Một lần đi – một đời nhớ

 

Đại chúng đến sau tham dự lễ khai mạc Viện Phật học Ứng dụng. Ảnh CT

Ở chung với bác Diệu Hiền nên lúc nào cũng ca hát. Ở đây đêm ngày như hội, ngoài những lúc đi nghe Pháp thoại của Sư ông thì các thầy tập múa võ, các sư cô tập múa hát, trình bày triển lãm nhiều đêm rộn ràng như 30 tết. Tất cả cho ngày khánh thành Viện Phật học Ứng dụng.

Làm sao quên được các Sư cô Hào Nghiêm, Triết Nghiêm, Sắc Nghiêm và nhiều cô nữa nhưng không thể nhớ hết tên, họ luôn luôn tươi tắn, vui vẻ. Các Sư cô người nhỏ con nhưng rất nhanh nhẹn, miệng nói tay làm, thoăn thoắt, luôn luôn nở nụ cười. Có những sư cô âm thầm làm việc trong bếp núc, có đêm thức đến 2g sáng làm bánh bao phục vụ đại chúng, ăn bánh mà nghẹn ngào, xúc động. Qua đây mới thấy sự tu tập của người Phương Tây rất nghiêm mật, họ tu hết lòng. Có một nhóm người Hòa Lan tình nguyện qua đây chỉ để đi làm vệ sinh, ngày nào cũng bắt gặp họ xúc rác đi đổ và chùi nhà vệ sinh nhưng luôn vui vẻ, tươi cười. Ở Làng khi thấy các cháu trai, trưa chiều chùi soong chảo to bự đã thấy phục rồi, bây giờ bắt gặp những người này thật là một bức tranh lao động tuyệt vời. Ấn tượng nhất là hai vợ chồng chị Tố Lan và anh John (người Đức) họ tham dự khóa tu ở Làng tích cực nổi bật nhưng khi qua Đức lại thấy năng nổ làm việc hết mình, giữa trưa nắng vẫn thấy hai ông bà quét dọn, mới 4h30 sáng chị Lan đã đến phòng nói anh John thức em dậy lúc 4g sáng để đi giải quyết vụ nước mã, mỗi sáng họ chỉ lấy 2 thùng, hiện nay còn tồn lại 6 thùng nữa nên em đi thương lượng sợ để lâu bốc mùi. Chị nói với họ thế nào không biết mà họ mang đi hết và biếu tiền họ không lấy. Toàn gương người tốt việc tốt.

Có một hình ảnh đáng nhớ là một ông người Đức cụt 2 chân, ngồi xe lăn, thế mà hầu như ngày nào ông cũng có mặt. Không thấy ông nói năng chuyện trò với ai cả, thế mà ở nơi đâu ông cũng có mặt. Ông lặng lẽ lăn xe đi khắp những nơi nào có đông người. Lúc mọi người đi lấy thức ăn trưa thì ông về nhà ăn cơm, mới lấy xong thức ăn đã thấy ông hiện diện, có lẽ ông cũng chọn nơi này làm ngôi nhà thứ hai của mình chăng! Cho nên trong buổi lễ khánh thành Viện Phật học Ứng dụng, ông Thị Trưởng đã cám ơn Sư Ông và xem Sư Ông như một vị Bồ Tát đã cứu độ vùng này. Từ một nơi nghèo nàn, buồn tẻ, u uất bởi lẽ nơi đây theo Tài liệu của Làng Mai cho biết :“Người ta vẫn còn thấy được hình ảnh điêu khắc lưu lại từ thời Đức Quốc Xã. Nơi đây đã từng là một bệnh viện, và những người Đức Quốc Xã đã từng mang đi từ đây và giết hại cả 700 người khuyết tật. Tòa nhà vẫn còn in lại dấu tích nặng nề ấy của lịch sử”. Nhân lễ khánh thành Viên Phật học Ứng dụng[*], thân nhân của những người đã mất đã làm hàng ngàn trái tim bằng vải với nhiều màu sắc gởi đến trong ngày khai mạc Viên Phật học Ứng dụng để tưởng nhớ những người thân.

Hàng ngàn trái tim bằng vải với nhiều màu sắc tưởng nhớ những người Đức đã bị giết. Ảnh CT.

 

Thiền sư Nhất Hạnh và ông thị trưởng TP.Waldbroel tại lễ khai mạc Viên Phật học Ứng dụng (23-8-2012)- Ảnh: Làng Mai

 

Đại chúng Việt Đức trong buổi lễ khai mạc . Ảnh CT 

Bây giờ nơi đây đã trở nên đông vui, tấp nập đem lại sinh khí cho cả vùng. Một ngày lễ trọng đại như thế nhưng trên hàng ghế không thấy Sư Ông mà chỉ thấy quan khách, thì ra Sư Ông đã ngồi bệt trên thảm cỏ cùng với đại chúng, một sự bình dị đến lạ lùng. Trong buổi lễ nhiều người Đức  đã khóc vì quá xúc động những giọt nước mắt của hạnh phúc lăn dài trên má. Con cũng khóc khi thấy các Sư cô múa (diễn tả bằng điệu bộ) cảnh Bát Nhã chia tay, để đi bốn phương thì có nghe tiếng thầy cô nào đó nói: “Đó cô Tú khóc rồi, khóc chi cô Tú, mình mất một mà được mười khóc chi”. Thật sự là vậy nhưng không sao kiềm chế sự xúc động. Rồi cũng đến giờ phút chia tay, người đi kẻ ở không sao tránh được sự bùi ngùi thương nhớ.

