Chiều về, những tia nắng vàng nhạt yếu ớt le lói như còn vương vấn luyến lưu cùng cảnh vật. Hoàng hôn từ từ buông xuống bao phủ cả không gian tĩnh mịch. Ngôi chùa cũng đang chìm dần vào trong bóng tối. Tiếng đại hồng chung ngân vang như xé tan bầu không khí đang trầm lắng. Đó là báo hiệu cho mọi người chuẩn bị hành lễ của thời khóa tịnh độ tối. Nhang đèn trên các bàn Phật đã được thắp sáng. Hai người đứng nghiêm trang trước bàn thờ Tổ. Ba tiếng chuông ngân lên, rồi tiếp theo là một hồi khánh dài. Tất cả đồng xá hòa chúng và rồi mỗi người lặng lẽ từ từ bước lên trên chánh điện.
Thời tịnh độ tối bắt đầu. Nhà sư rảo bước vòng quanh dưới mái hiên chùa. Thỉnh thoảng, người đưa mắt nhìn xuyên qua khung cửa sổ, như để theo dõi hai đệ tử của mình. Nhà sư nổi tiếng là người rất nghiêm nghị. Đời sống của người rất đơn giản. Người hành trì giới luật rất tinh nghiêm. Dáng người trông có vẻ hơi gầy, nhưng vẫn còn tràn đầy sức sống. Người rất hiền hòa nói năng chậm rãi từ tốn. Vì thế, nên các đệ tử và bổn đạo trong làng rất yêu thương kính mến. Nhà sư bước đi khoan thai chậm rãi đến gốc cây tùng và ngồi trên một băng đá. Màn đêm bao phủ càng lúc càng chìm sâu dần. Thỉnh thoảng một vài cơn gió mát nhẹ thoảng qua, gây cho người một cảm giác thoải mái rất dễ chịu. Người ngồi yên ổn như để thiền quán sâu sắc vào một vấn đề gì đó…
Chung quanh chùa có nhiều tàn cây cành lá sum suê mát mẻ. Phong cảnh rất nên thơ hữu tình ngoạn mục. Phía trước sân chùa là một vườn cây kiểng đủ loại. Những cây kiểng nầy phần lớn là do bổn đạo hiến tặng. Nhà sư là người khéo tay và có đầu óc thẩm mỹ. Vì thế, nên người chăm sóc vườn kiểng trông rất là đẹp mắt. Phía sau chùa là một miếng rẫy rộng lớn. Nơi đó, trồng nhiều loại rau trái. Nhờ miếng rẫy nầy mà tăng chúng trong chùa đủ chi dụng quanh năm.
Từ ngoài lộ đá đi vào chùa, đường đi rất là ngoằn ngoèo quanh co. Một con đường lộ đất chỉ vừa đủ một chiếc xe nhỏ chạy vào. Hai bên đường vào chùa toàn là những cây cối mọc chằng chịt đan nhau um tùm.
Ngôi chùa nằm sâu trong rừng đồi, cách xa làng xóm. Do đó, nên ít có người lai vãng viếng thăm. Chỉ có vào những ngày lễ lớn thì mới có nhiều Phật tử đến chùa thắp hương lễ bái. Vì thế, mà ngôi chùa thật là yên tĩnh vắng vẻ. Trong chùa, ngoài một cụ bà chuyên lo quét dọn, nấu bếp và đóng đại hồng chung ra, còn có ba thầy trò. Một nhà sư trụ trì và hai người đệ tử. Hai người đệ tử trong lứa tuổi thanh xuân. Cả hai trông rất khỏe mạnh. Vị lớn pháp danh là Huệ Văn. Vị nhỏ pháp danh là Huệ Minh. Chú Huệ Minh chưa thọ cụ túc giới, tức giới Tỳ kheo. Huệ Văn lớn hơn Huệ Minh độ vài tuổi. Vì thầy Huệ Văn vào chùa xuất gia sớm hơn, nên sư phụ đã cho thầy thọ giới cụ túc vào lúc thầy được hai mươi bốn tuổi.
