Pháp Tứ Niệm Xứ Áp Dụng Vào Đời Sống Hiện Đại

Chúng tôi đã cố gắng trình bày tường tận mặc dù cũng chưa đầy đủ chi tiết việc khảo sát của chúng tôi về loại Niệm đầu tiên là Niệm Thân (Kàyànupassannà). Giờ đây chúng tôi xin bàn qua loại Niệm thứ nhì, là Niệm Thọ (Vedanànupassanà). Ðây cũng thế, hành giả phải nhìn đối tượng một cách khách quan. Hành giả không nên đồng nhất mình với loại Thọ mình cảm nhận. Thọ thì có Lạc Thọ, Khổ Thọ và Xả Thọ, và đối với mỗi loại Thọ ấy ta chỉ nên cảm thấy nó mà thôi.

Một người đau đớn về thể xác thường hay đồng nhất mình với cảm giác đau đớn ấy, đồng nhất chặt chẽ đến đỗi mình không thể xem nó một cách vô tư. Ta coi sự đau đớn là quan trọng nhất. Ta bị nó đè nén nặng nề. Ðối với một Lạc Thọ cũng thế. Niệm Thọ giúp ta tách ra khỏi thân ta và xem những cảm giác với đôi mắt vô tư của người bàng quan. Trong lời chú giải về pháp Tứ Niệm Xứ, có kể ra câu chuyện của một vị trưởng lão trong hàng Tỳ Khưu: Thân ông đau đớn dữ dội, nhưng ông cố tâm Niệm Thọ và trở thành khách quan đến đỗi khi người ta hỏi ông đau ở đâu, ông không thể chỉ đặng chỗ đau. Ðối với hành giả nào tự luyện tập như thế, nghĩa là xem cảm giác một cách bình tĩnh, vô tư, không đồng nhất mình với nó thì sớm hay muộn, nó cũng phải mất tính cách tối quan trọng và tối cưỡng bách mà trước kia hằng trụ trong nó. Hành giả cũng sẽ xem Thọ như một phần trong những hiện tượng luôn luôn biến chuyển của sự sống. Hành giả biết rằng những thọ ấy là vô thường. Nó cũng phát sinh và cũng hoại diệt.Cũng như đối với xác thân, đối với Thọ hành giả cũng chẳng thấy gì có thể làm nền tảng đúng lý cho quan niệm “Tôi” hoặc “Của Tôi”. Không thể nói “Tôi Cảm Thấy” mà phải nói “Có Một Cảm Giác”.

Trong các loại Thọ nhứt thời ấy không có một loại nào mà trong đó ta có thể tìm thấy một thực thể trường tồn, có lợi cho ta bám níu hoặc đáng cho ta bám níu. Khi thấu hiểu được tính chất của Thọ, sự sinh diệt của nó, hành giả không còn bị nó kích động nữa. Nhờ quan sát sự sinh diệt của Thọ, hành giả thấy được sự sinh diệt của vạn vật. Hành giả thấy sự vật đúng theo chân tướng của nó. Khi hành giả đạt đến một tầng cao hơn.

* * *

Loại niệm thứ ba là Niệm Tâm (Cittànupassanà). Cũng như hành giả phải khách quan mà xem những tác dụng của Thọ trong thân thể mình, thì đây hành giả cũng phải khách quan mà xem những tác dụng của tư tưởng trong Tâm mình. Ta rất có lợi mà nhìn Tâm một cách khách quan. Có phải là hàng ngày ta luôn luôn tiếp xúc với trăm ngàn “khách khứa” (tư tưởng xảy đến cho ta) không? Ðúng vậy. Mỗi ngày trăm ngàn tư tưởng nhập vào Tâm ta. Ðiều này thành một thường lệ, vì ta xem những tư tưởng đến viếng Tâm ta là một sự kiện dĩ nhiên. Mỗi tư tưởng phát sinh ra đều ảnh hưởng ta hoặc một cách tốt đẹp hoặc một cách xấu xa.

Tuy nhiên, tư tưởng sau có thể sửa đổi ảnh hưởng của tư tưởng trước. Một tư tưởng Sân chẳng hạn, có tác dụng tai hại đối với Tâm ta và chí đến Thân ta nữa; nhưng nếu tư tưởng liền kế đó lại là một tư tưởng có tính chất trái ngược hoặc một tư tưởng ăn năn chẳng hạn, biết mình đã làm quấy, thì tác dụng tai hại của tư tưởng Sân có thể được sửa đổi. Nếu ta tập thành thói quen, nhìn một cách khách quan bất cứ một tư tưởng xấu nào nảy sanh ra, thì ta có thể chận đứng được dễ dàng sự tiến triển của tư tưởng xấu ấy.

