Phương Tiện Giải Thoát

Mục lục

  1. Lời tựa…………………………………………………………… 5
  2. Đời sống thánh thiện…………………………………………. 13
  3. Kính dâng mẹ pháp phương tiện…………………………….. 27
  4. Phật Đản trong trái tim tôi…………………………………….. 35
  5. Nghiệp và phương tiện giải thoát……………………………. 45
  6. Xuân sinh trong ý tưởng hành động và hồi hướng. ……… 121
  7. Phật Đản và tu tâm…………………………………………… 129
  8. Nghỉ về những người mẹ …………………………………… 141
  9. Thực thể của ba tướng trạng……………………………….. 149
  10. Phật Đản và kinh Pháp Hoa……………………………………… 179
  11. Nghiệp có thật hay không có thật……………………………… 185
  12. Giác ngộ như thị……………………………………………………. 223
  13. Đại Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh……………………… 235
  14. Kính nguyện và hồi hướng……………………………………….. 277

LỜI TỰA

Cảm giác về cuộc sống an ổn trên nhiều bình diện làm cho con người cảm thấy thỏa mãn. Thỏa mãn nằm ở một mức độ nào đó không thể chối bỏ đó là sự thành tựu mà cuộc sống nhân sinh ai cũng mong muốn đạt được. Từ việc đơn giản cho đến khó khăn, thành quả là một niềm phấn khích, động lực thúc đẩy năng động trong công việc, với thời gian như một nhịp điệu đều đặn rất khó dừng lại. Nhu cầu của đời sống là điều con người phải đối mặt. Công việc là một thứ vận hành xoay chuyển từ đêm sang ngày, từ ngày sang tháng, từ tháng sang năm, từ năm đến thập niên, từ thập niên đến bách niên, và cứ thế xuyên trọn một kiếp sống.

Chấm dứt kiếp sống, sau đó sẽ đi về đâu? Có người quan tâm và cũng có người không cần thắc mắc. Có quan tâm mà không đi tìm tận cùng của vấn đề là gì. Còn không thắc mắc tuy có cảm giác không vướng bận nhưng thật ra đều giống nhau ở một điểm là chưa nhận ra sự thật của vấn nạn, vì sao ta có mặt trên cuộc đời này mà không là ở một thế giới khác.

Cho rằng đó là câu hỏi vô bổ, thiếu thực tế, làm đầu óc hoang mang lắm khi hụt hẫng theo giai điệu của cuộc sống. Nghi vấn, lo sợ là điều không thể chối cãi, vì trực diện cùng cuộc sống cho dù là cá nhân hay gia đình, chúng không thể khác nhau trong phương cách bước vào đời với mục đích cần yếu: vật chất và tinh thần.

Nhưng vật chất là gì? Và tinh thần là gì?

Trả lời một cách máy móc và đơn giản là vật chất do khả năng lao động làm nên, hoặc có tài năng trong lĩnh vực kinh tế, sở hữu nhiều tài sản, tạo sự an lòng về kinh tế tức là nhu cầu dành cho cuộc sống dư thừa. Trường hợp thiếu hoặc vừa đủ vật chất cho nhu cầu cuộc sống chưa nhất thiết bàn đến.

Riêng tinh thần là một cảm giác được ý thức phân định, tinh thần phấn chấn hay tinh thần suy kiệt đó chỉ là dạng biểu hiện của tinh thần, không phải là giá trị tinh thần theo quan điểm có tính sở hữu. Như giá trị về sự thành đạt của bản thân, người quen gần gũi, hay cật ruột mà mình vốn gieo vào đó biết bao là niềm tin mãnh liệt. Kết quả như ý, chính là phần thưởng của thỏa mãn và tinh thần được định vị. Định vị cao hay sang, quý phái… tùy thuộc vào từng xã hội, thời đại khác nhau. Chung cuộc vẫn đồng bộ là tinh thần tốt thì cho ra cảm giác sảng khoái.

