Tài Sản Không Bao Giờ Mất – Phần II

Các Phật tử làm việc từ thiện xã hội cũng vậy. Có những người tật nguyền quí vị muốn giúp họ. Hiện tại quí vị có một ngàn đồng thấy mười người ăn xin, đổi mười tờ một trăm đồng để cho mỗi người một trăm. Cho được năm người, thì những người vừa xin trở lại xin nữa. Nếu quí vị có đức nhẫn nhục thì nhỏ nhẹ khuyên họ nên nhường cho những người chưa có và tiếp tục chia cho năm người còn lại, thì việc giúp đỡ đó mới vuông tròn. Nếu nổi nóng bỏ đi thì không giúp được họ. Qúi vị thấy chỉ một việc nhỏ mà thiếu đức nhẫn nhục thì không làm được huống nữa là việc lớn.

Xưa khi Phật còn tại thế, lúc bấy giờ Ngài còn trẻ đi giáo hóa tới một làng nọ. Làng nầy có vợ chồng người Bà-la-môn là một thầy tướng số giỏi, giàu, sanh được một cô con gái thật đẹp. Ông kén rể, muốn chọn một chàng rể có tướng tốt, tương lai sẽ làm vua một nước lớn. Bấy giờ Phật khất thực đi ngang qua nhà ông. Ông thấy Phật có 32 tướng tốt ở thế gian tương lai sẽ làm Chuyển luân Thánh Vương cai trị cả chư hầu. Phật khất thực xong tới cội cây ngồi thọ trai. Bấy giờ ông rủ bà ra để chỉ những tướng tốt của Phật cho bà xem. Ông nói với Phật:

– Tôi có một đứa con gái đẹp lắm, tôi muốn gả cho ông.

Phật đáp:

– Con gái ông đẹp, nhưng với mắt tôi đó chỉ là cái đãy da hôi thúi, tôi không nhận.

Nghe nói vậy ông Bà-la-môn chán nản về thuật lại câu chuyện cho con gái ông nghe. Cô ta là người tự cao, hãnh diện về sắc đẹp của mình, nay bị Phật nói là cái đãy da hôi thúi, tự ái, lòng sân hận nổi lên thề sẽ trả thù Phật. Thời gian sau cô được một ông vua kén làm hoàng hậu. Bấy giờ Phật vô tâm đi giáo hóa ở nước bà. Hoàng hậu được tin Phật tới xứ mình. Bà liền thực hiện việc báo thù, bèn tập trung đám côn đồ du đãng lại vây đón đường Phật chửi mắng thậm tệ. Họ mắng chửi quá, tôn giả A-nan không chịu nổi bén nói:

– Thưa Thế Tôn, chúng ta hãy đi nơi khác.

Phật hỏi:

– Đi đâu, A-nan?

– Đi nơi nào mà con người không đối xử thậm tệ như thế nầy.

– Giả sử chúng ta đi nơi khác, họ cũng đối xử thậm tệ như thế nầy nữa thì phải làm sao A-nan?

– Nếu họ đối xử thậm tệ nữa thì chúng ta về Xá Vệ, Ma Kiệt Đà, Ca-tỳ-la-vệ, nơi mà Thế Tôn đã giáo hóa.

– Nầy, A-nan, giả sử có một thầy thuốc giỏi, trước nhà để bảng: “Tôi chỉ trị cho những người bệnh nhẹ, người bệnh nặng hãy đi nơi khác” có được không?

– Thưa Thế Tôn không, thầy thuốc giỏi thì phải trị cho người bệnh nặng.

– Cũng vậy, người ở Xá Vệ, Ma Kiệt Đà… đã được ta giáo hóa rồi họ không còn mê muội xấu ác nữa. Những người ở đây họ còn mê muội cần sự giáo hóa của ta.

Tôn giả A-nan im lặng, những người mắng chửi Phật nghe Ngài nói vậy cảm động không chửi nữa, bèn nói:

– Cồ Đàm hãy ở lại đây giáo hóa, chúng tôi cần sự giáo hóa của Ngài.