Thực hành Niệm tâm có nghĩa là đào luyện thành thói quen lối nhìn một tư tưởng thật khách quan, chứ không chủ quan, và nhận thức rõ rệt sự hiện diện của nó. Không một tư tưởng nào được vào Tâm ta mà ta không hay biết rõ ràng. Chừng ấy ta mới khỏi bị tư tưởng sai khiến. Khi một tư tưởng Sân nổi lên, ta phải hoàn toàn hay biết và tự nhủ: “Hãy coi chừng, một tư tưởng sân đã vào Tâm ta rồi”. Tự quan sát như thế đem lại kết quả tinh vi: Tư tưởng Sân mất tánh cách cưỡng bách của nó. Nó đã kiệt sức và không thể phát biểu ra ngoài bằng một hành động Sân. Phương pháp nhìn một cách khách quan bất cứ tư tưởng nào làm cho hành giả tránh khỏi ảnh hưởng tai hại của nó. Mỗi khi một tư tưởng xấu vào Tâm hành giả thì “con chó” sati (niệm) đang canh phòng liền sủa “người khách” xấu xa ấy và báo cho hành giả biết để cảnh giác; chừng ấy hành giả có thể khiến một tư tưởng có tánh chất trái ngược đến làm cho tư tưởng xấu kia vô năng, vô hiệu.

Trong lời chú giải về Pháp Tứ Niệm Xứ có kể câu chuyện của Phussa Deva Mahà Thera. Vị Ðại Ðức này thường hay dừng chân lại trong lúc đang đi, nếu có một tư tưởng xấu nào vào Tâm Ngài. Ngài nhất định đứng đó đến khi nào xua đuổi được tư tưởng xấu kia ra khỏi Tâm rồi Ngài mới chịu tiếp tục đi. Trong lúc Ngài đứng lại như vậy, ai cũng lấy làm lạ, không biết Ngài đã đi lạc đường hay là đã bỏ quên vật gì. Ðến khi Ngài đắc quả A La Hán, mà chỉ mới có hai mươi tuổi, ít người biết được nhờ đâu Ngài đạt đến quả ấy. Vậy khi một tư tưởng xấu vào Tâm quý vị, quý vị phải vô tư và thành thật mà nhìn nó. Chỉ chú tâm đến tư tưởng đó mà thôi, đừng nhớ đến những việc đã xảy ra, làm nguồn gốc phát sinh ra tư tưởng đó, cũng đừng nhớ đến loại hành động nào mà tư tưởng đó gợi ra trong trí quý vị. Quý vị chớ nên nghĩ tới những vấn đề tùy thuộc như thế. Cứ nhìn thẳng vào tư tưởng ấy và chỉ nghĩ tới nó mà thôi. Chừng đó quý vị sẽ ngạc nhiên mà thấy tư tưởng xấu kia dần dần mất đi tính cách xúi giục của nó. Hãy kiên tâm mà nhìn nó. Cũng như nhà hiền triết Pythagore đã định nghĩa, quý vị chỉ nhìn nó mà thôi. Chỉ bao nhiêu đó thôi, và chắc chắn tư tưởng xấu kia sẽ không xúi giục quý vị hành động nữa. Nó cũng có thể biến mất.

Nhìn vào Tâm mình không phải luôn luôn là một chuyện dễ. Con người thường hay tránh việc nhìn thẳng thắn vào Tâm mình bởi vì, nếu nhìn rõ Tâm mà hay biết được tư tưởng xấu xa thầm kín, điều ấy sẽ phá vỡ cái thành kiến tốt đẹp mà mình sẵn có đối với chính mình. Thực hành niệm tâm không gián đoạn sẽ giúp hành giả thấu hiểu rằng những tư tưởng của mình không phải là mình. Hành giả sẽ không đồng nhất mình với tư tưởng. Hành giả sẽ chứng được rằng, cũng như thân này, Tâm đây cũng chẳng phải là một thực thể, mà là một phối hợp tạm thời của những sự vật nhứt thời. Sự phối hợp tạm thời ấy cho ta cái ảo tưởng rằng có một thực thể trường tồn. Những thành phần phối hợp là vô thường và phải chịu biến chuyển như thế nào, thì vật được thành phần ấy phối hợp cũng vô thường và cũng phải chịu sự biến chuyển như thế ấy. Cũng như xác thân chỉ là sự phối hợp của tóc, thịt, móng, răng, toàn là những vật phải bị hoại diệt, thì Tâm cũng chỉ là sự phối hợp, hoặc nói cho đúng hơn, là sự kế tiếp của những tư tưởng mà tất cả đều hiện ra chỉ để rồi biến mất.

