Triết lý và thực tiễn của Pháp môn Tịnh Độ – Phần III

NGÀY THỨ SÁU

Niệm Phật chú trọng cầu vãng sinh,
Xả bỏ pháp môn này khó giải thoát

1. Chỉ y theo niệm Phật độ sinh tử
Đại sư Ấn Quang có nói: “ mạt pháp chỉ có chấp trì danh hiệu, niệm A-di-đà Phật mới có thể giải thoát. Tu hành các pháp môn khác khó mà được giải thoát”. Nói như thế, người không hiểu Lý sẽ không bao giờ chịu phục. Tại sao chỉ vì một câu A-di-đà đơn giản mà lại dám phế bỏ đi tất cả những lời dạy khác của đức Phật mà Ngài đã dạy trong cả một đời? Nói như thế chứng tỏ bạn là người không thông hiểu Phật pháp. Đạo pháp cũng có thời đại của nó. Giống như người nông dân trồng trọt cũng phải y theo thời tiết, nếu gieo giống không đúng mùa, làm sao giống có thể mọc được! Thời đại nào cũng có ảnh hưởng của thời đại đó. Phật pháp cũng phân chia thành ba thời kỳ chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp. Thời đại chúng ta hiện đang là thời kỳ mạt pháp. Nếu bạn không thành tâm niệm Phật mà cho rằng các pháp là tốt, đương nhiên các pháp môn khác cũng là tốt, song không hợp thời cơ.

Phàm một sự vật hay sự việc gì dù tốt đến đâu, cũng có thời hạn sử dụng của nó, nếu hết thời hạn sử dụng chất lượng sẽ không có. Cũng như trời Đông lạnh giá, bạn lại nói rằng mặc áo lụa cho mát mẻ thì đã sai rồi. Áo lụa chỉ thích hợp cho mùa Hè mùa thôi. Ngược lại, vào ngày Hè thời tiết nóng nực, bạn lại nói mặc áo da, áo bông là tốt. Áo bông, áo da chỉ có tác dụng chống lạnh mà thôi. Đương nhiên nó cũng tốt, song nó chỉ tốt cho ngày Đông, bạn không thể mặc nó vào mùa Hè mà cho là tốt được, chứng tỏ bạn là người không hiểu rõ thời thế. Vì thế, tất cả các pháp không kể là thế gian hay xuất thế gian, đều lệ thuộc vào nhân duyên và thời tiết mà sinh sinh diệt diệt.

Pháp môn đã thuộc vào Đệ nhất nghĩa đế, đương nhiên cũng tùy thuộc vào thời tiết nhân duyên mà có tác dụng. Đó là điểm mà mọi người cần phải nhận thức cho rõ. Vào thời đại ngày nay, chỉ có một câu A-di-đà Phật mới có thể liễu sinh thoát tử. Bạn muốn vãng sinh Tây Phương không còn thọ nhận khổ đau thế gian thì bạn cần phải có Chánh tri kiến, có tín tâm mới có thành tựu được. Bạn không nên nghe người khác nói pháp môn này tốt, pháp môn kia vi diệu rồi tin theo. Bạn cần phải biết rằng: “Thiên kinh vạn luận, xứ xứ đều quy hướng Tịnh độ. Tổ Tổ Thánh Hiền xưa nay chỉ quy hướng Tây Phương”, đó là điểm các bạn cần phải chú ý. Vào thời đại này, duy chỉ có nương theo niệm Phật mới được độ thoát. Trừ niệm Phật ra, tu các pháp môn khác khó mà được giải thoát. Tôi thường giới thiệu cùng chư vị lời dạy của Tổ Ấn Quang là vì sao? Vì lời của Tổ dạy, từng câu từng chữ đều khế hợp với kinh điển, đều được Tổ căn cứ trên kinh điển mà nói. Thí dụ Tổ có nói: “Thời đại hiện nay, xả bỏ pháp môn niệm Phật, không thể giải thoát, không thể liễu sinh tử”. Lời nói này rất hợp với lời Phật dạy trong kinh Đại Tập: “Thời đại mạt pháp, ức ức người tu ít có người đắc đạo, duy chỉ y theo pháp môn niệm Phật mới được độ thoát”. Đó là một sự thật. Vì thời đại ngày nay là thời đại mạt pháp, căn khí của chúng sinh không còn sâu dầy lanh lợi như thời tượng pháp và chánh pháp, nếu tu tự lực thật khó mà giải thoát được, khó có được một người thành tựu, duy chỉ có nương theo pháp môn niệm Phật mới có thể giải thoát, chỉ vì pháp môn niệm Phật dễ thực hành, đơn giản và lại dễ thành tựu, bất cứ hạng người thuộc căn cơ nào cũng tu được.

