Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa là bài kinh ngắn, chỉ 260 chữ nhưng ý nghĩa thâm thâm vi diệu. Bài kinh mở đầu bằng đoạn: ”Quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách”.
Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa là bài kinh ngắn, chỉ 260 chữ nhưng ý nghĩa thâm thâm vi diệu. Bài kinh mở đầu bằng đoạn: ”Quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách”.
Ngũ uẩn là gì? Thế nào là ngũ uẩn giai không?
1-Ngũ là năm (5), uẩn là nhóm. Ngũ uẩn là năm nhóm gồm Sắc-Thọ-Tưởng-Hành-Thức, trong đó Sắc thuộc về vật chất, hình tướng; bốn uẩn còn lại thuộc về tinh thần, trừu tượng. Như vậy, ngũ uẩn là năm nhóm vật chất và tinh thần kết hợp tạo thành con người.
Sắc uẩnlà thân thể người ta, là tập hợp của nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau. Bên ngoài có đầu mình, chân tay, tóc da, tai mắt mũi họng…bên trong có bộ não, các hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá…gọi chung là sắc pháp. Sự tập hợp đó gọi là tổng tướng còn các cơ quan, bộ phận gọi là biệt tướng. Về cấu trúc thì các biệt tướng đều có hình dạng khác nhau nhưng không thể thiếu trong một tổng tướng, nếu thiếu sẽ không thành tổng tướng. Chúng cũng không tồn tại độc lập và bất động mà liên kết chặc chẽ với nhau, tự thân hoạt động liên tục, bổ sung cho nhau, hoà hợp vào nhau tạo nên sức sống của con người. Về chức năng và nhiệm vụ cũng thế, chỉ có khác ở chỗ là chức năng và nhiệm vụ của mỗi biệt tướng không hề thay đổi cũng không thể thay thế hoặc hoán chuyển cho nhau..
Vạn pháp vô thường, cuộc đời không có cái gì tuyệt đối. Nếu nói về con người thì con người là tổng tướng, nhưng con người sẽ là biệt tướng đối với gia đình và gia đình sẽ là biệt tướng đối với xã hội, v.v…Tương tự, tai mắt mũi họng là biệt tướng nhưng sẽ là tổng tướng khi ta nói riêng về một cái nào. Thí dụ mắt là tổng tướng của võng mô, võng mạc, đồng tử, thuỷ tinh thể…Rồi khi nói về võng mô thì nó là tổng tướng của các thành phần tạo ra nó…
Khi lục căn tiếp xúc với lục trần làm phát sinh cảm giác, cảm nhận gọi làThọ uẩn. Cảm giác, cảm nhận vẫn chưa thoả mãn, người ta bèn hình dung và tưởng tượng để giữ nó mãi trong đầu, hành động nầy gọi là Tưởng uẩn. Hình dung và tưởng tượng mãi sẽ đưa đến sự ưa thích và ham muốn hoặc chán ghét, oán giận gọi là Hành uẩn. Cuối cùng, Thức uẩn là nhận biết, phân biệt, so sánh những cái đã cảm giác, cảm nhận được. Nhìn chung, bốn uẩn nầy là những biệt tướng tâm lý tình cảm của con người gọi là tâm pháp, tất cả đều xuất phát từ sắc uẩn. Chúng không xuất hiện tuần tự như trên mà đan xen lẫn nhau, cái trước có sau hoặc cái sau có trước. Chúng cũng không tồn tại độc lập mà liên hệ khắn khít với nhau, hễ cái nầy có thì cái kia có, cái nầy không thì cái kia không, tạo thành chuỗi “lục dục thất tình” trong cuộc sống.
Tóm lại, thân người là tổng hợp của các biệt tướng sắc pháp và tâm pháp nhưng không có biệt tướng nào nói lên được cái bản chất, cái tự tính của con người. Kể cả khi phân tích chúng ra đến tận cùng vẫn không tìm được. Từ đó cho thấy cái gọi là “con người” hoặc khái niệm về “cái tôi” hoàn toàn không phải thật mà chỉ là ảo giác như những lượn sóng cuồn cuộn trên mặt nước khi có gió. Khi gió lặng thì chúng cũng mất đi.