Tâm ví như dòng nước chảy ,”Nadi soto viya”. Dòng tư tưởng tạo ra cái ảo tưởng rằng có thực thể Tâm. Ví như những giọt nước kế tiếp nhau rớt xuống thật nhanh cho ta cảm tưởng rằng có một đường nước chảy. Những tư tưởng cũng thế, nó nối nhau nhanh chóng cho đến đỗi ta lầm tưởng rằng có một thực thể gọi là Tâm. Chỉ nhờ thực hành “cittànupassanà” (niệm tâm), ta mới thấy được rằng bản chất của tư tưởng là vô ngã và tư tưởng đều là những hiện tượng rõ ràng là nhứt thời. Nó đến rồi đi, nó hiện ra rồi biến mất. Như thế hành giả đã chứng ngộ sự sinh diệt của tư tưởng. Vậy, đối với tư tưởng, hành giả cũng không thấy có gì làm nền tảng đúng lý cho quan niệm “Tôi” hoặc “Của Tôi”. Không thể nói “Tôi Tư Tưởng”, nhưng phải nói “Có Sự Tư Tưởng”. Trong những sự tiến triển nhứt thời ấy, không có một thực thể trường tồn nào có lợi cho ta bám níu hoặc đáng cho ta bám níu. Hành giả không tùy thuộc nơi nào cả, không bám níu gì cả trên thế gian này. Hành giả thấy được sự sinh diệt của vạn vật. Hành giả đã đạt đến một tầng cao hơn, và Niết Bàn nằm trên con đường ấy.

* * *

Giờ đây chúng ta nói đến loại Niệm cuối cùng, khác hẳn với các loại Niệm đã kể trên, là Niệm Pháp (Dhammànupassanà). Danh từ Pàli “dhamma” (pháp) đây có một nghĩa rất đặc biệt. Nó có nghĩa là “thành phần của tư tưởng” hoặc “đối tượng của Tâm”, và nó đặc biệt ám chỉ Năm Chướng Ngại: Tham dục, thù hận, hôn trầm thùy miên, phóng dật hối tiếc và hoài nghi); Ngũ Uẩn (Panca Upàdànakkhandha); Lục căn (Salàyatana); Thất Giác Chi (Satta Bojjhanga) và Tứ Diệu Ðế (Cattàri Ariya Saccàni). Ðó là những “dhamma” (pháp) được đề cập trong Tứ Niệm Xứ Kinh.

Nhờ sự kinh nghiệm hàng ngày, hành giả biết quan sát những “dhamma” ấy (đối tượng đặc biệt của Tâm). Hành giả phải chú ý đến những pháp đó nếu nó đã phát sinh trong tâm mình, và nếu nó không có phát sinh trong Tâm mình, hành giả cũng phải hay biết rằng nó không có phát sinh trong Tâm mình. Ðiều quan trọng không phải là sự hiểu biết những “dhamma” đó bằng lý thuyết. Ta phải “chứng” nó và thấu rõ nó khi nó phát sinh.

Như về Năm Chướng Ngại chẳng hạn, ta không nên chỉ biết bằng lý thuyết rằng nó là những điều cản trở cho sự tiến bộ của ta trên con đường tu luyện, mà việc chánh yếu là ta phải coi chừng cẩn thận, hễ nó phát sinh trong Tâm ta là ta phải hay biết liền. Cùng thế ấy, mỗi khi một chân lý phát hiện trong Tâm hành giả, như Khổ Ðế chẳng hạn, hành giả phải hay biết nó ngay. Lối hành thiền này vừa là một liều thuốc giải độc cho những tư tưởng xấu, vừa là một sự chuẩn bị đón tiếp những Chân Lý trong Phật Pháp. Như vậy tất cả những kinh nghiệm hàng ngày của hành giả được đem ra đối chiếu và chứng y với những giáo điều trong Phật Pháp ở một điểm nào đó. Quán tưởng như thế về đối tượng của Tâm khi nó phát sinh, hành giả một lần nữa thấy rằng không có một thực thể trường tồn nào có lợi cho ta bám níu hoặc đáng cho ta bám níu. Hành giả không tùy thuộc gì cả, không bám níu gì cả. Lần nữa hành giả đạt đến một tầng cao hơn, và Niết Bàn nằm trên con đường ấy.

