Phần 3
C. Ðịnh Học
Phần định học có 3 tiết: tu hạnh tinh tấn, tu tập chánh niệm và tu tập thiền định. Vậy định học được trình bày trong kinh Di Giáo phù hợp với định học trong 8 chi phần của bát chánh đạo: chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định. Thực ra phần Ðịnh học có 2 bước chủ yếu là chánh niệm tỉnh giác và đưa tâm vào thiền định. Tinh tấn là năng lực ắt phải có và đủ xuyên suốt lộ trình tâm lý mà thôi.
I. Tu hạnh Tin Tấn
Từ “Các thầy tỳ kheo, nỗ lực tinh tấn… đó là hạnh tinh tấn”: Ðoạn này nói về tu hạnh tinh tấn, là sự nỗ lực nhiệt tâm để hoàn thành mục đích của mình. Kinh văn dạy:”các thầy tỳ kheo, nỗ lực tinh tấn thì không có việc gì khó khăn. Thế nên các thầy phải thực hành sự nỗ lực tinh tấn”. Nếu không có sự nỗ lực tinh tấn thì không có việc gì thành tựu được, vì vậy tinh tấn là đức tính luôn luôn có mặt trên lộ trình tu tập từ bước đầu tiên cho đến đạt được mục tiêu cuối cùng là giải thoát.
Nói chung tinh tấn là nội dung của tứ chánh cần trong 37 phẩm trợ đạo. Tứ chánh cần là 4 sự nỗ lực tinh cần: nỗ lực tinh cần ngăn ngừa không cho sinh khởi các ác bất thiện pháp chưa sinh, đoạn trừ các ác bất thiện pháp đã sinh. Nỗ lực tinh cần làm phát khởi các thiện pháp chưa sinh, làm tăng trưởng những thiện pháp đã sinh. Ðó là căn bản của tinh tấn. Trên cơ sở đó, tinh tấn trong phần định học, có tác dụng riêng biệt đối với tâm định. Kinh Tăng Chi đức Phật dạy:”này các tỳ kheo có 4 loại tinh cần: tinh cần chế ngự, tinh cần đoạn tận, tinh cần tu tập và tinh cần hộ trì”. Ðức Phật giảng thêm tinh cần chế ngự là nỗ lực tu tập chế ngự 6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, đừng để cho 6 giác quan bị các đối tượng bất thiện lôi kéo mà khởi lên tham ái, ưu bi. Tinh cần đoạn tận là nỗ lực tu tập đoạn trừ những tư duy bất thiện gồm có tham dục, sân hận và hãm hại khởi lên. Tinh cần tu tập là nỗ lực tu tập các pháp môn như 7 giác chi: niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả giác chi. Tinh cần hộ trì là nỗ lực tu tập giữ gìn các định tướng hiền thiện đã có trong tâm. Như vậy là sự tinh cần có mặt trong mọi giai đoạn, mọi pháp môn tu tập. Riêng đối với giai đoạn tu tập thiền định thì tinh tấn chính là tinh cần tu tập để đưa tâm vào định, nghĩa là sự tinh tấn duy trì tâm an trú trên đối tượng, dẫn tâm đến hỷ, khinh an định tâm rồi xả tâm.
Nếu sự tu tập của mình không đủ lực, tức là tinh tấn không có thì tâm định sẽ không có như kinh văn dạy: “Nếu người hành đạo mà hay biếng nhác, phế bỏ thì cũng như kéo lửa chưa nóng mà đã ngừng, dầu thiết tha có lửa, lửa cũng khó có được”.
Vì vậy người tu tập hạnh tinh tấn trong mọi giai đoạn, nhất là trong giai đoạn thiền định thì cần nỗ lực tinh cần tu tập duy trì, an trú tâm vào thiện pháp (hiện tại đang tu) không ngừng nghỉ như gà ấp trứng, sẽ đạt được một cách nhanh chóng mục đích của mình. Như kinh pháp cú, Phật dạy:
“Tinh cần giữa phóng dật
Tỉnh thức giữa quần mê
Người trí như ngựa phi
Bỏ sau con ngựa què” (PC kệ 29).
II. Tu Tập Chánh Niệm Tỉnh Giác
Từ “Các thầy tỳ kheo, cầu thiện tri thức… đó là hạnh không quên chánh niệm”: Ðoạn này nói về công đức chánh niệm, là khả năng chính để đạt định và tuệ. Chánh niệm là cơ sở cho chánh định, nó còn làm cơ sở cho các chi phần khác của bát chánh đạo, cho mọi thiện pháp. Tác dụng của chính chánh niệm là làm ngưng bất thiện pháp, làm an trú thiện pháp và làm cơ sở cho Ðịnh và Tuệ, một khả năng rất bao quát, như trong kinh 40 pháp (Trung bộ kinh) Phật dạy: “ai chánh niệm đoạn trừ tà tư duy, chánh niệm đạt được và làm an trú chánh tư duy. Như vậy là chánh niệm của vị ấy”, với các chi phần cũng như vậy.