Lời dạy của Phật trong kinh điển mọi người cần phải tin, nếu không tin thì không phải là người Phật tử. Nhất là thân làm người xuất gia, ăn cơm Phật, mặc áo của Phật, bạn không thể tuyên dương chánh pháp là điều không thể nói rồi, nếu ngay lời Phật dạy cũng không tin, thậm chí lại còn hủy báng pháp môn niệm Phật, không tin lời Phật, lời Tổ tức bạn là quyến thuộc của ma, như vậy làm sao tránh khỏi quả báo, làm sao đủ Chánh tri kiến học Phật được?

2. Một câu niệm Phật đủ Lục độ

Phật thường dạy: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Thật vậy, chúng ta là người học Phật, cố nhiên không phải chỉ học một pháp môn mà cần phải học tất cả các pháp môn khác. Thế nhưng, bạn phải biết rằng pháp môn niệm Phật là pháp môn tổng trì, có đầy đủ vô lượng vô biên các pháp. Tôi thường thí dụ danh hiệu A-di-đà Phật giống như thức ăn duy trì thân mạng, nếu bạn không ăn thân thể sẽ trở nên tiều tụy. Vì một câu A-di-đà Phật đầy đủ Tứ nhiếp pháp, Lục độ Vạn hạnh. Liên Trì đại sư cũng có nói: “Một khi khởi niệm danh hiệu đã đầy đủ vạn đức, một khi Trì danh đã đầy đủ trăm hạnh”. Nói như thế người không có trí tuệ sẽ không thể nào lãnh thọ, không thể hiểu được, đồng thời cũng không tin.

Bình thường, có một số người ngộ nhận rằng: “Một câu A-di-đà Phật đã đầy đủ Lục độ Vạn hạnh, Tứ nhiếp. Như vậy, chúng ta tu Lục độ và hành Tứ nhiếp pháp thì không cần phải niệm Phật nữa”. Bạn cần phải biết rằng, chúng ta niệm Phật là để cầu sinh Tây Phương. Trong kinh A-di-đà, Phật có dạy: “Không thể nào lấy một chút ít phước đức nhân duyên mà được sinh sang nước ấy”. Chúng ta nhất định phải có lòng tin kiên cố, trước tiên lấy câu A-di-đà Phật trì niệm cho chí thành, có như thế nghiệp chướng mới tiêu trừ, trí tuệ mới phát sinh, sau đó mới tu tập các pháp khác. Vì sao trước tiên chúng ta phải chấp trì Thánh hiệu? Vì trong Thánh hiệu đã có đầy đủ công đức Tứ nhiếp pháp và Lục độ Vạn hạnh, vì thế chúng ta cần phải niệm Phật cho nhiều. Nhờ vào công đức của niệm Phật làm cơ sở, nền móng cho chúng ta, sau đó mới tu Tứ nhiếp và Lục độ, có như thế con đường tu đạo mới thông. Từ chỗ thông rồi, dụng công mới nhẹ nhàng, mới có an ổn được.

Tuy nói cần tu Lục độ Vạn hạnh, song, chúng ta là người niệm Phật cần phải chú trọng ở việc cầu sinh Tây Phương. Sinh Tây Phương chứng được Vô sinh pháp nhẫn rồi, sau đó mới trở lại đạo tràng trong mười phương thế giới, rộng độ chúng sinh, viên mãn hạnh nguyện Bồ-đề, có như thế mới xứng đáng là người tu niệm Phật.

