Chào cháu Thanh Tùng,
Câu hỏi của cháu là thuộc câu hỏi về “Khoc học Huyền bí”. Bởi vì các nhà Ngoại cảm đi tìm xương khô của người chết và đi tìm thế giới của những vong linh chưa siêu thoát. Hiện nay môn học ngoại cảm đang còn trong vòng nghiên cứu và chưa có chứng minh chính xác như một khoa học thực nghiêm. Còn Đạo Phật thì không phải là đạo đi tìm xương khô và hài cốt thân nhân. Cũng không phải là đạo đi tìm linh hồn người chết hoặc thế giới của những người chết.. Nhưng thế giới người chết là nằm trong phạm vi của Luật Luân hồi. Vì vậy có thể xem đây là câu hỏi về Luân Hồi.
Đạo Phật là đạo Sống chứ không phải là đạo đi tìm thế giới ngoài cuộc sống. Như vậy phải Sống với thực tại đang Sống, chứ không phải tìm hiểu cái siêu hình sau khi chết. Nhưng đạo Phật thì có thuyết Luân Hồi. Vì vậy để hiểu đạo Phật thì phải hiểu luật Luân hồi. Như vậy câu hỏi của cháu là có Luân hồi hay không phải vậy không? Nếu hỏi về Luân hồi thì chú xin chia sẻ về kiến giải với luật luân hồi của Phật Giáo. Nhưng hỏi về Ngoại Cảm thì chú xin thưa thiệt là Ngoạị cảm là Ngoại đạo không phải là Phật Đạo. Đi tìm xương khô và âm hồn là pháp học của Ngoại đạo, nếu có được khoa học soi sáng và chứng minh thì cũng chỉ là pháp hiện tượng sanh diệt biến dị của vô thường thôi, chứ không phải là cái học của người Giác giả của đạo Phật.
Tuy nhiên, từ một thân người trở thành xương khô thì có yếu tố Luân hồi. Nên phải hiểu luật luân hồi. Bởi vì hiểu được “Thuyết Luân Hồi” thì phải hiểu Nghiệp là gì. Hiểu Nghiệp là gì thì phải hiểu Nhân Quã. Hiểu Nhân quã thì phải hiểu Pháp Duyên Sanh.
Đạo Phât là soi sáng Pháp duyên sanh. Muốn hiểu đạo Phật là gì thì phải hiểu Pháp duyên sanh. Cái gì có đặc-tánh cho mình hiểu được không lẫn lộn với cái khác thì gọi là một “pháp”. Như “xương khô” là một pháp cho mình không lẫn lộn với cái khác như cục đá hay cái gì khác với cục xưong khô. Tất cả các Pháp đều có đặc tánh cho mình nhận diện và hiểu được nó là một cái gì đó. Thí dụ như bàn,ghế, chén bát , con người, mặt trời , măt trăng v.v… đều là Pháp cả. Cho đến con người dù là sinh ra dính chặt vào nhau một cái thân, nhưng có hai cái đầu thì cũng là hai người không lẫn lộn được. Do đó có câu định nghĩa cho chữ “Pháp”: là cái gì có đặc tánh để không lẫn lộn với cái khác cho người ta hiểu được thì gọi là một PHÁP. ” Nhậm trì tự tánh quỷ sinh vật giải” là PHÁP. Như vậy cái “xương khô” mà người ta đi tìm cũng là một pháp, để hiểu được là xương khô. Để chứng minh xương khô của ai thì khoa học ngày nay có thể chứng minh được cụ thể bằng xét nghiệm. Nói xương này của ông Mỹ hay ông VN thì có thể xác minh rất chính xác. Nhưng đi tìm cái hồn thì còn nhiều tranh cải, bởi vì chứng minh cái xương khô này có cái hồn của chủ nó thì rất khó khăn. Nếu cái hồn có thiệt thì chứng minh cái hồn đó là của cái xác đó không phải là dễ dàng, Bởi vì cái hồn nào cũng có thể nhận cái xương khô là của hồn để được thờ tự. Cái mà người ta không nắm bắt được thì muốn nói sao lại chẳng được. Nếu họa sỹ vẽ người thì khó giống, chứ vẽ ma thì quá dễ, vẽ như thế nào cũng có thể gọi là ma. Cái môn ngoại cảm này, ngày xưa có môn cảm xạ học còn hay và ly kỳ hơn nhiều, nhưng vẫn là ngoại đạo chứ không phải Phật đạo. Bởi vì người ta đi tìm cái thế giới bên ngoài mà bỏ quên mất chính mình. Nếu biết mình thì mới biết mình luân hồi như thế nào. Nếu mình không biết mình “”luân hồi cái gì”thì làm sao biết được luân hồi là gì ? Phải vậy không ! Chúng ta biết rằng cái thân này thì thế nào cũng thành xương khô. Nhưng mình có phải là xương khô hay không ?
