Bát Chánh Đạo Con Đường Đến Hạnh Phúc – Bước 5

CHÁNH NIỆM VỀ CHÁNH MẠNG

Chấp nhận rằng công việc ta làm là một khía cạnh của việc thực hành tâm linh thì không dễdàng. Nhiều người tách bạch công việc họ làm ra khỏi đời sống tâm linh của họ.Tuy nhiên, khi ngồi xuống gối thiền, quán sát những hành động trong quá khứ,chúng ta phải thừa nhận rằng công việc ta làm chính là hành động của ta, ngay cả khi đó là theo lệnh chủ hay do công việc đòi hỏi. Nói dối thì vẫn là nói dối, dầu ta được trả tiền để làm điều đó. Chúng ta phải chịu trách nhiệm vềnhững gì ta nói hay làm ngay trong kiếp sống này hay trong tương lai. Vì thế chúng ta phải tuân giữ đạo đức trong công việc làm cũng như đối với các hành động khác. Như với Chánh Ngữ và Chánh Nghiệp, Chánh Mạng cũng đòi hỏi chúng ta phải luôn thanh lọc hành động của mình, dầu là ở nhà hay ở sở làm.

Ngay cả khi công việc của chúng ta được coi như là Chánh Mạng, mỗi ngày làm việc, ta cũng cần luôn quan tâm đến những vấn đề đạo đức khi chúng phát sinh. Ta phải ý thức rõ ràng về năm giới và cẩn thận gìn giữ để đừng bao giờ phạm giới. Những vấn đề đạo đức không nằm trong năm giới, đòi hỏi chúng ta phải suy xét xem ta có thể chịu đựngđược hậu quả hành động của chúng không.

Khi sự thực hành thiền chánh niệm của ta đã tiến bộ nhiều, ta có thể trở nên kiên nhẫn và bình tĩnh hơn đối với những hoàn cảnh mà trước đây ta không thể chấp nhận, và ta có thể bằng lòng đối với bất cứ công việc chân chính nào. Điều quan trọng nhất cần ghi nhớ là công việc làm không được ảnh hưởng đến khả năng tiến bộ tâm linh của chúng ta. Khi chúng ta không gây não hại cho bản thân bằng cách phạm giới hay tham gia vào những hoạt động ảnh hưởng đến đạo đức, thì tâm ta sẽ được bình an, tự tại. Với tâm bình an, tự tại, dĩ nhiên là ta có thể tiến bộtrên đường đạo. Khi đã dẹp được các chướng ngại, ta chỉ cần bước tới.

Điều này có thể được so sánh với cách chúng ta sinh tồn. Khi đói, ta ăn. Khi khát, ta uống. Ta mặc áo ấm khi trời lạnh. Ta phòng ngừa bệnh hoạn. Ta tránh những hànhđộng và hoàn cảnh đem lại nguy hiểm cho thân. Nhưng chúng ta không rêu rao: “Tôi phải sống, tôi phải sống!” Nếu ta đã cung cấp đủ các nhu cầu căn bản, thì thân tự động sẽ duy trì được cuộc sống. Tương tự, trong Chánh Mạng, trách nhiệm duy nhất của chúng ta là tránh làm hại cho bản thân và cho người,để ta có thể giữ được tâm bình an, thanh tịnh. Với tâm tự tại, chúng ta có thể hành thiền và tiến bước trên con đường đến hạnh phúc, theo dấu chân Phật.

Nếu muốn tiến nhanh hơn nữa, ta có thể tìm những việc làm hay nghề nghiệp có thể vun trồng, giúp ích thêm cho sự tu tập của ta, và thúc đẩy ta thêm tinh tấn. Một công việc như thế sẽ tạo ra những hoàn cảnh để thử thách các khuyết điểm của ta, qua đó ta có thể tu sửa nhưng không tạo ra quá nhiều áp lực và tránh đặt ra những vấn đề mà trước mắt chúng ta không chuẩn bị để đối phó. Thí dụ, một ngườiđang cố gắng để vun trồng các trạng thái tâm định vi tế hơn, thì công việc thích hợp nhất là làm những việc cố định, dễ dàng, không phải động não nhiều. Trái lại, người muốn vun trồng kiên nhẫn có thể phát triển trong một công việc đòi hỏi phải đối đầu với người khó tính hay hoàn cảnh khó khăn.

Trong lúc tọa thiền, hãy dành chút thời gian áp dụng phương pháp tự vấn ba bậc như đã nói ởtrên để đánh giá xem công việc hiện tại của ta góp phần như thế nào vào Chánh Mạng. Từ đó, ta có thể quyết định xem công việc ấy có cần sửa đổi gì thêm cho tốt hơn. Hãy tự hỏi xem hiện tại ta có thể làm gì để công việc của ta trở nên ích lợi hơn cho bản thân và cho người.

TÓM LƯỢC VỀ CHÁNH MẠNG

Đây là nhữngđiểm chánh yếu cần ghi nhớ về Chánh Mạng:

• Phương tiện kiếm sống của chúng ta không được ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm linh của ta.

• Chúng ta có thể đánh giá xem một nghề nghiệp có được coi là chánh mạng không bằng phương pháp khảo sát ba cấp bậc.

• Ở bậc đầu tiên, ta xét xem nghề nghiệp đó tự nó có tai hại cho người hay cho bản thân không.

• Ở bậc thứ hai, ta xét xem công việc đó có khiến ta phải phạm vào một trong năm giới luật không.

• Cuối cùng, ta xét xem các yếu tố khác liên quan đến công việc có làm cho tâm khó an tịnh không.

• Tâm từ bi có thể đem lại ảnh hưởng tốt cho một hoàn cảnh công việc khó khăn.

• Nếu ta không chủ tâm làm hại ai, tâm ta sẽ không bị uế nhiễm bởi những hậu quả tiêu cực của công việc.

• Chánh Mạng là mục tiêu tối hậu phải đạt được khi công phu tu tập của ta đã tiến triển.

Theo Dấu Chân Phật – Eight Mindful Steps to Happiness Walking the Buddha’s Path – Tác Giả: Thiền Sư Bhante Henepola Gunaratana
Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh – Vu Lan 2007 @ 2001 Henepola Gunaratana
ISBN o-86171-176-9 Sách được dịch với sự cho phép của Thiền Sư H. Gunaratana và NXB Wisdoms Publications

http://thuvienhoasen.org

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.