Huệ Văn sanh ra và lớn lên ở thành phố. Cha mẹ thầy rất khá giả. Thầy có bốn anh em mà thầy là người anh cả. Thầy đang học đại học năm thứ hai về ngành y khoa. Trong lúc đang học, bỗng xảy ra một biến cố rất đau thương là người mẹ sau cơn bạo bệnh đã qua đời. Thầy rất đau buồn! Trong lúc đang buồn khổ, tình cờ thầy gặp một nhà sư đang hóa duyên. Như đã có nhân duyên tình thầy trò trong nhiều đời, nên thầy đến bên nhà sư bày tỏ nỗi lòng đau khổ mà thầy vừa mới mất mẹ!
Nhà sư thấy thế rất cảm thương cho thân phận của người thanh niên xấu số bất hạnh. Nhân đó, nhà sư giải bày an ủi và nói rõ về định luật vô thường Phật dạy. Một định luật mà xưa nay không ai tránh khỏi. Sau khi nghe giải bày cặn kẽ, chàng thanh niên cảm thấy như có một tia sáng rọi vào tâm tư của chàng. Chàng cảm nhận cuộc đời nầy, rồi ra ai cũng phải chết. Đời sống tranh đua hơn thua giành giựt cấu xé với nhau, để rồi cuối cùng ai cũng phải từ giả mọi người thân thương của mình mà ra đi. Một cuộc ra đi hành trình đơn độc. Như vậy, đời sống rốt lại cũng chỉ là “của thiên trả địa” thôi sao? Chả lẽ suốt cả cuộc đời chỉ biết loay hoay trong cái vòng lẫn quẩn đó? Thật là phi lý làm sao?! Phải có cái gì cao đẹp hơn nữa chớ. Chàng trầm ngâm suy tư cho kiếp sống. Nếu đời sống chỉ có giải quyết ngần ấy việc, thì sống để làm gì? Thật là vô vị quá! Đó là những dòng suy tư và những câu hỏi luôn xoáy mạnh trong tâm tư của chàng.
Qua cái chết của người mẹ hiền, người mẹ mà chàng thương yêu nhất trên đời. Đó là một biến cố xảy ra rất lớn trong đời chàng. Hôm nay, có duyên lành lớn, được nghe những lời giải bày của nhà sư, nên chàng như vơi đi bao nỗi ưu phiền mà từ khi mẹ chàng mất đến giờ, chàng luôn ôm ấp mang nó nặng trĩu trong lòng. Nay chàng cảm thấy như trút đi gánh nặng ngàn cân và có phần hồi tâm tỉnh thức. Quả đó phải là người có nhân duyên gieo trồng hạt giống Phật pháp sâu dầy trong nhiều đời mới có thể có được.
Trở về nhà, suốt đêm hôm đó chàng trằn trọc suy tư không chợp mắt. Đầu óc của chàng cứ mãi nghĩ đến lời giảng giải của nhà sư về lý vô thường Phật dạy. Vì là người có trình độ học vấn khá, nên sự nhận thức của chàng rất là sâu sắc. Sau vài ngày suy tư chín chắn, chàng quyết định tìm đến nhà sư đã gặp hôm trước để xin xuất gia. Chàng xin phép người cha cho chàng đi tu. Lúc đầu, người cha tỏ ra giận dữ không đồng ý. Nhưng chàng cố quyết năn nỉ xin cho kỳ được. Chàng đưa ra nhiều lý lẽ để giải thích thuyết phục. Cuối cùng, người cha cũng đành phải chấp nhận. Thế là chàng khăn gói lên đường để tìm vị sư mà chàng cảm thấy như có duyên sâu đậm trong nhiều đời.