Những lời nói trên đều đã được chư Tổ sư nói trong quá khứ. Lời Tổ nói đều căn cứ theo kinh điển. Tôi chỉ đem lời nói của các Ngài mà phân tích, diễn bày cho chư vị dễ hiểu. Thật ra, lời nói đó không khác gì lời dạy của chư Tổ. Tại sao tôi lại dám biến đổi lời dạy của chư Tổ? Vì muốn khế lý khế cơ theo thời đại, nếu nói hoàn toàn giống lời văn trong kinh điển, e rằng sẽ có người không thể hội được, vì thế cần phải tùy theo hoàn cảnh, tùy theo căn cơ của mọi người mà nói. Song, dù trăm thuyết ngàn thuyết cũng không lìa nghĩa lý, giống như các nhà khoa học y khoa hiện tại rất tiến bộ, đã phát hiện ra nhiều chất dinh dưỡng để duy trì mạng sống nhân loại, cho nên tôi cũng lấy thí dụ, danh hiệu A-di-đà vạn đức hồng danh dạy người cho dễ hiểu, quý vị có nhận thức được hay không?

3. Hạnh Đại thừa bất não chúng sinh
Bình thường, có một số người cho rằng, nếu người tu theo Đại thừa thì người đó phải ở tại thế giới Ta-bà, hành Bồ-tát đạo, rộng độ chúng sinh mới đúng là Đại thừa; nếu nói cầu sinh Tây Phương tức là Tiểu thừa rồi. Bạn nói như vậy là không sai. Người tu theo Phật pháp là cần phải độ chúng sinh, phải xả tự kỷ để hành lợi tha, chỉ có độ chúng sinh mới có thể báo đáp ân đức của Phật, mới có thể thành Phật đạo. Song, bạn phải tự suy xét mình có đủ năng lực độ chúng sinh hay không? Nếu có, bạn cứ lấy lợi tha để làm tự lợi cho việc tu hành, chúc bạn độ tha, sớm thành Phật đạo.

Chúng ta hiện nay là tội chướng phàm phu, sinh vào thời đại mạt pháp, nhưng được may mắn gặp được Phật pháp, lại có đủ lòng tin để tu hành. Điều đó, chứng tỏ chúng ta là người đã nghe Phật pháp trong nhiều đời nhiều kiếp, là người có thiện căn. Người không có thiện căn chắc chắn không thể gặp được Phật pháp. Chỉ vì chúng ta có nghiệp chướng nặng nề, ngày nay chưa được giải thoát. Tuy là tu thiện nhưng không thể tránh hẳn được làm ác, thiện cũng chưa thuần. Một mặt tu đức, một mặt làm tổn đức; hoặc tuy giữ giới, song chưa tu phước tuệ, không có kết thiện duyên với người. Vì thế, chúng ta muốn độ chúng sinh cần phải có thứ lớp. Trước tiên cần phải trì giới cho tốt, lấy giới làm cơ sở, tự cầu giải thoát, tiếp theo là tu hạnh Bồ-tát rộng độ chúng sinh, cho nên mới nói “leo cao ắt phải từ dưới thấp, đi xa ắt phải từ chỗ gần”.

Phải có thứ lớp như thế bạn mới có an ổn, nếu không nhất định bạn sẽ gặp phải sai lầm. Tại sao? Trong luận có nói: “Tự thân chưa độ mà độ người, tức là không có”. Bạn nói độ chúng sinh tốt, song cần phải cảnh giác, phải thấy mình có đầy đủ đạo lực hay không; nếu không, chẳng những bạn không độ được chúng sinh mà ngược lại bị chúng sinh độ nữa là khác. Kỳ thật, người niệm Phật, là người đang hành đạo Bồ-đề, cầu sinh Tây Phương, một khi hoa nở liền thấy Phật, ngộ Vô sinh pháp nhẫn, sau đó trở lại khắp mười phương rộng độ chúng sinh. Theo bạn, như vậy đúng hay sai? Chẳng lẽ lời dạy của chư Phật, chư Tổ lại cần bạn chấn chỉnh hay sao? Nếu bạn là người chân thật có trí tuệ, sao lời nói của bạn không tương ưng với lời dạy của chư Phật?

Hiện tại, chúng ta không hại chúng sinh là tốt, là quý lắm rồi. Nếu bạn không muốn làm hại chúng sinh thì bạn cần phải giữ giới hạnh cho thanh tịnh, bạn hại chúng sinh tức là phạm giới. Nếu bạn không muốn làm hại chúng sinh, gây khổ đau sầu não cho chúng sinh, bạn cần phải trì giới cho thanh tịnh, nếu không làm sao bạn có thể tu Lục độ Vạn hạnh độ chúng sinh, hay đạt được sự thanh tịnh viên mãn được? Quý vị ở đây là những người có chí, có tâm thiết tha tu hành, kính xin chư vị không nên nói pháp môn niệm Phật không tốt, rồi đánh mất đi nhân duyên hy hữu được vãng sinh của chính mình!

