Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 6 – 8

ĐOẠN IV

CHỌN-LẤY CÁI CĂN VIÊN-THÔNG

Chi I. – Hợp với giáo-thể cõi Sa-bà

“Tôi nay xin bạch đức Thế-tôn,
Phật ra đời trong cõi Sa-bà,
Trong cõi nầy, lối dạy chân-thật,
Thanh-tịnh, do chỗ nói và nghe;
Nay muốn tu-chứng Tam-ma-đề,
Thật nên do cái nghe mà vào.”

Chi 2. – Xưng-tán ngài Quán-thế-âm

“Rời cái khổ và được giải-thoát,
Hay thay cho ngài Quán-thế-âm;
Trong kiếp số như cát sông Hằng,
Vào cõi Phật như số vi-trần,
Được sức tự-tại rất to-lớn,
Bố-thí vô-úy cho chúng-sinh.
Ngài Quán-thế-âm, tiếng nhiệm-mầu,
Tiếng trong-sạch và tiếng hải-trào,
Cứu đời, mọi việc được yên-lành,
Xuất-thế-gian, được quả thường-trụ.”

Chi 3. – Xưng-tán nhĩ-căn.

“Tôi nay kính bạch đức Như-lai,
Như lời ngài Quán-âm vừa nói:
Ví-như, có người trong yên-lặng,
Chung-quanh mười phương đều đánh trống,
Thì đồng-thời nghe khắp mười nơi,
Như thế, mới là viên-chân-thật.
Mắt bị ngăn-che, không thấy được,
Thiệt-căn, tỷ-căn cũng như vậy,
Thân-căn, lúc hợp mới biết-xúc,
Ý-căn, phân-vân không manh-mối;
Cách tường, nhĩ-căn vẫn nghe tiếng,
Dầu xa, dầu gần, đều nghe được;
Năm căn so-sánh thật không bằng,
Như thế, mới là thông-chân-thật.
Tính thanh-trần, có động, có tĩnh,
Trong tính-nghe thành có, thành không;
Khi không tiếng, gọi là không nghe,
Đâu phải thật không còn tính-nghe;
Không tiếng, tính-nghe đã không diệt,
Có tiếng, tính-nghe đâu phải sinh;
Trọn-rời cả hai thứ sinh-diệt,
Như thế, mới là thường-chân-thật.
Dầu cho, trong lúc đương ngủ mê,
Không vì không nghĩ, mà không nghe;
Tính-nghe ra ngoài sự suy-nghĩ,
Thân, ý không thể so bằng được.

Chi 4. – Chuyển mê thành ngộ

“Hiện nay, trong cõi Sa-bà này,
Các thứ thanh-luận được truyền-bá,
Do chúng-sinh bỏ mất tính-nghe,
Theo thanh-trần, nên bị lưu-chuyển;
A-nan, tuy có tính nhớ dai,
Vẫn không khỏi mắc các tà-niệm;
Há không phải tùy chỗ chìm-đắm,
Xoay ngược dòng, thoát khỏi hư-vọng.
A-nan, ông hãy nghe cho chín,
Nay tôi nương uy-lực của Phật,
Tuyên-nói phép Tam-muội chân-thật,
Chắc như Kim-cương-vương, như-huyễn,
Không nghĩ-bàn, xuất-sinh chư Phật.
Ông nghe tất-cả pháp bí-mật
Của chư Phật, số như vi-trần,
Nếu trước hết, không trừ dục-lậu,
Nghe nhiều, chứa-chấp thành lầm-lỗi;
Dùng cái nghe thụ-trì Phật-pháp,
Sao lại không tự nghe cái nghe?
Tính-nghe không phải tự-nhiên sinh,
Nhân thanh-trần mà có danh-hiệu,
Xoay cái nghe, thoát-ly thanh-trần,
Cái thoát-ly ấy, gọi là gì?
Một căn, đã trở về bản-tính,
Thì cả sáu căn, được giải-thoát,
Thấy, nghe như bệnh lòa huyễn-hóa,
Ba cõi như hoa-đốm hư-không;
Xoay tính-nghe, gốc lòa tiêu-trừ,
Trần-tướng tiêu, giác-tính viên-tịnh.
Tột thanh-tịnh, trí-quang thông-suốt,
Thể tịch-chiếu trùm khắp hư-không,
Trở lại xem các việc thế-gian
Thật giống như chiêm-bao không khác.
Nàng Ma-đăng-già là chiêm-bao
Thì còn ai bắt ông được nữa?
Như các huyễn-sư khéo trong đời,
Làm trò, thành ra các trai, gái;
Tuy thấy các căn đều cử-động,
Cốt-yếu, do cái máy dật dây;
Nghỉ máy, tất-cả đều yên-lặng,
Các trò, trở thành không có tính.
Cả sáu căn cũng giống như thế,
Vốn đều nương một tính tinh-minh
Chia ra thành sáu thứ hòa-hợp;
Một nơi, đã rời-bỏ quay về,
Thì cả sáu, đều không thành-lập;
Trong một niệm, trần-cấu đều tiêu,
Chuyển-thành tính Viên-minh tịnh-diệu,
Còn sót trần-cấu là học-vị,
Sáng-suốt cùng-tột, tức Như-lai.
Hỡi đại-chúng và ông A-nan,
Hãy xoay lại cái nghe điên-đảo,
Xoay cái nghe về, nghe tự-tính,
Nhận tự-tính, thành đạo vô-thượng;
Thật-tính viên-thông là như thế.”