Đến nơi, chàng trình bày mọi việc và xin được xuất gia. Lúc đầu, nhà sư không chấp nhận, vì cho rằng sự quyết định đó của chàng có hơi vội vả. Có thể đó là do một tâm tư bồng bột thiếu suy nghĩ kỹ càng. Nhà sư nói với chàng:
-Nguyện vọng xuất gia của con thì thầy không có ý ngăn cản. Nhưng thầy chỉ muốn con nên suy xét kỹ lại. Hiện giờ con là một sinh viên đang theo học ngành y khoa. Thầy muốn con nên trở về nhà cố gắng theo học cho đến khi tốt nghiệp. Chừng đó con có thể ra hành nghề cứu đời giúp người. Như vậy có phải là tốt hơn không? Nhà sư trầm ngâm vài giây rồi nói tiếp:
Con nên biết, chuyện xuất gia không phải là chuyện dễ dàng, vì nó rất hệ trọng cho cả cuộc đời của con sau nầy. Hơn nữa, đời sống của người xuất gia không phải tầm thường. Vì đó là cả một chí nguyện lớn lao siêu trần đạt đạo. Trước mắt là phải chịu cực chịu khổ, thức khuya dậy sớm hành trì lễ bái. Theo thầy, con không nên có quyết định hấp tấp vội vả, mà sau nầy phải hối hận.
Dù có những lời lẽ phân trần lý lẽ xác đáng chân thật của nhà sư, nhưng chàng vẫn khư khư một mực quyết tâm giữ vững lập trường và cố nài nỉ khẩn cầu van xin cho kỳ được. Chàng nói bằng giọng nói hiền từ nhưng ngầm chứa đựng ý tưởng dứt khoát:
-Kính bạch thầy, qua những lời khuyên bảo phân tích của Thầy, thật con vô cùng cảm kích và cám ơn Thầy. Nhưng thưa Thầy, trước khi con đến đây, con cũng đã suy nghĩ rất kỹ. Cả đêm, con trằn trọc suy tư không thể ngủ được. Con nghĩ, sau nầy con có ra trường làm bác sĩ, thì con cũng chỉ trị được thân bệnh mà thôi, chớ con không thể nào trị được tâm bệnh. Chi bằng, Thầy cho con xuất gia học đạo, sau nầy con có thể vừa trị được thân bệnh mà cũng vừa trị được tâm bệnh. Như vậy, không phải có lợi hơn sao? Như Thầy đã có nói, trị được tâm bệnh mới là điều quan trọng. Khi dứt được tâm bệnh, thì thân bệnh cũng theo đó mà không còn. Vậy nay đây, con kính xin Thầy từ bi hoan hỷ dũ lòng thương xót chấp nhận cho con được tròn sở nguyện. Nói đến đây, chàng sụp xuống đảnh lễ nhà sư ba lạy như để mong người chấp nhận.
Nhà sư thầm nghĩ, mình định dùng lý lẽ nói hơn thiệt cho nó hiểu, không ngờ nó lại thuyết phục mình. Thôi thì, đành phải chấp nhận cho hắn được toại nguyện. Thế là một buổi lễ xuất gia thật đơn giản chỉ có hai thầy trò làm lễ thế phát trên chánh điện.
Từ đó hai thầy trò chung sống hủ hỉ sớm hôm với nhau. Tình nghĩa thầy trò ngày càng sâu đậm. Vốn có trình độ học thức sẵn, nên thầy Huệ Văn sau khi thế phát xuất gia không bao lâu, thầy đã học thuộc làu hai thời khóa tụng. Thầy được nhà sư quan tâm dạy dỗ rất chu đáo, nên thầy khá giỏi giáo lý. Ngoài hai thời khóa tụng niệm sáng tối ra, những bộ kinh điển căn bản khác, thầy đều lần lượt học hết. Thầy có trí nhớ dai rất tốt.