Căn cứ vào đại biểu của hai thành phần như một tổng quan mà con người muốn hướng đến khi còn mặn mà với cuộc sống. Thong dong đi trên xa lộ này không bao giờ gặp sóng gió, âu đó là sự may mắn. May mắn về vật chất sở hữu và may mắn đạt được tinh thần cao trọng. Cả hai được nhìn theo góc độ hướng ngoại mà phẩm định. Bây giờ tạm gọi là hướng nội trong cách thế nhìn về xác thân, theo chu trình sanh, lão, bệnh, tử hầu tìm ra khúc quanh không như ý mà dù có muốn hay không muốn chúng vẫn xảy ra. Tính theo xác suất, trong một trăm người chỉ có vài người là không bệnh tật. Những người mang bệnh thân xác thì nỗi bức bách đớn đau là điều nhức buốt. Quằn quại trong cơn đau vào thời điểm này mọi giá trị sở hữu gần như đội nón ra đi, nghĩa là thần kinh chỉ trực diện, đối mặt với tình huống mang tính nội tại. Thành phần ngoại lệ ít bệnh tật chứ không phải là không có bệnh tật vào một thời điểm nhất định nào đó, chúng xuất hiện thì hệ quả cũng không thể  tránh khỏi.

Không bệnh tật là nói vào giai đoạn nào đó, trên thực tế, bệnh và già nua làm người làm sao tránh khỏi. Run rẩy thân già, héo hon bệnh tật, bức tranh này do ai vẽ mà hiện thực đến lạ thường. Mỗi người sẽ phải tự mình chiêm nghiệm lấy bức tranh của chính mình mới mong gợi lại được câu hỏi rất nhẹ nhàng nhưng nặng hơn cả triệu triệu trái núi cộng lại: Tôi hiểu gì về tôi, tôi là ai ở giữa cuộc đời này, cuối xa lộ của đời người rồi ra tôi sẽ đi về đâu?

Tuy 3 mà là 1. Tuy 1 mà là 3. Bởi vì không hiểu về mình làm cách nào thấy được đường đi ở tương lai. Đứng ở tâm điểm đời người không có cái gương giúp đỡ làm sao thấy được mặt mũi mình tròn, dài hay ngắn. Tượng hình không thấy, tướng người không thông, tướng tâm không tỏ, ngõ lối nào để đi về. Nghĩ đến đây người hiểu biết chắc tự giọt lệ rơi như cảm nghe chơi vơi bên sóng ­­­­­đời xô đẩy.

Trong cái tương đối tự nó là sự giới hạn. Khối óc và con tim sống trong sự giới hạn thì cần ý thức vai trò của mình trong sự giới hạn đó, không phải để thả trôi cuộc đời mà cần đóng góp cho xã hội thịnh vượng và đạo đức vươn cao. Chí ít nó cũng tạo được một hướng đi mang đậm tình người và trọn vẹn một chu kỳ sống ở mức độ buông xả sự bám víu, thành tâm phục vụ như hương sen lan tỏa không đọng lại vào góc độ không gian nào.

Qua thể nghiệm đó mới thấy được chiều kích xa và sâu hơn về nội tâm. Cuộc sống là phương tiện. Cuộc đời là phương tiện. Mang thân người là phương tiện quý hiếm. Vạn thứ đi qua là phương tiện. Vạn thứ chưa đến là tùy duyên. Phương tiện cho ra cảnh sống toại ý hoặc không toại ý. Đứng ở phương vị nào đặt mình vào vòng quay của phương tiện thì con người và phương tiện giống nhau ở sắc pháp nhưng khác nhau vì mình là Tâm pháp. Nghĩa là hàm dưỡng trong một sắc thân có tâm thức hòa quyện. Tâm thức đó không được khơi dậy, chìm khuất trong sắc thân thì phương tiện rốt cùng trả lại cho phương tiện, và trả lời cho một tiền đề đó không gì khác chỉ là vô minh. Mờ mịt về bản thân và mờ mịt về cảnh sống.

Hiểu được tính chất cao trọng của đời người trên căn bản đi tìm nguồn gốc sâu xa của sự hiện hữu. Thật tướng của hiện hữu bất biến hay thường hằng. Chúng được biết đến theo góc độ nào của Phật pháp. Soi sáng cho luận điểm này chưa phải là cứu cánh tối hậu. Vẫn chỉ là phương tiện nhằm lý giải cho những khúc mắc mà có người biết và có người không biết. Đã biết thì đào sâu để biết thêm. Chưa biết thì khởi động để nắm bắt chứng lý, gieo vào lòng một niềm tin cần biết để không bị lạc vào mê lộ của đời người. Con đường của đạo là phương tiện. Con đường của tâm là sáng tỏ, nên chi đạt được chơn tâm là ngộ được đạo, ngộ được con đường phương tiện đồng nghĩa đưa tâm sang bên kia bờ tỉnh giác.