Chúng ta thấy, đã thành Phật rồi, mà Ngài còn bị mắng chửi đối xử tệ bạc. Nhưng Ngài từ bi muốn giáo hóa những người nầy, nên Ngài chấp nhận sự chửi mắng của họ mới giáo hóa họ được. Có lòng từ bi mà thiếu đức nhẫn nhục thì không thể thực hiện hạnh từ bi. Vì vậy phải có cành dương mới rưới được nước cam lồ. Tăng Ni và Phật tử có lòng từ bi muốn cứu giúp người phải lập đức nhẫn nhục mới thực hiện được hạnh từ bi. Muốn thực hiện hạnh từ bi và được gọi là từ mẫu thì phải nuôi đức nhẫn nhục chịu mọi cực khổ, chịu mọi khó khăn mới làm lợi ích cho người được. Không phải mang lòng từ bi đến với đời rồi được mọi người đón rước kính nể. Làm lợi cho người có khi họ xử tốt cũng có lúc họ xử tệ, lòng mình vẫn phải làm được.

Tôi xin hỏi các vị lạy Bồ Tát Quán Thế Âm cầu Ngài cứu độ cái gì? Cầu Ngài rưới nước cam lồ mát mẻ cho hết phiền não, hay theo hạnh từ bi của Ngài để chúng ta giữ giới và nhẫn nhục để thực hiện hạnh từ bi như Ngài? Hạnh từ bi không thể nói suông. Làm việc từ thiện mà không giữ giới hay thiếu nhẫn nhục thì không bao giờ làm được. Cho nên học Phật pháp chúng ta phải nắm cho được cái căn bản, phải nắm vững từng phương tiện ban đầu cho đến cuối cùng. Nếu phương tiện ban đầu không biết thì phương tiện cuối cùng không thể thực hiện được. Vậy qua hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng ta ai cũng có thể thực hiện được hạnh từ bi. Nhưng muốn thực hiện được phải giữ giới thanh tịnh và tu hạnh nhẫn nhục.

Bây giờ tới tâm hỷ xả. Hỷ là vui, xả là bỏ. Hỷ xả có dễ hơn từ bi không? Hiện tại quí vị vui ít mà buồn nhiều là tại sao? Vì ngồi lại nhớ giận người nầy, buồn người kia, trách người nọ. Giận buồn trách nên nét mặt không vui. Nếu không buồn giận ai cả thì nét mặt vui tươi an ổn. Người đời lòng thường chứ chấp cái tốt cái xấu. Cái tốt là mình giúp ai hay ai giúp mình cũng nhớ, cái xấu là mình giúp người bị người xử tệ hay vô cớ mà người ta sân giận gây oán thù với mình cũng nhớ và nhớ nhiều nhất. Thế nên ngồi lại nghĩ nhớ lung tung. Nhớ những người mình đã ban ơn giúp đỡ nay họ bội bạc rồi buồn giận than trách. Nhớ người hung hăng vô cớ gây tai vạ cho mình rồi sanh bực tức sân giận. Cả ngày buồn nhiều hơn vui. Nếu giúp đỡ người, làm việc tốt cho ai, xong rồi xả liền không chứa chấp thì an ổn vui tươi. Còn chứa chấp là còn nhớ công mình giúp họ, nếu họ  quên ơn hay phản bội thì buồn giận. Làm xong xả liền thì không buồn giận ai cả. Đó là cái xả thứ nhất.

Cái xả thứ hai là xả phiền não, giận hờn, oán ghét. Các vị có m8at5 ở đây trong lòng quí vị có giận hờn oán ghét ai không?

– Chắc không nhiều thì ít, ít ai không có lắm. Do chứa những thứ đó trong lòng nên mỗi lần nhớ lại là bực bội buồn giận. Mỗi ngày nhớ khoảng mười người, mỗi người chùng 15 phút là phiền não 15 phút, là mười lần như vậy hết mấy tiếng đồng hồ phiền não. Do chứa chấp phiền não trong lòng nên vui ít buồn nhiều. Ở đây có ai suốt ngày bình tĩnh không có phiền não bực bội không?

– Có ít mà. Nhớ xả hết là an vui, không xả là không vui.