4. Tưởng nhớ Pháp sư, xin niệm Phật

Ấn Quang tổ sư có khuyên người xuất gia, nếu có nhớ đến Ngài xin hãy tha thiết dụng công niệm Phật. Nếu bạn niệm Phật cho tốt, tương lai nhất định cũng có năng lực như Pháp sư. Nếu bạn không tu trì phước đức, lại muốn nghiên cứu kinh điển, học làm Pháp sư, vì làm Pháp sư thăng tòa uy phong ai mà chẳng thích. Song việc đó, bạn có làm được hay không? Nếu trong quá khứ bạn không trồng nhân đó, không có năng khiếu và năng lực, nhân duyên không đầy đủ, thì cũng không nên luống phí tâm lực, hoang phí thời gian làm gì, mà cần phải chí tâm mà niệm Phật, lạy Phật. Vì: “Lễ Phật một lễ tội diệt hà sa, niệm Phật một câu phước tăng vô lượng”. Bạn cứ như vậy mà dụng công tám năm, mười năm sau, muốn làm Pháp sư cũng chưa muộn. Thật ra, không cần học, tự nhiên bạn cũng có thể giảng kinh thuyết pháp được, cũng có thể độ chúng sinh được. Vì thế, bạn cần phải theo thứ lớp mà học tập. Giống như ban đầu vào chùa làm tiểu Sa-di, năm năm đầu phải tinh chuyên giới luật, năm năm sau mới nghe pháp tham thiền học đạo, niệm Phật, có như thế nghiệp chướng mới tiêu trừ, về sau thành tựu mới lớn. Nếu không học căn bản, cứ học những điều cao xa, làm sao thành tựu được! Hy vọng chư vị học giả sơ phát tâm phải như vậy, không nên hy vọng cao xa, mà phải lão thật dụng công mới là tốt!

Tổ sư Ấn Quang sở dĩ khăng khăng không nhận đệ tử xuất gia cũng vì nguyên nhân đó. Ngài e ngại rằng nếu nhận người xuất gia thì họ sẽ học đòi làm Pháp sư, sợ họ không đủ giới đức tu hành, luống thọ của đàn na ắt hẳn sẽ đọa lạc. Hiện tại, đa số người xuất gia đều như vậy, cứ vào chùa cạo đầu, chỉ biết lo thụ hưởng, không nghĩ đến bổn phận cao quý của người xuất gia, chỉ tu tập cho qua ngày đoạn tháng chớ không bao giờ nghĩ đến việc giải quyết sinh tử, cứu độ chúng sinh, thậm chí còn làm mất Chánh kiến cho hàng Phật tử tại gia, làm cho đạo pháp ngày càng đi vào con đường suy đồi. Thảo nào, cổ đức có nói: “Người xếp hàng trước cửa địa ngục nhiều nhất là Tăng chúng”. Ngày nay, những người làm sư phụ đều như vậy, bản thân không có thân giáo lại nhận đệ tử. Tự mình không có gì để làm nơi nương tựa tu tập, không có kinh nghiệm, làm sao dạy đạo hạnh, công phu cho hàng đệ tử? Từ chỗ thầy không tốt, cho nên dẫn đến đệ tử làm sao tốt được.

Nếu bạn có thể noi theo gương Hòa thượng Quảng Khâm mà học tập thì tốt nhất. Học Hòa thượng ở cái gì? Học cái khổ hạnh của Ngài. Mấy mươi năm tu tập trên núi không thọ nhận của đàn na đã đành, thế nhưng sau khi trở về thế gian, được thí chủ cúng dường Ngài không bao giờ có tâm tham trước. Ngài ăn mặc rất đạm bạc thô sơ giản dị, bao nhiêu của ngon ngọt của đàn na cúng dường cho Ngài, Ngài đều chia cho đại chúng, đều lo cho Phật sự. Vì thế, bạn muốn học đạo cho tốt, hãy nên lấy Ngài làm tấm gương. Nếu bạn không học, không khổ công tu hành, lại vọng tưởng làm cái này cái nọ thật chẳng khác nào bỏ gốc mà theo ngọn, giống như người nông dân không có cày bừa, không cần cù siêng năng mà lại muốn lúa khai hoa kết nhụy. Vì thế, kính thỉnh chư vị sơ phát tâm, phải khổ luyện cho vững chắc, có khổ luyện mới có thành tựu lớn, như vậy mới không phụ công lao học Phật của chính mình!

