Thiền Ngay Bây Giờ – Phần 2

HAI CHIẾC NHẪN

Một ông nhà giàu nọ chết để lại hai đứa con. Hai đứa tiếp tục sống chung với nhau một thời gian theo tập tục Ấn Độ, trong một căn nhà chung, một gia đình chung. Nhưng sau đó hai đứa cãi nhau và quyết định tách riêng, chia đôi toàn bộ gia tài. Thế là mọi thứ được đem ra chia đều nhau, và từ đó chúng ổn định công việc của mình. Tuy nhiên, sau khi mọi việc ổn định thì mới phát hiện ra một gói nhỏ mà cha chúng đã cất giấu rất cẩn thận. Chúng mở cái gói ấy ra và thấy rằng trong đó có hai chiếc nhẫn, một chiếc có gắn một viên kim cương rất giá trị, còn chiếc kia là một chiếc nhẫn bằng bạc giá trị chỉ vài rupees13

13 Rupee, đồng rupi, đơn vị tiền tệ ở Ấn Độ và Pakistan.

Thấy kim cương, người anh liền khởi lên tâm tham, anh ta bắt đầu giải thích cho người em, “Theo anh nghĩ thì chiếc nhẫn này không phải của cha chúng ta làm ra, mà đúng hơn là một bảo vật từ đời tổ tiên chúng ta. Đó là lý do tại sao cha lại để riêng nó khỏi những vật sở hữu khác. Và vì lẽ nó đã được lưu truyền qua các thế hệ trong gia tộc của chúng ta, nó phải được giữ gìn cho các thế hệ tương lai. Do đó anh, là anh cả, sẽ giữ nó. Em nên lấy chiếc nhẫn bạc hơn.”

Người em mỉm cười và nói, “Được thôi, anh hãy vui với chiếc nhẫn kim cương, còn em sẽ vui với chiếc nhẫn bạc.” Cả hai người cùng đeo nhẫn vào tay và đường ai nấy đi.

Người em tự nhủ. “Thật dễ hiểu tại sao cha lại giữ kỹ chiếc nhẫn kim cương; vì nó rất giá trị. Nhưng tại sao ông lại giữ chiếc nhẫn bạc tầm thường này nữa? Anh xem xét kỹ chiếc nhẫn và thấy có hàng chữ khắc trên đó: “Điều này rồi cũng sẽ đổi thay” “Ồ, đây là câu mật chú của cha ta chăng: “Điệun rồi cũng sẽ đổi thay!” Anh đeo chiếc nhẫn vào ngón tay của mình trở lại.

Cả hai anh em đã phải đương đầu với mọi thăng trầm của cuộc đời. Khi mùa xuân đến (ám chỉ khi thành công trong cuộc đời), người anh cảm thấy rất là phấn chấn, mất đi sự quân bình của tâm. Khi mùa thu hay mùa đông đến (ám chỉ khi thất bại), anh rơi vào tình trạng chán chường cay đắng, cũng lại mất đi tâm quân bình của mình. Anh ta trở nên căng thẳng, mắc chứng bệnh huyết áp cao, không thể ngủ được vào ban đêm. Anh ta bắt đầu dùng đến những viên thuốc ngủ, thuốc giảm đau, và những loại dược phẩm mạnh hơn. Cuối cùng, anh đến giai đoạn đòi hỏi phải có những ca điều trị tâm thần bằng điện. Đây là trường hợp của người anh với chiếc nhẫn kim cương.

Còn về người em với chiếc nhẫn bạc, khi mùa xuân đến, anh thọ hưởng nó; anh không tìm cách tránh né nó. Anh thọ hưởng nhưng không quên nhìn vào chiếc nhẫn của mình để nhớ rằng, “Điều này rồi cũng sẽ đổi thay”. Và khi nó thay đổi, anh có thể mỉm cười và tự nhủ, “À, ta biết rằng nó sẽ thay đổi mà. Giờ đây nó thay đổi, thì đã sao nào!” Khi mùa thu hay mùa đông đến, anh lại nhìn vào chiếc nhẫn và nhớ, “Điều này rồi cũng sẽ thay đổi.” Anhk1 than khóc, biết rằng điều này rồi cũng sẽ thay đổi. Và đúng vậy, nó đã thay đổi, nó đã qua đi. Đối với mọi việc thành bại, thăng trầm trong cuộc đời, anh biết rằng chẳng có gì vĩnh cửu cả, rằng mọi thứ đến chỉ để ra đi. Anh không mất sự quân bình của tâm và sống một cuộc sống bình an và hạnh phúc.

