Hạnh Phúc Chân Thường – Phần II

CHÂN GIÁ TRỊ CỦA ĐỜI NGƯỜI

Trong buổi đàm luận kế tiếp, chúng tôi vẫn trao đổi về từ tâm. Tôi nói: “Chúng ta đã nói về vai trò quan trọng của từ tâm, chúng ta cũng đã đề cập đến thương yêu, nồng nhiệt, bằng hữu … tức là những yếu tố cần thiết của hạnh phúc. Nhưng tôi không dám chắc rằng … Giả sử có một thương gia giàu có đến nói với Ngài thế này: “Thưa Ngài, Ngài vẫn bảo rằng nồng nhiệt và từ ái là rất cần thiết để người ta có được hạnh phúc. Nhưng tôi tự bản chất không phải là một người như vậy. Nói thẳng ra, tôi không nhiều từ tâm, tôi ích kỷ là khác. Tôi là loại người theo lý trí, thực tiễn và khôn ngoan. Mặc dù không nồng nhiệt, không từ ái, tôi vẫn rất hài lòng với cuộc sống của tôi. Doanh nghiệp của tôi rất phát đạt, nhiều bạn bè, tôi chu cấp đầy đủ cho vợ con và gia đình rất hạnh phúc. Xem ra, tôi không thiếu thứ gì. Khai triển từ tâm, vị tha, nồng nhiệt … nghe có vẻ hay đấy, nhưng để làm gì? Hay chỉ là những cảm tình ủy mị?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: “Trước hết, nếu có người nói như vậy, tôi vẫn không nghĩ ông ta tận đáy lòng được hoàn toàn hạnh phúc. Tôi cho rằng từ ái là cái căn để của kiếp nhân sinh, là chân giá trị mà nếu không có, con người đã thiếu mất một phần đời quan trọng. Sự nhạy cảm sâu xa đối với tình cảm của người khác là mấu chốt của thương yêu và từ ái. Không có nó, ông ta sẽ có trục trặc trong mối liên hệ với vợ con. Nếu một người thật sự thờ ơ, hờ hững với nổi thống khổ và tình cảm của kẻ khác thì dù người ấy có là triệu phú, học giỏi, bạn bè toàn là những người có máu mặt như thương gia, chính khách, lãnh tụ … những chuyện ấy chỉ là cái bề ngoài hời hợt. Nhưng nếu ông ta vẫn nhất quyết rằng dù không có từ tâm mà vẫn không thấy thiếu thốn gì thì có lẽ sẽ khó mà làm cho ông ta hiểu thế nào là tầm quan trọng của lòng từ ái.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng một lúc như để suy ngẫm. Những dịp ngưng lại như vậy thỉnh thoảng vẫn xảy ra trong các buổi đàm luận, nhưng chúng không tạo nên những khoảng trống khó chịu, mà ngược lại, như một dẫn lực, chúng làm cho lời nói của Ngài tác động hơn, nhiều ý nghĩa hơn khi tiếp tục. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp:

“Dù trong trường hợp tệ hại như vậy, tôi cũng muốn nói lên vài điều… Thứ nhất, ông ta nói theo kinh nghiệm cá nhân. Ông ta từng hiểu rằng nếu được người khác đối xử với lòng thương mến, từ tâm thì ông ta sẽ cảm thấy sung sướng. Từ kinh nghiệm đó, ông ta suy ra rằng người khác cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc nếu được ông ta đối xử một cách nồng nhiệt, mến yêu. Do vậy, ông ta sẽ tôn trọng sự nhạy bén trong tình cảm của người khác. Và từ đó, ông ta sẽ đối xử với người khác một cách thân mật, ưu ái hơn. Đồng thời ông ta cũng sẽ nhận ra rằng cho nhiều thì sẽ nhận nhiều – chuyện này ai cũng biết – và kết quả là ông ta sẽ tạo được một mối liên hệ bằng hữu, xác tín.

