Triết lý và thực tiễn của Pháp môn Tịnh Độ – Phần III

NGÀY THỨ NĂM

1. Dừng tâm cầu phú quý, chỉ cầu vô thượng đạo

Trước khi vào vấn đề, xin chư vị niệm tình tha thứ cho! Vì thời đại ngày nay là thời đại mạt pháp, cách Phật diệt độ rất xa. Hiện tại, Phật Di-lặc vẫn chưa đản sinh, nên chúng ta hiện đang kẹt trong Bát nạn. Thế nhưng, chư vị ngày nay được nghe đạo vô thượng, gặp được pháp môn Tịnh độ để tu tập, lại gặp được đạo tràng thanh tịnh như thế này, chứng tỏ chư vị là người đã có gieo nhân lành trong vô lượng kiếp.

Chúng ta học Phật, điều quan trọng nhất là phải có Chánh tri kiến, người không có Chánh tri kiến học Phật cũng không có lợi ích thiết thực gì. Chánh tri kiến như kim chỉ nam định hướng cho chúng ta con đường đi đúng đắn. Mọi người đã là người biết đạo, là người niệm Phật tu hành, không nên giống người trong thế tục chỉ cầu giàu sang phú quý, thăng quan phát tài, mà mục đích chúng ta học Phật là cầu giải thoát khổ đau, thoát ly luân hồi sinh tử. Nếu người học Phật với mục đích chỉ cầu phú quý thì chẳng khác nào ngoại đạo. Nói như thế, Phật pháp có giảng cầu phú quý không? Đương nhiên, Phật pháp cũng có nói đến việc cầu phú quý, song cầu xuất thế gian mới là chân thật phú quý.

Giàu sang phú quý của thế gian thường làm chướng ngại cho đạo nghiệp, chúng ta phải xả bỏ nó. Trong kinh thường nói: “Giàu sang học đạo là khó”. Người giàu sang có tiền tài, phú quý, có danh vọng. Tài và danh là hai loại trong năm thứ Ngũ dục, chúng giống như hai sợi xích trói buộc con người, đưa con người vào đọa lạc. Người có tài, có danh vọng thật khó xả bỏ để tu hành. Do đó, người tu hành chúng ta chỉ cần thân thể mạnh khỏe, ăn mặc vừa đủ là được rồi. Nếu như ăn mặc không đầy đủ, đương nhiên sẽ khó mà tu hành, vì ăn mặc không đủ dẫn đến thân thể bất an, thân thể không an thì tâm khó an định, thân thể không có an làm sao tu hành được.

Chúng ta sinh vào thời đại ngày nay, phương tiện ăn mặc của chúng ta không đến nỗi thiếu thốn. Chúng ta sinh được vào hoàn cảnh tốt như thế này, không cần phải tranh danh đoạt lợi rồi. Vì cầu danh tranh lợi ắt hẳn làm chướng ngại cho việc tu hành. Mọi người nhất định phải xả bỏ cái tâm mong cầu giàu sang phú quý thì mới có thể học đạo được.

Trên sự thật, người giàu sang phú quý đa số là làm ác, tạo nghiệp nhiều. Chúng ta cứ quan sát xem, người giàu sang phú quý có được mấy người chân chính cống hiến cho xã hội, cho đất nước? Có được bao nhiêu người giàu sang mà không kiêu ngạo, không mê muội? Một người đã giàu sang rồi khó mà tránh khỏi sự tham đắm Ngũ dục. Tài, sắc, danh, thực, thùy là chỗ y cứ cho địa ngục, cho nên chúng ta không nên có tâm mong cầu phú quý trong thế gian.

Phật pháp giảng nói điều cao quý nhất là gì? Tu Lục độ Vạn hạnh là giàu sang nhất, giải thoát khỏi Nhị tử là phú quý nhất. Nhị tử bao gồm những gì? Đó là Phân đoạn sinh tử và Biến dịch sinh tử. Sinh sinh, tử tử trong Lục đạo luân hồi gọi là Phân đoạn sinh tử. Phàm phu tu đạo chứng được quả A-la-hán, tức được giải thoát khỏi Phân đoạn sinh tử. Chứng quả A-la-hán lại phát Bồ-tát tâm hành Bồ-tát đạo, phá trừ vô minh chứng được pháp thân, Phật đạo viên thành, đó là giải thoát khỏi Biến dịch sinh tử. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, Phật A-di-đà cùng vô lượng chư Phật là những vị đã giải thoát khỏi Nhị sinh tử, tự do tự tại qua lại trong chín giới cứu độ chúng sinh, đó mới là cao quý nhất.