Đây là trường hợp của người em với chiếc nhẫn bạc.

CĂN NGUYÊN CỦA VẤN ĐỀ

“Sự thực của khổ,” Đức Phật nói, “phải được liễu tri (khám phá cho đến tận cùng của nó).”14 Vào cái đêm sắp thành đạo, Ngài ngồi xuống hành thiền với quyết tâm sẽ không đứng dậy cho đến khi hiểu rõ được khổ phát sinh như thế nào và làm sao để có thể đoạn trừ nó.

14  S.LVI (XII).ii.1, Dhamma-cakkappavattana Sutta.

Xác Định Khổ

Ngài thấy rõ là khổ hiện hữu. Đây là một sự thực không thể tránh khỏi, dù nó có thể khó chịu đến như thế nào. Khổ bắt đầu với sự bắt đầu của cuộc sống. Chúng ta hầu như không có một cái nhớ ý thức nào về sự hiện hữu ở bên trong bào thai, nhưng kinh nghiệm chung cho thấy rằng chúng ta chui ra khỏi nó với tiếng khóc. Sanh là một tình trạng gian khổ cực kỳ.

Sau khi chào đời, chúng ta chắc chắn còn gặp những cái khổ của bệnh đau và tuổi già. Vậy mà, bất chấp chúng ta có phải bệnh đau ra sao, bất chấp chúng ta có phải suy yếu và già nua như thế nào, chẳng ai trong chúng ta muốn chết cả, bởi vì chết là một nỗi khổ lớn.

Mọi sinh vật trong cõi đời đều phải đối diện với những cái khổ này. Và khi chúng ta trải qua cuộc đời, chắc chắn chúng ta còn phải gặp những cái khổ khác, những loại khổ khác nhau của thể xác hoặc tinh thần. Chúng ta vướng vào những cái khổ của việc phải gần vật khó ưa và chia lìa vật vừa lòng. Chúng ta không được những gì chúng ta muốn; thay vào đó lại phải nhận những gì chúng ta không mong. Mọi tình huống như vậy đều là khổ.

Những trường hợp vừa đề cập của khổ không có gì khó nhận ra đối với bất kỳ ai có suy tư sâu sắc về nó. Nhưng Đức Phật tương lai không lấy làm thỏa mãn với những lý giải hạn chế của tri thức. Ngài tiếp tục dò tìm sâu hơn vào trong chính mình để kinh nghiệm bản chất thực sự của khổ, và ngài khám phá ra rằng “chấp thủ vào năm uẩn là khổ”15. Ở một mức độ rất sâu, khổ là sự chấp thủ quá độ mà mỗi người chúng ta đã hình thành đối với thân và tâm này. Con người lầm chấp vào cái thực thể tâm-vật lý này của họ trong khi thực sự là chỉ có một tiến trình đang diễn biến mà thôi. Sự chấp thủ vào khái niệm không thực về tự thân này, vào cái mà trong thực tế đang thay đổi không ngừng này, là khổ.

15 Ibid (xem cùng cuốn sách trên-Dhamma-cakkappavattana Sutta)

Chấp Thủ

Có nhiều loại chấp thủ. Đầu tiên là chấp thủ vào thói quen đi tìm sự thỏa mãn dục lạc (hay Dục Thủ). Một người nghiện dùng ma túy bởi vì anh ta muốn nếm cái cảm giác đê mê mà thuốc ấy tạo ra cho anh, mặc dù anh ta dư biết rằng do dùng thuốc anh đã củng cố thêm cho sự nghiện ngập của mình. Tương tự như vậy, chúng ta đã nghiện cái tình trạng tham ái. Ngay khi một ước muốn được thỏa mãn, chúng ta liền phát sanh một ước muốn khác. Đối tượng chỉ là phụ; sự thực là chúng ta luôn tìm cách duy trì liên tục trạng thái khát khao; bởi vì ngay cái khát khao này đã tạo ra trong chúng ta một cảm giác dễ chịu mà chúng ta muốn được kéo dài mãi. Tham ái hay khát khao trở thành một thói quen, một sự nghiện ngập, chúng ta không thể nào bỏ được. Và cũng như một người nghiện, dần dần rồi sẽ trở nên lờn đối với loại thuốc đã chọn của anh ta và lúc nào cũng đòi hỏi phải có những liều cao hơn để đạt được cái tình trạng đê mê ấy, tham ái của chúng ta cũng thế, chúng ta càng tìm cách thỏa mãn nó thì nó càng trở nên mạnh mẽ hơn. Theo cách này chúng ta chẳng thể nào đi đến tận cùng của tham ái, và bao lâu chúng ta còn tham ái, chúng ta chẳng bao giờ hạnh phúc.

