Làm Thế Nào để Hoá Giải Hận Thù

CÓ BÌNH TĨNH HOÀ NHÃ MỚI CÓ ĐƯỢC NIỀM VUI

Có một cư sĩ tại gia, sanh ra chưa được ba ngày thì bị cha mẹ đem đi bán mất.

Đến khi ông hơn năm mươi, ông lại tiễn đưa cha mẹ nuôi về với cát bụi. Bấy giờ cha mẹ ruột của ông cũng già yếu, việc chăm sóc họ cũng do ông gánh vác.

Người khác bất bình cho ông ấy, ngược lại ông ấy nói với tôi: “ Thưa sư phụ! Con thật là người có phúc báo, người khác chỉ có một cha mẹ, còn con thì có tới hai”.

Ông ấy nghĩ được như vậy thì trong lòng sẽ bình ổn, vui vẻ. Ngược lại nếu ông ta ôm hận mà nói: “ Cha mẹ ruột của ta thật không phải là người. Sanh ta ra chưa được ba ngày thì đã đem ta đi bán rồi. Bây giờ họ đã già rồi, lại còn muốn ta đến chăm sóc nữa, thật là không có lý trời mà”

Những trường hợp con cái bỏ công sức, tiền của nhiều hơn cha mẹ như đã thuật ở trên thì rất là ít. Phần nhiều cha mẹ bỏ công sức tiền của nhiều hơn con cái. Con cái thì lại bỏ công sức, tiền bạc ít hơn. Trường hợp trên có được coi là công bằng hợp lý không?

Không có gì là không công bằng hợp lý cả? chỉ cần mình bình tỉnh, hòa nhã thì cuộc sống sẽ vui vẻ hơn.

“ Người khác hại bạn đau khổ, bạn không chỉ không được gây gổ lại mà còn phải nghĩ đến họ, cầu phước cho họ. đây chính là tinh thần Bồ Tát.”

NGƯỜI XẤU BỊ GIẾT, CÓ ĐÁNG VUI KHÔNG?

Nếu một người tốt bị giết, thì mọi người sẽ rất buồn. Nhưng một người xấu bị giết thì có phải mọi người sẽ cảm thấy vui vẻ không?

Nếu có người nào gặp kẻ sát nhân bị giết mà sanh tâm vui mừng, hoặc là gặp hung thủ đã giết hại gia đình mình mà sanh tâm vui mừng hả hê thì không phải là hành động Từ Bi.

Ví như mấy năm trước đây, tên tội phạm phóng hỏa đốt KTV thần thoại bị kết án tử hình. Việc này đã làm cho lòng anh ta vô cùng điên loạn. Vì trong lòng anh ta không được bình tỉnh cho nên mới đi phóng hỏa. Kết quả là sao khi bị kết án tử hình, lòng của anh ta càng thêm oán hận.

Chị của người bị hại là tín đồ của đạo Cơ Đốc. Chị ta thường viết thư cho phạm nhân kia. Sau cùng, cô đã làm cho anh ta cảm động, chuyển hóa cả tâm trạng và hành vi của anh ta, trở thành tín đồ của đạo Cơ Đốc và thường giúp đở tất cả mọi người. Sau khi chết, anh ta còn tặng cả nội tạng của mình cho người khác.

Cô gái, người thân của gia đình bị hại này, không chỉ không có lòng báo thù, mà ngược lại còn tha thứ cho kẻ tội phạm, và còn giúp anh ta sống trọn cuộc đời, thật là một việc làm rất cảm động. Tín đồ Phật giáo chúng ta rất coi trọng Từ bi. Nhưng có bao nhiêu người có được cái tâm như thế? Câu chuyệt trên thật đáng để chúng ta suy nghĩ.

“ Trong Phật giáo không có những con người cực ác, mà chỉ có những con người lầm lỡ vì vô minh.”

CẦN PHẢI ĐỐI XỬ TỐT VỚI TÔI?

Có một câu nói: “ lấy oán báo ân.” Người ta thường nhớ oán chớ không nhớ ân. Đối với ân tình thì ít khi nhớ, còn đối với oán hận thì ghi nhớ kỷ trong lòng. Phương pháp tốt nhất để diệt trừ oán hận đó chính là phải nhớ nhiều đến cảm ân.

