vô ích và gây thêm hao tổn tinh thần không? Còn điều đáng lo là đại vương phải ráng lo tu hành để sớm được giải thoát. Nhà vua nghe Phật nói thế, lòng ông không còn lo buồn nũa. Rồi ra thân ông cũng phải bị hủy diệt, làm sao giữ được khỏi chết? Thế là từ đó ông không còn ưu tư sầu khổ về cái chết của mẹ ông nữa.

Nhà sư nói tiếp, đối với chúng ta là người xuất gia, thì mọi việc đâu cần gì phải lo lắng. Vì người xuất gia đâu có ham muốn đủ thứ như người đời. Đời sống của người xuất gia thật đơn giản. Các con không cần phải lo ăn, lo mặc gì cả. Mình thọ dụng những phẩm vật của Đàn Na tín thí dâng cúng, là để mình có đủ chút ít phương tiện mà gắng công tu hành. Vì chí nguyện của người xuất gia rất là cao thượng, chỉ một bề mong cầu giải thoát sanh tử không thôi. Do đó, nên người xuất gia phải dứt hết mọi sự đắm nhiễm ràng buộc ở thế gian. Do không còn bị dính mắc ràng buộc, nên đời sống của người xuất gia thật là an thoát, không còn phải lo âu tính toán hơn thua tranh danh đoạt lợi giống như người đời.

Người đời, nếu như họ biết đủ không bon chen trong trường danh lợi, nghĩa là họ khéo biết áp dụng theo lời Phật dạy, tu theo hạnh thiểu dục tri túc, ít muốn biết đủ, thì họ cũng vẫn có hạnh phúc an lạc như thường. Sở dĩ người ta không có hạnh phúc, là vì người ta không biết hạn chế lòng tham dục. Càng nô lệ cho lòng dục vọng nhiều chừng nào, thì con người sẽ càng chuốc thêm khổ lụy nhiều chừng nấy. Ở đời, ai cũng muốn giàu sang, quyền cao danh vọng địa vị, do muốn như thế, nên ai cũng muốn chiếm hữu mọi thứ về mình. Chiếm mà không được thì thù hận quyết ăn thua đủ với nhau. Từ đó, gây nên bao cảnh chiến tranh tương tàn tương sát làm khổ lụy cho nhau. Tất cả cũng đều xuất phát từ lòng tham dục cao độ mà ra. Ai cũng muốn cả vũ trụ nầy phải về trong tay của mình. Bản ngã tự cao tự đại của con người không lúc nào họ chịu lép vế thua kém ai. Lúc nào họ cũng coi họ là cao cả, là cái rún của vũ trụ. Tham không được như ý mình, thì lòng sân hận của họ nổi lên muốn ăn tươi nuốt sống kẻ khác. Cái tâm ác độc như thế, bảo sao thế giới sống chung hòa bình cho được? Các con thấy, hiện trạng thế giới loài người ngày nay thật lắm tang thương hệ lụy. Đó là nỗi thống khổ cùng cực truyền kiếp của con người.

Sự ra đời của đức Phật ở dưới cây vô ưu cũng nhằm nói lên cái ý nghĩa thâm thúy đó. Lúc đức Phật còn là một đông cung thái tử, dù sống trong ngai vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, rượu ấm tình nồng, phú quý vinh hoa, quyền uy tột bực, danh vọng không ai bằng, nhưng Ngài vẫn không bao giờ say mê đắm nhiễm. Do đó, đời sống của Ngài từ lúc còn là Thái Tử cho đến khi xuất gia tầm đạo và đạt đạo, lúc nào Ngài cũng thể hiện một đời sống an lạc và giải thoát. Không có thứ gì ràng buộc được Ngài cả. Là người tu hạnh xuất thế, các con phải cố gắng noi theo công hạnh của Ngài.