Chấp thủ lớn khác là “ngã chấp”, hay chấp vào cái “tôi”, cái hình ảnh mà chúng ta có về chính bản thân mình (Ngã Chấp Thủ). Đối với mỗi người chúng ta, cái “Tôi” có lẽ là nhân vật quan trọng nhất trần gian. Chúng ta xử sự chẳng khác nào một tham nam châm với những mạt sắt vây quanh: nó sẽ tự động sắp xếp những mạt sắt ấy theo khuôn mẫu lấy nó làm trung tâm, và chỉ với cách suy nghĩ kém cỏi như vậy chúng ta, theo bản năng, cố gắng sắp xếp thế gian theo ý thích của chúng ta, tìm cách hấp dẫn những cái dễ chịu vào và đẩy cái khó ưa ra. Nhưng chẳng ai trong chúng ta sống một mình trong cái thế gian này; một cái “tôi” chắc chắn phải cọ sát với những cái tôi khác. Cái khuôn mẫu mà mỗi người chúng ta tìm cách tạo ra bị khuấy động bởi từ trường của những người khác, và chính chúng ta cũng phải bị hấp dẫn hay bị đẩy ra. Kết quả chỉ có thể là bất hạnh hay khổ đau mà thôi.

Chúng ta không chỉ giới hạn sự chấp thủ vào cái “tôi” mà còn bành trướng nó đến “cái của tôi”, đến bất cứ những gì thuộc về chúng ta. Mỗi người chúng ta dần dần hình thành sự chấp thủ to lớn đối với những gì chúng ta có, vì cái đó dính liền với chúng ta, hỗ trợ cho hình ảnh về “cái tôi” của chúng ta. Sự chấp thủ này sẽ không tạo ra vấn đề nếu những gì bạn gọi là “của tôi” cứ thường hằng, và cái “tôi” cứ còn mãi để hưởng thụ nó đời đời. Nhưng sự thực thì sớm hay muộn gì cái “tôi” cũng phải chia lìa với cái “của tôi”. Giờ phút chia tay chắc chắn sẽ đến. Khi nó đến, nếu sự chấp thủ vào cái “của tôi”, càng lớn thì khổ đau cũng sẽ càng lớn.

Và sự chấp thủ vẫn còn mở rộng thêm đến những quan kiến của chúng ta, đến những đức tin của chúng ta (Kiến thủ). Bất chấp nội dung thực sự của quan kiến và đức tin ấy là như thế nào, bất chấp là chúng đúng – sai ra sao, một khi chúng ta đã chấp vào đó rồi thì chúng chắc chắn sẽ làm cho chúng ta đau khổ. Mỗi người chúng ta đều tin chắc rằng những quan kiến và truyền thống của chúng ta là đệ nhất và tất nhiên sẽ cảm thấy rất đau khổ khi nghe chúng bị người khác chỉ trích. Lại nữa nếu chúng ta cố gắng để giải thích những quan kiến của mình và người khác không chấp nhận chúng, chúng ta cũng cảm thấy khó chịu. Chúng ta không nhận ra rằng mỗi người ai cũng có đức tin riêng của họ. Thật là vô ích khi cố gắng tranh luận xem quan kiến nào là đúng hoặc sai; lợi ích hơn sẽ là bỏ qua một bên những khái niệm có trước và cố gắng để thấy thực tại đúng như nó là. Nhưng sự chấp thủ vào quan kiến đã ngăn không cho chúng ta làm như vậy, và vì thế chúng ta cứ mãi phải khổ đau.