Chi 5. – Chọn lấy nhĩ-căn làm phương-tiện thích-hợp.

“Đây thật là một đường thẳng tiến
Vào Niết-bàn của vi-trần Phật;
Các đức Như-lai trong quá-khứ
Đều đã thành-tựu pháp-môn nầy;
Các vị Bồ-tát trong hiện-tại
Điều viên-minh vào pháp-môn ấy;
Những người tu-học đời vị-lai
Đều nên nương theo pháp-môn đó;
Tôi cũng do pháp ấy mà chứng,
Không phải chỉ ngài Quán-thế-âm.
Thật như lời đức Phật Thế-tôn
Đã hỏi tôi về các phương-tiện
Để cứu-giúp, trong đời mạt-pháp,
Những người cầu pháp xuất-thế-gian
Thành-tựu được tâm-tính Niết-bàn
Thì ngài Quán-âm là hơn cả.
Còn tất-cả các phương-tiện khác
Đều là nhờ uy-thần của Phật,
Tức nơi sự, rời-bỏ trần-lao,
Không phải phép tu-học thường-xuyên,
Nông hay sâu cũng đồng nghe được.

Chi 6. – Đỉnh-lễ cầu gia-bị.

“Xin đỉnh-lễ tính Như-lai-tạng,
Vô-lậu, không còn sự nghĩ-bàn,
Nguyện gia-bị cho đời vị-lai,
Nơi pháp-môn này, không lầm-lẫn.
Đây là phương-tiện dễ thành-tựu,
Nên đem dạy cho ông A-nan
Cùng những kẻ trầm-luân mạt-kiếp,
Chỉ dùng nhĩ-căn mà tu-tập,
Thì viên-thông chóng hơn pháp khác;
Tâm-tính chân-thật là như thế.”

ĐOẠN V

NGHE PHÁP ĐƯỢC CHỨNG

Lúc ấy, ông A-nan cùng cả đại-chúng, thân tâm tỏ-rõ, nhận được sự khai-thị to-lớn, xem quả Bồ-đề và Đại-niết-bàn của Phật, cũng như có người nhân có việc phải đi xa, chưa trở về được, song đã biết rõ con đường về nhà. Trong Pháp-hội, cả đại-chúng, thiên-long bát-bộ, hàng Nhị-thừa hữu-học và tất-cả các Bồ-tát mới phát-tâm, số-lượng bằng mười số cát sông Hằng, đều được bản-tâm xa trần-tướng, rời cấu-nhiễm, được pháp-nhãn thanh-tịnh. Bà Tính-tỷ-khưu-ni nghe nói bài kệ xong, thành quả A-la-hán; vô-lượng chúng-sinh đều phát-tâm Vô-đẳng-đẳng-vô-thượng Chính-đẳng-chính-giác.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.