Ngày nay, Lâm tỳ ni thuộc đất nước Nepal trở thành một trong Tứ Thánh địa của Phật giáo. Đứng về mặt địa lý, hay sự tướng, thì chúng ta cách rất xa Lâm tỳ ni hay cây vô ưu nơi đức Phật ra đời, nhưng xét về mặt tâm linh, thì Lâm tỳ ni hay cây vô ưu không có cách xa chúng ta lắm. Vì Phật hiện thân chỉ là ứng thân Phật có mặt với đời để hóa độ chúng sanh trong một thời gian, rồi thì Phật cũng thâu thần nhập diệt. Còn Phật pháp thân thì các con và thầy cũng như tất cả mọi người, rộng ra là khắp cả chúng sanh, đem so với Phật thì cũng đâu có khác. Chỉ khác nhau về mặt hiện tướng thấy có mê và ngộ khác nhau mà thôi. Còn đứng về mặt bản thể thì nào có khác chi đâu. Cũng như các con nhìn xuống biển, thấy có nhiều lượn sóng to nhỏ có khác nhau, nhưng tất cả có chung cùng một thể nước. Rời nước ra thì đâu có sóng, mà rời sóng ra thì cũng đâu có nước. Chính vì thế, nên Phật mới nói câu: “Ta là Phật đã thành và chúng sanh là Phật sẽ thành”. Vì chúng sanh sẵn có ông Phật ( tánh giác ) ở trong tâm mình. Chỉ cần hồi quang phản chiếu nhận lại ông Phật thiệt ở nơi tự tâm mình và rồi sống trọn vẹn với thể tánh đó, tất nhiên mình là Phật rồi. Chính vì thế, nên trong Kinh mới nói: “Tâm, Phật, chúng sanh tam vô sai biệt”. Nghĩa là cả ba xét về mặt hình thức sự tướng thì có khác, nhưng thể tánh thì không hai.

Nãy giờ hai huynh đệ lắng lòng nghe những gì mà sư phụ của mình giảng giải về ý nghĩa của hai chữ “vô ưu” thật là thâm áo. Đến đây, chú Huệ Minh nêu ra một thắc mắc liền hỏi Thầy.

– Dạ! bạch sư phụ! Lâu nay con có một thắc mắc, nhưng chưa có dịp để hỏi sư phụ, nay đây, con xin nêu ra kính nhờ sư phụ giải đáp hộ cho con.

– Con có thắc mắc điều gì thì cứ hỏi, tùy đó thầy sẽ giải đáp giúp cho con.

– Bạch sư phụ, con không hiểu tại sao cuộc đời của đức Phật từ lúc sanh ra cho đến khi Ngài nhập Niết bàn, lúc nào Ngài cũng ở ngoài trời dưới cội cây cả? Khi giáng sanh thì ở dưới cây vô ưu, lúc tu thì cũng ở trong rừng, đến khi thành đạo thì cũng ngồi ở dưới cội cây Tất bát la, thuyết pháp đầu tiên, cũng ở nơi vườn Lộc Uyển, lúc nhập Niết bàn thì cũng ở trong rừng dưới hai cây Ta la song thọ. Con không hiểu lý do tại sao lại như thế?

Điều thắc mắc của con thật là hữu lý. Sự thật, thì thầy cũng chưa thấy chỗ nào giải thích rõ ràng về vấn đề nầy. Nhưng theo thiễn nghĩ của thầy, thì sự thị hiện của Phật không phải là không có lý do.

Theo chỗ nhận xét của thầy, thì vấn đề nầy nó mang hai ý nghĩa:

Thứ nhứt, một phần là do thời tiết khắc nghiệt ở Ấn Độ. Mùa nóng thì nóng dữ dội, nóng cháy da phỏng trán, cho nên có thể ở trong rừng hay ở dưới những tàn cây có lẽ tham thiền nhập định mát mẻ dễ chịu thoải mái hơn. Vì thời đó, đâu có những tiện nghi vật chất đầy đủ những vật liệu hay máy móc như bây giờ. Thời đó làm gì có máy điều hòa không khí.

