Bát Chánh Đạo Con Đường Đến Hạnh Phúc – Bước 7

CHÁNH NIỆM VỀ TÂM

Chánh niệm về tâm ý chỉ sự quán sát những trạng thái tâm khác nhau phát khởi và qua đi –tâm tham hay không tham, tâm sân hay không sân, tâm vô minh hay sáng suốt, hẹp hòi hay cởi mở, tâm vọng tưởng hay chánh niệm, tán loạn hay định tĩnh, tâm phát triển hay ù lỳ, ràng buộc hay giải thoát. Ta quán sát các trạng thái này khi chúng xuất hiện và qua đi cùng với thức xuất hiện, và qua đi.

Không thể tách thức ra khỏi các trạng thái tâm và đối tượng tâm vì chúng phát sinh và qua đi cùng với nhau. Tuy nhiên, bạn có thể ghi nhận khi thức bị chi phối bởi các trạng thái tâm tiêu cực như là tham, sân, si, hôn trầm, trạo cử, hay các trạng thái tích cực như là bi mẫn, kiên nhẫn, hay từ ái.

Bạn dành cho mỗi trạng thái sự chú tâm toàn vẹn khi nó phát khởi, mà không làm bất cứ điều gìđặc biệt về nó và không để bạn bị vướng mắc hay bám đuổi theo dòng tư tưởng hay cảm xúc. Bạn chỉ đơn giản quán sát khi mỗi trạng thái phát sinh và qua đi. Sựsinh khởi, rồi hoại diệt là bản chất của tâm. Mỗi giây phút -thật sự, nhiều lần trong mỗi giây phút- trạng thái tâm sinh khởi, viên mãn, rồi hoại diệt. Tâm chúng sanh ở khắp mọi nơi đều giống nhau. Bạn càng quán sát sự sinh khởi và hoại diệt của tất cả mọi trạng thái tâm, bạn càng biết chúng mong manh, biến chuyển thế nào. Nhận ra được sự chuyển biến này là bạn đạt được tuệ giác về một pháp vô thường gọi là “tâm.”

Do đó, càng chú ýđến tâm bao nhiêu, thì ta càng thấy nó ít bền vững bấy nhiêu. Giống nhưvạn pháp, tâm luôn biến đổi. Hơn thế nữa, ta sẽ khám phá ra rằng không có một tựtính thường hằng nào; không có ai đang điều hành bộ máy cả. Tất cả đều chuyển biến, tất cả đều như dòng chảy, tất cả đều ở trong một quy trình. Trong thực tế, bạn chỉ là dòng chảy không dừng của từng sát na tâm thức biến chuyển. Vì không thể kiểm soát quy trình này, ta không có chọn lựa nào hơn ngoài việc buông xả. Khi buông xả, ta trải nghiệm được niềm vui, và có thể trong một giây phút thoáng qua nào đó ta sẽ nếm trải được sự giải thoát và hạnh phúc là mục đích của con đường đạo. Lúc đó ta sẽ biết rằng tâm này cũng có thểdùng để đạt được tuệ.

CHÁNH NIỆM VỀ ĐỐI TƯỢNG TÂM

Chánh niệm về đối tượng của tâm có thể nghe giống như một phương pháp hành thiền khác, nhưng đó chỉ là một cách diễn tả khác của thiền minh sát mà bạn đã thực hành qua. “Đối tượng tâm” ý chỉ tư tưởng -ở đây có nghĩa là tất cả các hoạt động tâm thức. Có nhiều loại tâm thức: kiết sử, chướng ngại, ngũ uẩn, những yếu tốcủa sự giác ngộ, và Tứ Diệu đế. Chúng có thể sinh khởi theo bất cứ trật tựnào.

