Tinh thần Vô trước của Phật giáo

Người học Phật cũng không nên để mình bị “ràng buộc”, “bị mắc” vào đâu cả, dù là đối với chân lý. Ngày kia, Phật giảng cho các đệ tử thuyết Nhân Duyên.

Nhưng sau khi nhận thấy tất cả đều đã hiểu được thuyết ấy rõ ràng, Phật liền nói tiếp: “Ớ các tì khưu, nếu các người lại để mình bị mắc vào thuyết ấy, nếu các người ưa thích nó, nếu các người mê luyến nó, gìn giữ nó như một kho báu bảo vật, nghĩa là nếu các người bị ràng buộc vào nó, thì các người đâu có hiểu rằng giáo lý của ta khác nào là chiếc bè để đưa qua sông, chứ không phải để buộc trói người vào đó”.

Phật đã sánh giáo lý của Ngài chẳng khác nào một chiếc bè dùng để chở mình qua sông (đáo bỉ ngạn) chứ không phải để mà cất giữ và vác nó trên vai: “Ớ các tì khưu! Có người kia đi đến một vùng nước rộng, thấy mé mình đứng rất nguy hiểm và ghê sợ, còn mé bên kia thìyên ổn hiền lành. Muốn sang qua
đó, thì lại không có cầu. Anh ta bèn nghĩ: ta hãy bẻ cây làm tạm một chiếc bè để đưa ta qua sông. Sau khi đến mé bên kia rồi, anh ta bèn nghĩ: nhờ chiếc bè này mà ta qua được bên này, như vậy, ta phải đội nó trên đầu ta hoặc vác nó trên vai ta luôn luôn bất cứ đi đâu. Ớ các tì khưu, các ông nghĩ thế nào cái việc làm của anh đó! Làm như thế, người ấy có đối xử đúng với chiếc bè của anh ta không?

– Thưa Thế Tôn, không ạ!

– Vậy thì, người ấy phải đối xử cách nào đối với chiếc bè cho phải lẽ! Giờ đây, nhờ chiếc bè để qua được mé bên kia, đạt được ý muốn rồi, người ấy nghĩ: Nhờ nó mà ta qua được mé bên kia, vậy thì, bây giờ ta không còn cần dùng đến nó nữa, hãy để yên nó lại đây bên mé sông, hay buông thả nó tha hồ trôi theo dòng nước mà đừng lưu luyến gì đến nó nữa! Người ấy nghĩ thế và làm thế, là sáng suốt, là đúng lẽ.

“Ớ các tì khưu, giáo lý của ta cũng chẳng khác nào chiếc bè trên đây: nó dùng để chở ta qua sông, chứ không phải để mà đội trên đầu, mang trên vai mãi mãi. Như vậy, rồi các ngươi cũng phải vất bỏ giáo lý ấy đi như người kia vứt bỏ chiếc bè đã đưa nó qua mé bên kia… Cả những thiện, ác nữa… cũng cần vứt bỏ hết!”

Kinh Viên Giác có câu: “Các lời dạy của Khế Kinh chẳng khác nào ngón tay chỉ mặt trăng. Nếu đã thấy mặt trăng rồi, thì có thể biết cái để chỉ mặt trăng (ngón tay) không phải là mặt trăng. Tất cả lời nói của Như Lai khai thị Bồ tát cũng đều như thế” . (5)

Nhân ngón tay mà thấy được mặt trăng, thì công dụng của ngón tay đã xong.

Khi thấy được mặt trăng rồi thì có thể quên ngón tay đi. Nếu lại chỉ ngó thấy ngón tay mà chẳng chịu ngó mặt trăng, hoặc lại nhận lầm ngón tay là mặt trăng, thì ra ngón tay chẳng những không có công dụng gì cả, lại còn trở thành chướng ngại… là khác.

Đây cũng là chỗ Trang Tử nói: “Đặng cá, hãy quên nơm; đặng thỏ, hãy quên dò; đặng ý, hãy quên lời”.

Người đời mãi vùi đầu vào Kinh điển sách vở, câu chấp trong từng lời nói câu văn… thật là sai xa tinh thần Phật học không biết chừng nào! Và chính vì thế mà về sau sở dĩ phái Thiền chủ trương “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” (6) là để giải thoát tinh thần con người đừng bị mắc trong hình thức các giáo lý.

Xem những câu chuyện trên đây đủ thấy kinh điển văn tự có lúc cần phải quên đi, và vứt đi thì mới đến chỗ đại thông.

Dùng văn tự tương đối để biểu thị chân lý tuyệt đối, cũng như dùng ngón tay để mà chỉ trăng… Nhưng sau khi thấy trăng, hãy quên ngón tay đi…thoát khỏi ngón tay thì mới “chứng” được mặt trăng. Đó là mượn tương đối để vào tuyệt đối.

Văn tự tuy cần,nhưng thực ra rất hữu hạn. Cho nên, lời nói của Thích Ca chép thành Kinh sách… phải biết đều là giả lập của Thích Ca.