Còn chú Huệ Minh vào chùa sau Huệ Văn một năm. Hoàn cảnh của chú thật lắm tang thương bi đát. Chú đã mồ côi cha từ thuở nhỏ. Chú vừa tròn ba tuổi thì đã mất cha. Người cha chết trong lúc chiến tranh loạn lạc. Từ đó, chú sống dưới sự bảo bọc nuôi dưỡng của người mẹ. Mẹ chú không tái giá. Người quyết định ở vậy sống một mình để lo cho con. Nhưng bất hạnh thay! năm chú lên mười ba tuổi, thì người mẹ sau một cơn bạo bệnh đã qua đời. Chú lâm vào hoàn cảnh mồ côi mất cả cha lẫn mẹ. Bấy giờ, chú không biết phải nương tựa vào đâu! Chú sống lang thang rày đây mai đó, bữa đói, bữa no. Sự học hành của chú cũng bị dở dang gián đoạn sau cái chết của người mẹ. Thế là, chú chỉ còn có cách là phải xin vào cô nhi viện. Chú sống trong cô nhi viện được vài năm. Tình cờ, một hôm chú gặp được nhà sư, người có việc vào thăm cô nhi viện. Nhân đó, chú lân la trò chuyện và cuối cùng, chú bày tỏ hết nỗi lòng qua tình cảnh đau khổ ngút ngàn của chú. Và chú có ý định muốn đi tu. Vì quá cảm thương cho thân phận bất hạnh của chú, nên nhà sư chấp nhận cho chú xuất gia. Chú vào chùa xuất gia. Năm đó chú mới được mười sáu tuồi. Qua năm sau, sư phụ cho chú thọ giới Sa di. Từ đó, chú trở thành một chú Sa di hiền từ ngây thơ rất dễ thương mến…
Có lần, cả ba thầy trò chăm sóc mấy cây kiểng ở trước sân chùa. Nhìn thấy cây tùng đang chưng bày ở trong chậu. Chú Huệ Minh lên tiếng hỏi sư phụ:
-Bạch Thầy, cây tùng nầy sự sống của nó có giống như con người mình không? Một câu hỏi, làm nhà sư rất đổi ngạc nhiên. Nhà sư cười khẻ nói:
-Cây tùng nầy sự sống của nó không khác gì con người đâu con. Mà sao hôm nay, con hỏi thầy như vậy?
-Bạch Thầy, vì khi hôm, trong lúc thiền quán, con thấy mọi vật đều có sự sống tương quan với nhau rất chặt chẽ. Không có một vật nào có thể đơn độc mà sinh tồn được.
Thế là, con đã hiểu về giáo lý duyên sinh của Phật dạy. Nhà sư ôn tồn nói tiếp:
-Nầy con, sự sống của muôn loài cũng chính là sự sống của con. Nếu con biết bảo vệ môi trường sống chung quanh, đó chính là con khéo biết bảo vệ sự sống của con rồi. Ngược lại cũng thế. Con hiểu được sự sống tương quan tương duyên đó, là con đã hiểu được thế giới quan trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “trùng trùng duyên khởi”. “Một là tất cả, tất cả là một”.
Con hãy nhìn vào cây tùng nầy, nó chỉ khác với con người là vì nó là loài thực vật. Trong nhà Phật gọi nó là loài vô tình chúng sanh. Còn con người và các loài động vật khác, thì gọi là hữu tình chúng sanh. Nếu nói về nhận thức hiểu biết, thì loài vô tình cái biết của nó rất là yếu kém. Tất nhiên, thua con người rất xa. Nhưng nói về sự sống thì cả hai không khác gì nhau. Loài vô tình nó cũng cần có những nhu cầu thiết yếu cho sự sống của nó. Nhà sư nói tới đây, Huệ Văn liền hỏi:
-Bạch Thầy, nhu cầu thiết yếu cho sự sống của nó là gì?
Nhà sư tươi cười đáp: Con thấy nó sở dĩ tốt tươi như thế nầy, có phải là nhờ thầy để ý chăm sóc cho nó thường xuyên không?
-Dạ phải. Thầy thường bảo con nên nhớ thỉnh thoảng tưới nước và vô phân cho nó.
Nhà sư nói: Đó mới chỉ là hai nhu cầu thiết yếu thôi. Ngoài ra, nó còn phải nhờ nhiều điều kiện khác giúp cho nó nữa. Nếu không có ánh nắng mặt trời, đất tốt, không khí, hay những hạt sương rơi v.v… và nhất là người chăm sóc, thì thử hỏi nó có sống được hay không?
-Dạ bạch Thầy chắc chắn là nó không thể nào sống được.
Nhà sư ngừng giây lát, từ từ chậm rãi khum người xuống sửa lại cây tùng và rồi nói tiếp:
-Thầy và con cũng như mọi sinh vật trên đời nầy, nếu thiếu những thức ăn, thức uống và tất cả những thứ khác hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, thì thử hỏi chúng ta có thể sinh tồn được không ?