* * *

Chúng tôi đã nói đầy đủ về phần lý thuyết cũng như về phần thực hành Tứ Niệm Xứ. Giờ đây chúng ta hãy bàn qua việc áp dụng của Pháp này vào đời sống hiện đại. Trước hết ta hãy xem coi ở thế giới hiện nay những điều kiện về đời sống của con người đã tiến triển đến đâu. Hồi thế kỷ thứ XVII và thế kỷ thứ XVIII, chúng ta thấy xã hội đã mãn nguyện nhờ ở một đức tin ngây thơ về tiện nghi vật chất và ở những niềm hy vọng mà Tôn Giáo đã đem lại. Ðến thế kỷ sau, Tôn Giáo lại bị Khoa học lật đổ. Khoa học từ đó ngự trị tuyệt đối và xã hội lúc bấy giờ chuyên lo chế tạo đủ loại khí cụ hữu ích và đủ thứ máy móc vạn năng để cung phụng cho con người. Rồi về sau chúng ta thấy xuất hiện lòng Tham thống trị, hoàn cầu toan cướp đoạt lần hồi địa vị của Khoa học. Sự kiện này đưa đến việc liên kết giữa lòng Tham và Khoa học. Rồi từ đây Khoa học bị lợi dụng một cách đê hèn, để rồi chế tạo ra nào là khí cụ tối tân, nào là máy móc tinh xảo, không để phụng sự cho lợi ích nhân loại, mà là để cho con người giết hại lẫn nhau. Thế chiến thứ nhứt kế đến thế chiến thứ nhì đem lại những biến đổi ghê tởm trên thế gian, biến đổi trong cơ cấu xã hội, biến đổi trong kinh tế, biến đổi trong chánh trị.

Con người bắt đầu hết tin tưởng nơi những tư tưởng xưa kia. Con người bắt đầu mạt sát Tôn giáo, mạt sát những tưởng thưởng về tương lai, vì con người hết quan tâm đến điều thiện và chỉ khao khát được hưởng cho đầy đủ trong hiện tại mà thôi. Tập hợp lại thành một quốc gia, con người khao khát hưởng được quyền thế, mong mỏi thống trị cả hoàn cầu. Vì thế nên những giá trị tinh thần bị suy giảm và hai thế chiến vừa qua đã chứng rõ điều ấy. Cái gọi là Văn Minh ngày nay chỉ là một lớp sơn mỏng về lễ phép xã giao bề ngoài. Hai thế chiến đã làm nứt rạn lớp sơn ấy và phô bày ra ánh sáng cái thú tánh trong con người hiện đại. Sự tàn sát hàng triệu người, những khổ cảnh dã man trong các trại tập trung, những tai họa khủng khiếp không diễn tả nổi ở Hiroshima và Nagasaki chứng tỏ một điều đáng lo là thế giới hiện nay đang đi lần vào sự sụp đổ nguy hiểm. Nếu ta không lên tiếng để chận đứng lại thì ta sẽ bị tiêu diệt bởi chính những độc ác của ta. Hình như nhà Khoa học ở thời đại này tưởng rằng mình đã giúp ích cho nhân loại. Nhưng, xin hỏi quý vị, căn cứ vào đâu mà cho rằng họ đã phụng sự nhân loại?

Thời đại khoa học hiện nay thật có làm giảm bớt những đau khổ. Ðúng vậy, người ta đã chữa được nhiều chứng bệnh, đã phát minh ra nhiều thứ thuốc mới và giúp con người sống lâu hơn. Thời đại khoa học ngày nay đã xây cất nào là đô thị lớn, nào là cầu lớn, nào là xưởng lớn. Người ta đã chế ra xe cộ, tàu bè, phi cơ có khả năng tuyệt diệu để du hành trên mặt đất, dưới biển và trên không trung. Khoa học xóa bỏ không gian, tiết kiệm nhân lực và chế ngự thời gian. Nhưng, xin hỏi quý vị, Khoa học hiện đại có phát minh được thứ khí cụ nào hầu giúp con người trở nên cao thượng chăng? Khoa học hiện đại có phát minh ra một thứ khí cụ nào để giúp con người diệt Tham, Sân, Si chưa? Khoa học đã thám dò vũ trụ bên ngoài và đã cướp lấy những bí ẩn của thiên nhiên, nhưng việc làm đó không dẫn đến giải thoát con người. Có một thế giới khác, một thế giới có ích lợi cho ta thám hiểm hơn, đó là Tâm giới. Quý vị hãy tham cứu thế giới này bằng sự tham thiền đi, rồi quý vị sẽ đạt được trực giác và do đó quý vị sẽ giải quyết được vấn đề nhân sinh. Chừng ấy quý vị sẽ đạt được Pannà, hay Huệ, và nhờ đó quý vị sẽ thấy đặng chân tướng của vạn vật. Mỗi bước nhỏ mà quý vị tiến về hướng ấy đều là những bước đến gần sự giải thoát, những bước đến Niết Bàn vậy. Trào lưu rộng lớn, trào lưu nguy hiểm hiện tại lôi ta xa cách chân tiến bộ.

