Sau một ngày mệt nhoài trong, ngoài việc Đạo, việc đời tôi thường tìm đến thú vui âm nhạc để thả hồn lâng lâng theo những giọng hát mà mình cảm thấy rất là… còn mãi với thời gian ( dù đôi khi là những bài hát tình cảm lãng mạn ).
Chợt nhớ đến lời của HT Thích Thiện Trí thường gặp trong những bài pháp thoại “ Tăng sĩ xuất gia hành đạo cũng phải là những diễn viên thật đại tài không phải chỉ ở trí tuệ sâu sắc có được mà còn vào hình tướng oai nghi tế hạnh “.
Trong mùa đại dịch này, phải nói là có một điều lợi ích cho người muốn tu học Phật Pháp là các giảng sư uyên bác đã xuất hiện trên YouTube hoặc qua Livestream và tuỳ theo căn cơ cao thấp của mình người tu học có thể cảm thông và tiến tu.
Lại nhớ đến lời phê bình của các bạn tôi về những nhà thơ người soạn nhạc đại tài như sau:
“ Người nghệ sĩ thật sự là người có thể đem hết tâm hồn mình ra qua thơ, văn, âm nhạc hay giọng hát và người thưởng thức sẽ đánh giá qua tâm tình ấy.
Và họ cũng khó có thể so sánh với ai đó hay đặt trên bàn cân để cân xem ai hay hơn ai ?
Miễn là nó làm sao truyền cảm đến tận đáy lòng và làm mình ghi nhớ mãi không quên. Đó chính là sức cảm thông của mỗi người ở mỗi lần thưởng thức “
Do vậy không thể nói bài giảng nào hay, hoặc trác tuyệt hơn bài giảng nào, có chăng là mức độ cảm thông của người nghe giảng đó, có đặt hết chú tâm vào bài pháp thoại trong 30 phút đó hay 45 phút để rồi ngồi ghi lại những cảm nghĩ của mình.
Và lạ quá điều này hôm nay lại vang vọng lên từ chính nơi sâu thẩm nhất trong tâm tôi.
Có lẽ sáng hôm qua sau khi một niệm thiện phát khởi đối với Cô Chủ biên một tờ báo mạng Phật Giáo tôi đang cộng tác, tôi mới nhớ lại lời chỉ dạy nghiêm khắc của Giảng Sư Đại Học Trần Ngọc Tiếng từ ngày trước khi còn thực tập : “ Con có thông minh nhưng điều quan trọng nhất cho con là phải tập nghe lời phê bình khiển trách và phải thấy lỗi mình trước khi thấy lỗi người khác. Và cũng đừng khư khư ôm lấy định kiến chủ quan con về một vấn đề gì hay lạm dụng lòng tốt của người khác đối với con do một mối duyên tình nào. Do đó Thầy sẽ rất nghiêm khắc với con để chặn bớt những nông nổi của tiềm năng nầy “.
Gần một tháng nay lời ấy đã được lập lại từ một vị Thầy mà tôi kính trọng và có lẽ kiếp trước đã phước phần quy y Tam Bảo hay sao mà sáng nay sau bài pháp thoại phẩm Tôn Đạo thứ 34 trong kinh Ma Ha Bát Nhã, bao nhiêu nông nổi bồng bột của tuổi trẻ ngày xưa sao lại xuất hiện gần đây trong tôi, và đã tự hiện ra trước mắt như một cuốn phim và tôi tự hứa thầm kể từ hôm nay cho đến những ngày cuối tuần tôi sẽ không làm gì cả và tự mình sám hối và chép đi chép lại 4 loại chấp thủ ( Dục thủ-Kiến thủ -Chấp thủ những tập tục – Chấp thủ những quan niệm của bản ngã mình ) mà người tu thường gặp trong cuốn Cẩm Nang Nhân Sinh của Ngài Phật Sứ ( Buddhadasa Bhikkhu )cùng với phẩm Đại Minh Bảo Tháp và Tôn Đạo của Kinh Ma Ha Bát Nhã để đọc đi đọc lại và chiêm nghiệm lỗi mình và cúng dường Tam Bảo và cũng để thanh tâm sám hối với Thầy, tôi đã viết lên những tiếng vọng từ đáy tâm :
Niềm hỷ lạc kéo dài vui khó tả
Tàm quý thật sự đã về lại trong ta
Thẹn thùng… nhiều năm giờ mới thấy ra
Ồ! Thất thánh tài từ lâu hằng mong ước,
Đại minh chú xoá tan bao hệ phược
Lỗi ta trước mắt… mong đạt mong cầu.
Quên hết đi mười pháp dạy chăn trâu
Đôi phút lơ đãng canh chừng… lạc mất.
Phút sâu lắng ngộ chẳng ai Ma, Phật !
Tự ta tạo rồi trách lỗi cho người.
Đừng so sánh, đủ sao được tám, mười
Sự cảm thông chỉ đến khi tỉnh thức !
Thấy được lỗi mình chính là thần lực,
Đừng chờ ai tha thứ với bao dung,
Tự mình sám hối thành tín khiêm cung.
Trí tuệ sẽ đến khi không chờ không đợi
Hạnh phúc tìm nơi lợi tha hơn tự lợi ( thơ HH )
Kính mong rằng những tiếng vọng từ đáy tâm của chúng ta sẽ xuất hiện thường xuyên bạn nhỉ ?
Huệ Hương