-Dạ bạch Thầy, chắc chắn là không thể nào sống được.
Nhà sư lấy tay bẻ một vài lá tùng úa và nói:
-Nhưng khi chăm sóc nó, con cũng phải biết cách để nuôi dưỡng nó. Con phải biết loại phân đất nào thích hợp với nó. Nếu như con cho nó ăn phân và tưới nước quá nhiều, tất nhiên, nó không thể nào sống được. Vì phân đất không thích hợp với nó. Con chỉ cần cho phân đất vừa chừng và tưới nước cũng vậy. Không phải cho phân hay tưới nước nhiều là nó tốt. Sự ăn uống của con người cũng thế. Con người cần phải biết thức ăn nào có lợi cho cơ thể. Những thức ăn nào có chứa nhiều độc tố thì không nên dùng. Chỉ dùng những thức ăn nào có nhiều sinh tố bổ dưỡng mà thôi. Nhưng cũng không nên ăn quá nhiều mà nó phản tác dụng và có hại cho sức khỏe. Đó là phải khéo biết giữ gìn điều hòa sự ăn uống mà Phật đã dạy. Nhà sư ngừng giây lát rồi nói tiếp:
Xưa kia, Đức Phật đi khất thực, thiên hạ cúng gì ăn nấy. Con nên nhớ, mỗi ngày Phật chỉ dùng có một bữa ngọ thôi. Tối lại, có khi Ngài phải ngủ dưới gốc cây. Đức Phật và những đệ tử đi theo bên Ngài chỉ có ba y và một bình bát. Đời sống của các Ngài rất giản dị. Các Ngài không đòi hỏi nhiều nhu cầu cho sự sống như chúng ta hiện nay. Vì vậy, nên các Ngài có quá nhiều hạnh phúc hơn chúng ta bây giờ nhiều lắm. Con thấy ba thầy trò chúng ta sống nơi vắng vẻ xa xôi làng xóm như thế nầy, ban ngày thì cuốc đất trồng rau cải khoai sắn để ăn, ban đêm thì tụng kinh tham thiền niệm Phật. Nhờ đời sống vật chất có phần giản dị, nên tâm hồn của chúng ta mới được an ổn nhẹ nhàng thanh thoát.
Thỉnh thoảng, Phật tử mới tới đây để cúng dường thực phẩm hoặc chút ít tịnh tài để chúng ta chi dụng. Nhưng nếu so với đời sống của Đức Phật và các vị Thánh chúng khi xưa, thì đời sống của chúng ta kể ra cũng quá đầy đủ hơn các Ngài nhiều lắm rồi. Con nên nhớ, đời sống mà càng hưởng thụ vật chất nhiều chừng nào, thì nó sẽ làm tổn giảm đức hạnh của mình nhiều chừng nấy. Tổ Quy Sơn có dạy : « Thọ dụng càng nhiều thì người thí chủ càng có lợi lớn ». (Thọ dụng ân phồn thí lợi nồng hậu) Người xuất gia của mình giống như viên đá mà người thí chủ giống như là những con dao. Họ cứ đến mài dao trên viên đá của mình hoài, tất nhiên viên đá của mình ngày càng mòn dần, còn con dao của họ ngày càng sắc bén. Nghĩ thế, nên tụi con phải ráng cố gắng thúc liễm thân tâm mà lo tu. Không nên thọ của thí chủ nhiều lắm. Thọ nhiều mà mình không có làm điều gì có lợi ích cho Phật pháp, cho chúng sanh, thì nặng nợ lắm đó các con có biết không !
Nói tới đây nhà sư ngẩng đầu lên, thở vài hơi cho khỏe rồi nói tiếp:
– Người xuất gia, chư Tổ Sư thường răn nhắc chúng ta là phải «Tam thường bất túc».
Huệ Minh liền xen vào hỏi :
-Dạ bạch Thầy, tam thường bất túc có nghĩa là gì mà lâu nay con chưa nghe thầy nói.