Cuối cùng, đó là sự chấp thủ vào các hình thức và lễ nghi tôn giáo (giới cấm thủ). Chúng ta có khuynh hướng quá chú trọng đến các hình thức bên ngoài thay vì ý nghĩa cơ bản của tôn giáo và nhất là còn cảm thấy rằng bất kỳ ai không thực hành những lễ nghi như thế thì không thể được xem như là một con người tôn giáo thực sự, chúng ta quên rằng không có cốt lõi (đạo đức), thì phương diện nghi thức của tôn giáo chỉ là một cái vỏ rỗng không. Lòng thành kính khi đọc những lời kinh cầu hoặc thực hiện những lễ nghi sẽ chẳng có giá trị nếu tâm còn chất chứa đầy tham lam, sân hận và oán thù. Để là một con người tôn giáo thực sự chúng ta phải phát triển thái độ tôn giáo: thanh tịnh cõi lòng, có tình thương yêu và bi mẫn đối với tất cả chúng sinh. Song sự chấp thủ của chúng ta vào các hình thức tôn giáo bên ngoài đã dẫn chúng ta đến việc xem tiểu tiết quan trọng hơn nội dung chính của nó. Chúng ta bỏ qua cốt lõi đạo đức của tôn giáo và do đó chúng ta vẫn mãi đau khổ.

Mọi khổ đau của chúng ta, bất kể là như thế nào, đều liên quan đến một trong những loại thủ này. Chấp thủ và khổ đau luôn luôn ở chung với nhau.

Duyên Sanh: Chuỗi Nhân Quả qua đó khổ phát sinh

Cái gì gây ra chấp thủ? Chấp thủ phát sanh như thế nào? Phân tích bản chất của mình. Đức Phật tương lai thấy rằng thủ phát triển do những phản ứng nhất thời của thích và ghét trong tâm. Tóm lại, những phản ứng vô ý thức của tâm được lặp đi lặp lại nhiều lần và gia tăng cường độ từ sát na này sang sátna khác sẽ lớn mạnh thành những cảm giác hấp dẫn và ghê tởm mãnh liệt, thành những chấp thủ của chúng ta. Như vậy chấp thủ chỉ là hình thức đã phát triển của sự phản ứng thoáng qua. Đây là nhân gần của khổ.

Cái gì gây ra những phản ứng thích và ghét ấy? Nhìn vào sâu hơn ngài thấy rằng thích ghét này sanh do cảm thọ. Chúng ta cảm giác một cảm thọ dễ chịu (lạc thọ) và bắt đầu thích nó; hay chúng ta cảm giác một cảm thọ khó chịu (khổ thọ) và bắt đầu không thích hay ghét nó.

Bây giờ tại sao có những cảm thọ này? Cái gì gây tạo ra chúng? Đi sâu hơn vào trong tự thân ngài thấy rằng thọ phát sanh do xúc; sự tiếp xúc của con mắt với một cảnh sắc, sự tiếp xúc của lỗ tai với một âm thanh, sự tiếp xúc của mũi với mùi, sự tiếp xúc của lưỡi với vị, sự tiếp xúc của thân với vật thể nào đó, sự tiếp xúc của tâm với bất kỳ một cảm xúc, ý niệm, sự tưởng tượng, hay ký ức nào đó. Qua năm căn vật lý và ý căn hay tâm chúng ta kinh nghiệm thế gian. Khi một đối tượng hay một hiện tượng tiếp xúc với bất kỳ một trong sáu căn của kinh nghiệm (lục căn) này, một cảm thọ, lạc hay khổ, được tạo ra.

Và tại sao xúc lại xảy ra trước? Đức Phật tương lai thấy rằng do sự hiện hữu của sáu căn hay sáu giác quan – năm căn vật lý và tâm – sự tiếp xúc chắc chắn phải xảy ra. Thế gian đầy dãy những hiện tượng: sắc, thanh, hương, vị, xúc, phù (những ý tưởng và cảm xúc). Bao lâu các căn tiếp nhận của chúng ta còn làm nhiệm vụ, xúc là điều không thể tránh được.