Hòa thượng Quảng Khâm không hề thuyết pháp hay giảng kinh, thế nhưng Ngài lại là một đại Pháp sư, mọi người thấy Ngài đều quy kính, lễ lạy. Ngài không có học vị tiến sĩ, thạc sĩ hay bác sĩ, thế nhưng thành phần đệ tử quy y với Ngài đều là những hạng người đó. Chúng ta thử xem, Hòa thượng Quảng Khâm không có giảng kinh mà đã có thể độ nghìn vạn người, hà huống gì Ngài thuyết pháp giảng kinh sẽ độ biết bao nhiêu người? Ngài dựa vào cái gì? Dựa vào công đức trì giới trang nghiêm, dựa vào công phu Thiền định tịch tịnh, dựa vào niệm Phật. Chư vị nên biết, Hòa thượng không phải là không giảng kinh được, song chỉ vì Ngài không lấy đó làm nhu yếu, Ngài chỉ lấy giới đức trang nghiêm, lấy công phu chân thật là đã đủ độ người rồi. Cho nên, thân giáo bao giờ cũng quan trọng hơn khẩu giáo. Vậy, tại sao chúng ta không thể noi theo học tập Hòa thượng được? Chỉ vì chúng ta quá giải đãi. Bạn có bao giờ thấy người nào giải đãi mà đạo nghiệp hay học vấn thành tựu không? Chỉ có tinh tấn niệm Phật mới có thành tựu vãng sinh Tịnh độ được!

5. Tâm miệng niệm Phật dễ tương ưng

Chư vị về đây tham dự Phật thất, thông thường, niệm Phật chỉ dụng tâm niệm, không dụng khẩu niệm. Song chúng ta tu pháp môn Tịnh độ trọng ở Trì danh niệm Phật. Pháp Trì danh là từ kim khẩu của đức Thế Tôn thuyết, cho nên lấy miệng chấp trì danh hiệu cũng rất trọng yếu. Như trên đã nói, niệm Phật là dụng tâm niệm, không cần dụng khẩu niệm. Nên biết rằng, tâm niệm đương nhiên là trọng yếu, song không thể phế bỏ khẩu niệm. Người xưa căn tánh rất lanh lợi nên dụng tâm niệm, niệm Phật Thật tướng, đương nhiên là có thể được. Song hiện tại, chúng ta đang ở thời đại mạt pháp, căn tánh không thể sánh với người xưa được. Cho nên, chúng ta không thể phế bỏ khẩu niệm. Khẩu niệm nếu có thể tương tục không gián đoạn, niệm niệm rõ ràng, tuy tu Trì danh nhưng cũng có thể đạt đến Thật tướng.

Mọi người cần phải biết, chữ “niệm” () trong hai chữ “niệm Phật” () là do hai chữ “kim” () và “tâm” () hợp lại mà thành. Chúng ta tu Trì danh niệm Phật, cố nhiên là phải dùng miệng niệm, song không phải là quên tâm đi, mà nhất định dụng tâm để niệm. Dụng tâm như thế nào? “Kim tâm”, chữ “kim” tức là chỉ cho hiện tại, là giây phút hiện tại, giây đầu tiên là hiện tại, thế nhưng khi bước sang giây thứ hai thì giây thứ nhất đã trở thành quá khứ, giây đồng hồ chạy tích tắc, tích tắc rất có quy luật. Tâm chúng ta niệm Phật cũng như giây đồng hồ vậy, từng giây từng giây, tích tắc tích tắc không ngừng niệm A-di-đà Phật, A-di-đà Phật, A-di-đà Phật… câu này tiếp nối câu kia, niệm không cho gián đoạn. Câu này qua liền chú ý vào câu kế tiếp, niệm niệm phải từ tâm mà lưu xuất, nếu tâm không chú ý tức tâm bạn đã tán loạn, tâm tán loạn làm sao mà thành tựu việc vãng sinh được?

