Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 6 – 8

ĐOẠN VI

KHAI-THỊ CÁC DƯ-BÁO

“Lại nữa, A-nan, các chúng-sinh đó, nếu không phải gây tội chê-phá luật-nghi, phạm Bồ-tát-giới, hủy-báng Niết-bàn của Phật, mà chỉ phạm những nghiệp phức-tạp khác nhau, thì sau khi bị đốt cháy nhiều kiếp, đền tội hết rồi, thì chịu những hình quỷ.

Nếu nơi bản-nhân, do tham vật mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp vật thành-hình gọi là Quái-quỷ; do tham sắc mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp gió thành-hình, gọi là Bạt-quỷ; do tham dối-trá mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp giống súc thành-hình, gọi là Mỵ-quỷ; do tham nóng-giận mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp con sâu thành-hình, gọi là Cổ-độc-quỷ; do tham thù-oán mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp vận-suy kẻ-thù mà thành-hình, gọi là Lệ-quỷ; do tham ngã-mạn mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp khí thành-hình, gọi là Ngạ-quỷ; do tham lừa-gạt mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp u-ẩn thành-hình, gọi là Áp-quỷ; do tham ác-kiến mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp tinh-hoa thành-hình, gọi là Vọng-lượng-quỷ; do tham vu-vạ mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp linh-hiển thành-hình, gọi là Dịch-sử-quỷ; do tham bè-phái che-giấu mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp con người thành-hình, gọi là Truyền-tống-quỷ.

A-nan, những người đó đều vì thuần-tình phải đọa-lạc, khi lửa-nghiệp đốt-sạch rồi, thì lên làm quỷ; như thế đều do cái nghiệp vọng-tưởng tự mình chuốc lấy; nếu ngộ được tính Bồ-đề, thì nơi tính Diệu-viên-minh, vốn không có gì.

Lại nữa, A-nan, khi nghiệp-quỷ đã hết, tình và tưởng cả hai đều thành không, thì mới ở nơi thế-gian, cùng với người mắc nợ cũ, oán-đối gặp nhau; thân làm súc-sinh để trả nợ cũ.

Quái-quỷ theo vật, vật tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài chim kiêu. Bạt-quỷ theo gió, gió tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm tất-cả những loài cữu-trưng kỳ-dị. Mỵ quỷ theo súc, súc chết báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài hồ. Cổ-quỷ theo sâu, sâu diệt báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài có độc. Lệ-quỷ theo vận suy, suy tột báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài giun. Ngạ-quỷ theo khí, khí tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài cung-cấp thịt ăn. Áp-quỷ theo u-ẩn, u-ẩn tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài cung-cấp đồ-mặc. Vọng-lượng-quỷ theo tinh-hoa, tinh-hoa tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm các loài chim mùa. Dịch-sử-quỷ theo sự linh-hiển, linh-hiển diệt báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm tất-cả các loài hưu-trưng. Truyền-tống-quỷ theo người, người chết báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm các loài quấn-quít bên người.

A-nan, bọn ấy đều do lửa-nghiệp đốt xong, sinh ra loài súc, trả hết nợ cũ; như thế, đều do những nghiệp hư-vọng của tự mình chuốc lấy; nếu ngộ được tính Bồ-đề, thì các vọng-duyên đó vốn không có gì.

Như lời ông nói, bọn Bảo-liên-hương, Lưu-ly-vương, Thiện-tinh tỷ-khưu đều vốn tự mình gây ra nghiệp-dữ; nghiệp ấy không phải từ trên trời sa xuống, từ dưới đất phát ra và cũng không phải do người khác đưa tới, mà chính do vọng-tưởng của tự mình gây ra, rồi tự mình phải chịu quả-báo; nơi tâm Bồ-đề, đó chỉ là sự kết-đông của vọng-tưởng giả-dối.

