Chín Chữ Cù Lao

Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ cha, ơn dưỡng dục
Mùa báo hiếu ngùi ngùi thương mẹ, đức cù lao.

Mùa Vu Lan Báo Hiếu của người con Phật lại trở về trên quê Mẹ Việt Nam, cũng như đến với những người con của Mẹ Việt Nam đang sống rải rác đó đây trên khắp địa cầu.
Vu Lan về khiến lòng người thao thức khắc khoải, khi nghĩ về công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha, nhưng mình chưa đền đáp được là bao. Xót xa đau đớn tận cùng, khi cha mẹ đã hoá thành thiên cổ từ lâu.

Người con hiếu thảo thật sự, thì không bao giờ hài lòng và cho rằng mình đã tận hiếu với cha mẹ. Dù cho bản thân đã hy sinh đã chìu chuộng hết mức với cha mẹ. Do đó trong lòng luôn thao thức khắc khoải phải làm sao để báo đáp ân sanh thành dưỡng dục của mẹ của cha.

Tử Lộ, một học trò của Khổng Tử, thuở còn hàn vi, Tử Lộ hết mực chăm lo phụng dưỡng, sớm thăm tối viếng, đông đắp chăn bông, hè quạt mát. Nhưng Tử Lộ không bao giờ cảm thấy hài lòng thoả mãn. Vì có những nhu cầu cần thiết, Tử Lộ chưa có khả năng thực hiện cho cha mẹ. Như là thuốc thang chu đáo những khi trở bệnh, muốn dâng sơn hào hải vị, khiến cha mẹ được ấm no hạnh phúc, hưởng thụ an vui hạnh phúc, với quảng đời còn lại. Đến khi Tử Lộ được làm quan, có khả năng phụng dưỡng cha mẹ như ý muốn, nhưng than ôi! Cha Mẹ đã qua đời. Do đó, Tử Lộ đã than thở rằng: Mộc dục tịnh nhi phong bất đình, tử dục dưỡng nhi thân bất tại. Nghĩa là: Cây muốn lặng mà gió chẳng muốn ngừng, con muốn nuôi cha mẹ nhưng than ôi cha mẹ không còn nữa.

Công cha nghĩa mẹ, đã được kho tàng văn chương, thơ ca, ca dao, tục ngữ Việt Nam, đã chuyên chở những áng văn chương cao rộng, những vần thơ bay bổng mấy tầng trời xanh, chùm ca dao tục ngữ vừa bình dân vừa bác học đã hoạ lên giữa hư không tạo thành một bức hoạ trác tuyệt, khiến đất trời phải cảm động ta thán, như là:

Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha,
Biển rộng mênh mông không đong đầy tình mẹ.

Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
Đố ai đếm được vì sao
Đố ai đếm được công lao mẹ thầy.

Vời vợi non cao ơn dưỡng dục
Mênh mông biển rộng đức sinh thành.

Nhớ ơn chín chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình

Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng ai ơi

Trong kinh Thi (1) của Trung Hoa, có bài Thi trong phần lục ngã, Tiểu Nhã nói về Chín Chữ Cù Lao như sau:

Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, 父 兮 生 我,母 兮 鞠 我,
phụ ngã súc ngã, trưởng ngã dục ngã, 拊 我 畜 我, 長 我 育 我,
cố ngã phục ngã, xuất nhập phúc ngã. 顧 我 復 我, 出 入 腹 我。
Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực. 欲 報 之 德,昊 天 罔 極。

Dịch nghĩa:

cha sinh ra ta; mẹ nuôi nấng ta;
vỗ về ta dưỡng dục ta; nuôi ta lớn lên;
trông chừng ta, trở về với ta, ra vào bồng bế ta;
muốn báo ơn sâu, ơn đức của cha mẹ mênh mông như bầu trời”.