Chúng ta niệm Phật là nhờ vào tha lực, tức là nhờ vào nguyện lực đại từ bi của Phật A-di-đà. Song trong khi niệm, bạn không được quên tâm chí thành, tâm cung kính. Mỗi câu danh hiệu từ tâm thành kính mà lưu xuất, miệng niệm từng câu từng chữ rõ ràng, tai nghe từng câu từng chữ rõ ràng. Nếu miệng bạn niệm mà tâm không có chú ý tức bạn sẽ bị vọng tưởng khởi lên, cho nên điều quan trọng bạn phải dụng tâm mà niệm. Mọi người phải chú ý, nếu bạn không dụng tâm mà niệm, thì giống như Đại sư Hám Sơn nói: “Miệng niệm Di-đà tâm tán loạn, chỉ luống phí mất công”, cho nên khi niệm Phật mà bạn không có dụng tâm chú ý vào câu Thánh hiệu, tán loạn sẽ khởi lên. Nếu có chú ý thì tâm khó mà tán loạn được.

Khi công phu niệm Phật, chúng ta phải tùy trước vào thời gian, không lo ngại đến tán tâm hay hôn trầm. Nếu bạn có thể chân thật dụng “kim tâm” mà niệm, thì càng niệm tâm bạn sẽ càng an lạc, càng niệm tâm càng thanh tịnh. Một giờ công phu là một giờ an lạc, một giờ công phu là một giờ giải thoát. Bạn niệm Phật mà cảm thấy khổ đau hay khó chịu, không thích thú chứng tỏ trong quá trình dụng công niệm Phật tâm bạn có nhiều vọng tưởng, do có vọng tưởng nên tâm không an, tâm không an tức là tâm tán loạn, tâm tán loạn thì làm sao có an lạc được.

Bạn cần phải biết “Phật” có nghĩa là giác. Chúng ta niệm Phật tức là chúng ta thời thời giác ngộ. Bạn có thể dụng “kim tâm” mà niệm, từng giây từng phút niệm niệm rõ ràng, bạn sẽ có được an lạc và tự tại. Muốn có pháp lạc, chỉ cần bạn niệm niệm tương ưng, tương tục là có thể đạt được. Pháp lạc của việc tu hành, không có một thú vui nào trong thế gian có thể sánh bằng.

Nếu bạn có thể dụng “kim tâm” mà niệm, thì một ngày công phu bạn có thể đạt đến mười vạn câu. Thế nhưng, đối với người sơ phát tâm, một ngày công phu niệm được bốn hay năm vạn câu là khá lắm rồi. Chư vị sơ phát tâm phải chú ý điều đó, vì chúng ta là người mới tập tểnh bước vào công phu, chư vị chỉ cần quy định bốn hay năm vạn câu là khá nhiều, không nên học đòi theo những người có công phu thành thục, mong muốn mình như họ niệm mười vạn câu. Thế nhưng, khi vào công phu chúng ta mới thấy được mình không thể làm được việc đó, lý do vọng tưởng mình quá nhiều, từ chỗ công phu không thành tựu như người thành thục sẽ dẫn đến tâm lý bức xúc, đó là kinh nghiệm tu hành xin chư vị sơ phát tâm chú ý cho! Điều thiết yếu công phu niệm Phật không chú trọng ở nhiều hay ít, mà là ở chỗ tâm có an định hay không.

b>6. Tình, vô tình niệm niệm sinh diệt

Nói đến tâm, chung quy là có tâm hay không? Thực tế là không có tâm. Tại sao lại không có tâm? Vì không kể là hữu tình hay vô tình, đều có bốn giai đoạn sinh, trụ, dị, diệt. Kỳ thật nói là “trụ”, nhưng thực thể của nó vốn niệm niệm biến diệt. Lấy thí dụ cái bàn chẳng hạn. Tuy nhìn bên ngoài bình thường như thế, nhưng thực thể bên trong của nó biến diệt không ngừng, một Sát-na trôi qua, nó đã không còn như trước nữa. Bất kể là sơn hà đại địa, tình hay vô tình đều phải chịu bốn quy luật sinh, trụ, dị, diệt. Ngay như con người của chúng ta cũng vậy, nó cũng phải chịu bốn quy luật sinh, lão, bệnh, tử.