Vậy thì tại sao sáu giác quan lại có mặt? Bởi vì chúng là những phương diện thiết yếu của dòng tâm và vật chất hay dòng tương tục danh – sắc. Và tại sao có dòng tương tục danh sắc này? Cái gì khiến cho nó xuất hiện? Đức Phật tương lai hiểu rằng tiến trình (danh – sắc) phát sanh do thức, hành vi nhận thức vốn tách thế giới thành người biết và cái được biết (năng tri và sở tri), thành chủ thể và đối tượng, thành “tôi” và “người khác”. Từ sự chia tách này dẫn đến tính đồng nhất, hay sự “sanh”. Mỗi sát-na hay khoảnh khắc thức sanh lên và mang lấy một hình thức tâm – vật lý (danh sắc) đặc biệt. Sátna kế cũng vậy, thức mang một hình thức hơi khác một chút. Suốt cuộc hiện hữu của mình, thức cứ trôi chảy và thay đổi như vậy, cuối cùng cái chết đến, nhưng thức không dừng lại ở đó: không có bất kỳ một sự gián đoạn nào (giữa hai sự kiện sống chết), sát-na kế nó mang một hình thức mới. Từ hiện hữu này sang hiện hữu kế, hết đời này sang đời sau, dòng tâm thức cứ tiếp tục trôi chảy.

Vậy thì cái gì tạo ra dòng tâm thức này? Đức Phật thấy rằng nó khởi lên do sự phản ứng hay hành (sankhāra). Tâm không lúc nào ngừng phản ứng, và mỗi phản ứng sẽ tạo đà cho dòng tâm thức để nó tiếp tục sang sátna kế. Phản ứng hay hành càng mãnh liệt, thì đà nó tạo càng mạnh thêm. Phản ứng nhẹ nhàng của một sát-na duy trì dòng chảy của thức chỉ trong một sát-na. Nhưng nếu sự phản ứng nhất thời ấy của thích và ghét tăng cường thành tham hoặc sân, nó sẽ có đủ sức mạnh và kéo dài dòng chảy của thức trong nhiều sátna, nhiều giây, nhiều phút, nhiều giờ. Và nếu sự phản ứng của tham và sân vẫn gia tăng cường độ thêm nữa, nó sẽ kéo dài dòng chảy trong nhiều ngày, nhiều tháng, hoặc có thể trong nhiều năm. Và nếu suốt cuộc đời bạn cứ tiếp tục lặp đi lặp lại và gia tăng cường độ vài loại phản ứng, chúng sẽ phát triển một sức mạnh đủ để duy trì dòng chảy của thức không chỉ từ sát-na này đến sát-na, từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác, mà có khi còn từ đời này sang đời khác nữa.

Thế cái gì khiến cho có những phản ứng này? Quan sát vào mức sâu hơn của thực tại, Ngài hiểu rằng phản ứng này sanh do vô minh. Chúng ta không hay biết sự kiện rằng chúng ta đang phản ứng, và không biết về thực chất của những gì chúng ta phản ứng. Chúng ta vô minh không biết bản chất vô thường, vô ngã của hiện hữu và không biết rằng chấp thủ vào nó chỉ đem lại khổ đau mà thôi. Do không biết thực chất của mình, chúng ta phản ứng một cách mù quáng. Chẳng những không biết rằng mình đã phản ứng mù quáng, chúng ta còn khăng khăng giữ thái độ ấy và để cho chúng tăng thêm cường độ. Như vậy chúng ta đã bị giam hãm trong chính thói quen phản ứng của mình, do vô minh.

Đây là cách Bánh Xe của Khổ bắt đầu vận chuyển

. Do vốm sanh, phản ứng nảy sanh;

. Do phản ứng hay hành sanh, thức sanh;

. Do thức sanh, danh và sắc (tâm-thân) sanh;

. Do danh và sắc sanh, sáu căn hay lục nhập sanh;

. Do sáu căn sanh, xúc sanh;

. Do xúc sanh, thọ sanh;

. Do thọ sanh, ái và sân sanh;

. Do ái và sân sanh, thủ sanh;

. Do thủ sanh, tiến trình trở thành hay hữu sanh;

. Do hữu sanh, (tái) sanh sanh;

. Do tái sanh sanh, già và chết sanh, cùng với sầu, bi, khổ thân và khổ tâm, tai ương sanh.

Như vậy toàn bộ khổ uẩn (hay khối khổ) sanh16.

16 S.LVI (XII).Ii. 1, Dhamma-cakkappavattana Sutta.

Do chuỗi nhân-quả hay chuỗi duyên sanh này chúng ta đã bị đem vào trạng thái hiện hữu hiện tại của chúng ta và phải đối diện với một tương lai khổ đau.