Có câu “lòng tham không đủ, như rắn nuốt voi ” Người có lòng tham thì không bao giờ thấy thỏa mãn. Rõ ràng là người khác cho mình rất nhiều lợi ích, nhưng mình lại cảm thấy vẫn chưa đủ. Và cho rằng, lòng tốt đó là việc mà họ cần phải làm. Cũng giống như cha mẹ đối xử tốt với ta là việc cần phải làm; anh chị em đối xử tốt với ta cũng là việc mà họ cần phải làm; thậm chí hàng xóm đối xử tốt với ta là việc mà họ cần phải làm vậy.

Người có suy nghĩ như vậy là người vong ân phụ nghĩa, không biết đến ân huệ là gì, chỉ mong rằng người khác bỏ ra, còn mình thì nhận lấy, đã vậy lại còn không biết cảm ân khi nhận lấy. Như vậy là lòng tham không biết chán.

Những người như vậy không chỉ oán hận người không giúp mình, mà còn oán hận cả những người đã giúp mình, vì họ cảm thấy giúp như vậy vẫn chưa đủ. Cho nên đối với người xấu tất nhiên họ oán hận là đúng, nhưng người tốt mà họ cũng oán hận, thậm chí họ còn oán hận bất cứ việc gì, bất cứ người nào trên thế gian này.

“người làm việc lao nhọc tất sẽ chịu được oán hận
Người lãnh lấy trách nhiệm ắc sẽ bị phê bình
Trong lời oán hận có lòng từ nhẫn
Trong lời phê bình ẩn chứa lời vàng ngọc.”

OAN GIA NGỎ HẸP

“ khổ vì oán ghét gặp nhau ” là một trong tám loại khổ của con người mà Phật giáo đề cập đến. Câu này có nghĩa là oan gia ngỏ hẹp.

Ví dụ như có một người mà bạn rất là ghét. Chỗ nào có hắn thì bạn không muốn đến. Không ngờ rằng, sau khi bạn dọn nhà thì người cạnh bên lại chính là hắn, để rồi ngày nào cũng thấy mặt hắn. Hoặc là trong một buổi hợp mặt, bạn chợt gặp lại kẻ thù mười mấy năm về trước. Việc này sẽ làm cho bạn đau khổ vì oán hận.

Việc trở thành oan gia, thật ra là do hai người có duyên với nhau. Khi bạn còn đang ở trong sự oán thù giữa hai người với nhau, nếu họ không dày vò bạn thì cũng là bạn dày vò họ, oan oan tương báo. Vì vậy hai người vẫn phải sống cùng với nhau.

Muốn tháo gỡ sợi dây oan gia, để cả hai cùng được tự do, thì bạn phải nên suy nghĩ cho phóng khoáng, bỏ hết thù hận, và thử đi làm quen với họ trước. Làm được như vậy thì họ cũng sẽ dần dần thay đổi thái độ đối xử với bạn.

“ Khi gặp nghịch cảnh, bạn hãy quán sát theo lý nhân quả của Phật giáo.”

RẤT KHÓ CÔNG BẰNG

Có một người vì bị hãm hại nên sanh lòng báo thù. Họ muốn giết chết đối phương trước, rồi mới tự sát. Họ cho rằng làm như vậy là đúng. Đó là một hành động không có trí.

Oan gia nên cởi chớ không nên kết. Nếu bạn bị oan ức, hảm hại thì bạn có thể nhờ pháp luật xử lý. Tuy pháp luật không thể thực hiện triệt để tính công bằng, nhưng nó vẫn đủ để hạn chế một số người muốn phạm tội.

Mối nhân duyên giữa con người với nhau vô cùng rối rắm, phức tạp. Chúng ta không thể xem đó là nhân quả của đời này, vì chúng ta không thể biết đời quá khứ ai đã nợ ai trước. Cũng có lẽ là đời quá khứ bạn đã hại họ, cho nên đời này họ mới báo thù bạn. Nếu bây giờ bạn muốn làm tổn hại đến họ thì hình thức “oán thù báo nhau” sẽ mãi tiếp diễn, không có ngày dứt được. Cho nên, nhìn kỹ lại nhân quả ba đời thì chúng ta rất khó nói thế nào là công bằng. Chúng ta chỉ có thể nói, không nên tạo ác nghiệp nữa. Được như vậy thì oán thù sẽ được hóa giải.

Nếu không thì dù giết người hay là tự sát, mình cũng không thể giải quyết được vấn đề, và cũng vẫn mãi sống trong luân hồi liên tục của oán hận.

“ Sống trong thế gian tương đối thì không có gì là tuyệt đối cả.”

TÂM KHÔNG BÌNH THÌ SỐNG KHÔNG AN

Khi người thân mình gặp bất hạnh, vô tình bị chết một cách oan uổng, có một số người cho rằng như thế thật là không công bằng, và họ muốn báo thù để đòi lại sự công bằng.