Tâm chúng ta thay đổi so với vật chất nhanh hơn nhiều, nhanh đến tốc độ nào? Trong kinh luận thường nói: “Trong một cái khảy móng tay có chín mươi Sát-na, trong một Sát-na có chín trăm niệm sinh diệt”. Tốc độ đó nhanh hay không? Lấy thí dụ cho dễ hiểu. Như máy cắt giấy chẳng hạn. Chỉ cần bấm máy một cái “cạch” thôi, trong nháy mắt đã có một nghìn trang giấy bị cắt, thời gian máy cắt là một Sát-na, còn một nghìn trang giấy bị cắt là biến đổi của một Sát-na. Trong một Sát-na sinh diệt đó cũng có Sát-na biến diệt quá khứ, hiện tại và tương lai. Cũng là một lần cắt, thế nhưng trang này cắt trước, trang kia cắt sau, tuy không được cắt đồng thời một lần, nhưng có chung một Sát-na.

Tốc độ biến đổi của một Sát-na cực nhanh, cực ngắn, nhãn quan phàm phu chúng ta không thể nhìn thấy được, duy chỉ có nhãn quan của Phật mới nhìn thấy được thôi. Hiện tại, các nhà khoa học nghiên cứu chưa đạt đến trình độ đó. Chúng ta cũng biết rằng tốc độ điện đàm của máy điện thoại nhanh đến mức độ nào, chỉ cần chúng ta bấm số thôi, trong giây lát đã có thể nói chuyện với người mình cần gặp, như đang đối diện trước mặt dù cách xa nhau đến hàng nghìn cây số. Sự hiểu biết chúng ta có giới hạn không được thông suốt như Phật. Bạn muốn đạt được nhãn quan như Phật, muốn thấy được bản lai của các pháp, xin hãy tinh tấn niệm Phật.

7. Tu hành theo Đệ nhất nghĩa đế

Bạn phải biết rằng vui thế gian là nguồn gốc của đau khổ, nếu bạn không hiểu biết điểm này mà lại tham đắm vào tài của, sắc đẹp, danh lợi, ăn ngon, ngủ nghỉ thì không bao giờ có ngày liễu sinh thoát tử. Đã không biết thú vui thế gian là nguồn gốc của đau khổ thì làm sao có thể xả bỏ nó được? Không xả bỏ nó làm sao có được tự tại? Hưởng thọ tình ái, Ngũ dục thế gian có bao giờ tìm thấy được chân hạnh phúc? Bạn nên biết rằng Ngũ dục trong thế gian như nước muối vậy, bạn càng uống càng khát. Cho nên, người học Phật chúng ta nên giác ngộ mà xả bỏ nó đi, nếu không thì mãi mãi chìm đắm trong bể khổ sinh tử, làm sao có ngày giải thoát được. Vì thế, mọi người hãy đem thế gian tình mà đoạn trừ nó đi. Phật pháp không có giảng nói thế gian tình, mà chỉ nói đến tình xuất thế gian, đó là liễu sinh thoát tử. Vì thế, chư vị tự mình phải giác ngộ mới có thể tu hành được.

Phật pháp giảng nói Đệ nhị nghĩa đế, đương nhiên cũng có nói đến trung hiếu, nhân nghĩa… Song, chúng ta chân chính tu hành thì không thể y theo Đệ nhị nghĩa đế, hay thế gian tình được, mà chỉ có y theo Đệ nhất nghĩa đế tu hành mới có thể giải thoát, cho nên mới nói: “Không y Đệ nhất nghĩa đế, không thể đắc Bát-nhã giải thoát”. Nếu có thể như vậy mà dụng công tu hành thì đạo nghiệp mới thành tựu, mới có thể trở lại độ chúng sinh được, mới chân chính được gọi là: “Phật pháp tại thế gian, không lìa thế gian mà giác ngộ. Nếu lìa thế gian mà tìm Bồ-đề, chẳng khác đi tìm lông rùa sừng thỏ”. Bạn muốn độ chúng sinh, nhất định đạo nghiệp phải viên thành, phước tuệ viên mãn, phải liễu sinh thoát tử mới trở lại độ chúng sinh được. Bằng không, mơ mơ hồ hồ, không theo thứ lớp, không phân biệt được trước sau, thì càng tu càng hỏng bét. Làm sao có thể liễu sinh tử? Muốn liễu sinh thoát tử, kính thỉnh mọi người nên chí tâm mà niệm Phật!

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo, Sách Truyện. Bookmark the permalink.