Tất cả quí vị có mặt ở đây có ai muốn đời mình tối tăm buồn khổ không? Hay muốn đời mình lúc nào cũng tươi sáng an lạc ai thấy cũng mến thướng? Chắc ai cũng muốn an vui, nhưng lại chứa những niệm phiền giận thì làm sao vui được! Muốn không phiền giận thì phải xả hết niệm cố chấp oán ghét trong lòng thì được an ổn vui tươi. Nhưng mà thế gian quí bà có cái giỏi nhớ dai, giận ai nhớ hoài không quên. Mới nghe thấy như nhớ giỏi nhưng không ngờ hai mươi năm đó là hai mươi năm đau khổ. Vì chứa trong lòng, mỗi lần nhớ tới chị đó là bực bội giận tức, mà giận tức là khổ, lại còn làm khổ lây cho người khác nữa. Ví dụ cho cái duyên nào đó bất chợt nhớ tới hình ảnh người mình giận, bất chợt con cháu tới thưa hỏi công việc trả lời cộc lốc làm cho nó buồn lây. Vì trong lòng đang phiền giận làm sao nói nhẹ nhàng vui vẻ được. Lòng bực bội không chỉ có ở ban ngày mà ban đem lúc ngủ ngo giấc giựt mình thức dậy nhớ đến người mình giận thì trằn trọc mất ngủ. Người đời quên ăn mất ngủ là tại chứa chấp phiền giận. Bây giờ buồn giận ghét thương bỏ hết. Ai chứa nó là dại, vì chứa nó như chứa thuốc độc trong bụng vậy. Biết nó là độc thì xổ hết ra mới hết khổ. Không xả được thì khổ dài dài. Khổ đau là tại mình cố chấp không chịu buông xả thương ghét buồn giận. Phật dạy phải hỷ xả hết, đừng chấp giữ cái gì cả. Nếu chấp giữ chẳng những tai họa ở đời nầy mà đời sau còn khổ nữa. Vì khi chết niệm thương ghét đó chứa nặng trong lòng, lúc thọ thân sau nó chiêu cảm gặp lại. Chính cái thương nhiều hay ghét nhiều là động cơ để gặp lại nhau, rồi theo ân oán mà tiếp tục trả vay gây khổ cho nhau nữa. Thế nên trong gia đình có những đứa con rất mực hiếu thảo, lại có những đứa con ngỗ nghịch phá tan gia bại sản là tại sao? Tại hạt giống thương ghét nầy đây. Thương nhau nhớ nhau tìm gặp nhau đối xử tử tế. Ghét nhau cũng nhớ nhau tìm gặp nhau đối xử tệ bạc với nhau. Trong kinh Pháp Hoa Bồ Tát Thường Bất Khinh đến với ai cũng chắp tay xá và nói: “Tôi không dám khinh các Ngài vì các Ngài sẽ thành Phật”. Nghe Ngài nói như thế có người hoan hỷ, nhưng lại có những người không bằng lòng dùng gậy gộc đánh đập Ngài. Tuy bị đánh đập, Ngài chạy xa xa cũng nói: “Tôi không dám khinh các Ngài vì các Ngài sẽ thành Phật”. Về sau người hoan hỷ cũng gặp Ngài ở hội Linh Sơn, người đánh đập cũng gặp Ngài ở hội Linh Sơn. Vì đã gieo duyên với Ngài rồi; kẻ duyên thuận, người duyên nghịch.

Sau khi chết tái sanh quí vị có muốn gặp lại những người mà mình thù ghét không? – Nếu không muốn thì ngay bây giờ hãy xả bỏ, không chất chứa trong lòng niệm oán ghét người. Nếu còn chất chứa trong lòng thì sau sẽ gặp lại. Có nhiều gia đình có những đứa con ngỗ nghịch phá sản đuổi nó không đi, trái lại những đứa con hiếu thảo lại chết sớm. Tại sao vậy? Vì mấy người ân nghĩa với mình ở đời trước, đời nầy gặp lại trả xong nợ họ đi. Còn mấy người mình oán ghét nó trả cho hết oán ghét mới đi. Như vậy có ân có oán mới gặp nhau, hết ân hết oán là hết gặp, tâm thanh tịnh là Niết bàn, không còn đi trong sanh tử nữa. Cho nên đức ỷ xả rất là quan trọng, nó đem lại cho chúng ta sự an vui trong hiện tại và mai sau. Hơn thế nữa, buông xả tất cả thì tâm thnah tịnh, Niết bàn hiện tiền tự do tự tại.