Khi ngồi thiền, trong lúc hướng đến một đối tượng thiền, như là hơi thở, ta nhanh chóng trở nên chánh niệm đối với bất cứ tư tưởng nào phát sinh, như là chướng ngại về nghi hay một khía cạnh của một trong các uẩn. Đối tượng tâm –ý nghĩ- trở thành mộtđối tượng thiền quán mới, tạm thời. Ta ghi nhận đối tượng tâm đó và quán sát cho đến lúc nó qua đi. Nếu như nó là tâm bất thiện và cứ lẩn quẩn trong đầu, ta phải làm bất cứ điều gì cần thiết để loại trừ nó. Khi nó qua đi, ta ghi nhận tính vô thường, khổ, và vô ngã của nó. Rồi ta lại trở về với hơi thở hay đối tượng thiền quán đã chọn. Khi ý nghĩ khác phát sinh, ta lặp lại quy trình trên.

Hãy nhớ rằng ta không tiên đoán được loại đối tượng tâm nào sẽ sinh khởi trong khi hành thiền. Mà cũng không cần phải đặt tên cho điều gì đã phát khởi như, “Ta đang quán sát một kiết sử.” Khi quán sát các đối tượng tâm thiện như là hỷ, ta sẽ làm bất cứ điều gì có thể để khuyến khích đối tượng đó tiếp tục xảy ra, dầu ta vẫn tiếp tục ghi nhận tính vô thường, khổ, và vô ngã của nó.

Như ta đã biết, sựthực hành thiền chánh niệm không chỉ giới hạn trong lúc ta tọa thiền. Dầu đang làm gì, bạn cũng có thể ý thức về bất cứ hoạt động tâm linh nào khi nó phát khởi. Khi bạn cố gắng để duy trì chánh niệm liên tục trong ngày, các hoạt động tâm linh bất thiện dần dần ít xảy ra hơn, và các trạng thái tâm thiện thường xảy ra hơn. Vì bạn không phải mất nhiều thời gian đắm chìm trong những suy nghĩ tiêu cực, bạn càng dễ nhận biết mọi hoạt động của tâm.

Khi đã có thể tựrèn luyện mình trở nên chánh niệm trong hầu hết các hoạt động trong ngày, dần dần ta sẽ thấy tâm chánh niệm của mình trở nên mạnh mẽ và vững chãi hơn. Với tâm trong sáng, ta có thể nhận thấy rằng tất cả những gì ta đã trải nghiệm tương ưng với Tứ Diệu đế như thế nào. Khi điều này xảy ra, Tứ Diệu đế trở thànhđối tượng chánh niệm của ta. Một thí dụ về việc quán sát Tứ Diệu đế đã được nóiđến trong bước 2, trong phần “Chánh niệm về chánh tri kiến”.

Khi tâm chánh niệmđã tiến bộ, ta bắt đầu quán sát các yếu tố của giác ngộ -đặc tính tâm cần thiếtđể đạt được mục đích trên đạo lộ. Đức Phật đã trải qua nhiều kiếp tu chứng trước khi đạt được sự hoàn hảo tuyệt đối của các yếu tố Giác Ngộ để trở thành một vị Phật. Bảy yếu tố giác ngộ (Thất giác chi) là niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả. Ta đã vun trồng các yếu tố này từ lúc bắt đầu. Khi tâm chánh niệm của ta phát triển, các yếu tố này tiến lên một trình độ cao hơn. Theo truyền thống, thất giác chi được trình bày theo thứ tự mà các chi phần phát khởi, vì sự phát triển của chi phần này đưa đến một chi phần khác.

Khi tâm chánh niệm trở nên mạnh mẽ, vững chãi, ta ghi nhận sức mạnh của nó, và nó trở thànhđối tượng thiền quán của ta. Ta biết rằng mình có chánh niệm. Do đó chánh niệm trởthành một đối tượng tâm của chánh niệm. Sự ý thức của tâm chánh niệm soi rọi các trải nghiệm của ta về sắc, thọ, tưởng, hành, và thức, do đó ta có thể thấy chúng rõ ràng hơn. Ý thức này giúp ta tiếp tục rèn luyện tâm chánh niệm. Từ khi bước theo con đường của Phật, ta đã thực hành tâm chánh niệm. Chánh Niệm là một trong bảy yếu tố Giác Ngộ. Dần dần, sau rất nhiều công phu tu tập, ta sẽ đạt đến một mức độ ở đó tâm chánh niệm trở nên sâu sắc hơn, rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn và ta biết rằng tâm chánh niệm của ta đã viên mãn. Lúc đó, tâm chánh niệm đã được phát triển tới mức độ của một chi của giác ngộ.