Đức Phật được gọi là Thế Tôn, là thầy của trời người, là do người thế gian tôn quý Ngài mà gọi tên như vậy. Vì Ngài có đại từ bi, đại trí tuệ, có thể cứu khổ chúng sinh thoát khỏi khổ não, đạt được an lạc giải thoát. Chúng ta thử xem, người giàu sang trong thế gian có bao nhiêu người làm được vậy? Chúng ta là người học Phật, phải noi gương Phật mà học tập, phải hướng tâm cao thượng cầu đạo xuất thế gian, đó mới là phú quý chân thật nhất, mới là người Phật tử chân chính.

2. Tận tình thọ trì, chí thành xưng niệm

Mọi người học tập, tu pháp môn Tịnh độ, trước tiên phải có đầy đủ tư lương Tín–Nguyện–Hạnh. Trong kinh A-di-đà yếu giải có nói: “Không có tin thì không thể phát nguyện, không có phát nguyện thì không có thực hành”. Chúng ta tham dự Phật thất, niệm Phật bảy ngày chú trọng là thực hành. Phương pháp dụng công niệm Phật phải như thế nào? Bình thường có bốn phương pháp niệm Phật. Hiện tại, tôi xin đơn cử nói đến phương pháp được nhiều người thực hành nhất, một phương pháp dễ thực hành lại dễ thành công nhất, đó là phương pháp Trì danh niệm Phật. Thế nào là Trì danh? Là trì niệm danh hiệu A-di-đà Phật vạn đức hồng danh. Đương nhiên, trì niệm danh hiệu của các đức Phật khác công đức cũng không thể nghĩ bàn. Vậy thì tại sao đức Phật Thích-ca lại đề cử Phật A-di-đà là tôn quý nhất trong vô lượng chư Phật? Tại sao Ngài lại khuyên chúng ta thành kính niệm danh hiệu Ngài? Vì Phật A-di-đà có nguyện lực rất lớn, Ngài phát bốn mươi tám lời nguyện, độ tất cả chúng sinh. Do đó, chúng ta không cần phải trì niệm bất cứ một danh hiệu Phật nào nữa, để dễ chuyên tâm. Vì thế, cổ đức có nói: “Chuyên tu thì vạn người tu vạn người được”, là vậy.

Chúng ta khi dụng công niệm Phật, không kể là niệm bốn chữ hay sáu chữ, phải niệm sao cho từng câu từng chữ rõ ràng. Danh hiệu phải lưu xuất từ tâm thành kính. Tai phải nghe từng câu từng chữ rõ ràng, tâm phải lưu xuất chú ý vào danh hiệu Phật. Một câu danh hiệu niệm như vậy, nghìn câu vạn câu cũng niệm như vậy, ngày nay niệm như vậy, ngày mai cũng niệm như vậy, năm này niệm như vậy, năm tới cũng niệm như vậy, cho đến trăm năm cũng niệm như thế. Điều quan trọng là tâm phải thường hằng, không được ngày nay niệm ngày mai lại phế bỏ, tâm không chuyên nhất khó mà được vãng sinh, lại phí công sức nữa.

Chúng ta nên niệm bốn chữ hay sáu chữ? Kỳ thật, niệm bốn chữ hay sáu chữ công đức đều giống nhau, không phải niệm sáu chữ là tốt hơn bốn chữ. Trong kinh điển thường gọi người chấp trì “A-di-đà Phật”, song tại sao cần phải niệm thêm hai chữ “Nam mô”? “Nam mô” có nghĩa là “quy mạng”, “quy y”, cũng có ý nghĩa là “nhất tâm”. Chúng ta nhất tâm quy mạng A-di-đà. Nếu bạn muốn niệm chậm thì niệm sáu chữ, muốn niệm nhanh thì trì niệm bốn chữ, cái nào cũng tốt.