Chúng ta biết rằng thân chúng ta không thể nào tránh đựợc già, không thể nào không bị bệnh, và cũng không thể nào không chết. Vì vậy cái xương khô tất nhiên phải có sau khi sự sống rời bỏ cái thân xác này. Nhưng mình có phải là xương khô hay không? Cha mẹ và thân nhân quyến thuộc bạn bè của mình có là xương khô hay không? Không ! Chắc chắn là không!!! Khi lửa rời khỏi củi thì củi đã thành tro tàn. Khi Sự sống rời thân thể thì thân thể chỉ là xác chết. Khi xác chết thành xương khô thì làm gì có linh hồn nào trong xương khô đó. Đem xương khô về thờ thì cũng như người ta thờ lá cờ tổ quốc, Tờ giấy hay miếng vãi tượng trưng cho tổ quốc, chứ làm gì có tổ quốc trên màu sắc hay miếng vải hoăc tờ giấy in lá cờ. Sự sống không có trên xương khô thì đi tìm linh hồn qua xương khô là chuyện làm của ngoại đạo. chứ không phải Đạo Phật..
Chúng ta biết rằng sự sống không có trên xương khô. Nhưng con người là sinh thể có sự sống, sự sống đó chính là Nghiệp, người mất thân rồi thì chỉ có cái Nghiệp đi theo về tương lai, chứ xương khô thì ở lại với cát bụi. Sự sống có ba cái nghiệp của thân của miệng và của ý. Vì vậy theo luân hồi thì nghiệp luân hồi theo nhân quã của nó. Nếu mình không hiểu Nghiệp của mình là gì, thì mình cũng chẳng biết luân hồi là gì. Bởi vì cái gì đi luân hồi thì mình phải biết chứ không thể là tin vu vơ được. Nếu tin vu vơ thì hiểu biết vu vơ như người mê tín, chứ không phải chánh tín. Nếu có chánh tín thì tin ở Pháp duyên sanh. Nghiệp chính là pháp duyên sanh. Nhân quả chính là duyên sanh…..Tin pháp duyên sanh và hiểu pháp duyên sanh là hai chuyện khác nhau. Người tin pháp duyên sanh thì tin Nhân Quã. Người hiểu Pháp duyên sanh là người giác ngộ.. Tin nhân quả thì rất khó. Tại sao khó, vì nó là quy luật rất khoa học, và chính xác như khoa học. Nhưng người tin thì chưa thấy và biết trọn vẹn nhân quả , nên nhân quả là chuyên khó tin. Khó tin vì phải thấy đúng lý và sự chứ không phải ức tưởng mơ hồ. Nhân và quả là bất định pháp, vì vậy không thể chỉ có lý mà không có sự. Lý là nguyên lý. Sự là sự thật xảy ra. Cả lý và sự viên dung với nhau mới biểu hiện cái Nghiệp. Thí dụ theo Lý thì gạo là nhân của cơm. Nhưng nếu không có Sự thì không có Cơm là quã của cái nhân là Gạo. Gạo mà thành cơm phải có nhiều duyên mới thành cơm, thành ra phải có Sự là “Gạo nấu” mới thành Cơm. Nhưng thành được cơm thì phải có xảy ra nhiều duyên mới có cơm. Nếu không khéo thì thành cháo, hoặc cơm có lẫn thuốc hóa học trong đó thì cơm không phải là cơm mà là thuốc độc. Giáo pháp nếu không khéo có lẫn tà giáo trong đó thì thành tà pháp. Trong cơm mà có thuốc độc thì không còn là thực phẩm an lành. Trong chánh pháp của Phật giáo mà có trộn ngoại đạo tà pháp trong đó thì rất nguy hiểm với người còn mê tín. Hiểu và tin Nhân Quả thì phải sống hết mình tĩnh thức với Pháp duyên sanh. Vì không có gì vượt qua được nhân quả. Nhưng tin nhân quả thì không phải dễ, vì phải tin và hiểu lý và sự viên dung mới hiểu được Nghiệp.