Với tâm chánh niệm ta đã phân biệt được các pháp thiện và bất thiện. Ta đã quán sát được các đặc tính của những đối tượng mà ta tiếp xúc, đó là vô thường, khổ, và vô ngã. Qua các nỗ lực này, ta đã phát triển được thói quen luôn tìm kiếm sự thật. Với tâm chánh niệm mạnh mẽ, ý hướng thiện sinh khởi để quán xét trọn vẹn từng kinh nghiệm mà ta đã trải qua. Ta ý thức được điều này. Rồi đối tượng tâm của ta quán xét tất cả mọi sự kiện trong cuộc sống. Tâm chánh niệm đã được nâng cao, hoạt động như một ánh đèn soi sáng đồ vật trong bóng đêm.

Với ánh sáng của tâm chánh niệm mạnh mẽ chiếu rọi vào sự trải nghiệm của bạn đối với một đối tượng, bạn xét thấy rằng tự tính của đối tượng đó là vô thường. Khi đối tượngđó biến mất, một đối tượng khác lại hiện ra, phơi bày cùng một sự thật về vô thường, khổ, và vô ngã. Khi bạn tiếp tục đi tìm chân lý và tiếp tục nhận ra rằng mọi kinh nghiệm đều chia sẻ ba đặc tính này, thì sự quán sát của bạn (trạch pháp) trở thành một chi của giác ngộ.

Khi tất cả mọi đối tượng quán sát tiếp tục phơi bày chân lý này, thì nhiệt tâm muốn khám phá thêm nữa phát sinh. Tâm tràn đầy năng lượng. Lúc đó tâm chánh niệm mạnh mẽ, như thểnó đã hóa đá kim cương. Xuyên suốt quá trình tu tập, ta nỗ lực nhiều -đểphát triển chánh niệm, để tháo gỡ các trạng thái bất thiện, để khuyến khích thiện pháp, và để công phu tu tập tất cả chi trong Bát Chánh Đạo. Giờ thì sự nhiệt tâm nỗ lực của bạn đã kết quả: đó là yếu tố giác ngộ của tinh tấn.

Ta cảm nhận được sự tràn đầy tinh tấn của tâm để đảm nhận bất cứ trách nhiệm gì và tinh tấn trởthành đối tượng tâm thức của chánh niệm. Tâm vẫn hoạt động nhưng rất thư giãn. Thiện ý phát khởi để tâm đầy nhiệt huyết luôn nẩy sinh. Bạn càng đầy nhiệt huyết để khám phá sự thật, bạn càng cảm thấy tự tại, gần như là hỷ lạc. Bạn cảm thấy tự tại vì bạn không còn chống đối thực tại nữa. Do đó yếu tố hỷ của giác ngộ trở thành đối tượng chánh niệm mới.

Hỷ mang đến sự tựtại, rồi tự tại đưa đến hạnh phúc. Hạnh phúc mang lại khinh an. Do đó khinh an phát sinh như là một yếu tố của giác ngộ. Tiếp tục nhận ra được cùng một chân lý,ở mọi cấp độ, trong mọi kinh nghiệm mà bạn có thể trải qua, bạn trở nên thưgiãn. Cái tâm đã từng luôn ở trong dòng chuyển động xung đối giống như lá cờ trên đỉnh núi. Giờ sự xao động đã lắng xuống. Thanh tịnh đã có mặt. Định mạnh mẽ và sâu lắng phát khởi. Trước đó có thể bạn cũng đã đạtđịnh sâu xa, mãnh liệt; ở đây cũng vậy. Nhưng giờ thì tâm đã chín muồi, và bạn có thề sử dụng định này để đạt đến các tầng giải thoát. Do đó định trở thành một yếu tố của giác ngộ.

Tất cả các yếu tố đều hoàn toàn hòa hợp –niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả. Ở giai đoạn này, yếu tố xả của giác ngộ chiếm ưu thế. Nhìn bất cứ điều gì phát sinh trong một trạng thái tâm không phân biệt, ổn định, xả, sẽthanh tịnh hóa từng chi phần. Trước đây, lúc nào trong ta cũng có một vài ước muốn vi tế rằng sự vật phải khác hơn chúng là. Thí dụ, bạn nghĩ, “Tôi muốn điều tốt đẹp này sẽ kéo dài.” Ước muốn vi tế đó chấm dứt khi tâm ở trong trạng thái xả ly.

