Đi Chùa

– Hôm nay con không đưa me đến chùa Phật Đà được, con có một cuộc họp phụ huynh trong gia đình Phật tử, me ở trong chùa Sri Lanka theo Phật giáo nguyên thủy gần đó chuyên về thiền, trưa con đón me.

Con gái cho tôi xuống ngay cổng chùa rồi lái xe đi. Tôi bước vào chùa men theo lối nhỏ dành cho khách bộ hành, kế bên đường lớn với hai lằn xe xuôi ngược có hai hàng cây to rợp bóng, không khí buổi sáng trong lành dễ chịu, gió mát rượi, ánh nắng chan hòa trên mặt đất, lá cây lấp lánh dưới ánh mặt trời, tiếng chim hót xa xa.

Đó là ngôi chùa nhỏ rất đơn giản, không chạm trổ cầu kỳ như chùa người Hoa, chính giữa một phòng lớn làm chánh điện, hai bên là phòng làm nơi sinh hoạt chứa nhiều bàn ghế và phòng có rất nhiều người, nhất là trẻ em, có bé bò cả dưới sàng, hình như họ đem cả gia đình đến chùa ngày chủ nhật.

Chánh điện chỉ có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni màu trắng trong tư thế ngồi thiền, hai bình hoa lan trắng để hai bên, thật đơn giản nhưng trang nghiêm và sang trọng.

Bồ đoàn của thầy trụ trì để phía trên, chừa lối đi giữa hai dãy bồ đoàn cho Phật tử ngồi và hai dãy ghế đặt sát vách tường.

Một tiếng chuông đánh lên tất cả đều vào chánh điện, bên nguyên thủy đều mặc đồ trắng, trừ một số mặc áo tràng lam như Phật tử đi chùa Việt Nam và một nhóm người trẻ thì mặc tự do.
Nam ngồi một bên, nữ một bên, nhiều người ngồi trên ghế.

Trước khi bắt đầu buổi lễ có một cô cầm micro ra nói 3 thứ tiếng Sri Lanka, Anh và Việt.

Cô nói ai không ngồi bồ đoàn được thì lên ghế ngồi, cô sẽ hướng dẫn cách ngồi thiền.
Có ba cách ngồi.

1/ Ngồi trên ghế. Lưng phải thẳng không được dựa vào ghế. Hai chân chấm đất, bàn chân để thẳng không được gạt chéo lên nhau, tay để trên đùi hay buông thõng theo thân cũng được.

2/ Ngồi bán già, hai chân xếp bằng lại, một chân để trên một chân để dưới, miễn thấy thoải mái, hai tay để trên đùi, bàn tay mặt để trên bàn tay trái, đầu ngón tay cái đụng nhau.

3/ Ngồi kiết già. Hai chân xếp bằng bắt chéo lên, hai bàn chân để trên đùi, bàn tay mặt để trên bàn tay trái, đầu ngón cái đụng nhau.

Tất cả 3 cách ngồi thiền, lưng phải thẳng, mắt nhìn xuống khép lại hai phần, không được nhắm luôn vì coi chừng hôn trầm, thở ra biết mình thở ra, hít vào biết mình hít vào, ngắn dài tuỳ theo mỗi người, quan trọng là khi vọng niệm khởi lên đừng theo nó, đừng cuốn lên, đừng cố đè nó, đừng hoãng hốt, mà bình tỉnh, nhìn nó, thương nó, ôm ấp nó, theo dõi nó, vọng niệm tự nhiên biển mất, cứ như vậy tự nhìn tâm mình, tự mình làm chủ mình, tâm lúc nào cũng sáng suốt trong lành.

Tất cả ngồi trong im lặng, ai cũng tự theo dõi tâm mình, một niệm khởi lên là biết, mĩm cười nhìn nó.

Một tiếng keng báo giờ ngồi thiền đã hết, theo sự hướng dẫn, tất cả đều xoa đầu, mặt, lưng, tay, chân, trước khi đứng dậy, tất cả đều lạy xuống 3 lạy và đi ra.
Tôi khen một bà Phật tử:
– Chị ngồi thiền đẹp quá, lưng thẳng, tôi mới biết ngồi nên nhút nhít hoài.
– Tôi cũng nhờ ông xã chỉ cho. Đây là ông xã tôi, nổi tiếng ngồi thiền đẹp nhất trong tù.
– Ngồi thiền trong tù ?
Ông xã của bà Phật tử cười:
– Dạ, xin chào chị, tôi xin kể chuyện ngồi thiền trong tù cho chị nghe.

