Lễ Quán Đảnh: Ý Nghĩa Và Thực Chất

Trong Mật giáo có nói rằng cần phải được quán đảnh trước khi thực hành giáo pháp. Chẳng lẽ các tông phái khác của đạo Phật không có hình thức này liệu họ không thể tu hành đắc quả? Nghi vấn này xuất hiện bởi vì người ta đặt nặng vấn đề hình thức của quán đảnh. Thực chất của quán đảnh cần được hiểu theo nguyên nghĩa mới có thể rộng mở cánh cửa Mật thừa.

Về các tông phái khác ở đây không dám lạm bàn vì họ có những phương tiện thiện xảo riêng. Song, phải xác quyết rằng trong thực hành Mật giáo cần phải được làm lễ quán đảnh hay còn gọi là lễ truyền pháp. Quán đảnh tiếng Tạng là “dbang bskur”, tiếng Phạn là “abhiseka” (nghiã đen: rải nước trên đảnh đầu), nhưng tựu chung hàm ý là sự cho phép nghe, nghiên cứu và thực hành giáo lý Kim cương thừa. Tuy vậy, đừng nên hiểu hạn hẹp về việc cho phép xảy trong những lễ nghi trang trọng, trong không khí trang nghiêm của hội chúng đông đảo, diễn ra tại một tự viện nào đó. Thực ra, việc này diễn ra trong một buổi lễ có thể hết sức phức tạp hoặc cũng có thể hoàn toàn đơn giản (chú thích của tác phẩm “Lời Vàng Của Thầy Tôi”). Sở dĩ diễn trình khác nhau như nói trên là vì tính chất quán đảnh khác nhau, tùy vào trình độ tâm linh của người thọ pháp. Do đó có thể hiểu theo nghĩa đơn giản thì lễ quán đảnh tức là sự cho phép. Thế thôi!

Trong luận giải nổi tiếng của mình “Đèn Soi Nẻo Giác”, đạo sư Atisha gọi đó là pháp “Đạo sư gia trì”. Ngài viết trong thi kệ 62:

Muốn thọ pháp “Đạo sư gia trì”
Thì phải tìm một vị thầy thánh thiện
Rồi hầu hạ, cúng dường phẩm vật
Và tuân phục để làm hài lòng vị ấy.

Gia trì pháp ở đây Ngài giải thích là “sự cho phép”. Ai cho phép? Vị thầy của mình cho phép. Có một ông già 61 tuổi, hầu hạ đại sĩ Liên Hoa Sanh trong suốt một năm, trước khi đại sĩ lên đường, ông ấy cúng dường một bông hoa bằng vàng và được Ngài cho bài học về phương pháp “Chỉ thẳng cây gậy”. Đơn giản đó là lễ quán đảnh, không một hình thức rườm ra nào khác. Trong 12 năm hầu hạ thầy mình là Tilopa, một hôm Naropa được thầy bảo “Bây giờ đã đến lúc truyền pháp. Hãy dâng cho ta một mandala!” Ở chốn hoang vu không có gì, Naropa chỉ còn cách tiểu tiện lên cát rồi nhào nặn thành mandala thô sơ. Tilopa chấp nhận rồi làm lễ gia trì lực bằng cách đập cái mandala đó lên đầu đệ tử rồi bỏ đi mất. Đây cũng là một lễ quán đảnh! Điều này có nghĩa là lễ quán đảnh không phụ thuộc vào hoàn cảnh phụ trợ bên ngoài, mà chính là tâm thế thọ nhận của người trò.