Việc bất bình ở trên thế gian này rất là nhiều. Ai cũng đều cho là mình có lý. Nhưng thật ra sự công bằng này không có chân chánh, khách quan. Bi kịch đã xãy ra rồi thì oan gia nên giải chớ không nên kết. Chúng ta nên dùng tâm khoan dung, tha thứ, từ bi để đối đãi với những việc bất công, và mong rằng sau này sẽ hết sức công bằng. Ngay cả những việc bất công mà ta đã lãnh khi xưa, nếu đã biết rằng người làm như thế là bất đắt dĩ thì lòng mình sẽ có được niềm an ủi.

Người đã chết thì không thể sống lại. Dù ta có giết đối phương để thường mạng cũng không có ích lợi gì. Không nên để mình đau khổ cả đời. Ta nên cầu phúc cho vong linh, cầu nguyện cho họ hết phiền muộn, không còn phiền não nữa, vui vẻ siêu thóat. Nếu ai cũng mãi bất bình cho vong linh thì sau này họ sẽ mãi mãi không được bình yên.

Chúng ta nên học cách tha thứ. Còn nếu như chúng ta không chịu tha thứ thì sẽ càng nảy sinh ra nhiều sự kiện bạo lực và điều hối tiếc.

“ Tha thứ là cách tốt nhất để có cuộc sống bình an.”

CÙNG NHAU CHẾT CHUNG CÓ ĐÁNG KHÔNG?

Có một vài cặp vợ chồng sau khi chia tay, vẫn thương ghét lẫn lộn, gây tổn hại đến cả hai.

Rõ ràng là đã ly hôn với nhau, nhưng ông chồng lại không thể chịu được cảnh vợ trước vui duyên mới; còn bà vợ thì cũng không chịu được hành vi phóng túng, thường hay đánh ghen của ông chồng trước. Hành động của những người này thật đáng thương và cũng thật đáng trách.

Trước khi làm việc gì, chúng ta phải nên suy nghĩ cho thật kỹ rồi hãy làm. Nếu không thì nhất thời kích động, không chỉ có bạn và người ấy bị tổn thương, mà ngay cả mối thông giao của gia đình hai bên cũng bị phá vỡ vì sự kích động của bạn. Đây quả là cái hại của việc không biết suy tính.

Nhìn từ góc độ nhân quả của Phật giáo, nếu như đời này, bạn dùng bạo lực để dối phó với người ấy, hay là người ấy dùng bạo lực để đối phó với bạn thì đời sau hai người vẫn tàn hại lẫn nhau, oan oan tương báo, mãi mãi vẫn mắng chửi, đánh đập, giết hại lẫn nhau.

Cho nên vợ chồng dù đã chia tay với nhau, cũng hãy nên làm người bạn tôn trọng lẫn nhau, đừng mãi gây oan gia với nhau nữa.

“ Dùng tranh cải để chấm dứt tranh cãi thì tranh cãi không dứt
Dùng ấu đả để chấm dứt ấu đả thì ấu đả không ngừng.
Nhưng nếu đối xử bằng lòng bao dung, nhẫn nại thì sự tranh đấu chấm dứt.”

ĐỪNG NÊN THẤT VỌNG VỚI BẤT KỲ AI

Người có lòng tốt mà không được đền đáp, đó cũng là việc thường thôi. Cũng giống như tôi thu nhận đệ tử, có khi phải mất vài năm để đào tạo, rốt cuộc đến khi ra đi, họ không những không cảm ân, mà lại còn oán trách tôi nữa.

Nhưng tôi sẽ không vì vậy mà không thu nhận đệ tử nữa. Vì thường thì tôi không bận tâm người khác đối xử với tôi như thế nào. Nhưng việc tôi đối xử với người khác như thế nào mới là điều rất quan trọng.

Cho dù đệ tử có cảm kích mình hay không thì trước hết tôi vẫn phải làm trọn trách nhiệm của mình. Cho nên tôi thường tự mình phản tỉnh, rốt cuộc mình có làm trọn trách nhiệm của một người sư phụ hay không? có xứng đáng với đệ tử, với tín chúng hay không?

Do vậy, nếu có người trách đệ tử của tôi ra đi vô tình thì tôi sẽ nói: “ Anh không nên phê bình người ấy. Đó là do bản thân tôi chưa làm trọn trách nhiệm.”