Khi tự tính vô thường của vạn pháp đã trở nên rất rõ ràng, ta không còn hy vọng rằng giây phút kế tiếp sẽ khác đi. Khi bản chất không như ý, khổ của pháp bắt đầu trởnên rõ ràng, ta không còn ước muốn rằng giây phút kế tiếp sẽ được như ý. Khi bản chất vô ngã, không thể kiềm chế, không có cá thể của vạn pháp trở nên rõ ràng, ta không mong đợi rằng giây phút kế tiếp có thể khác. Do biết xả ly, tâm không còn dấu vết nào của lòng ham muốn, muốn nhìn mọi vật bằng cách nào khác hơn như chúng là. Tâm hoàn toàn thể nhập với chân lý. Đó là cách Tứ Diệu đế và thất giác chi vận hành cùng nhau. Bạn nhìn thấy khổ như nó thực sự là. Bạn nhìn thấy nguồn gốc của khổ đúng hệt như nó thực là. Bạn cũng nhìn thấy sự đoạn diệt khổ đúng như nó là. Và con đường giải thoát khổ mà bạn đã tiến bước cho đến bây giờ -con đường đó, bạn cũng thấy đúng như nó thực là.

Bất cứ khi nào một yếu tố giải thoát không phát sinh, ta ý thức về điều đó. Bất cứ khi nào chúng phát sinh, ta cũng ý thức về điều đó và dung dưỡng chúng, cho đến khi ta đạtđến mức độ hoàn hảo. Khi tất cả mọi chi phần của thất giác chi đã được viên mãn, là bạn đạt đến niết bàn, hạnh phúc tuyệt đối, an tịnh tuyệt đối. Chúng ta có thể đạt được mục đích này ngay trong cuộc đời này. Khi được như thế, tất cảkhổ đau chấm dứt. Tất cả mọi câu hỏi đều kết thúc. Tất cả mọi lo âu, sợ hãi, căng thẳng, bất an đều biến mất, không bao giờ trở lại nữa. Không còn có sự ham muốn, bám víu vào bất cứ điều gì. Chúng ta sống trong một sự hòa hợp toàn vẹn, hoàn toàn thăng bằng. Tất cả mọi giác quan của chúng ta đã được rèn luyện, mài dũa. Chúng ta vẫn ăn, uống, nói, đi, và sử dụng thân tâm, nhưng với tâm đầy chánh niệm, đầy ý thức. Giới hạnh của chúng ta không khiến ta nghĩ mình hơn kẻ khác. Thiền định của chúng ta không khiến ta tự khen mình và chê bai người khác. Tuệ giác tạo cho chúng ta tình thương yêu, lòng bi mẫn, và tâm hoan hỷvẹn toàn. Hãy tận hưởng sự hoàn toàn xả ly, chúng ta không bao giờ còn bịnhững thăng trầm của cuộc đời làm ta xao động nữa.

TÓM LƯỢC VỀ SỰ THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM

• Chánh niệm là sự chú ý trong từng giây phút đến việc gì đang xảy ra. Tâm chánh niệm rất chính xác, thâm sâu, vững chãi, không tán loạn. Nó giống như một tấm gương phản chiếu trung thực bất cứ vật gì ở phía trước nó.

• Chánh niệm cho ta có được tri giác thể nhập vào ba đặc tính của tất cả mọi hiện hữu: vô thường, khổ, và vô ngã.

• Ta có thể sửdụng bất cứ đối tượng nào để phát triển tâm chánh niệm, miễn là nó sẽ giúp tađạt được tuệ giác đối với ba đặc tính (tam tướng) trên.

• Mục đích sâu xa của chánh niệm là để khai mở con mắt tuệ, vì tuệ giác về bản chất thực sựcủa thực tại là bí mật cuối cùng của hạnh phúc và hòa bình vĩnh cửu.