Thí dụ như người ta nói: Người chồng hút thuốc mà vợ bị ung thư. Nhưng mình cãi lại : Không đúng vì chồng hút mà không thấy chồng bị ung thư,còn vợ bị ung thư là do nguyên nhân khác. Nhưng thật ra chính vợ bị hút thuốc thụ động của chồng mà mang bệnh. Còn ông chồng chưa bị ung thư, vì thời gian chưa đủ phát triển để bệnh biểu hiện. Nhưng nếu vài chục năm sau hoặc bệnh chưa phát hiện, thì ông chồng đã chết vì nguyên nhân khác, trước khi thành quả báo của hút thuốc. Thành ra nhân quả nó đi ra bề ngang của cuộc sống tác động lên môi trường của hiện tại và cũng đi về tưong lai. Phải có trí mới thấy, chứ mình cứ theo cái lý mà nói “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu” Hay ông tu, ông chứng. Còn bà tu thì bà chứng”. Nghe rất đúng lý. Nhưng trên Sự, thì sự thật xảy ra không phải trồng dưa mà được dưa, bởi vì dưa phải có các duyên hợp lại mới có dưa. Trồng dưa mà chẳng có dưa ăn vì thiếu duyên để thành dưa, giống như nông dân trúng mùa lúa mà cũng không có tiền, lại còn lỗ vốn vì lúa không bán được. Các pháp có tương duyên và tương quan với nhau. Cái lý “ông tu thì ông chứng” đưa đến tư tưởng vô ơn và tự cô lập không biết đến ai khác thì cũng phản lại lý duyên sanh.. Lý duyên sanh mà không có sự thật trước mắt đang dễn bày thì cũng trở thành ngụy biện.
Bởi vậy ngạn ngữ của Tây Tạng có câu ‘”Con gà có trước hay cái trứng có trước” . Nếu cứ theo lý thì không trả lời được,bởi vì không có cái gì chỉ có một nhân mà thành quả được. Mà nếu chỉ theo lý của câu hỏi chứ không có Sự đang có trước mắt là con gà hay cái trứng thì cũng không thể trả lời được. Bởi vì đây là câu hỏi đòi hỏi phải có đủ “Lý” và” Sự” để biểu hiện. Lý là duyên sanh mà sự thì chính là biểu hiện của nhân quã đồng thời. Con gà không thể đẻ ra trứng nếu không đủ duyên. Cái trứng không thể thành gà nếu không đủ duyên. Trông thấy cái trứng trước mắt mình mới có thể biết là sẽ có gà hay không có gà nếu có đủ duyên. Vì vậy câu ngạn ngữ của Tây Tạng gợi cho người nghe phải ý thức thực tại đang xảy ra, chứ không phải là dùng lý thuyết ức tưởng theo một chiều thẳng tấp của nhân quả bằng ý niệm của một nhân thành hột quã. Cái lý thẳng hàng từ nhân đến quã như : Gà thành trứng và trứng thành gà là bị bẻ gảy ngay, nếu không có cái hiện thưc xảy ra. Cái lý dù hợp lý như gạo thành cơm, hay ” Trồng dưa đựoc dưa , trồng đậu dược đậu” thì không đủ pháp duyên sanh để thành sự thật. Phải hiểu duyên sanh thì phải đủ lý và sự mới có duyên sanh ra pháp để gọi tên là Gà , là Trứng .là Cơm, là dưa, hay là đậu v.v…..do duyên sanh mà có Pháp để gọi tên chúng sanh. Chúng sanh vô tình là hạt đậu, quả dưa….chúng sanh hữu tình là con gà, con người v.v….