Lạt ma Thubten Yeshe cũng với ý đó khi viết trong tác phẩm “Mật giáo nhập môn”: “Chúng ta không nên bận tâm với hình thức bên ngoài của lễ truyền pháp (tức là lễ quán đảnh) như tụng niệm, cầu nguyện, đánh chuông và những thứ khác. Điều cần hiểu là ý nghĩa bên trong rất quan trọng. Đó là một cuộc truyền thông đặc biệt giữa thầy và trò, và do đó vừa tùy thuộc vào khả năng của vị thầy, vừa tùy thuộc vào sự mẫn cảm, cũng như trình độ tâm linh của đệ tử…”

Trong trường hợp không gặp được vị thầy là loài người thì “terma” (bảo tạng mật), kinh luận Mật giáo cũng được xem như nhận được truyền pháp nếu người trò ở trong hoàn cảnh trên, và lòng tha thiết tu tập Mật giáo. Bởi lẽ, trong “terma”, đại sĩ Liên Hoa Sanh đã hứa khả những ai được gặp sẽ có 3duyên thực hành giáo lý ấy (chẳng hạn như “Giáo lý Dakini)”. Trong Giáo lý Dakini (Thánh nữ kinh) đại sĩ Liên Hoa Sanh khẳng định rằng dù Ngài theo học nhiều vị thầy trong 3.600 năm, đã cầu xin nhiều Giáo lý, nhận những lời dạy, đã học và dạy, đã thiền định và thực hành, thế mà Ngài không gặp giáo lý nào sâu xa hơn Giáo lý này. Trong đó, Ngài khẳng định “Năm điều cần thiết” khi thực hành giáo pháp không ghi là phải nhận lễ quán đảnh (trang 144), Ngài lại nói: “Khi đã gặp người may mắn, nguyện Giáo lý này được thực hành” (trang 239), hoặc “Nguyện Giáo lý này sẽ gặp được những người xứng đáng và có cơ duyên” (trang 165). Điều đó có nghĩa là ai đã gặp (tức là có được Giáo lý này) thì có quyền được phép thực hành.

Lại nữa, trong tác phẩm “Biển huyền diệu” của mình, Ngài Jigmed Terpai Nyima (1865-1926) cho biết, để hóa giải những chướng ngại vào những thời kỳ Giáo pháp bị gây chướng ngại, Liên Hoa Sanh đại sĩ ban phước cho những vị khai mật tạng (terton) thành tựu xuất hiện để khám phá những giáo lý dạy cách thực hành tu tập về những vị thần trí tuệ, những thần chú và nghi thức, vào đúng lúc giống như cho đúng thuốc để chữa lành những căn bệnh khác nhau. Cứu độ cho những ai không biết cách tự cứu mình là một trong những mục đích quan trọng của terma (bảo tạng mật). Điều đó có nghĩa là gì? Là khi ai được gặp Giáo lý này tức là đã nhận lễ quán đảnh (hiểu theo cách đơn giản nhất). Đây cũng là lời Phật di giáo trước khi nhập diệt là đời sau người tu phải tôn giới luật làm thầy, lấy kinh điển ấn chứng trong trường hợp không tìm thấy thiện tri thức loài người.

Kinh sách Mật giáo thường nói rằng mọi thành tựu đều nhờ nương tựa vị thầy tâm linh, có nghĩa là người đủ tư cách truyền pháp (quán đảnh), cho phép ta tu tập giáo pháp. Song, vì để 4xóa đi nghi vấn đặt nặng hình thức quán đảnh từ vị thầy nên tôi trích lời dạy của lạt ma Yeshe để kết thúc bài này: “…chúng ta phải hiểu rằng Guru có hai lớp nghĩa khác nhau.

Vị Guru khách quan, tương đối là vị thầy truyền thông với chúng ta bằng nhiều cách, trực tiếp hoặc gián tiếp. Ở lớp chủ quan hơn và sâu xa hơn, vị Guru chính là trí huệ nội tại của mình, sự trong sáng căn bản từ chơn tâm của chính mình.

Trong thực tế vị thầy bên ngoài, tương đối chỉ có thể giúp chúng ta tới mức độ nào đó, chứ không thể bảo đảm chúng ta sẽ đạt trí huệ và thành tựu. Nhưng vị thầy nội tâm, tức trí huệ bổn nguyên, có khả năng thành tựu bất cứ mục tiêu nào.”

Nguyên Thành (2008)

http://www.vietnalanda.org/Writings/Le%20Quan%20Danh_%20Y%20Nghia%20va%20Thuc%20Chat_NguyenThanh_2008.pdf

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.