Chúng ta niệm Phật cũng phải như ăn cơm vậy. Mỗi ngày đều phải ăn, từ khi lọt lòng mẹ đã ăn rồi, hiện tại ngày nào cũng phải ăn. Vậy đến khi nào mới ngừng ăn? Chỉ có khi nào Diêm vương đến rước bạn mới ngừng ăn thôi. Chúng ta niệm Phật cũng phải giống như vậy. Phải niệm cho rõ ràng, niệm đến khi nào Phật A-di-đà đến tiếp dẫn mới thôi niệm. Không nên cho rằng niệm một ngày, hai ngày hoặc một Phật thất, hay hai Phật thất là được, mà phải niệm Phật, niệm đến lúc nào thành thục mới thôi. Giống như một em tiểu học, học thuộc lòng văn chương, học một lần không thuộc, lại học hai lần, ba lần vẫn không thuộc thì phải đọc đến trăm lần, học đến khi nào thuộc mới thôi. Chúng ta niệm Phật cũng phải như vậy, niệm đến khi nào Phật A-di-đà đến tiếp dẫn mới có thể dừng nghỉ được.

Chúng ta một khi được vãng sinh rồi thì không còn lo sợ không thành Phật nữa. Phàm phu sinh đến Tây Phương, đầu tiên là tạm trú tại cõi Phàm Thánh Đồng Cư, sau đó lại đến ở tại Phương Tiện Hữu Dư độ, Thật Báo Trang Nghiêm độ, sau cùng là tiến nhập vào Thường Tịch Quang Tịnh độ mà thành Phật. Chúng ta tại sao cần phải niệm Phật? Vì muốn được thành Phật. Thành Phật để làm gì? Để độ chúng sinh. Do đó, chúng ta cần phải phát Bồ-đề tâm mà niệm Phật, hành Bồ-tát đạo mà niệm Phật, có như thế mục đích mới chính xác. Nếu bạn xả bỏ tâm Bồ-đề mà niệm Phật tức là kim chỉ nam của bạn đã sai hướng rồi. Một khi vãng sinh Tịnh độ rồi cần phải trở lại Ta-bà để độ chúng sinh, độ chúng sinh đến khi nào mới dừng nghỉ? Đến khi nào chúng sinh hết, giác hạnh viên mãn mới thôi.

3. Bối trần hợp giác hướng Phật đạo

Chúng ta niệm Phật, cứu cánh là niệm cái gì? Cái được gọi là “tâm tức là Phật, Phật tức là tâm”. Tâm chúng ta niệm Phật A-di-đà Phật, A-di-đà Phật chính là tâm chúng ta. A-di-đà Phật ở thế giới Tây Phương, thế giới Cực Lạc cũng đều ở trong tâm chúng ta, thậm chí ngay cả thế giới pháp tạng, hư không cũng là trong tâm chúng ta. Hư không là không có giới hạn, tâm chúng ta cũng chính là vũ trụ hư không. Vũ trụ là gì? Trên dưới, phải trái, bốn phương gọi là vũ, tức là chỉ cho không gian; từ xưa đến nay gọi là trụ, tức là chỉ cho thời gian. Nói tóm lại, vũ trụ tức là chỉ không gian và thời gian. Chúng ta nói tâm bao trùm cả thái hư, tức là chỉ cho sự vô biên, vô thủy vô chung của tâm. Vì vậy, tâm không phải do duyên sinh, nếu tâm do duyên sở sinh thì cũng phải tùy duyên mà diệt, tức là không chân thật rồi. Chân tâm chúng ta tức là chỉ cho tâm thanh tịnh, tâm này vốn cũng là Phật, vừa là chúng sinh, là tâm chân thật không sinh, cũng không diệt.

Phật A-di-đà là người đã đoạn trừ hết tất cả phiền não, không còn tạo nghiệp, thanh tịnh vô vi giải thoát tự tại, chẳng những tự lợi đã viên mãn, mà công đức lợi tha của Ngài cũng đã viên mãn. Nói tóm lại, phước tuệ của Ngài cứu cánh viên thành, đã chứng được Pháp giới tàng thân, cũng đã chứng được bản tâm thanh tịnh. Thật ra, tất cả chúng sinh vốn có đầy đủ bản tâm thanh tịnh, cũng có năng lực chứng được Pháp giới tàng thân. Song chỉ vì chúng ta không có ý chí, không phát tâm tu hành, nên khiến cho bản tâm thanh tịnh của chính mình không hiển phát được, chớ nào phải do một đấng thượng đế có quyền hạn giáng họa cho chúng ta. Chỉ vì chúng ta không nỗ lực tu hành, chỉ vì chúng ta quá ư giải đãi mới ra nông nỗi như thế!