“Giả sử rằng ông ấy có nhiều của cải, thành công, được bạn bè vây quanh, tài chánh đảm bảo, vợ con hài lòng … trong một giới hạn nào đó, ông ta thấy cuộc đời quá tốt đẹp, chẳng thiếu thứ gì dù ông ta không có từ tâm. Nhưng nếu cho rằng vì không thiếu thứ gì nên không cần phát triển từ tâm thì tôi cho đấy là một quan niệm hẹp hòi và thiếu hiểu biết. Làm sao để biết chắc rằng những người chung quanh đối xử hết lòng với ông ta chẳng qua vì sự giàu có của ông ấy? Nói khác đi, người ta trọng nể sự giàu sang và quyền lực của ông ta chứ người ta không trọng nể chính ông ấy. Và trong một ý nghĩa nào đó, dù ông ta không tỏ ra nồng nhiệt và từ ái, người ta cũng không đòi hỏi gì hơn. Nhưng khi quyền lực và giàu sang bị suy khuyết, người ta sẽ không cư xử với ông ta như xưa nữa, và đây là lúc ông ta bắt đầu nhận ra hậu quả, bắt đầu bị đau khổ.

“Ngược lại, nếu ta có từ tâm, thì dù hoàn cảnh vật chất có đổi thay, ta vẫn duy trì được lòng cảm mến của người chung quanh. Của cải thế gian rất mong manh, và trong kiếp sống, chúng ta bị mất rất nhiều thứ. Nhưng từ tâm, trái lại, lúc nào chúng ta cũng có thể mang theo bên mình.”

Một người phụ việc mặc áo tràng tiến vào phòng, im lặng pha thêm trà. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp: “Dĩ nhiên là không dễ gì để giảng giải về tầm quan trọng của từ tâm với những người khó tính, cá nhân chủ nghĩa, những người chỉ nghĩ đến mình. Và chúng ta cũng có thể gặp hạng người không có khả năng cảm thông ngay với người thân của họ. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta có thể nói với họ về từ tâm bằng chính những sở thích của họ: Họ vẫn thích được sức khỏe, sống lâu, tâm trí thanh thản, vui vẻ, hạnh phúc … Và nếu đây là những điều họ thực sự mong muốn thì tôi đã nghe người ta nói đến những chứng cớ khoa học rằng từ tâm và yêu thương có thể giúp thăng tiến những nhu cầu này. Anh là một bác sĩ, một tâm lý gia, tôi chắc anh biết rõ những chứng cớ này?”

“Vâng” Tôi đáp: “Tôi biết rằng có những bằng chứng khoa học rõ rệt về sự gia tăng điều kiện vật chất lẫn tinh thần nếu tâm chúng ta có nhiều từ ái.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục: “Tôi nghĩ rằng giải thích cho người ta về những chứng cớ khoa học này sẽ khiến họ phát huy từ tâm. Hơn nữa, bên cạnh những chứng cớ khoa học, người ta cũng có thể hiểu và biết từ tâm qua kinh nghiệm sống hàng ngày. Anh cũng biết rằng thiếu từ tâm là nguyên nhân của sự tàn nhẫn. Có nhiều chứng cớ xác minh rằng những người độc ác, trong sâu thẳm của tâm hồn, bị dày vò bởi những nỗi bất mãn, những điều bất hạnh như Hitler hay Stalin chẳng hạn. Họ không ngừng bị các cảm giác lo sợ, bất an khuấy động cuộc sống, và ngay cả lúc ngủ, họ cũng không được yên thân. Những điều này có thể khó hiểu đối với nhiều người nhưng có một điều chắc chắn là loại người độc ác không có được cảm giác tự tại, xả bỏ như những người có nhiều lòng thương yêu, từ ái. Đó là những cảm giác khiến anh coi nhẹ, xem thường mọi sự và do đó, anh ngủ rất ngon. Luôn luôn bị vây bủa bởi ý tưởng bám víu, giữ chặt nên những người độc ác không hiểu thế nào là buông xả, rời bỏ, tự tại.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một lúc, xoa đầu, rồi nói tiếp: “Nếu anh có dịp hỏi một người tàn độc nào đó: ‘Giai đoạn nào trong đời ông cảm thấy sung sướng – thuở thiếu thời với sự bảo dưỡng của mẹ, sự yên ấm trong gia đình; hay ngày nay với quyền hạn, chức vụ, ảnh hưởng?’ Tôi đoán rằng họ sẽ trả lời anh là họ muốn cái cảm giác dịu dàng của thời thơ ấu – Ngay cả Stalin thuở nhỏ cũng được mẹ yêu thương”.