Vì vậy nên một trào lưu trái ngược lại, cũng không kém phần rộng lớn, rất cần thiết cho nhân loại. Thế nên thực hành Satipatthàna (Tứ Niệm Xứ) mới là quan trọng và thích hợp. Satipatthàna giúp con người hiện đại cố sức chèo ngược trào lưu này để hướng về nơi giải thoát bằng cách cho mình đủ trí tuệ để nhận thức đâu là những khuynh hướng xấu xa để tránh. Mỗi khi khuynh hướng của thời đại này lôi kéo quý vị tách xa con đường chánh đáng mà quý vị gần như không hay biết, thì quý vị nên tin cậy nơi “con chó” Sati trung thành của quý vị, để nó kéo quý vị trở lại. Sức mạnh của Satipatthàna là như thế.

Thời đại hiện tại là thời đại của sự hấp tấp và của tốc lực. Con người thực ra không có thì giờ để suy nghĩ cho chính xác. Nếu có chăng nữa, thị cũng để mà suy nghĩ làm thế nào để sống cái đời sống quây quần, lảo đảo này, từ ngày này qua ngày nọ. Nếu ta không tập suy nghĩ cho chính xác, sâu xa, thì ta dễ bị mất năng lực của Tâm. Như bàn tay của quý vị chẳng hạn, nếu trong thời gian sáu tháng mà quý vị không dùng đến nó, thì nó phải bị gầy yếu đi. Cũng thế, nếu quý vị không tập suy nghĩ cho sâu xa thì khả năng ấy của Tâm sẽ bị suy nhược và điều nguy hiểm cho quý vị là quý vị sẽ mù quáng tin theo những gì của bất cứ một ai nêu ra: Do đó họ có thể chế ngự được quý vị. Hiện nay sự kiện ấy đang diễn ra trước mắt ta. Trong giới doanh nghiệp, trong giới nông nghiệp, trong giới giáo dục, trong giới chánh trị, trong sinh hoạt hàng ngày, có một thiểu số người đang thao túng một số đông khác. Ða số này chỉ biết noi theo tư tưởng của thiểu số kia.

Hiện nay, quý vị hãy thử xem coi có bao nhiêu tư tưởng đã tạo ra cho quý vị. Phải chăng đôi khi quý vị không còn tự do lựa chọn những vật cần dùng của mình và quý vị quyết định một cách vô ý thức? Ngày nay, lối quảng cáo hàng hóa ở khắp nơi làm cho quý vị. Nhiều khi quần áo của quý vị cũng bị người ta chọn lựa thế cho quý vị mà quý vị không dè. Sách quý vị đọc cũng thế và những dược phẩm có bằng phát minh mà quý vị thường uống cũng thế. Ðó là kết quả xảo diệu của quảng cáo, vì những người làm quảng cáo rất thông tâm lý. Báo chí cũng có trách nhiệm phần nào trong việc xây dựng những tư tưởng mẫu mực để cảm kích con người. Phần đông con người lại lấy làm thỏa mãn mà nhận lãnh những ý kiến ấy mà không cần phán đoán. Hiện nay có rất ít người biết tự mình tư tưởng, không để ai ảnh hưởng. Sự kiện này có nghĩa là phần đông con người chưa định Tâm, nên Tâm còn yếu ớt. Kết quả tai hại là hiện nay con người bị thiệt thòi trên đường tiến triển của Tâm, vì ta không thể nào tiến về mặt tinh thần nếu ta không định Tâm và không tham thiền. Nếu không tham thiền, dù quý vị có sống một cuộc đời lương thiện đến mức nào đi nữa, cũng không có gì bảo đảm rằng quý vị luôn luôn chánh trực được. Quý vị có thể bị sa ngã bất cứ lúc nào. Phương pháp dễ nhất để luyện Tâm thành một sức mạnh là thực hành số tức quan (ànàpànasati) mỗi ngày một chút ít. Không có cách tham thiền nào dễ cho con người hiện đại thực hiện hơn số tức quan. Chỉ có số tức quan mới bảo đảm ta tránh khỏi ảnh hưởng bên ngoài.