Đại Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni do Đức Phật tuyên thuyết. Pháp thù thắng này tâm ý con người không thể biện giải được. Đưa vào thực hành con người sẽ nhận ra dòng cảm ứng vận hành không thể nghĩ bàn. Kinh nghiệm trên phương tiện môn này là một chứng ngộ. Chứng là vì óc suy tư thường tình nghĩ rằng, nghiệp là một thành trì kiên cố rất khó phá vỡ. Bằng tình thương của Đức Thế Tôn, và bằng lòng thành của người áp dụng, nghiệp không những được giải tan theo luận chứng khổ đau và còn phá vỡ tận gốc nhờ sức thần kỳ vĩ của Đà La Ni mà người tu đã dày công nỗ lực.

Hòa Thượng Thích Viên Đức được Hòa Thượng Hưng Từ ở Phú Yên hành trì khoa Du Già truyền trao Thần chú Tôn Thắng Đà La Ni theo âm khẩu truyền mà bản thân Hòa Thượng đã một lòng nghiêm túc tu hành hết sức cẩn mật. Năm 1974 tại chùa Dược Sư Thành phố Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đắc Lắc, chúng tôi là Chúc Thanh Tống Hồ Hòa được phước duyên đích thân Hòa Thượng Thích Viên Đức khẩu truyền mà cảm nghe dòng mật pháp, mật nghĩa về Đại Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni vẫn còn lấp lánh giữa biển trùng đau thương sanh tử.

Con cung kính đảnh lễ giác linh Hòa Thượng Thích Viên Đức đời thứ 43 thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông Chúc Thánh – Phú Yên đã truyền trao khẩu truyền chơn ngôn này cho con.

Phật pháp nhiệm mầu, tâm ý của con chưa thể nhập trọn vẹn. Xét thấy đời người quá đỗi vô thường, thiên tai, tật bệnh, chiến tranh….con thành kính phát nguyện:

–   Vì lợi ích của tha nhân.

–   Vì lợi ích của muôn loài.

–   Vì bảo vệ Phật pháp trường lưu.

–      Vì tạo cơ duyên cho những ai muốn phát tâm tu tập.

–   Vì mong ước mọi người cùng hướng tu góp phần chuyển hóa nghiệp lực của cá nhân và cộng đồng nhân loại.

–   Vì mong ước tất cả đầy đủ Bi, Trí, Tín gieo mầm giải thoát trong hiện đời và trong vô lượng kiếp ở tương lai.

–   Vì sự ủy nhiệm của Hòa Thượng Thích Viên Đức.

 Con xin ghi chứng lại văn bản khẩu truyền Đại Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni để chia sẻ cùng những ai hữu duyên.

Ngưỡng nguyện chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh Hiền Tăng trong 10 phương pháp giới chứng tri.

Kính lạy Thầy thùy từ chứng giám.

Tác phẩm “Phương tiện giải thoát ” được biên soạn khởi đi từ căn bản nhận thức về tướng trạng của các pháp; sự liên hệ của con số 6 đau thương, bình an, hạnh phúc và giải thoát trên lộ trình quán tưởng thể nghiệm và thực hành Phật pháp mà kỳ duyên không dễ gì làm thân người có thể gặp được. Các bài viết hàm dưỡng nghĩa lý của Phật pháp và thực hành nhằm giải tan nghiệp lực vốn tồn đọng từ ức triệu kiếp đã qua.

Vẫn biết cuộc sống dù ở hoàn cảnh nào cũng tạm bợ. Dù ở môi trường nào rồi cũng phải ly tan theo lý luật vô thường. Nhận thức sâu sắc về mình hay sự tương quan của vạn loại cần phải khởi đi từ tấm lòng độ lượng. Có độ lượng thì tinh thần bao dung mới thể hiện. Đó là biển tâm, biết ôm trọn mọi thương đau trong toàn nghĩa thật tướng của vạn pháp, nơi trí tuệ hiển sinh không thông qua tư duy mà bằng trực giác, bởi lý hội phương tiện là gạch nối dẫn đến giải thoát theo tâm không (minh không) trọn trí, trọn bi.

Những khuyết lỗi ở tác phẩm, tác giả thành tâm kính mong mọi giới rộng lòng hoan hỉ khoan thứ.

Nguyện “Phương tiện giải thoát ” góp phần thăng hoa đời sống cho mọi người, an bình trong dòng xoáy vô cùng của sanh tử và tạo nhịp cầu hướng đến sự giác ngộ trong miên viễn vô tận của kiếp số, nơi mà đời người tuy mong manh nhưng lại là một cơ duyên quí hiếm để thành toàn nguyện ý.

 Trân Kính

Chúc Thanh Tống Hồ Hòa

Down load Phương Tiện Giải Thoát pdf file

NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.