Tất cả biểu hiện là nhân quả duyên sanh mà biểu hiện. Nhân quã có hai loại đồng thời và khác thời. Đồng thời là Nhân có mặt thì quả có mặt. Như đánh vào trống thì nghe tiếng, khác thời thì nhân có mặt mà tương lai quả mới có mặt, như gạo có mặt , mà phải nấu mới có cơm. Dù đồng thời hay khác thời thì nhân quả cũng là pháp duyên sanh, cái này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt. Cái sanh diệt của nhân quả đều do duyên mà khởi nên pháp hành…..Cái sinh thể nào cũng có pháp hành là cái hạnh có đặc tánh để biểu hiện ra cái tướng, mà mình gọi cái pháp tướng đó cái con gà, là cái trứng, là xương khô, là xác chết, là con ngừời hay là pháp tướng gì đó là tùy duyên mà gọi vậy thôi.
Cái pháp duyên sanh chính là luân hồi. Vì vậy cái luân hồi của xưong khô là luân hồi của vật chất. Cái nghiệp của sinh thể như con người thì có sự sống. Vật chất không phải là sự sống nhưng vật chất cũng là cái biểu hiện của sự sống. Khi thân xác không còn sự sống thì chỉ còn là cái xác biến hoại để rồi thành bộ xương khô. Đi tìm người thân của mình trên bộ xương khô thì không gặp được. Nhưng sự sống đó đã đi luân hồi rồi mà mình không thấy do mình không có khả năng nhìn thấy, vì vậy mình cứ đi tìm sự sống của mình theo ý tưởng của người khác, mà không chịu đi tìm bằng chính sự sống của mình. Sự sống của mình chính là Giác tánh của mình. Chính Giác Tánh của mình dẫn dắt cho thân , miệng và ý chuyển động như Nghiệp biểu hiện. Cái Nghiệp của mình nó theo môi trường hiện hành. Hành nghiệp có chánh báo và y báo. Chánh báo là sinh thể, y-báo là môi trường của thế giới mà sinh thể sống trong đó. Chính hai cái y báo và chánh báo nương vào nhau mà biểu hiện. Nói đến Nghiệp thì không thể không có Nghiệp Báo, mà nghiệp báo chính là Y Báo và Chánh Báo, tức là căn thân và thế giới. Giống như con cá và nước không thể không có nứoc mà con cá sống được. Sinh thể không thể rời môi trường sống mà sống được. Mặt trời không còn tồn tại thì sinh thể nào có thể biểu hiện được……Thế giới còn đó thì sự sống còn đó. Nếu mình đi tìm sự sống của nghiệp, sau khi buông bỏ thân xương thịt này, thì mình phải hiểu sự sống của mình trước nhất thì mình mới hiểu được sư sống của mọi người. Cái đi luân hồi chính là cái Nghiệp mà người ta hay gọi là Linh Hồn hay trung ấm thân. Sự Luân hồi đó đang có mặt ngay tại đây và bây giờ , mà mình không nhận ra ngay nơi thân tâm của mình, mà mình lại chạy theo ý niêm từ bên ngoài của người khác hướng dẫn, tức là mình chạy theo ngoại đạo. Buông bỏ và rời xa giác tánh của mình để chạy theo ngoại đạo thì danh từ nhà Phật gọi là “Bội Giác Hiệp Trần:” tức là chạy theo cái đạo bên ngoài mà quên tánh giác của mình. Đạo Phật là đạo giác ngộ cái sự sống đích thật của sinh thể , hiểu được bản giác của chúng sanh thì gọi là tỉnh thức giác ngộ. Giác Ngộ cái gì? Giác ngộ tự tánh của chúng sanh. Hiểu được tự tánh thì hiểu được bản thể của sự sống, tin pháp duyên sanh là tin luật nhân quả luân hồi. Nhân quả luân hồi là hiên tượng, Giác tánh của sinh thể là bản thể. Nếu sinh thể tự quy y tánh giác vắng lặng tịch mặc của sinh thể thì đã nương về chính sự sông đích thật của chúng sanh. Cái tĩnh thức như vậy thì gọi đạo Giác Ngộ hay là đạo Phật.
