Trong mười đức hiệu của Phật có một danh hiệu là Thiên Nhân Sư, tức Thầy của trời người. vì sao đức Phật lại được tôn xưng như thế?
Kinh nói “Như Lai ra đời vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, an lạc, hạnh phúc cho cho chư thiên và loài người”.
Ra đời chỉ vì mục đích đó nên trong suốt cuộc đời của mình, đức Phật đã tận tụy vì các hàng đệ tử mà chỉ rõ “ đâu là khổ và đâu là con đường đưa đến giải khổ”.
Sau khi chứng Đạo, Phật thấy rõ sở dĩ chúng sinh mãi khổ đau trong sanh tử luân hồi vì tự trói chặt thân ngũ uẩn của mình bằng sợi dây tham dục và vô minh tà kiến. Từ vô minh sinh ra tham dục, tham dục trở lại nuôi dưỡng vô minh. Và vì thế dòng chuyển lưu bất tận.
Từ đó Phật dạy, khổ đau chính là do con người tự tạo ra thì cũng chính con người phải tự mình diệt khổ, tự mình triệt phá vô minh, tự mình dập tắt tham dục để đi tới sự giải thoát. Sẽ không một đấng uy năng quyền thế nào có thể cứu giúp được. “Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm; chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gột rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm người khác trở nên trong sạch”. ( Kinh Pháp Cú, câu 165).
Và “Các con phải tự nỗ lực, các đấng Như Lai chỉ là đạo sư. Hãy tự xem con là hải đảo của con. Hãy tự xem con là nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác”.
Không giống các bậc thầy đương thời luôn dạy con người phải tin nhận tuyệt đối và trung thành với các đấng bề trên. Ơ cương vị là một Đạo sư, đức Phật lại khuyến hóa hàng đệ tử trước khi bắt đầu thực tập bất kỳ một phương pháp tu tập nào cũng cần hiểu biết sâu sắc về giá trị của nó, không nên bắt chước theo thói quen tập thể, theo truyền thống hay theo những tin đồn phao thất thiệt thì không những không lợi mà còn phản tác dụng.
Phật dạy: “ai tin ta mà không hiểu ta tức phỉ báng ta”. Đó là Phật dạy chúng ta về lòng tự tín, tin vào năng lực của chính bản thân. Vì trong cuộc sống, tất cả mọi hạnh phúc hay khổ đau là tùy thuộc vào khả năng chuyển hóa phiền não của từng người, không thể đổ thừa vào sự gia bị hoặc không gia bị của đức Phật được!.
Kinh A Hàm nói: “Như Lai truyền dạy giáo pháp không bao giờ phân biệt giáo lý công truyền hay bí truyền, cũng như ông thầy không bao giờ co bàn tay nắm lại giữ một vài bí ẩn chính yếu không truyền hết cho học trò”. Những gì cần làm, Phật đã làm xong. Những gì phải dạy, Phật đã dạy hết. Phần còn lại là của chúng ta tin theo và thực hành. Con đường Phật dạy cho chúng ta là con đường độc nhất đưa chúng sanh tới an lạc, giải thoát.
Nhân ngày kỷ niệm đức Phật thành đạo 8/12 âm lịch, một lần nữa tất cả chúng ta lại được đảnh lễ năm vóc sát đất dưới chân Phật bằng hết lòng thành quy ngưỡng kính tin trước một bậc Thầy vĩ đại của nhân thiên. Giáo pháp của Ngài đang hiện hữu trên cuộc đời này đã minh chứng cho sự kiện Ngài thành Đạo là vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Giáo pháp đó có khả năng hướng thượng, giúp con người lìa khổ được vui.
Tuệ Minh
http://www.hoalinhthoai.com/news/detail/news-648/Huong-ve-ngay-Phat-Thanh-Dao-812-am-lich-Duc-Phat-bac-Thay-vi-dai.html