Chúng ta phải thường khởi tâm từ bi, quan tâm đến tất cả mọi người, chớ không nên có tâm oán hận, cũng không nên thất vọng đối với bất cứ một ai. Làm được như vậy mới gọi là “ Công đức vô lượng ”

Nếu không thì bạn làm một chút công đức mà không được đền đáp thì bạn lại không làm việc tốt nữa. Thử hỏi như vậy có còn gọi là công đức không?

“ Phải kết ân chớ không nên kết oán.”

ĐỪNG ĐỂ MÌNH TRỞ THÀNH KẺ PHỤ TÌNH

Phụ tình nghĩa là khi người khác có ân, có tình đối với bạn, nhưng bạn lại vì lợi ích của mình mà không nghĩ đến việc đền đáp, lại còn phụ rẫy người bạn ân tình của mình.

Là con người, ai cũng chỉ muốn nghĩ đến bản thân. Tuy cũng có người ban đầu cam tâm tình nguyện đưa cho bạn mà không yêu cầu đền đáp, nhưng sau cùng lại đòi lại tất cả. Nếu bạn không đưa thì họ nói bạn là kẻ phụ tình. Ở trong hòan cảnh này, người bị cho phụ tình là đúng, vì đối phương yêu cầu thái quá, và không hợp lý.

Nhưng nói về người đã cho, thì khi đối xử tốt với người khác, không nên giữ trong lòng ảo tưởng và đòi hỏi. Đó gọi là thi ân mà không cần báo đáp. Nếu mình thương thật sự thì khi cho không có sự đỏi hỏi điều kiện, không cần họ phải trả lại, và càng không phải là sự chiếm hữu.

Việc cho người khác là kẻ phụ tình, thường là do ở mình tạo ra, một là bản thân mình cô phụ người khác, hai là mình làm cho người khác trở thành kẻ phụ tình.

Nếu bản thân mình bớt đòi hỏi một chút, thì mình sẽ không cảm thấy đối phương là người phụ tình, và cũng sẽ không vì oán hận mà muốn báo thù.

“ Làm việc thiện không nên so tính, cũng không nên nghĩ đến việc báo đáp. Cho dù đối phương có xem bạn là người ân hay không, nếu thấy mình có khả năng thì nên giúp đỡ người.”

KHÔNG CÓ NGƯỜI NÀO HOÀN TOÀN XẤU

Theo quy định pháp luật của thế gian thì khi một người phạm tội, nhất định họ sẽ bị xử theo pháp luật, thậm chí phải lãnh án tử hình. Nhưng nhìn từ quan điểm của Phật giáo thì ai cũng có khả năng thành Phật. Trên cơ bản là không có ai hoàn toàn xấu cả, thậm chí ta có thể nói ai cũng đều là người tốt cả, chỉ có những người lỡ lầm mà làm việc xấu.

Người làm việc xấu gây tổn hại đến người khác là điều bất hạnh. Tất nhiên họ tạo tội là do các yếu tố hòan cảnh bên ngoài và nội tâm bên trong.

Do đó, chúng ta nên thông cảm và tha thứ cho kẻ phạm tội. Điều quan trọng nhất là tìm biện pháp để ngăn ngừa phạm tội, chớ không nên để họ phạm tội rồi trừng phạt.

Quả thật họ phạm tội là một việc không tốt. Nhưng chúng ta cũng phải nên dùng tâm từ bi để sửa đối và tha thứ cho họ.

“ Người gây tạo tội lỗi là người không hiểu thấu lý nhân quả. Vậy nếu muốn không tạo tội lỗi, bạn phải hiểu rõ nhân quả ba đời.”

NGƯỜI PHẬT TỬ CÓ NÊN CHỊU SỰ ỨC HIẾP KHÔNG?

Có người hỏi tôi: “ Phật pháp giảng dạy mọi người nên sống từ bi, nhẫn nhục. Vậy nếu như có người chuyên ức hiếp thầy, thì thầy có chịu để cho họ ăn hiếp không? Họ xâm phạm lợi ích của thầy, thầy có chịu để cho họ xâm phạm không? Có người lợi dung kẽ hở của pháp luật để làm chuyện phi pháp. Thoạt nhìn, dường như họ vô tội, nhưng chính họ lại tạo thành rắc rối và hổn loạn cho xã hội. Cũng giống như vậy, tín đồ Phật giáo có nên tha thứ cho họ không?”