Trong tự tánh tĩnh mặc vắng lặng của giác tánh hằng hữu nơi chúng sanh đó có Ba ngôi Báu. Ba ngôi báu là Phật, Pháp và Tăng. Thấy được Pháp tánh của Pháp duyên sanh thì thấy Phật, thấy Phật thì thấy Pháp, thấy Pháp thì thấy Phật. Từ Phật và Pháp mà có tăng bảo hòa hợp.
Không có hòa hợp thì không có chúng sanh. Chúng sanh có ra là do sự hòa hợp của các duyên. Cái pháp hành nào cũng có hòa hợp mà thành. Vì chúng sanh là do chúng duyên hòa hợp lại mà thành danh và sắc gọi là chúng sanh. Dù là vô tình như sỏi đá, hay hữu tình như con người thì cũng có sự hòa hợp duyên mà sanh ra cái gọi là chúng sanh hữu tình hay vô tình.
Đức Phật khi thành đạo thì nói Pháp tứ diệu đế là bốn sư thật mầu nhiệm cho năm anh em ông Kiều Trần Như nghe, đây là 5 vị thanh văn đệ tử của Phât đầu tiên thành lập ngôi tam bảo hòa hợp như nước với sữa. Từ Pháp bảo của Phật mà có ngôi Tăng Bảo. Đây là ngôi tam bảo thành lập đầu tiên trong lịch sử truyền thừa Phật pháp của đức Phật Thích Ca theo đúng với lịch sử 26 thế kỷ đã qua. Nhưng đặc tính tam bảo này là chơn lý luôn có trong tất cả thời. Tánh Giác của Như Lai có sẵn trong tất cả chúng sanh. Trong tất cả chúng sanh đều có pháp duyên sanh mà sanh khởi luân hồi tương tục. Trong pháp duyên sanh có đặc tính hòa hợp để sanh muôn pháp. Không pháp nào mà không từ duyên sanh mà hòa hợp. Cái yếu tánh hòa hợp đó mà có chúng sanh. Một sinh thể có ra là do hòa hợp của năm uẩn là :” Sắc “thân xưong thịt, “Thọ” cảm của cái thân. “Tưởng” tri giác của sinh thể, “Hành”vi của sinh thể. “Thức” biết của sinh thể. Khi năm yếu tố hòa hợp thì có một thân hòa hợp là chúng sanh. Một con người thì có sự hòa hợp của năm uẩn. Vì vậy con người còn được gọi là chúng sanh. Hòn sỏi cũng gọi là chúng sanh. Nhưng sỏi là chúng sanh vô tình,chỉ có sự hòa hợp của đất , nước , gió , lửa là bôn yếu tố Cái danh từ tứ đại là tên gọi sự hòa hợp cùa vật thể vô tình như sỏi đá.