Cuối cùng sự thực hiện khởi rõ ràng đến ngài: khổ bắt đầu với vô minh, không hiểu biết về thực tại của bản chất thực của chúng ta, về hiện tượng mang nhãn hiệu “cái tôi” này. Và nhân kế của khổ là hành (sankhāra) hay thói quen phản ứng của tâm. Mù quáng bởi vô minh, chúng ta tạo tác các hành thuộc tham ái và sân hận, vốn phát triển thành thủ, dẫn đến đủ mọi loại bất hạnh. Thói quen phản ứng ấy là nghiệp -kamma-, là kẻ uốn nắn số phận tương lai của chúng ta. Vô minh, tham ái, và sân hận là ba căn nguyên từ đó mọc lên đủ mọi khổ đau của chúng ta trong đời.

Con Đường Đi Ra Khỏi Khổ Đau

Sau khi đã hiểu rõ khổ và nguồn gốc của khổ, Đức Phật tương lai lúc đó đối diện với vấn đề kế tiếp: làm thế nào để có thể chấm dứt được khổ? Do nhớ lại quy luật của Nghiệp-kamma-, quy luật nhân quả: “Do cái này hiện hữu, cái kia hiện hữu; do cái này sanh, cái kia sanh. Nếu cái này không hiện hữu, cái kia không hiện hữu; nếu cái này diệt, cái kia diệt.”17 Không có gì xảy ra mà không có nguyên nhân. Nếu nhân được đoạn trừ, thời sẽ không có quả. Theo cách này, tiến trình khởi sanh của khổ có thể được đảo ngược:

. Nếu vô minh được đoạn trừ và chấm dứt hoàn toàn, hành sẽ diệt;

. Nếu hành diệt, thức sẽ diệt;

. Nếu thức diệt, danh sắc diệt;

. Nếu danh sắc diệt, lục nhập diệt;

. Nếu lục nhập diệt, xúc diệt;

. Nếu xúc diệt, thọ diệt;

. Nếu thọ diệt, ái và sân diệt;

. Nếu ái và sân diệt, thủ diệt;

. Nếu thủ diệt, tiến trình trở thành hay hữu diệt;

. Nếu hữu diệt, sanh diệt;

. Nếu sanh diệt, già và chết sẽ diệt, cùng với sầu, bi, khổ thân, khổ tâm và tai ương diệt.

Như vậy toàn bộ khổ uẩn diệt.18

Nếu chúng ta chấm dứt được vô minh, thì sẽ không còn những phản ứng mù quáng mà vốn luôn kèm theo nó mọi hình thức khổ đau. Và nếu không còn khổ, chúng ta sẽ cảm nghiệm sự bình an thực sự, hạnh phúc thực sự. Bánh xe khổ đau có thể chuyển thành bánh xe giải thoát.

Đây là những gì Sĩ đạt đa Cồ Đàm (Siddhattha Gotama) đã làm để thành tựu sự giải thoát. Và đây cũng là những gì ngài dạy chúng ta làm. Ngài nói,

Tự mình làm điều ác

Tự mình ô nhiễm mình

Tự mình không làm ác,

Tự mình thanh tịnh mình,

Không ai thanh tịnh ai19

18 Ibid.

19 Dhammapada,XII.9(165)

Mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm đối với những phản ứng gây ra khổ đau của chúng ta.

Dòng Hiện Hữu Liên Tục

Qua Bánh Xe Duyên Sinh Đức Phật đã giải thích tiến trình tái sanh hay luân hồi – samsāra. Ở Ấn Độ thời của ngài, khái niệm luân hồi đã được chấp nhận chung như một thực tế. Đối với nhiều người ngày nay, thuyết luân hồi có vẻ như một cái gì đó xa lạ, không thể biện giải được. Tuy nhiên trước khi chấp nhận hay bác bỏ nó bạn nên hiểu thuyết luân hồi này là gì, và những gì không phải là thuyết luân hồi.