2-Trong hệ thống ngôn ngữ của nước ta hiện nay có hai chữ không. Một chữ theo gốc Việt có nghĩa phủ nhận như không có, không làm, không biết, không thấy…tương đương với chữ Vô gốc Hán. Một chữ theo gốc Hán có nghĩa khoảng không, khoảng trống như không gian, không trung hoặc khoảng trống của căn phòng, của cái hang động…Trong việc học Phật, rất nhiều người nhầm lẫn giữa hai chữ không, thường đồng hoá chữ gốc Hán với chữ gốc Việt rồi hiểu sắc, không thành có và không.
Đã có nhiều người nhấn mạnh cụm từ “không phải là cái không ngơ” sau khi giải thích chữ không gốc Hán nhưng không nói rõ thế nào là không phải không ngơ? Không phải không ngơ tức là có chứ gì?.
Đây mới là cái “Không phải là cái không ngơ”. Nhìn một căn phòng không có bàn ghế, tủ giường và những đồ dùng khác, nói chung là những vật thể có hình tướng, có khối lượng thì bất cứ ai, kể cả trẻ con cũng biết căn phòng đó trống không, không có gì hết. Thật ra, trong khoảng không của căn phòng không có gì hết đó vẫn còn có rất nhiều thứ như bụi bặm, vi khuẩn, khí, hơi nước, ôxy, cácboníc cùng các phân tử, nguyên tử khác, kể cả những vật không có hình tướng, không có khối lượng mà mắt thường không nhìn thấy được. Qua đó cho thấycáitâm không cũng thế, nó hàm chứa vạn pháp từ vật thể đến phi vật thể nhưng không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm đúng như kinh đã viết.
Điều nầy dĩ nhiên rất ít người biết và nghĩ đến. Để giải thích rõ hơn, tôi xin mạn phép nói sơ qua về vật lý. Từ thế kỷ thứ 19 trở về trước, người ta khẳng định nguyên tử là khối lượng đầy đặc, cứng chắc không thể chia chẻ được và nó là đơn vị cơ bản của vật chất, còn thực tại duy nhất, cuối cùng là một đấng siêu nhiên quyền năng tối thượng, tạo ra vật chất, con người và thống trị muôn loài. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, nền vật lý hiện đại hay còn gọi là nền vật lý hạ nguyên tử, có nhiều khám phá mới đánh đổ hoàn toàn quan điểm trên bằng những thí nghiệm rất công phu, khoa học, chính xác và thuyết phục. Những khám phá và thí nghiệm đó cho thấy nguyên tử không phải là hạt cơ bản của vật chất, mà dưới nó còn có hạt nhân, electron, proton, neutron, photon và rất rất nhiều hạt khác nữa gọi chung là hạt hạ nguyên tử. Những hạt hạ nguyên tử cũng không có hạt nào là cơ bản của vật chất mà chúng tương tác nhau mới tạo nên vật chất. Và, trường lượng tử tuy là đơn vị cơ bản của vật lý, chỉ sản sinh ra những hiện tượng thuộc phạm vi vật lý chứ không phải tất cả vật chất nhưng được xem như đơn vị cơ bản, và là thực tại duy nhất, cuối cùng của vật chất. (Nói được xem như là do các nhà khoa học chưa tìm ra được một trường thống nhất giữa thuyết trường với các thuyết khác và thuyết lượng tử. Hơn nữa, khối lượng là một dạng của năng lượng (E=mc2)*, nên vật lý có ảnh hưởng sâu đậm trên mọi lãnh vực trong xã hội và đời sống loài người, và, gần như hầu hết các ngành công nghiệp hiện đại đều sử dụng những thành tựu của vật lý nên người ta mới tạm gọi trường lượng tử là đơn vị cơ bản của vật chất và là thực tại duy nhất, cuối cùng).
Nguyên tử cũng không cứng chắc, đầy đặn, không thể chia chẻ mà nó rổng không và có thể chia chẻ đến chừng nào không chia chẻ được mới thôi. Tất cả các hạt hạ nguyên tử cũng thế, chúng hiện diện khắp nơi trong trường cơ bản, là “tác giả” của muôn hình vạn trạng sắc thể và hiện tượng thế gian nhưng lại không mang một đặc tính riêng biệt nào. Trong khi đó, tự tính của trường cơ bản là tĩnh lặng, trống không, vô sắc, bao trùm vũ trụ, là nơi vừa “sản sinh” vừa “thu hồi” và “cất giữ” thiên hình vạn trạng sắc thể và hiện tượng thế gian tạo nên suối nguồn sự sống. Thật ra, những phát hiện trên không có gì mới mà đã được biết đến hơn hai ngàn năm trăm năm trước. Thời bấy giờ, đạo Bà la môn gọi trường lượng tử là Brahman, Lão giáo gọi là Đạo, Phật giáo gọi là Pháp thân hay Hư không biến pháp giớivà ví nó như tấm lưới báu của Đế Thích, trong đó mỗi mắc lưới là một pháp. Đến đây chắc có người hỏi, vũ trụ luôn luôn vận động, chuyển dịch, biến đổi chứng tỏ vũ trụ động thì làm sao nói nó tĩnh lặng được? Xin thưa, vũ trụ động chứ cái đằng sau vũ trụ, cái thực tại duy nhất, cuối cùng không bao giờ động, quí vị ạ!