– Dạ, xin mời anh. Miệng nói mà đầu óc tôi đang nghĩ, đây là người đàn ông mà thời bây giờ họ gọi là người mẫu, thời xưa thì đẹp như vầy, chỉ có người hùng Không Quân thôi, đầu anh cạo trọc nhìn còn trẻ và khỏe lắm, chắc thua tuổi tôi xa vì người vợ cũng trẻ quá.

– Tôi ở tù miền Bắc trước 75, trại chúng tôi được một anh biệt kích dù dạy cách ngồi thiền và nhịn đói để vượt qua những khó khăn. Để giữ vững tâm mình, chúng tôi được dạy cách nói chuyện bằng ra dấu như người câm, trại những người Mỹ và nhiều người đồng minh cách chúng tôi một hành lang nhỏ nhưng 24 trên 24 lúc nào cũng có người canh. Chúng tôi muốn chia xẻ cách ngồi thiền cùng họ, vì hoàn cảnh này chỉ có ngồi thiền mới đưa tâm mình đến chỗ bình yên, không coi trọng những giá trị bên ngoài nữa, tạm ngưng tranh đấu, bình thản, tùy nhân duyên thích hợp hội tu lại.
Cách tập:
Bên phòng người Việt một người ngồi, một người đứng.
Bên phòng người Mỹ cũng một người ngồi và một người đứng.

Bên Việt người đứng ra dấu dạy cách thức ngồi, mắt, lưng, tay, chân và cách hít thở, cách theo dõi hơi thở, nhìn vọng niệm nỗi lên. Và một người ngồi làm mẫu.

Bên phòng Mỹ, người đứng nhận những dấu hiệu, chỉ lại cho người đang ngồi làm theo, đồng thời nhìn người mẫu bên Việt coi mình chỉ lại có đúng không.

Cứ như thế chúng tôi dạy bên trại bạn đồng minh, một tháng sau tất cả những người bạn đã thuần về thiền, tự biết theo dõi vọng niệm, tâm ai cũng bớt đau khổ, chấp nhận hiện tại.

Ngày trước những giờ phải nghe giảng, buổi họp kiểm thảo, lúc chưa biết thiền thì buồn chán như cực hình, nhưng từ khi biết sống chính mình thì những gì xảy ra bên ngoài không còn ảnh hưởng, cả những lời xỉ vả, chửi mắng, nhục mạ, hăm dọa.

Chị biết không khi được trở về đời sống tự do, một số đã chính thức xuất gia, phần đông người Mỹ theo bên phái Tây Tạng vì bên đó biết tiếng Anh.

– Các anh làm cách nào mà tâm yên được mau vậy ?

Thái độ phải ngưng tranh đấu và bình thản, ấy là nhân duyên quan trọng để kết nối với những nhân duyên tốt đẹp khác, đừng nôn nóng mong được thiền giỏi hay thần thông gì cả.

Muốn thành tựu một việc gì phải hội tụ hàng triệu nhân duyên, thiếu một nhân duyên thì không thế thành tựu được.

– Các anh giỏi quá, xin thán phục, đúng là có Phật ở trong tim nên ở trong hoàn cảnh nào cũng tin Phật.
– Vợ tôi chắc tuổi nhỏ hơn chị, tôi có lẻ bằng hay hơn chị.
– Đừng đùa, tôi hơn 75 rồi đó.

– Vậy tôi bằng tuổi chị. Tuần sau chúng ta gặp nhau, hôm nào mời cả gia đình anh chị đến nhà vợ chồng tôi chơi, để tìm lại hơi ấm của tình đồng hương, cũng để các cháu hít thở không khí tươi mát của đồng quê nước Úc.

Ba cõi phù du mây thu bay .
Sinh tử khác nào vũ điệu say
Chúng sinh mạng mỏng như chớp lóe.
Trôi nhanh như thác đổ non ghềnh.
(kinh Phổ Diệu)

Diệu Ngọc

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.