Thân của đức Phật là thân được tạo nên từ các công đức thanh tịnh, còn thân chúng ta là thân do tạo ác nghiệp mới có. Vì Phật là người bối trần hợp giác, tu tất cả các pháp thanh tịnh. Phàm phu chúng ta ngược lại, bối giác hợp trần, mê muội trong trần lao. Trần ở đây chính là Ngũ dục, là tài, sắc, danh, thực, thùy, những thứ mà chúng sinh tìm kiếm để rồi bị đọa lạc. Nếu như chúng ta muốn chuyển phàm thành Thánh, chuyển nhiễm thành tịnh, thì không gì hơn là niệm Phật. Chúng ta sở dĩ tạo các ác nghiệp sát sinh, trộm cắp, dâm dục và làm các việc ác khác, chỉ vì chúng ta đã có sẵn những hạt giống này trong tàng thức, vì nó đã được huân tập nhiều đời nhiều kiếp, trở thành tập khí quá nặng nên khó chuyển đổi được. Là người học Phật, cần phải chuyển đổi những tập khí đó trở thành những hạt giống thanh tịnh. Muốn chuyển đổi nó, không có gì hơn là chư vị hãy thành tâm niệm Phật sám hối.

4. Niệm Phật tức là niệm tự tâm

“Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm”. Chúng sinh tức là Phật, Phật tức là chúng sinh. Tâm Phật và tâm chúng sinh không hề sai biệt. Khi chúng ta niệm Phật tức là niệm tự tâm, A-di-đà Phật là Phật trong tâm chúng sinh. Phật không lìa khai tâm chúng sinh. Cho nên, khi chúng ta niệm Phật chính là niệm tự tánh Phật trong tâm chúng ta. Đã niệm Phật trong tự tâm rồi thì có Phật nào nữa mà cảm ứng, lúc đó tự tâm cảm ứng tự tâm. Chẳng những Phật A-di-đà ở trong tâm chúng sinh mà mười phương chư Phật cũng ở trong tâm chúng sinh. Chúng sinh như đứa con thơ trong tâm chư Phật. Đã là đứa con thơ ở trong tâm Phật thì Phật nào mà chẳng từ bi tiếp dẫn, chẳng thương nhớ chúng sinh! Vì thế, đức Phật A-di-đà luôn thương nhớ chúng sinh, Ngài luôn hy vọng những đứa con lầm đường lạc lối của mình sớm trở về ngôi nhà Cực Lạc, sớm thành tựu ba đức của Ngài, đó là Trí đức, Ân đức và Đoạn đức, cũng là đức Pháp thân, đức Giải thoát, đức Bát-nhã.

Chúng ta trăm ngàn đại kiếp đã lầm đường lạc lối mê lầm, cho nên ngày nay vẫn còn trôi lăn trong vòng sinh tử. Vì thế, ngày nay cần phải phát tâm chí thành, lão thật niệm Phật. Nếu tâm nhớ Đông nhớ Tây, tư tưởng loạn động, làm sao niệm Phật có cảm ứng được?

5. Chuẩn bị tư lương vãng sinh Tây Phương

Chúng ta tham dự Phật thất chú trọng ở chỗ thực hành, nếu có điều chi nghi ngờ phải nên thỉnh giáo. Dụng công có thông mới có lợi ích thiết thực, nếu có trở ngại thì công phu khó mà thành tựu được. Đối với chúng ta, điều thiết yếu quan trọng nhất là phải dụng công niệm Phật cho nhiều, lễ Phật cho nhiều!

Chúng ta học Phật phải chú trọng ở điểm thực hành, nếu không tu hành mà chỉ nghiêng về nghiên cứu kinh sách, dù cho bạn thông suốt đến đâu, cũng không được vãng sinh, đôi khi còn bị mắc vào sở tri chướng. Nếu muốn vãng sinh, bạn cần phải nhờ vào công đức của danh hiệu, lấy đó làm tư lương. Chúng tôi hy vọng rằng mọi người không nên vì việc làm công quả mà phế bỏ việc niệm Phật. Cần phải từng giây, từng phút chấp trì Thánh hiệu chuẩn bị tư lương vãng sinh Tây Phương. Thời gian thấm thoát thoi đưa, không chờ đợi một ai, kính thỉnh chư vị niệm Phật cho thật nhiều, nhất tâm cầu sinh Tây Phương!

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo, Sách Truyện. Bookmark the permalink.