Lại nửa, A-nan, các súc-sinh ấy đền-trả nợ trước, nếu trong lúc trả nợ, trả quá nợ cũ, thì những chúng-sinh ấy, trở lại làm người, đòi lại chỗ thừa. Nếu bên kia có sức, lại có cả phúc-đức, thì ở trong loài người, không rời-bỏ thân người, mà hoàn lại chỗ thừa đó; còn nếu không phúc-đức, thì phải làm súc-sinh đền lại chỗ thừa.

A-nan, nên biết, nếu dùng tiền-của hoặc sức người ta, thì đền đủ là xong; còn như trong ấy, có giết thân-mạng, hoặc ăn thịt kẻ khác, như thế, thì đi đến ăn nhau, giết nhau, trải qua nhiều kiếp, số như vi-trần, cũng như bánh xe xoay-vần, thay-đổi bên cao, bên thấp, không có dừng-nghĩ; trừ khi được phép Xa-ma-tha, hoặc gặp Phật ra đời, thì không thể thôi được.

Nay ông nên biết loài chim kiêu kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng ngoan-cố. Giống cữu-trưng kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng quái-dị. Những loài hồ kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng ngu-dại. Những loài có độc kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng nham-hiểm. Những loài giun kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng hèn-nhát. Những loài cung-cấp thịt-ăn kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng nhu-nhược. Những loài cung-cấp đồ mặc kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng lao-lụy. Những loài chim mùa kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng văn-hoa. Những loài hưu-trưng kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng thông-minh. Những loài quấn-quít theo người kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng thông-đạt.

A-nan, bọn ấy trả hết nợ cũ, trở lại hình người, đều do từ vô-thủy đến nay, điên-đảo gây nghiệp, vay trả thừa thiếu, sinh nhau, giết nhau; nếu không gặp Như-lai, không nghe Chính-pháp, thì ở trong trần-lao, máy-móc xoay-vần mãi mãi; bọn ấy gọi là thật đáng thương-xót.

MỤC V

TU NHÂN RIÊNG-BIỆT, THÀNH QUẢ HƯ-VỌNG

ĐOẠN I

NÊU CHUNG

“A-nan, lại có chúng-sinh từ loài người, không nương theo Chính-giác tu phép Tam-ma-đề, lại riêng tu theo vọng-niệm, để tâm củng-cố hình-hài, vào trong rừng núi, những chỗ người ta không đến được, thành mười thứ Tiên.

ĐOẠN II

RIÊNG-THÀNH MƯỜI THỨ TIÊN

“A-nan, các chúng-sinh kia, kiên-cố dùng đồ-bổ mà không dừng-nghỉ, khi đạo-ăn được thành-tựu, thì gọi là Địa-hành-tiên.

Kiên-cố dùng cỏ-cây mà không dừng nghỉ, khi đạo-thuốc được thành-tựu, thì gọi là Phi-hành-tiên.

Kiên-cố dùng kim-thạch mà không dừng-nghỉ, khi đạo hóa-chất được thành-tựu, thì gọi là Du-hành-tiên.

Kiên-cố làm những động-tác mà không dừng-nghỉ, khi khí-tinh được thành-tựu, thì gọi là Không-hành-tiên.

Kiên-cố luyện nước-bọt mà không dừng-nghỉ, khi nhuận-đức được thành-tựu, thì gọi là Thiên-hành-tiên.

Kiên-cố hấp-thụ tinh-hoa mà không dừng-nghỉ, khi hấp-thụ được thành-tựu, thì gọi là Thông-hành-tiên.

Kiên-cố làm thuật phù-chú mà không ngừng-nghỉ, khi thuật-pháp được thành-tựu, thì gọi là Đạo-hành-tiên.

Kiên-cố chuyên-chú tâm-niệm mà không dừng-nghỉ, khi chuyên-niệm được thành-tựu, thì gọi là Chiếu-hành-tiên.

Kiên-cố về thủy hỏa giao-cấu mà không dừng-nghỉ, khi cảm-ứng được thành-tựu, thì gọi là Tinh-hành-tiên.

Kiên-cố tập-luyện biến-hóa mà không dừng-nghỉ, khi giác-ngộ được thành-tựu, thì gọi là Tuyệt-hành-tiên.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.