Một đặc điểm khác của đời sống hiện đại là việc quá chú trọng về vấn đề nam, nữ. Hầu hết mọi việc đều được sắp đặt và lái như thế nào để nhục dục con người phải bị kích thích. Hãy nhìn xem xung quanh quý vị coi điều đó có đúng không? Quý vị hãy nhìn xem biết bao nhiêu là tiểu thuyết nhảm nhí, biết bao nhiêu là sách, báo khiêu dâm được xuất bản và trưng bày trong bất cứ nhà sách nào ở lề đường, vì được dán nhãn hiệu là tác phẩm văn chương; rồi quý vị sẽ ngậm ngùi mà nhận thấy rằng con người đã trụy lạc và xuống hố quá sâu. Quý vị hãy xem những phim được chiếu và những vũ điệu đời nay. Xin hỏi quý vị, vậy chớ những rạp chiếu bóng và những nơi khiêu vũ, những cuộc thi sắc đẹp và những hộp đêm có ích lợi gì cho con người hiện đại, nếu không phải với mục đích là để kích thích nhục dục con người? Nếu thỉnh thoảng không ai nhắc lại cho con người hiện đại rõ cái chân tướng của xác thân thì tâm họ sẽ bị che án bởi sự quá chú trọng về vấn đề nam, nữ và thể xác. Họ sẽ mất hẳn tất cả quan niệm về sự tương xứng quân bình và họ sẽ lấy giả làm chân. Kết quả sẽ là hỗn độn, bất hòa và trụy lạc.

Một đặc điểm khác nữa của thế hệ ngày nay là lòng khao khát cái gì mới lạ. Lòng khao khát này đã thành một tật bệnh. Bởi không thực hành Sati (Niệm), con người không thể thấy được chân tướng của vạn vật và không thể phân biệt đâu là chánh yếu, đâu là phụ thuộc. Vì thế nên con người luôn luôn sống với một tâm trạng do dự, lúc nào cũng bất mãn. Một đời sống bình thản có vẻ quá ư buồn chán đối với họ. Họ khao khát những gì kích thích họ. Họ sống bằng cảm kích. Họ luôn luôn mong mỏi và cái gì mới, cái gì lạ. Họ không thể tự mãn với những lề lối, những hoàn cảnh, những tình thế hiện hữu. Họ sẽ luôn luôn trông mong vào một lề lối mới, máy móc mới, được phẩm mới, một đời sống mới, một lý tưởng mới. Họ mau chán những gì đã có. Họ thất vọng nếu đời họ không có nhiều cảm kích. Họ thất vọng nếu mỗi sáng họ không thấy những “tít” thật lớn trong báo chí. Thái độ đó là triệu chứng của bệnh tinh thần bất an.

Người làm quảng cáo và nhà doanh nghiệp sẵn sàng lợi dụng nhược điểm này của con người hiện đại. Khi một kiểu vật phẩm nào đó hết thông dụng thì một kiểu khác liền được đem ra thị trường thay thế. Quý vị hãy xem cách thay đổi mau chóng của thời trang trong y phục. Hãy xem coi các kiểu bàn ghế và các vật dụng khác thay đổi dường nào. Những thay đổi liền liền như vậy nhắm mục đích chiều cái tính nguy hiểm trong con người hiện đại là tính luôn luôn đòi hỏi cái mới, cái lạ. Phương thuốc duy nhứt trị tật bệnh đó là học “Nghệ Thuật” nhìn sự vật một cách khách quan thì quảng cáo không còn dễ gì ảnh hưởng được họ. Sự quan sát khách quan cũng sẽ giúp họ khám phá ra biết bao nhiêu rượu cũ trong những chai mới. Họ không còn ảo tưởng cho rằng vật gì mới lạ là quý. Vì hoàn toàn hiểu biết cái gì là chánh trong đời họ và phân biệt rõ ràng đâu là chánh yếu, đâu là phụ thuộc nhờ Sati (Niệm) nên họ hết còn là nạn nhân của tính ham mê cảm kích quá đáng.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.