Kinh văn Ðức Phật dạy: “Các thầy tỳ kheo, cầu thiện tri thức, cầu thiện hộ trì, cầu thiện hỗ trợ đều không bằng không quên chánh niệm”. Ðiều này xác định rằng chánh niệm là pháp môn quan trọng và có tác dụng lớn. Ðoạn này có 2 vấn đề:
1. Cầu thiện tri thức, thiện hộ trì và thiện hỗ trợ. HT. Trí Quang giải rằng: “Cầu người giúp văn pháp (thiện tri thức), cầu người giúp tư pháp (thiện hộ trì), cầu người giúp tu pháp (cầu thiện hỗ trợ). Tức là cầu người giúp mình văn, tư, tu. Chúng ta cũng có thể hiểu theo ý nghĩa của thiện tri thức. Thiện tri thức có 3 loại: giáo thọ thiện tri thức, đồng hạnh thiện tri thức và ngoại hộ thiện tri thức. Cầu thiện tri thức là mong cầu về tri thức, người khác giúp ta hiểu biết về giáo pháp tương đương với giáo thọ thiện tri thức. Cầu thiện hộ trì là mong cầu người khác giúp ta tu tập tương đương đồng hạnh thiện tri thức, cùng tu cùng chia xẻ kinh nghiệm và nâng đỡ mình. Cầu thiện hỗ trợ là mong cầu người khác hỗ trợ ta tu tập tức là tạo điều kiện thuận lợi về mặt vật chất như thực phẩm, áo quần, giường chiếu, dược phẩm…, tiện nghi của đời sống, tương đương với ngoại hộ thiện tri thức. Một người muốn tu tập tốt phải có sự giúp đỡ của 3 hạng thiện tri thức này. Ðây là những đối tượng mong cầu của người xuất gia.
2. Không bằng không quên chánh niệm, mong cầu các điều kiện thuận lợi cho sự tu tập chỉ là những trợ duyên bên ngoài, có thể giúp ta đạt được những kết quả nhất định, nhưng không bằng nương tựa vào khả năng chánh niệm của chính mình, năng lực chánh niệm sẽ làm cho định lực và tuệ giác phát huy, năng lực ấy có sẵn trong tự thân của mỗi người. Kinh Trường Ahàm đức Phật dạy: “Này Anan, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác. Hãy tự mình nương tựa chính mình, nương tựa với chánh pháp, đừng nương tựa một pháp nào khác”. Ðức Phật dạy thêm: nương tựa với chánh pháp nghĩa là vị tỳ kheo lo quán sát thân thể nơi thân thể, cảm thọ nơi cảm thọ, tâm ý nơi tâm ý, đối tượng tâm ý nơi đối tượng tâm ý. Nghĩa là thực hành quán niệm về 4 lãnh vực tức là tứ niệm xứ. Tứ niệm xứ chính là nội dung của chánh niệm tỉnh giác, đây là bước thứ 5 trong đạo lộ tuần tự tu tập của Phật giáo.
Pháp môn chánh niệm đóng vai trò quan trọng trong lộ trình tu tập. Trong bát chánh đạo, chánh niệm là nền của định tuệ, thất giác chi, chánh niệm được đặt hàng đầu và tứ niệm xứ là đối tượng của chánh niệm. Trước hết mình đừng phóng tâm đuổi theo trần cảnh, mình quay lại chính mình lấy lại quyền tự chủ, tự chủ thân thể, tự làm chủ các cảm thọ, tư duy và đối tượng của tư duy. Nhờ chánh niệm tỉnh giác ta thấy rõ hoạt động của thân thể và của tâm lý, ta có thể chuyển hóa từ thác loạn thành ổn định, vững chãi, từ ô nhiễm thành thanh tịnh, từ đau khổ thành hạnh phúc, từ sanh tử thành niết bàn. Con đường chánh niệm tỉnh giác là con đường duy nhất để đạt được mục tiêu tối hậu, kinh Tứ Niệm Xứ (Trung bộ) Phật dạy: “Ðây là con đường duy nhất để giúp chúng sinh thực hiện thanh tịnh, vượt thắng phiền não, tiêu diệt khổ ưu, đạt tới chánh đạo và chứng nhập niêt bàn, đó là con đường của 4 phép an trú trong quán niệm”
Tác dụng của chánh niệm có 3:
1. Nhờ hạnh chánh niệm mà các tâm lý tham dục, sân hận, si mê, đố kỵ được dừng lại, sự kích thích các tâm lý bất thiện không sinh khởi, phiền não khổ ưu không có cơ hội phát triển và xâm nhập như kinh văn dạy: “không quên chánh niệm thì giặc phiền não hết cách xâm nhập tâm trí” có khả năng làm cho phiền não không xâm nhập, kinh pháp cú Phật dạy:
“Như ngôi nhà khéo lợp
Mưa không xâm nhập vào
Cũng vậy tâm khéo tu
Tham dục không xâm nhập” (PC kệ 14)
2. Nhờ chánh niệm mà giữ gìn và an trú các thiện pháp, giữ được các công đức. Kinh văn dạy: “Mất chánh niệm là mất công đức”. Công đức do đoạn trừ bất thiện, do phát triển thiện, do tâm thanh tịnh, do định lực viên mãn, đó là những công đức nhờ vào chánh niệm mà được giữ gìn và an trú. Sự tỉnh giác đối với các hoạt động tâm ý không còn thì các công đức ấy tán thất, phóng dật sẽ sinh và bất thiện pháp có mặt.
3. Nhờ chánh niệm mà tâm hồn được vững chãi, được an ổn có thể làm việc, sinh hoạt như mọi người mà không bị ô nhiễm, phiền não tác động chi phối. Kinh văn dạy: “Nếu chánh niệm có sức lực vững mạnh thì dầu vào trong đám giặc ngũ dục cũng không bị chúng sát hại, tựa như tướng sĩ lâm trận mà mặc áo giáp lát đồng thì không còn sợ hãi gì nữa”. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn là đặc tính của hoa sen, gần ngũ dục phiền não mà không bị ngũ dục và phiền não tác động làm hại là đặc tính của chánh niệm tỉnh giác.