Thứ hai, đời sống tiếp cận với thiên nhiên cây lá hoa rừng thì con người sẽ cảm thấy dễ chịu an thoát nhẹ nhàng hơn. Tránh được những thứ nhu cầu ăn mặc đòi hỏi vật chất quá đáng. Càng sống gần gũi với thiên nhiên, vui vẻ với đất trời nhiều chừng nào, thì con người càng cảm nhận được một nguồn an vui thanh thoát ở nơi tâm hồn nhiều chừng nấy. Không đua đòi bận bịu gì nhiều với cuộc sống. Hơn nữa, chỉ có những nơi vắng vẻ rừng cây khóm trúc, hay núi non sâu thẳm, người ta mới dễ đi sâu vào lãnh vực thiền quán hơn. Còn ở những nơi ồn ào náo động, phức tạp rối rắm, con người cũng khó mà nhiếp tâm an định được. Vì thế, nên Tổ Qui Sơn có nói: “Muốn gội tâm nuôi đức phải ẩn tích mai danh, muốn uẩn tố tinh thần phải xa nơi huyên náo”.

Đó là một sự thật mà người có chút ít kinh nghiệm tu hành thì sẽ thấy rất rõ điều đó. Cụ thể, như thầy trò của chúng ta sinh hoạt tu học ở nơi chỗ vắng vẻ nầy, tuy rằng không hẳn xa lánh hết mọi người, nhưng cảnh trí ở đây tương đối cũng giúp cho mình có nhiều sự an lạc hơn. Vì tối ngày thầy trò mình không có tiếp xúc với ai và cũng không có ai gây ra những chuyện phiền toái cho mình. Do đó, nên mình dễ nhiếp tâm niệm Phật hơn.

Như có những đêm sáng trăng, thầy trò chúng ta ngồi tham thiền hay niệm Phật dưới những cội cây tùng, cây thông, các con thấy tâm hồn mình thật là an lạc nhẹ nhàng thanh thoát. Nhứt là những buổi chiều vắng vẻ, thầy trò mình đi thiền hành cũng cảm thấy an nhàn thanh thoát làm sao! Vì chung quanh mình toàn là cây cối. Thỉnh thoảng mới nghe một vài tiếng chim kêu hay tiếng suối reo, gió thổi. Cảnh trí thiên nhiên nó cũng giúp cho mình có nhiều sự yên tịnh và do đó dễ nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mình ngày càng tiến bộ tốt đẹp hơn.

Đại khái theo thầy hiểu là như thế. Còn có ý nghĩa nào khác sâu xa hay hơn nữa, thì thú thật, thầy cũng chưa có nghiên cứu rõ lắm. Sau nầy, nếu có dịp thầy mong các con sẽ tìm hiểu kỹ càng cặn kẻ hơn.

Sau khi nghe qua sự giảng giải khúc chiết tận tình của sư phụ, chú Huệ Minh như đã hiểu được điều đó. Chú rất vui mừng, và sự thắc mắc lâu nay của chú cũng đã được giải tỏa. Còn thầy Huệ Văn nãy giờ lắng nghe theo dõi sự giải thích của sư phụ, tâm trí của thầy như sáng lên và bây giờ thầy mới hiểu được tại sao mà chư Tổ sư thường hay vào trong thâm sơn cùng cốc để tu hành. Có lẽ cảnh trí yên tĩnh cũng dễ làm cho người ta mau thành tựu đạo quả hơn.

Trong lúc thầy trò đang đàm luận với nhau, thì từ phía góc trái bên nhà Tổ vang lên một hồi kẻng. Đó là tiếng kẻng của bà bảy đánh báo cho mọi người biết là đã hết giờ học. Thế là cả ba thầy trò chắp tay hồi hướng và rồi mỗi người lặng lẻ chậm rãi đi về chỗ ngủ nghỉ của mình…

Thích Phước Thái

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.