Để trả lời câu hỏi này, bạn phải đứng trên lập trường của một con người. Tôi là người, và họ cũng là người. Tôi nghĩ rằng giữa tôi và họ đều là những người bình thường. Vì vậy, về mặt xử lý pháp luật thì họ phạm tội gì phải xử họ theo khung hình phạt đó; đáng ngồi tù thì phải ngồi tù. Đồng thời, chúng ta cũng phải nên tìm cách để người đó sửa lỗi. Cho nên, không phải cứ hể là một tín đồ phật giáo thì để cho người khác ăn hiếp.

Chúng ta nên đứng trên quan điểm, lập trường của một con người để đề cao mình, khẳng định mình. Khi bạn khởi phiền não hay làm một việc gì đó sai thì việc trước tiên là bạn phải lấy tiêu chuẩn của một con người để giải quyết vấn đề. Là một con người, ai cũng có khuyết điểm, vì vậy họ cần có thời gian để sửa đổi.

“ Tha thứ cho người khác vừa dứt trừ oan khiên, vừa giúp cho họ tỉnh ngộ để sửa lỗi.”

KHÔNG CÒN GÂY SỰ NỮA.

Tôi có một người đệ tử xuất gia, thường bị một đệ tử khác có tánh nóng nảy chọc giận đến nổi suýt chút nữa thì buông ra lời ác mắng, và không qua lại với nhau. Vị đệ tử đó than thở rằng: “ Nếu tôi chưa xuất gia thì nhất định sẽ cho hắn một bài học để nhớ đời”

Nhưng vị đệ tử kia đã là người xuất gia, vì vậy, những yêu cầu, đòi hỏi của chú ấy chỉ có tính tương đối, cho nên chú phải tích cự vận dụng phương pháp xuất gia để học hỏi, luyện tập điều phục tâm sân hận muốn báo thù của chú ấy. Đó cũng chính là dùng phương pháp tu định để dứt trừ bản ngã, thư thới đầu óc, thân thể, thần kinh, không quan tâm đến hành vi bạo ngược mà vị sư đệ kia gây cho mình, không ngừng hướng nội quán chiếu những phản ứng của thân tâm mình.

Nếu thường hành như thế, thì vị đệ tử muốn gây phiền não kia, dưới sự đối xử vui vẻ hoan hỷ của chú ấy, dù có muốn gây sự cũng không được. Ngược lại, người gây chuyện kia còn cảm thấy người mình hại có tánh từ bi, còn mình thì không bằng.

Đây chính là dùng phương pháp tu định để hòa ái, hóa giải thù hận giữa mình và đối phương.

“ Nếu trong đời quá khứ bạn kết thù với rất nhiều người thì đời này bạn sẽ bị nghịch cảnh dày vò”

BỐN LẠNG HƠN NGÀN CÂN

Nếu có người muốn ăn miếng trả miếng với bạn thì việc trước hết là không nên báo thù. Vì nếu như người ta phóng hỏa, mà bạn lại châm thêm dầu thì càng nguy to. Còn nếu bạn đi đâu đó chốc lát, rồi trở lại hòa giải thì có thể chuyển nguy thành an.

Trong xã hội này, thường xảy ra những chuyện vụn vặt. Nếu chúng ta không nhẫn được thì sẽ sinh ra đại loạn. Bạn hãy nên nghĩ đến tương lai của bản thân mình. Tuyệt đối không nên ăn miếng trả miếng, ra đòn trả đòn. Tất nhiên sẽ có người phản bác: “ Nếu không chống lại thì kết quả người bị tiêu diệt chính là mình”. Trên thực tế, chúng ta không chống lại chẳng phải vì chúng ta sợ hãi, trốn tránh, mà là lấy tĩnh chế ngự động.

Trong thuật của Trung Quốc gọi đó là “ Bốn lạng hơn ngàn cân”. Đạo Lão gọi là “ Lấy lui làm tiến”. Còn phật giáo thì là “ Lấy không đối có”.

“ không ” bao gồm sức mạnh vô hạn. “ Có” dù lớn, nhiều bao nhiêu cũng là có hạn. “ Có ” mãi mãi vẫn nằm trong “không”. Vì vậy, trước hết chúng ta cần phải nhẫn nhục, rồi sau đó mới dùng lý trí để xử lý vấn đề. Cuộc chiến vĩ đại nhất là cuộc chiến không dùng đến một binh, một tướng nào. “Lấy không đối có” trong Phật giáo, có thể gọi là cách vận dụng binh pháp tối thượng thừa.

“ Tha thứ là sự trả thù vinh quang nhất.”

Tỳ Kheo Minh Kiết

http://phatgiaovnn.com/

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.