Nhà sư nhìn vào đôi mắt trong sáng của chú rồi người ôn tồn nói :
Tam thường bất túc có nghĩa là ba thứ nhu cầu : ăn, mặc và ngủ nghỉ. Ba thứ nầy đối với người xuất gia cần phải vừa đủ thôi. Bất túc là không nên cho dư thừa. Khi ăn không nên ăn cho no bụng, mà phải cho nó lưng thiếu một chút. Như thế, vừa có lợi cho sức khỏe mà cũng vừa tránh được cái lỗi tham cầu. Đến mặc và ngủ nghỉ cũng thế. Người xuất gia, Phật Tổ dạy phải có đời sống đơn giản. Càng đơn giản chừng nào thì càng có an lạc hạnh phúc nhiều chừng đó. Vừa nói tới đây, Huệ Văn liền hỏi :
-Bạch Thầy, con thấy cây tùng nầy, nếu mình để nó trong cái chậu nhỏ, thì đất và phân chắc chắn là không đủ sức nuôi dưỡng cây tùng lớn lên được. Muốn cho nó mau lớn phát triển nhanh, thì theo ý con, mình phải đem nó trồng ra ngoài. Như vậy, thì nó mới đủ sức lớn.
Nhà sư chưa kịp nói, thì chú Huệ Minh nhanh mồm nói trước:
-Ồ ! ý nầy của sư huynh rất là hay. Công nhận dạo nầy sư huynh có nhiều ý tưởng rất hay. Huệ Văn như đắc ý thích thú liền nở nụ cười tươi rói và nói:
-Sư đệ khen sư huynh trước mặt sư phụ làm cho sư huynh nở phòng cái lổ mũi to lên rồi nè!
Nãy giờ, nhà sư lặng lẽ lắng nghe hai người học trò thân thương của mình đối đáp với nhau. Đoạn, nhà sư khẻ nói:
Ý kiến của Huệ Văn rất hợp với ý của thầy. Nhưng trước hết, thầy sẽ nói cho hai con nghe về cái lý nhân duyên trong nhà Phật. Mặc dù, vừa rồi thầy có nói qua cho Huệ Văn nghe, nhưng còn hai duyên quan trọng mà thầy chưa có nêu ra để giải thích thêm cho hai con rõ. Huệ Minh liền hỏi :
-Bạch Thầy, hai duyên gì quan trọng lắm vậy?
Nhà sư nói hai điều kiện quan trọng mà thầy sẽ nói ra đây, đó là «Tăng thượng duyên» và «đẳng vô gián duyên».
Thế nào là tăng thượng duyên?
Tăng thượng duyên là mình phải làm cho những điều kiện tăng thêm lên. Thí như, mình trồng cây tùng nầy đó là chánh nhân. Đất, phân tốt và tất cả những điều kiện chung quanh khác giúp cho cây tùng được tốt tươi mau lớn, nhà Phật gọi những thứ đó là tăng thượng duyên. Đây gọi là tăng thượng duyên trên chiều hướng thiện, tức làm cho cây tùng phát triển tốt đẹp thêm. Ngược lại, cũng tăng thượng duyên, nhưng không khéo thì sẽ tăng thêm nhiều tội lỗi xấu ác. Đó là chiều hướng hạ bất thiện. Nói tóm lại, cây tùng là chánh nhân, mà môi trường chung quanh làm cho cây tùng phát triển tốt đẹp đều gọi chung là tăng thượng duyên cả. Đó là thầy lấy cây tùng làm thí dụ. Nếu như các con suy nghĩ qua các việc khác cũng như thế. Như các con chọn pháp môn niệm Phật để tu đó là chánh nhân. Có thiện tri thức hướng dẫn chỉ dạy, kinh điển chỉ bày về Tịnh độ, bạn đồng tu, thời khóa quy định v.v… đó là những tăng thượng duyên tốt. Những điều kiện nầy sẽ giúp cho các con mau thăng tiến trên đường tu rất nhanh. Ngược lại, thì các con sẽ không thể nào có được cái kết quả tốt đẹp.
Thế nào là đẳng vô gián duyên?