Trở lại câu hỏi thế nào là Ngũ uẩn giai không. Như đã nói ở trên, con người do vật chất cấu thành thực thể, thành hiện tượng thế gian, có hình tướng, có khối lượng. Mà, hễ là vật chất có hình tướng, có khối lượng thì có thể chia chẻ thành rất nhiều hạt như hạt hạ nguyên tử cho đến khi không còn chia chẻ được. Tất cả các hạt đó cũng trống không và đều bị “thu hồi” về với thực tại duy nhất, cuối cùng của vạn pháp tức làhư không biến pháp giới haytánh không diệu dụng. Tuy nhiên, khi có điều kiện và điều kiện đó làm cho thực tại duy nhất, cuối cùng không thể “cất giữ” chúng được nữa, chúng sẽ tương tác tương thích với nhau cấu thành thực thể và hiện tượng thế gian trở lại. (Điều kiện đây là vọng tâm như tổ Mã Minh nói “Nếu vọng tâm sanh khởi thì các pháp đều sanh khởi”). Đó là con đường đi từ sắc đến không và từ không đến sắc. Từ đó cho thấy sắc và không là hai khía cạnh của một thực thể chứ không phải hai mặt đối lập của một thực thể, cũng như “phiền não tức bồ đề, bồ đề tức phiền não; sinh tử là niết bàn, niết bàn là sinh tử” đối với chúng sanh. Và, con đường từ sắc đến không và ngược lại là một tiến trình chuyển hoá chứ không phải một cuộc đấu tranh loại trừ hay tiêu diệt lẫn nhau. Nếu không phải thế thì đoạn kế tiếp của kinh nầy sẽ không có câu “sắc bất dị không, không bất dị sắc”. Bất dị là chẳng khác chứ gì?. Chẳng khác nghĩa là giống nhau như hai giọt nước, hai anh em sinh đôi. Cho nên, dù sắchay khôngthì tự tánh của thực thể vẫn không hề thay đổi. Sắc uẩn là đầu tàu, thọ-tưởng-hành-thức là toa tàu, mà đầu tàu đã không rồi thì các toa tàu không thể nào khác hơn được nên kinh mới viết ngũ uẩn giai không.
Tóm lại, do vô minh che lấp nên chúng sanh không thấy được tự tánh rồi chấp ngã chấp pháp, lặn ngụp trong vòng sanh tử luân hồi. Yếu chỉ của kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa là phá chấp, hướng tới cảnh giới Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Để chúng sinh dễ thực hành, kinh chỉ cho họ biết ngũ uẩn giai không. Mà, ngũ uẩn giai không thì tất cả các pháp đều không**(thị chư pháp không tướng, pháp ở đây bao hàm luôn cả kinh luật luận). Tuy nhiên, bỏ sắc chấp không cũng không được bởi vì sắc chẳng khác không nên cũng không thể chấp không. Do vậy, kinh chỉ rõ phải vô sở đắc và viễn ly cảcứu cánh Niết bàn mới đạt được Phật quả. Giáo lý của Phật được viết trong thiên kinh vạn điển thành ra rất tản mạn. Bát Nhã Tâm kinh lại quá ngắn, câu văn cô động, ý nghĩa tiềm tàng rất khó hiểu, rất dễ bị sai lạc trên đường tu tập. Hy vọng bài viết nầy sẽ góp một phần nhỏ làm sáng tỏ ý kinh. Do kiến thức có hạn, nếu có gì sơ xuất mong quí độc giả hoan hỷ miễn chấp và chỉ giáo thêm./
Trương Hoàng Minh
http://www.hoalinhthoai.com/news/detail/news-4250/Ngu-Uan-giai-khong.html
__________________________________________________________
* Công thức về năng lượng của Einstein: E là năng lượng, m là khối lượng, c là vận tốc ánh sáng.
** Nói thế là do giáo pháp của Phật Thích Ca phần lớn nói về con người.