Rời Viện Phật học Ứng dụng lúc 4g chiều để lên Koln đi tàu hỏa về Paris lúc 10g đêm rồi phải đi tiếp 2 chuyến métro, xong đi xe mới về đến Thiền đường Hơi Thở Nhẹ ở nơi Noisy – le – Grand lúc 12g khuya, Đi chuyến Métro cuối cùng trong đêm nên khá nhiều phức tạp, người đứng kẻ ngồi, xì-ke ma túy cũng có, trộm cắp chực chờ nên cảnh sát phải đi tuần tra để giữ an ninh, ba bốn người lực lưỡng đồng phục đen, súng ống, đạn dược, dắt quanh mình thấy phát khiếp.Thế mà hai Sư cô Doãn Nghiêm, Quãng Nghiêm như hai bông hoa, tươi tắn, vui vẻ. Nhìn hai cô như có sự trấn an cho nỗi lo lắng của những lữ hành có tuổi. Sau chuyến đi vất vả, đêm đó ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng.

Ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ cả thảy 3 đêm 2 ngày nhưng đã gây những ấn tượng sâu đậm về sự nồng nhiệt và chu đáo của quý sư cô. Sư trưởng Giác Nghiêm lúc nào cũng nhẹ nhàng và tế nhị. Lúc ở Làng, Sư trưởng đã lái một chiếc xe lớn để chở được nhiều người, đi dọc đường thấy ai có tuổi lại mời lên xe, lúc nào cũng cười tươi dễ mến. Sư Gia Nghiêm thì gần gũi và hay đùa, Sư cô là công chúa Lào nhưng Sư nói không phải chỉ là “canh chua”. Trong đêm cuối ở Thiền đường để ngày mai về lại Việt Nam, bên ánh nến lung linh, con đã hát tặng Sư trưởng Giác Nghiêm bài “La Chanson du retour triomphal” bởi con xem chuyến đi hành hương về Làng như một khúc ca khải hoàn. Trọn vẹn niềm an lạc, hạnh phúc.

 

Trìu mến trước giờ chia tay Sư cô trưởng Giác Nghiêm

Lúc chia tay, Sư trưởng Giác Nghiêm có hỏi con: “Nhà em ở đâu?” Con trả lời: “Dạ ở Việt Nam”. Sư lại hỏi “Ở đâu trên đất Pháp này?”. Con vẫn trả lời một cách máy móc: “Dạ con không có nhà ở Pháp”. Con vẫn hồn nhiên, không suy nghĩ bởi trong con còn nặng đầu óc tư hữu. Khi Sư trưởng chỉ: “Thiền đường Hơi Thở Nhẹ là nhà của em đấy!” Con đã xúc động và đã đánh thức ngôi nhà tâm linh ở trong con. Ngoài gia đình riêng, con còn có một gia đình tâm linh rãi khắp nơi trên thế giới, một tình huynh đệ bao la, chan chứa để cho con nương tựa. Ôi hạnh phúc biết bao!

Từ ngày con theo Sư Ông, con đã thoát được thân phận người cùng tử, biết trân quý giây phút hiện tại, biết trân quý những báu vật mà trời ban cho mà trước đây có lúc con đã dững dưng, thờ ơ.

Những ngày tháng được hưởng sự an lạc và hạnh phúc chóng qua nhưng con vẫn nuôi dưỡng năng lượng trong từng ngày, từng giờ của những năm tháng tiếp nối.

Những điều con muốn nói còn nhiều nhưng cũng không cho phép con được nói nhiều hơn nữa. Con xin chân thành biết ơn Sư Ông, Sư cô Chân Không, quý thầy, quý Sư cô ở Làng Mai, ở Viện Phật học Ứng dụng ở Đức, ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ đã tận tình giúp đỡ về vật chất, tinh thần để con có được một chuyến đi để lại dấu ấn đời đời. Kính chúc đại gia đình tâm linh dồi dào sức khỏe, để phụng sự Đạo pháp.

Vô cùng thương quý.

Võ Thị Cẩm Tú,  (Pháp tự Chân Thái Lãm)

Theo Daophatngaynay


[*] Viện phật học ứng dụng châu Âu (European Institute of Applied Buddhism)
Địa chỉ: Germany, tiểu bang Nordrhein – Westfalen, thành phố Waldbröl,
Schaumburgweg 3 – 51545.
Cơ sở vật chất của Viện Phật Học là một dinh thự 4 tầng (ba tầng lầu, một tầng trệt, một tầng hầm).
Thiền viện có trên 100 phòng
Diện tích sử dụng 16.000m2
Vườn 5 hecta.
Khai trương ngày 12 tháng 9 năm 2008.
Giám đốc điều hành thiền viện: Thiền sư Thích Chân Pháp Ấn.
Học viện Waldbröl rộng mở cho tất cả mọi người có hoặc không có tôn giáo. Để thực tập thiền, người ta không cần phải là Phật tử.(Theo tài liệu của Làng Mai)

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.