Đẳng vô gián duyên là những điều kiện liên tục không cho xen hở. Thí như con chăm sóc cây tùng nầy đừng để cho nó gián đoạn. Như sau khi trồng cây tùng rồi, các con cần phải lưu ý quan tâm chăm sóc kỹ lưỡng nó. Như phải thường xuyên tưới nước, vô phân v.v…Nếu thiếu sự chăm sóc thường xuyên nầy thì cây tùng sẽ không thể nào phát triển tốt đẹp được. Từ cây tùng, đến các việc khác, các con suy ra đều như thế cả. Như các con niệm Phật thì phải niệm cho liên tục, ngày đêm không được xen hở. Đó gọi là đẳng vô gián duyên. Như hiện nay thầy dạy cho các con học. Nếu như ngày nào các con cũng cố gắng bền chí học hỏi đều đều, không bị gián đoạn, thì chắc chắn sự học của các con sẽ có tiến bộ khá. Bằng ngược lại, các con học một ngày rồi nghỉ bốn năm ngày, như thế là thiếu điều kiện liên tục, tất nhiên, các con sẽ không thể nào học giỏi được.
Nói tóm lại, các con làm một việc gì đó, có ích lợi cho mình và người và phải làm một cách liên tục không được gián đoạn, thì đó đều gọi là đẳng vô gián duyên cả. Trong cuộc sống của con người, dù ngoài đời hay trong đạo, nếu thiếu hai duyên nầy, thì việc làm của họ rất khó thành công. Nhờ có hai duyên nầy, mà việc làm mới có thể tiến bộ lợi ích được. Thầy nói sơ chắc các con cũng hiểu rồi chớ !
-Dạ, bạch Thầy tụi con đã hiểu.
Còn một điều nữa mà thầy cũng muốn nhắc nhở thêm, là sau nầy các con có đủ cơ duyên tu học khá rồi, thì các con phải mở rộng sự hoằng truyền giáo pháp sâu rộng đến mọi giai tầng trong xã hội. Có thế, thì đạo Phật mới thắm nhuần lan rộng khắp nơi được. Giống như cây tùng nầy, nếu các con cứ để nó mãi ở trong chậu nhỏ, thì nó cũng chỉ có ngần ấy thôi, chớ không phát triển gì thêm được. Khi con trồng nó ra ngoài, con cũng cần phải để ý đến môi trường sinh thái nuôi dưỡng nó phải cho thích hợp. Có thích hợp với môi trường chung quanh, thì nó mới phát triển tốt tươi được. Cũng thế, sự truyền bá giáo lý của các con sau nầy, cũng phải thích nghi với mỗi hoàn cảnh xã hội và tùy theo mỗi quốc độ mà các con phải tùy cơ linh động uyển chuyển cho thích nghi. Đó gọi là “tùy duyên bất biến” các con có biết không.
Tự nãy giờ hai huynh đệ lắng hết tâm tư để nghe sư phụ giảng dạy. Mỗi người thầm nghĩ, chỉ có trồng cây tùng thôi mà sao sư phụ lại giảng dạy nhiều bài học hay như thế. Như vậy, với người khi đã am hiểu thâm sâu Phật pháp rồi, họ nhìn đâu cũng thấy là Phật pháp cả. Đó là vì họ đã được giác ngộ. Ngược lại, vì còn sống trong vòng mê muội, nên chúng ta đưa mắt nhìn đâu cũng thấy toàn là phiền não. Thế thì muốn tìm sự giác ngộ, không cần phải đi tìm ở đâu xa. Chỉ ngay những cảnh tượng xảy ra trước mắt hằng ngày, nếu như tâm mình được thanh tịnh sáng suốt, thì mọi cảnh vật đều là tươi mát đẹp đẽ hết.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên, hai huynh đệ cảm nhận một bài học rất sâu sắc, do sư phụ truyền đạt. Hai huynh đệ thầm cảm ơn sư phụ đã hết lòng chỉ dạy. Mỗi người tuy không ai nói ra, nhưng tận thâm tâm thầm nguyện sẽ không bao giờ quên những lời dạy vô cùng quý báu của sư phụ hôm nay. Ba thầy trò mãi trò chuyện với nhau mà đã đến giờ ngọ trai khi nào không hay. Trời đã trưa, ba thầy trò vui vẻ lặng lẽ trở vào trong chùa để dùng ngọ trai…
Thích Phước Thái