• Tứ niệm xứ là phương pháp quán niệm về thân, thọ, tâm, và đối tượng của tâm.

• Ba cách thực hành chánh niệm căn bản nơi thân là quán niệm về hơi thở, về tư thế, và về các bộ phận của thân.

• Quán niệm vềhơi thở có thể giúp ta rèn luyện sự chú tâm, vì ta dễ quán sát hơi thở và lúc nào nó cũng có mặt.

• Hòa hợp tâm với hơi thở là đặt tâm vào giây phút hiện tại. Hơi thở cũng hoạt động như một căn cứ địa để tâm có thể quay về sau khi quán sát các hiện tượng khác.

• Kinh hành, đi từng bước rất chậm rãi và đầy chánh niệm có thể là một phương pháp hành thiền hoàn chỉnh, chứng minh cho ta thấy các tính chất: vô thường, khổ, và vô ngã có mặt trong từng giây phút như thế nào. Phương pháp thiền này cũng có thể được dùng cho các tư thế khác, như là nằm, ngồi, đứng.

• Duy trì chánh niệm về tư thế suốt ngày rèn cho tâm có thể thấy rõ ràng những đặc tính của năm uẩn.

• Quán niệm vềthân như là một tập hợp của bốn mươi hai bộ phận và quy trình luôn thay đổi cho ta thấy rằng không có gì thường hằng về cái thân mà ta quá bám víu.

• Lạc thọ hay khổ thọ là do thái độ của bản thân ta, do đó chúng ta có thể dừng lại việc trách móc người khác đối với việc ta cảm thấy thế nào.
• Cả quá trình của khổ đau được dung dưỡng bằng các phản ứng vô minh của tâm đối với ba loại cảm thọ -bám víu vào lạc thọ, tránh né khổ thọ, và trải qua ảo giác về “ngã” trong trạng thái trung tính.

• Các “cảm thọthế tục” sinh khởi từ việc ta theo đuổi những mục đích tầm thường, chứa đựng các khuynh hướng tiềm ẩn đối với tham, sân, hay si. Các “cảm thọ xuất thế” phát sinh từ tuệ giác, không chứa đựng bất cứ khuynh hướng tiềm ẩn nào.

• Quán niệm vềthọ là một phần của sự thực hành thiền minh sát. Thấy được sự vô thường của các cảm thọ, chúng ta tập buông bỏ các trạng thái tiềm ẩn của tham, sân, và si và vun trồng các cảm thọ xuất thế.

• Đức Phật không hề dạy chúng ta “thụ hưởng một cách chánh niệm” các dục lạc. Ngài dạy chúng ta chánh niệm buông xả những ham muốn đối với các dục lạc thế tục và tận hưởng các lạc thọ xuất thế được tạo ra bởi sự buông xả này.

• Khi ta vun trồng chánh niệm về tâm, ta ghi nhận sự phát sinh và qua đi của các trạng thái của tâm như là tham, vô tham, trạng thái tâm hẹp hòi hay cởi mở, vân vân.

• Quán niệm về đối tượng của tâm nghĩa là ghi nhận sự phát khởi và qua đi của năm chướng ngại, mười kiết sử, năm uẩn, tứ diệu đế, và các yếu tố giác ngộ.

• Ta có thể xem các yếu tố giác ngộ như là quả của sự thực hành chánh niệm. Khi chánh niệm của ta sâu sắc, chúng phát khởi theo thứ tự sau đây: niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ,khinh an, định, và xả.

• Khi tất cảcác yếu tố giác ngộ đã được viên mãn, ta đạt được niết bàn, hạnh phúc tuyệtđối, thanh tịnh tuyệt đối. Chúng ta có thể đạt được mục đích này ngay trong kiếp sống này.

Theo Dấu Chân Phật – Eight Mindful Steps to Happiness Walking the Buddha’s Path – Tác Giả: Thiền Sư Bhante Henepola Gunaratana
Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh – Vu Lan 2007 @ 2001 Henepola Gunaratana
ISBN o-86171-176-9 Sách được dịch với sự cho phép của Thiền Sư H. Gunaratana và NXB Wisdoms Publications

http://thuvienhoasen.org

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.