Bây giờ tới hạnh hỷ xả. Trong các vị Bồ tát thì ngài Di Lặc tượng trưng cho hạnh hỷ xả. Tượng Bồ tát Di Lặc có sáu đứa bé, đứa móc tai, đứa móc mũi, đứa móc miệng… mà Ngài vẫn cười tỉnh bơ. Những đứa bé đó tượng trưng cho sáu đứa giặc: ở mắt, ở tai, ở mũi, ở lưỡi, ở thân, ở ý. Chúng nó cứ quấy phá hoài mà Ngài vẫn thản nhiên cười một cách tự tại, vì Ngài đã thực hiện được hạnh hỷ xả. Chúng ta có thực hiện được hạnh hỷ xả không? Thí dụ: Nghe khen một câu vừa lỗ tai, lúc đó mắt sáng lên, mũi nở ra là đã mất bình thường, còn nghe chê một câu liền tự ái nổi giận lên đó là bị đứa giặc móc lỗ tai làm cho mất bình tĩnh rồi. Còn những đứa giặc ở mắt, ở mũi, ở lưỡi… cũng vậy. Chẳng hạn đi làm trưa về mệt, bụng nghĩ sẽ được một bữa cơm ngon nhiều món ăn đặc sản. Nhưng bữa cơm trưa đó chỉ có rau luộc với nước tương khi ăn nuốt không vô, mệt, lòng bực bội muốn nổi sân lên. Như vậy sáu căn tiếp xúc với sáu trần lúc nào cũng bị chi phối làm cho chúng ta mất tự chủ. Còn Bồ tát Di Lặc thì mặc tình căn trần giao tiếp nhau không ngăn ngại, Ngài tự nhiên cười hỉ-hạ. Vì vậy tượng trưng Ngài bằng tượng ông già mập bụng phệ, mặc áo phạch ngực, miệng cười toe toét, không có chút phiền hà bực bội khi sáu đứa giặc quấy phá cả mắt, tai, mũi, miệng… Đó là Ngài thực hành được hạnh hỷ xả. Có nhiều vị học đạo nói: Thầy dạy xả tôi cũng xả. Đứa nào hồi trước làm tôi giận nay tôi bỏ. Tuy nói bỏ nhưng khi gặp lại trong lòng vẫn còn hầm hầm. Nói bỏ thì nói được nhưng khi thực hành thì không làm được. Như vậy chỉ xả ngoài miệng mà chưa thật xả trong lòng. Chúng ta phải thật sự xả để khi gặp người gặp cảnh trái ngược, lòng vẫn an vui tự tại. Hình ảnh Bồ tát Di Lặc và sáu đứa bé móc mắt móc tai v.v… nói lên hạnh hỷ xả thật sự trong khi đối diện với những cái bức xúc mà vẫn an nhiên vui vẻ. Người xả được như vậy thì cuộc đời đâu có cái gì làm cho khổ.

Chúng ta ứng dụng được hạnh hỷ xả trong cuộc sống hằng ngày thì cuộc đời thật vui tươi hạnh phúc. Ngược lại người câu mâu cố chấp, chuyện gì cũng muốn ăn thua, lúc nào cũng chực sẵn để đối địch thì bao giờ an ổn? Người ta nói nặng mình một câu, mình trả lại hai ba câu thì làm sao an ổn? Người không có đức hỷ xả thì chính bản thân họ đã khổ mà còn làm khổ lây cho người chung quanh nữa. Sống gần người hay câu mâu cố chấp chúng ta cảm thấy không thoải mái, không vui. Còn ở gần người có tâm hỷ xả có chuyện gì cũng hoan hỷ bỏ qua, chúng ta thấy rất thoải mái vui vẻ.