“Giả lập là vì muốn độ chúng sinh… nhưng rồi “phủ định” ngay, là vì muốn cho chúng sinh không bị lụy. Có giả lập rồi lại có phủ định mới là Phật. Có giả lập mà không có phủ định, chưa phải là Phật: cũng như chỉ có phủ định mà không có giả lập, cũng không phải là Phật… Có giả lập mà có phủ định, cho nên Phật giáo mới tuyệt đối không bị tì vết, không thể bị phê bình, bài bác! Phật nói duy tâm, liền lại phủ định nó ngay; nói Chân như, rồi lại phủ định nó ngay; nói “A niệu đa la tam miệu tam bồ đề” (7) rồi liền lại cũng phủ định nó ngay.

Phật bảo những cái đó đều là giả danh, chẳng có thực. Và có như thế, thì sự thuyết pháp của Phật mới không thể trệ ngại, và chứng vào cảnh tuyệt đối. Bởi vậy những kẻ muốn đem Kinh điển pháp môn ra để phê bình Phật đâu có biết rằng chỗ gọi là Kinh điển, là pháp môn… Phật đều đã phủ định cả rồi!

Căn cứ vào Kinh điển để phê bình, nhạo báng Phật có khác nào “kẻ nắm tay mà đấm vào khoảng không, ngửa mặt mà phun nước miếng lên trời” chỉ tổ tự mình làm nhơ bẩn mặt mày của mình.

Tóm lại, phủ định là phương pháp để tiến đến chân lý tuyệt đối, mà cũng vừa là phương pháp để biểu thị chân lý tuyệt đối. Đó là cách thuyết pháp của Phật: vừa nói ra, vừa phủ định ngay. Nếu không thế, thì không còn lấy gì để bôi đi tất cả dấu vết, giải thoát trệ ngại.

Kinh Kim Cang có câu: “Cái gọi là Phật pháp, tức là chẳng phải Phật pháp… Phật nói chúng sinh, tức chẳng phải là chúng sinh, cho nên gọi là chúng sinh. Phật nói thế giới, tức là chẳng phải thế giới, cho nên gọi là thế giới. Phật nói A nựu đa la tam miệu tam bồ đề, tức chẳng phải A nựu đa la tam miệu tam bồ đề, cho nên gọilà A nựu đa la tam miệu tam bồ đề.” (7)

Nếu hiểu được cái lý này, thì sau mới có thể tụng kinh, học Phật. Bằng không, tụng Kinh học Phật… vô ích, không mong gì đến giải thoát.

Tóm lại, Phật học là cái học phá trừ kiến chấp. Phật học là một cái học không có học thuyết, là một giáo lý không có giáo điều. Phật học là một học thuyết khai phá hoàn toàn ngay cả những giáo điều của chính mình sùng bái. Đó là chỗ cao nhất của tinh thần Phật học.

Ta nên biết rằng: cảnh giới Chân Như Tuyệt Đối chẳng phải là chỗ mà ngôn ngữ văn tự có thể bày tỏ ra được, cho nên sau khi Phật thuyết pháp, liền đó lại phủ định ngay sự thuyết pháp của Ngài. Chính Thích Ca đã nói: “Ta thuyết pháp trong khoảng bốn mươi chín năm mà chưa từng nói một lời… Ta, từ đêm được Chánh giác, đến đêm nhập Niết bàn, trong khoảng đó, ta chưa từng nói một chữ…!”

Kinh Đại Niết Bàn cũng có nói: “Thấy tất cả đều là “Không”, mà chẳng thấy cái “chẳng không”, chẳng gọi được là Trung Đạo; thấy hết thảy là “vô ngã” mà chẳng thấy tất cả là “hữu ngã” cũng chẳng gọi là Trung Đạo…” Cho nên, có thể nói rằng: Trung Đạo là tinh hoa căn bản của Phật giáo Đại Thừa. Và bởi theo Trung Đạo, nên không mắc vào cái Có, cũng chẳng mắc vào cái Không, nên mới gọi là người học Phật phải có tinh thần “vô trước”.

|Trích từ sách “Phật Học Tinh Hoa” của Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Tác giả là nhà giáo, học giả, nhà biên khảo đã xuất bản nhiều tác phẩm văn học kể cả Phât học, Đạo học…
Cụ Nguyễn Duy Cần còn là nhà giáo dục, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo Dục trước 1975, thời VNCH.
Xem tiểu sử tác giả tại đây Thu Giang Nguyễn Duy Cần

=======================================================
1. Trung A hàm (Majjhima-nikàya).
2. Kinh Phật gọi là Kiến Trước (chấp vào một ý kiến nào) hay bị mắc vào một ý kiến nào.
3. “Vô Trước”, là không để mắc vào một cái gì cả…(Trước: dính vào, buộc vào, mắc vào)
4. Majjhima-nikàya (Trung A Hàm).
5. Tu Đa La giáo như tiêu nguyệt chỉ, như phục kiến nguyệt, khả tri sơ tiêu tất cánh phi
nguyệt. Nhất thiết Như Lai chủng chủng ngôn thuyết khai thị Bồ tát diệc phục như thị”.
6. Chánh pháp nhân tàng, Niết bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất
lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật (Kinh Đại Phạm
Thiên Vương Văn Quyết)
7. Tức là “Vô thượng chánh đẳng giác” dịch ở tiếng Phạn (sanskrit) (Anuttara samyak
samboddhi) – Anuttara (a niệu đa la): vô thượng; samyak (tam miệu): chánh đẳng;
samboddhi (tam bồ đề): chánh giác

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.