1) Sanh: thường thì chúng ta thấy người Mẹ mang thai sanh con. Nhưng xét kỹ thì chúng ta thấy như câu: Cha sanh mẹ đẻ, hoặc cha sanh mẹ dưỡng. Vì nếu không có tinh của người cha thì mẹ không thể mang thai. Cho nên gọi là Cha Sanh và nói cho đúng là tinh cha huyết mẹ hoà hợp tạo thành ra bào thai trong bụng người mẹ. Và từ đó người mẹ phải nuôi dưỡng thai nhi trải qua chín tháng mười ngày, rồi lâm bồn khai hoa nở nhuỵ. Chính vì thế gọi là Cha sanh Mẹ dưỡng. Thời kỳ thai nghén là thời kỳ người Mẹ gánh chịu bao nỗi mệt nhọc khổ đau, đi đứng nằm ngồi đều khó khăn, ăn uống không được như ý khẩu vị. Đức Phật đã diễn tả điều ấy trong kinh Báo Phụ Mẫu Trọng ân như sau:

Điều thứ nhất, giữ gìn thai giáo,
Mười tháng thường chu đáo mọi bề.
Thứ hai sanh đẻ gớm ghê,
Chịu đau chịu khổ mỏi mê trăm phần,
Nếu con hiếu thuận xuôi mình ra luôn,
Bằng ngỗ nghịch làm buồn thân mẫu,
Nó vẫy vùng, đạp quấu lung tung,
Làm cho cha mẹ hãi hùng,
Sự đau sự khổ không cùng tỏ phân…
Khi sản xuất muôn phần an lạc,
Cũng ví như được bạc được vàng.”

2) Cúc: là Nuôi dưỡng, nâng đỡ, săn sóc. Cha mẹ nuôi dưỡng, cực đến đâu bền vững chẳng lay, ăn đắng nuốt cay, để dành bùi ngọt đủ đầy cho con. Tảo tần sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn, đưa tấm lưng gầy cha che chở đời con.

3) Phủ: là vỗ về vuốt ve. Thuở còn thơ ấu thì cha mẹ thay phiên ẵm bồng, khi con khóc thì vỗ về vuốt ve, lại còn khi ngủ, ướt mẹ nằm, khô ráo phần con. Khi con khôn lớn trưởng thành, khi gặp sóng gió cuộc đời vùi dập cuốn trôi, thì cha mẹ luôn sẵn sàng bên cạnh để vỗ về an ủi, vuốt ve khuyến khích, để con sớm vượt thoát khổ nạn thương đau. Ngày nào con đau khổ không biết ngỏ cùng ai, thì con ơi! Hãy gọi mẹ đến bên con.

4) Súc: là cho ăn bú mớm. Con còn nhỏ thì mẹ phải sú nước nhai cơm, miễn con no ấm chẳng nhờm chẳng ghê. Trước khi người con lập sự nghiệp, thì cha mẹ vẫn phải luôn nuôi nấng con cái.

5) Trưởng: là nuôi dưỡng thể xác. Khi con thơ càng lớn, thì cha mẹ càng tất bật trong cuộc sống, tranh thủ phấn đấu, làm lụng kiếm tiền, để nuôi dưỡng cho con trưởng thành khôn lớn. Nào là cơm ăn áo mặc, làm sao cho xứng tầm với sự trưởng thành của con. Không cha mẹ nào muốn con cái mình ra đường thua với con cái của người ta, đúng là:

Mẹ cha gánh vác hy sinh
Mẹ cha quên cả thân mình vì con.
Cha một đời oằn vai gánh nặng
Mẹ một đời đôi dép lạc bàn chân.

6) Dục: là Giáo dưỡng tinh thần – Khi con vừa được lớn khôn, cha mẹ dạy bảo cho con vỡ lòng, cho đi học mở thông trí huệ. Cha mẹ dạy dỗ con từ thuở còn tấm thơ, dạy cho con biết nói tiếng ba tiếng mẹ. Dạy con từ thuở lên ba, mong con lanh lợi, mẹ cha yên lòng. Dạy con biết lễ biết nghĩa biết hiếu, tiên học lễ hậu học văn. Dạy con biết kính trên nhường dưới. Cha mẹ chính là những nhà giáo đầu tiên trong cuộc đời con trẻ.