Chúng ta tu là đem nguồn vui cho chính mình, cho mọi người cgung quanh. Tu hạnh từ bi, nếu gặp người khổ, thì sẵn sàng cứu giúp là đem nguồn vui đến cho người. Người vui chúng ta cũng nhẹ nhàng vui theo. Hạnh hỷ xả cũng vậy, tuy người làm phiền nhiễu mình, nhưng mình hoan hỷ bỏ qua không cau có bực bội. Mình vui, họ không làm sao phiền nhiễu mình được. Như vậy hai hạnh từ bi hỷ xả là hai hạnh đem lại an vui hạnh phúc cho con người. Chẳng những cho bản thân mình, cho gia đình mình mà cho tất cả chúng sanh nữa. Thế nên Phật dạy chúng ta tu luôn luôn phải học hạnh từ bi hỷ xả, nhưng quí vị có chịu học đâu! Nếu có từ bi thì từ bi giới hạn, có nhiều hướng ái kiến. Hoặc có hỷ xả thì cũng xả chừng mực, chỉ xả với con cháu thôi, chớ người ngoài thì không xả; con cháu làm gì phiền, giận một lát rồi bỏ, nhưng người ngoài làm điều gì mích lòng thì nhớ hoài không quên. Như vậy chỉ xả có một chút thôi, chớ không có xả nhiều. Chúng ta học Phật pháp phải làm sao ngay trong đời nầy, bản thân chúng ta là những con người hạnh phúc, rồi đem hạnh phúc cho những người chung quanh. Đó là tu, chớ không phải tu là chờ trong gia đình hữu sự hoặc tai nạn khổ sở quá mới tới chùa dâng hương hoa cúng lạy Phật, cầu Phật độ cho tai qua nạn khỏi. Tai nạn qua rồi sẽ ăn chay hoặc xuống tóc trả lễ. Qúi vị có cầu nguyện vậy không? Xuống tóc có ích lợi gì cho người? Đợi tai nạn tới mới chịu tu. Khi tai nạn qua rồi, tu trả nợ xong thì đâu vào đó. Tu như vậy là tu hời hợt, người thực tu là phải thực hành hạnh từ bi hỷ xả mới được an vui hạnh phúc cho bản thân mình và giúp mọi người được an vui hạnh phúc. Ngược lại tu kiểu hời hợt như vừa kể, chẳng những không được an vui hạnh phúc mà càng đi chùa càng tu, phiền não càng nhiều. Đi chùa mà phiền não nhiều là tại sao? Tại vì chấp nê quá! Chẳng hạn có một Phật tử khá giả đến chùa trước thầy trụ trì mời uống trà, mình tới sau lúc thầy đang bận quên mời uống nước. Hôm đó đi chùa về buồn trách thầy tu mà trọng nhà giàu khinh nhà nghèo. Lại, một buổi tối đến chùa tụng kinh sám hối, các đứa trẻ nó tới trước đứng trước, mình đi sau đứng sau. Về nhà cũng trách mấy đứa nhỏ đi chùa mà không biết đạo lý gì cả, tụng kinh dá đứng trước mấy bà già. Đủ thứ chuyện, đi chùa mà cái gì cũng chấp, cái gì cũng phiền trách. Đi chùa như vậy thì càng đi chùa càng phiền não. Thế nên người biết tu là tập hỷ xả, bỏ hết không có gì quan trọng cả. Cái thân của quí vị rồi cũng xả bỏ. Nơi thân chúng ta có hai phần xả: một là xả ngoại tài, hai là xả nội tài. Xả ngoại tài là đem tiền bạc, tài sản mà mình có sẵn sàng giúp cho người nghèo khổ, không cần họ biết ơn hay đền ơn. Hoặc đem tài sản hiến vào quĩ công ích làm lợi cho nhiều người không mong cầu lợi lộc cho mình. Xả nội tài hy sinh thân mình để cứu cho người hết khổ. Việc nầy hơi khó làm, nên ở đây tôi chỉ nói lướt qua, mà đặt nặng phần xả kiến chấp ở nội tâm, cái nầy ai cũng làm được, không tổn hại tiền của, không tổn hại thân thể, nếu thực hiện là có kết quả liền, được nhẹ nhàng an vui tự tại. Còn nội tài thì tùy, ai tu cao thì xả cao, ai tu thấp thì xả thấp, không bắt buộc.

Người chân thật tu hành dù là cư sĩ hay xuất gia biết ứng dụng hạnh tu của Phật dạy qua hình ảnh của chư Bồ tát mà chúng ta thờ kính lễ lạy để nhớ đến công hạnh của các Ngài để thực hành theo. Như thờ và lễ kính Bồ tát Quán Thế Âm và hướng theo Ngài để tu hạnh từ bi, vì người khổ đau đem tình thương đến giúp cho người được an vui. Chớ không phải lạy Ngài để Ngài đem cành dương rưới nước cam lồ lên đảnh để được hết khổ. Thờ lạy như thế là mê tín. Thờ và lạy Bồ tát Di Lặc cũng vậy, chúng ta hướng theo Ngài để học và hành hạnh hỷ xả để không còn cố chấp phiền hận, mà sống hài hòa vui tươi với mọi người.

Hôm nay tôi nhắc quí vị học và hành hạnh từ bi qua hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm và học hành hạnh hỷ xả qua hình ảnh Bồ tát Di Lặc. Hai hạnh nầy quí vị thực hành được chừng hai phần thì quí vị cũng bớt khổ nhiều rồi. Nếu thực hiện được năm phần thì đã là tiểu thánh chớ không phải thường. Nếu thực hiện được mười phần trọn vẹn thì chính hiệu là Bồ tát lớn. Chúng ta còn đang tu, thực hiện được từ hai đến năm phần đã quá hay rồi. Cái hay nầy không phải Phật ban thưởng cho chúng ta hết khổ, mà chính chúng ta thực hành theo những hạnh của Phật dạy qua hình tượng của chư Bồ tát mà chúng ta đang thờ. Vậy tất cả quí vị nhớ để ứng dụng.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.