Tất cả hiện tượng sanh diệt thì đều từ Pháp duyên sanh mà có. Cái này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt, luôn luôn luân hồi như thế là hiện tượng của thế gian vô thường. Nếu chạy theo cái vô thường thế gian này là bị vật chuyển theo các hiên tựong sanh diệt luân hồi. Nếu trở về bản thể của Giác tánh thì trở về với chơn tâm. Nếu ngay trong hiện tại mà mình chưa giác ngộ thì tương lai cũng chỉ là cái hiện tại luân hồi chuyển hóa theo nhân quả vậy thôi. Đi tìm cái sẽ là thì đâu bằng tìm cái đang là. Bởi vì sẽ là chỉ là cái của bây giờ trở thành.theo luật nhân quã. Đi tìm cái đã là thì cũng không thay đổi đuợc cái đã là vì nó đã qua rồi, bây giờ hậu quả của nó đang là cái hiện tại, Người trí không sợ cái quả đã gieo nhân từ trước, bởi vì cái đã xảy ra trong quá khứ thì phải đón lãnh hậu quả chứ không thay đỗi quá khứ được. Nhưng cái hiện tại thì phải cảnh giác khi gieo nhân, và khi nhận quả của quá khứ thì phải tỉnh thức, đừng gieo lại hột giống không lành của quá khứ. Khi đi tìm sự thật, thì chúng ta không thể để cái lối mòn của tín điều bắt mình phải đi theo con đường mòn mà mình không hiểu biết bằng chính sự sống của mình. Mình không biết sự sống của mình thì mình cũng không thể biết sự sống của một bộ xương khô là đi về đâu. Nhưng khi mình nhìn lại đời sống đang là này thì mình có thể thấy sự sống của những người đã sống.đang còn trong cuộc sống này, vì thế giới này và cuộc sống của mình có sự sống của những người đã sống. Nếu mình không cảm nhận được sự sống đang còn đó ,của những người đã đi ngang cuộc sống này, thì mình cũng không tìm thấy cái thế giới mà họ đang sống, khi mình chỉ đi tìm nắm xương khô.
Chúng ta biết rằng thái độ tin theo giáo điều là tự bịt mắt mình để thấy bằng ý niệm của người khác dẫn đường mình. Vì vậy kinh Phật có cho ta một cảnh báo : Y kinh nói Pháp thì oan ức cho chư Phật ba đời, Rời kinh mà nói Pháp thì rơi vào Ma thuyết ….
Nếu chúng ta cho rằng đạo Phật thì không phải là thường kiến mà không phải là đoạn kiến. Có nghĩa là không phải thường còn mà cũng không phải đoạn diệt, kết thúc không còn gì nữa. Thì đó cũng chỉ là thái độ đi theo lối mòn của giáo điều. Nhưng bằng trí nhận thức của chính mình, thì mình sẽ biết cái gì thường còn và cái gì đoạn diệt. Cái xương khô thì chắc chắn là đoạn diệt vì từ xương khô đó không thề có sự sống của người đã sống trong đó trở về hay tái sinh. Nhưng sự sống của người đã chết thì chắc chắn phải thường còn trong cái nghiệp của họ . Bởi vì nghiệp là cái đi theo với giác tánh, mà giác tánh là cái thường còn. Không có chúng sanh nào mà không có giác tánh. Bởi vì tuyên bố của đức Nhu Lai khi thành đạo là “Tất cả chúng sanh đều đầy đủ đức tướng của Như Lai.” . Bằng cái tánh biết của mình, mình phải biết đức tứớng của Như Lai là gì. Nếu mình không biết thì mình cũng không thể nào có cơ hội biết được người khác đi về đâu khi chỉ tìm thấy một nắm xương.