7) Cố: là trông xem – nhìn ngắm – Lúc thuở bé thơ còn nằm nôi, cha mẹ luôn đứng ngắm nhìn con thơ khi ngủ, ngắm nhìn con những lúc vui đùa, nhìn thấy con lớn dần theo năm tháng, thì lòng cha mẹ lâng lâng với cảm giác sung sướng hạnh phúc. Khi lớn lên thì cha mẹ chẳng nỡ chia riêng, cho nên nếu con đi vắng cha phiền mẹ lo. Mẹ già chờ con ngồi đếm lá rơi, đếm bao nhiêu lá mà con chưa về. Cha mẹ già mõi mòn con mắt vì trông con đi xa trở về. Đặc biệt những đứa con xa xứ, xa quê, lang thang trên xứ người xa lạ, thì lòng cha mẹ lúc nào cũng lo âu nơm nớp và mong đợi con về từng ngày.

8) Phục: là Quấn quít – săn sóc – thuở còn ấu thơ cha mẹ quả luôn quấn quít bên con thơ, theo dõi từng cử chỉ hành động con thơ, để kịp thời tạo ra những điều để con hài lòng yên tâm. Đến khi trưởng thành với cuộc đời rồi, nhưng cha mẹ nếu có cơ hội quấn quít săn sóc thì cha mẹ không từ nan.

9) Phúc: là ẵm bồng, gìn giữ – thuở mới lọt lòng đến 4,5 tuổi cha mẹ luôn luôn bồng bế con thơ và bảo bọc chu đáo. Khi con nóng lạnh bất thường, cả đêm cha mẹ trông hoài lo con. Dành cho con các cuộc thanh nhàn, thương con như ngọc như vàng, chẳng màng đau ốm cực thân, miễn con vui sướng là cha mẹ cười.

Đúng là:

Cổ thụ là bóng mẹ cha
Cây non là cả vườn hoa tuổi hồng
Tóm lại, Chín Chữ Cù Lao (Sanh, Cúc, Phủ, Súc, Trưởng, Dục, Cố, Phục, Phúc), đã nói lên tất cả ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục của mẹ của cha.
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

Với chín chữ cù lao, không sao đáp đền. Vì vậy, Đức Phật dạy: “Này các tỳ kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là Cha và Mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế, mà biết ân đó khó trả. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:

– Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam Bảo.

– Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí.

– Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyến khích cha mẹ hướng về đường thiện.

– Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyến khích cha mẹ trở về với chánh kiến.

Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai”. (Kinh Tương Ưng)

Là người con của Phật, nhân Mùa Vu Lan Hiếu Hạnh trở về, chúng ta hãy tinh tấn vâng lời Phật dạy, thực hành các pháp công đức, hồi hướng cho cha mẹ hiện đời tăng phước thọ và tăng trưởng niềm tin Tam Bảo ngày càng kiên cố, ngỏ hầu cha mẹ tu tập đúng chánh pháp, gieo nhân đoạn trừ ngã chấp, kết quả thoát ly khổ đau. Nếu như cha mẹ đã quá vãng, thì hồi hướng tất cả đồng thoát khổ luân, đồng sanh tịnh độ. Chẳng những vậy, chúng ta còn phải nghĩ đến cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp và rộng ra cho toàn thể chúng hữu tình trong khắp pháp giới ba cõi sáu đường, đồng thoát ly tam đồ, đồng kiến Tam Bảo, đồng tu chánh pháp, đồng thành Phật đạo.

An Chí

Ghi chú:

(1) Kinh Thi của Trung Hoa, được kết tập bởi nhiều nhà hiền triết, văn học, thi sĩ và trải qua nhiều thế kỷ để thành hình một bộ sách được là Thi Kinh, là một trong năm bộ sách để thành hình triết học Trung Hoa gồm có: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.