Samsāra là chu trình của những sự hiện hữu có tính cách lặp đi lặp lại, sự nối tiếp của các kiếp sống quá khứ và tương lai. Những hành nghiệp của chúng ta là lực đẩy chúng ta vào hết kiếp sống này đến kiếp sống khác. Mỗi kiếp sống, thấp hay cao, sẽ chỉ là sự biểu hiện của những hành động thấp hèn hay cao thượng chúng ta đã làm trong quá khứ mà thôi. Về phương diện này, thuyết luân hồi bản chất không khác với quan niệm của của nhiều tôn giáo cho rằng có một sự hiện hữu tương lai ở đây chúng ta sẽ nhận sự thưởng – phạt theo những hành động chúng ta đã làm trong đời này. Tuy nhiên, Đức Phật thấy rõ rằng ngay cả trong sự hiện hữu cao tột nhất, khổ đau vẫn có mặt. Do đó chúng ta nỗ lực không phải để tìm một cuộc tái sanh may mắn, vì không có tái sanh nào là hoàn toàn may mắn cả. Thay vào đó mục đích của chúng ta sẽ là giải thoát khỏi khổ đau. Khi chúng ta tự giải thoát mình ra khỏi vòng luân hồi khổ, chúng ta kinh nghiệm một sự an lạc hay hạnh phúc tinh khiết, lớn lao hơn bất kỳ một lạc thú trần gian nào. Đức Phật đã dạy một cách để kinh nghiệm hạnh phúc ấy ngay trong cuộc đời này.

Samsāra hay luân hồi không phải như quan niệm thường tình về sự chuyển di của một linh hồn hay cái ngã vẫn duy trì một thực thể cố định qua những lần đầu thai. Đức Phật nói đây đích thực là những gì không xảy ra. Ngài nhấn mạnh rằng không có một tính đồng nhất bất biến chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác: “Sự việc cũng giống như từ bò cái sanh ra sữa; từ sữa sanh ra sữa đông; từ sữa đông sanh ra bơ; từ bơ tươi sanh ra bơ tinh lọc; từ bơ tinh lọc thành kem. Khi có sữa thì sữa đó không thể xem là sữa đông, hay bơ tươi, hay bơ tinh lọc, hay kem. Tương tự, ở bất cứ thời điểm nào, chỉ có trạng thái hiện hữu hiện tại được xem là thực, không phải trạng thái hiện hữu quá khứ hoặc tương lai.”20

Đức Phật không cho rằng có một linh hồn hay nguyên lý-bản ngã cố định đi đầu thai hết kiếp này sang kiếp khác, và cũng không cho rằng không có sự hiện hữu quá khứ hay tương lai. Thay vào đó ngài thấy rõ và dạy rằng chỉ có tiến trình trở thành liên tục từ hiện hữu này sang hiện hữu khác, bao lâu những hành nghiệp của chúng ta còn tạo lực đẩy cho tiến trình ấy.

Cho dù người ta tin không có sự hiện hữu nào khác hay không có kiếp sống nào khác ngoài kiếp hiện tại, Bánh Xe Duyên Sinh vẫn có sự xác đáng của nó. Mỗi khoảnh khắc chúng ta không hay biết những phản ứng mù quáng của chúng ta, chúng ta sẽ tạo ra khổ đau và nếm trải nó ngay trong hiện tại. Nếu chúng ta loại trừ được vô minh và không còn phản ứng một cách mù quáng, chúng ta sẽ thọ hưởng sự bình an như quả của nó ngay trong hiện tại. Thiên đàng và địa ngục nằm ở đây; chúng có thể được kinh nghiệm ngay trong đời này, trong chính tấm thân này. Đức Phật nói, “Cho dù (người ta tin) không có đời khác, không có sự thưởng phạt tương lai cho những hành động thiện hoặc ác, thì ngay trong đời này họ vẫn có thể sống một cách an vui, do biết giữ mình khỏi sân hận, ác ý và lo âu.”21

Bất kể tin hay không tin có những kiếp sống quá khứ hoặc tương lai, chúng ta vẫn phải đối diện với những vấn đề của kiếp hiện tại, những vấn đề do phản ứng mù quáng của chính chúng ta gây ra. Điều quan trọng nhất đối với chúng ta bây giờ là làm sao giải quyết những vấn đề ấy, và bước từng bước đi đến chỗ chấm dứt khổ đau của chúng ta bằng cách chấm dứt thói quen phản ứng, và kinh nghiệm ngay trong hiện tại hạnh phúc của sự giải thoát.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.