Chuyển Pháp Luân Và Tứ Diệu Đế – Phần 5

NHẬN ÐỊNH SAI LẦM

M.2 – “Hạng thường nhân không nhận rõ những gì đang chú trọng và không nên chú trọng. Họ để tâm luyến ái các điều vô ích và bỏ rơi những việc hữu ích. Vì thiếu sáng suốt nên họ nảy ra ý nghĩ như vầy:

Trước kia ta đã có sanh ra làm người không?
Nếu có, vậy thưở đó ta là thế nào?
Và đã có những biết chuyển gì?
Rồi sau này ta sẽ tái sanh nữa chăng?
Chừng đó ta sẽ ra thế nào? Số phận ra sao và sẽ có thay đổi gì không?

Về kiếp hiện tại, họ cũng hoài nghi:

Ðây có phải thiệt là ta không?
Hiện nay ta là thế nào?
Con người từ đâu đến, rồi nó sẽ đi về đâu?”

SÁU CÁI HẦM TÀ KIẾN

“Bị chìm đắm trong sự nhận định thiếu trí tuệ, hạng thường nhơn phải sa vào một trong sáu tà kiến. Họ quả quyết như vậy và tin tưởng vào đó:

1) Hoặc ta có cái ngã (Ta)?
2) Hoặc ta không có cái ngã?
3) Phải chăng, nhờ cái ngã mà ta tự biết mình?
4) Nhờ cái Ngã mà tự biết được trạng thái “Vô Ngã”?
5) Ðây là cái Ngã của ta, vì nó biết suy nghĩ, biết cảm xúc, biết thọ lãnh quả báo của những nghiệp lành hay dữ.
6) Ðây là cái “Bản Ngã”, nó thật trường cữu, bền bĩ vĩnh viễn, không thay đổi và mãi mãi như vậy thôi”.

M.22 – “Nếu cái Ngã (Ta) là thật tế, tất nhiên phải có vật gì tuỳ thuộc vào nó., nhưng chẳng tìm đâu ra được cái Ngã mà cũng không tìm được cái gì (có một thực thể) tuỳ thuộc vào nó. Như vậy chẳng có chi phi lý bằng khi nói: “Ðây là thế gian. Ðây là Ta. Sau khi chết ta sẽ tồn tại mãi mãi. Ta là trường tồn vĩnh cữu”.

Ðó là những ý kiến thô sơ, là một đám rừng ý kiến, một bả nhơ ý kiến, một trò hề ý kiến, một cái bẫy ý kiến. Và khi bị sa vào cạm bẫy “Si Mê” thì con người thiếu khôn ngoan không sao thoát ly ra khỏi những thảm hoạ: sanh, già, đau, chết, khỏi sầu não khổ đau, khỏi thất vọng. Như Lai cho rằng người đó sẽ không thoát khỏi những điều thống khổ.”

LÝ LUẬN THÔNG MINH

M.2 – “Người giới tử nào có học thức, thuộc gia đình cao quý, biết kính trọng các bậc hiền triết, biết nghe lời dạy bảo của các Ngài là đã thuần thục trong Giáo lý cao siêu rồi vậy. giới tử đó biết phân biệt những gì đáng chú trọng và những gì không nên chú trọng, biết vật nào có giá trị và vật nào vô giá trị. Người nhận xét sáng suốt thế nào là đường lối đưa tới dập tắt nguồn đau khổ”.

BƯỚC VÀO VÒNG THÁNH VỨC “SOTAPANNA” (Tu Ðà Hườn)

“Khi biết nhận định đúng theo chân lý như thế, người giới tử vất bỏ được ba sợi dây trói chặc là: ảo tưởng về cái Ta (Ngã Chấp), nghi ngờ về chánh giáo (Hoài Nghi), tin tưởng dị đoan cúng kiến lễ bái, tế lễ (Giới Cấm Thủ)”.

M.2 – “Lúc gạt bỏ được 3 sợi dây trói buộc đó, giới tử đã bước vào dòng nước (Nhập Lưu – Tu Ðà Hườn) thoát khỏi tình trạng khốn quẩn và chắc chắn sẽ được Giác Ngộ”.

DHP.178 – “Hơn cả việc thống trị thế gian. Hơn cả các thú vui nơi cõi thiên đàng. Hơn cả nắm quyền hành trên toàn vũ trụ, chẳng có chi an vui hạnh phúc bằng được nhập lưu Niết Bàn”.

A.X – “Thật ra những kẻ nào có đức tin không gì lay chuyển nỗi đối với Như Lai , những kẻ đó đã nhập lưu rồi vậy (bước vào lãnh vực Thánh Nhơn)”.

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA (theo Abhidhamma)

Có mười sợi dây trói chặt chúng sanh vào bánh xe luân hồi (Sannojana):

1) Ảo tưởng về cái “Ta” (Sakkayà-ditthi – ngã chấp)
2) Ngờ vực về chánh pháp (Vicikicchà – hoài nghi).
3) Ưa thích lễ bái cúng kiến (Silabbata Paràmàsa – Giới cấm thủ)
4) Ham muốn tình dục (Kàmaràga)
5) Ác tâm (Vyàpàda)
6) Muốn được sanh về cõi Sắc giới (Rùpa Ràga)
7) Muốn được sanh về cõi trời Vô Sắc giới (Arùpa Ràga)
8) Cống cao ngã mạn (Màna)
9) Phóng tâm (Uddhacca)
10) Vô Minh (Avijjà)

Theo nghĩa Phạn ngữ Pali “Sotàpanna – Tu Ðà Hườn” là “Người bước vào dòng nước “. Nghĩa là nhập vào lượng thuỷ triều đưa tới Niết Bàn, người ấy đã thoát ra khỏi 3 sợi dây trói chặt thứ nhất.

“Skadàgàmi – Tư Ðà Hàm” là “Người còn trở lại một lần” (trên cõi thế) đã diệt thêm 2 sợi dây trói buộc thứ 4 và thứ 5 một cách tương đối thô thiển.

“Anàgàmin – A Na Hàm” là “Người không còn trở lại nữa”. Nghĩa là cắt đứt hoàn toàn 5 dây trói chặt đầu tiên thuộc phạm vi cõi Dục giớ i(Kàma-Loka). Sau khi chết, người được sanh về cõi trời Sắc giới (Rùpa-Loka) rồi đắc quả Niết Bàn luôn.

“Arahat – A La Hán” hay là “Thinh Văn Giác” là người đã hoàn toàn cắt đứt mười dây trói chặt kể trên.

M.117 – “Như Lai cho biết Chánh kiến có hai:

1) Chánh kiến thế gian (hiểu biết chơn chánh của người tại gia)
2) Chánh kiến siêu thế gian (hiểu biết chơn chánh của bậc Sa Môn)

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.