Nếu nhà ngoại cảm có thể làm cho người chết trở thành người giác ngộ giải thoát được, thì họ đã tài giỏi hơn đức Phật. Bởi vì chính đức Thế Tôn cũng không làm gì được trước vọng nghiệp của chúng sinh. Thiện tinh tỳ kheo là con trai của thái tử Sỹ đạt Ta, khi xuất gia theo Phật thì được làm thị giả để Phật dạy trực tiếp. Nhưng Phật cũng không thể giáo hóa đựơc, bởi vì Thiên tinh ý kheo phỉ báng nhân quả vì không tin và không hiểu luật nhân quả, rốt cuộc thì bị đọa vào ác đạo địa nguc. Phật cũng không thể cứu được cho thị giả từng là con trai của Phật khi chưa xuất gia. Khi cái nghiệp thức của người chết bị mắc kẹt vào một cảnh giới nào đó thì ngươi chưa có giác ngô giải thoát gì cả ,cũng không thể nào biết được mà cứu giúp đựoc. Nhưng với tấm lòng thưong nghĩ đên người đã chết thì ngươi chết đã có trong cuộc sống của người đang sống. Chuyện của người chết hãy để cho người chết tự giải quyết, vì họ cũng có đầy đủ đức tướng của Như Lai, họ sẽ có con đường đi của họ. Chúng ta còn gặp lại hay sẽ găp lại người đã chết hay không là do ta có sự sống hay không. Chỉ có sự sống mới tiếp xúc được vói sự sống, nếu chúng ta chưa có ánh sáng để đi vào soi sáng nẻo vô minh thì nên “kính nhi viễn chi” nghỉa là Kính người thân quá cố nhưng nên tránh xa, bởi vì con đường ngoại cảm với cõi âm không phải là con đường của người lên đường tìm đạo giải thoát khỏi tham dục si mê.
Nếu mình chưa biết đạo Phật là gì thì hãy tìm kinh Phật mà học hỏi và thâm nhập bằng sự thực tập của Giới Định HUỆ của Phật Giáo. Nếu mình lầm đường cho Nhà Ngoại cảm là Phật giáo thì nguy to…Bởi vì để khoe khoan kiến thức, người ta đã dùng mái chùa và y phục của nhà chùa., để mời ngoại đạo đến thuyết giảng âm đạo cho người sống.\, đưa con người vào thế giới âm binh….mà cho là đang giảng đạo Phật. Thay vì làm cho tín đồ tỉnh thức với sự sống, mà lại lao vào con đường ngoại cảm, đem cái sống của tâm linh mình ra làm trò biểu diễn kiến thức hiểu biết về thế giới bên kia cửa tử….
Không nói được giáo lý của Phật mà chỉ nói giáo lý của Ma. Khiến người tín đồ chưa thấy giáo pháp của Phật lầm ngoại cảm là Phật giáo. Đây là Ma vương đang tiêu diệt đạo Phật bằng cách đội lốp đệ tử Phật. Thật là rất nguy hiểm cho người chưa có cơ hội hiểu đạo Phật là gì. Cái gọi là khả năng ngoại cảm thì chỉ là khả năng của vọng tưởng. Đem vọng tưởng mà cho là nói pháp ngoại cảm để giảng đạo của Phật. Đang làm việc cho Ma mà dối người là đạo của Phật, như vậy thật là đáng thương xót và cần phải sám hối trước đạị chúng nếu còn muốn xưng mình là Phật tử. Cái đau đớn của thời Mạt Pháp là Ma giả Phật để dạy đại chúng trước tháp miếu của Phật. Đau lòng lắm chứ không vui sướng gì khi phải nói thật cùng cháu như vậy.
Xin tạm ngừng ở đây. Có thì giờ tôi sẽ trở lại với đề tài: Đạo Phật là gì?
Nếu cháu có gì chưa thỏa mãn cứ hỏi thêm, vì chính bài này cũng ần phải giải thích nhiều để tránh ngộ nhận.
Chào cháu.
Minh Đức
http://www.tangthuphathoc.net/lathuphathoc/26-pgvcainhindoivoinhangoaicam.htm
Ghi chú: Câu hỏi ” Phật Giáo Có Tin Vào Nhà Ngoại Cảm Không?”, là câu hỏi của người hỏi đặt ra. Theo chúng tôi nghĩ, nếu là người hiểu giáo lý thì sẽ không dùng “Phật giáo” để trước câu hỏi. Vì tư tưởng của các nhà ngoại cảm đối với Phật giáo là ngoại đạo. Do vì thư trả lời mang tính cách phổ biến, nên chúng tôi xin đổi tựa thành “Phật giáo và Cái Nhìn Đối Với Nhà Ngoại Cảm”.
-Ban biên tập-