Tôi phụ họa: “Nói đến Stalin, tôi nghĩ Ngài đã đưa ra một thí dụ toàn hảo về những hậu quả của một đời sống thiếu từ tâm. Ai cũng biết Stalin có hai đặc tính nổi bật: sự tàn ác và lòng đa nghi. Ông ta tôn sùng sự tàn độc như là một đặc tính ưu việt đến nỗi đổi tên mình từ Djugashvili thành Stalin (con người sắt thép). Trong cuộc sống, tính đa nghi cứ tăng trưởng theo những hành động tàn độc của ông ta đến nỗi trở thành huyền thoại. Sự nghi ngờ những người chung quanh cộng với tâm trạng lo lắng đã là nguyên do của những cuộc thanh trừng vĩ đại nhằm tiêu diệt những nhóm khác chính kiến trong nước và hậu quả là nhiều triệu người bị hành quyết và tù đày. Tuy vậy, Stalin vẫn thấy chung quanh đầy dẫy kẻ thù. Không lâu trước khi chết, ông ta đã nói với Nikita Khrushchev như sau: “Tôi không tin bất cứ một người nào, ngay cả chính tôi”. Sau cùng, ông ta thanh trừng cả những thuộc hạ thân tín nhất. Nhưng càng có nhiều quyền lực do những hành động sắt máu tạo nên, Stalin càng trở nên phiền muộn. Một người bạn của ông ta nói rằng dấu vết nhân tính duy nhất còn sót lại trong con người Stalin là sự sầu muộn. Svetlana, con gái của Stalin, mô tả rằng nỗi cô đơn và trống trải đã tàn phá tâm hồn của cha cô đến độ ông ta không còn tin được rằng con người lại có thể có tâm huyết và chân thật.

“Tuy nhiên, tôi biết rằng thật khó mà cảm thông được với những người như Stalin và tại sao họ lại làm những việc khủng khiếp như vậy. Nhưng có điều là ngay cả với những trường hợp quá độ như vậy, người ta cũng có thể quay về với quá khứ để tìm lại những dấu vết dịu dàng của thời thơ ấu, tình mẫu tử thiêng liêng chẳng hạn. Thế còn những người bất hạnh không có một thuở ấu thời yêu quý hay một bà mẹ đầy thương yêu thì làm sao? Những người bị sỉ nhục chẳng hạn? Chúng ta đang luận giải về từ tâm – Để phát triển lòng từ ái, Ngài có nghĩ rằng con người cần phải có cha mẹ hay người bảo hộ đầy tình thương yêu, ấm áp?”

“Đúng vậy, tôi nghĩ là cần”. Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại, tay lần tràng hạt một cách vô thức: “Có nhiều người, ngay từ lúc đầu, đã bị đày ải và thiếu vắng tình thương cho nên về sau trong cuộc sống, họ làm như không có nhân tính, không có khả năng để thương yêu, trìu mến – Những người đã chai đá, man rợ….”. Đức Đạt Lai Lạt Ma lại ngừng nói như để suy nghĩ kỹ càng về câu hỏi. Ngài nghiêng người về phía tách trà với vẻ suy tư trang trọng tuy không tỏ vẻ gì muốn tiếp tục câu chuyện ngay lập tức, và chúng tôi yên lặng uống trà. Sau cùng, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhún vai như không tìm được lời giải đáp thỏa đáng.

Tôi tiếp tục buổi thảo luận: “Như vậy Ngài có nghĩ rằng những phương thức làm tăng trưởng lòng yêu thương và khai triển lòng từ ái có thể không có hiệu quả đối với những người có một quá khứ đau thương?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích: “Tùy vào hoàn cảnh cá biệt, mỗi người tiếp thu hiệu năng của những phương thức và kỹ thuật này bằng những mức độ khác nhau. Cũng có thể, trong vài trường hợp, chẳng mang lại lợi ích gì …”

Muốn làm sáng tỏ vấn đề, tôi ngắt lời: “Và những kỹ thuật đặc biệt để phát huy tâm từ mà Ngài đề cập là …?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: “Tức là những điều chúng ta đã nói trước đây. Thứ nhất là hiểu được giá trị của từ tâm (điều này sẽ làm cho anh có nhiều tin tưởng và quyết tâm). Kế đó là sử dụng những phương pháp làm tăng trưởng lòng thương yêu như óc tưởng tượng, sáng tạo để đặt mình vào hoàn cảnh người khác. Trong các buổi nói chuyện với công chúng trong tuần này, chúng ta sẽ đề cập đến vài phương pháp thực tập mà anh có thể áp dụng như Tong-len chẳng hạn (một phương cách thực tập để gia tăng tâm từ). Có điều nên nhớ rằng Tong-len hay các phương pháp khác được đề ra để giúp ích nhân loại nhưng không phải lúc nào chúng cũng có hiệu năng 100% hoặc thích hợp với tất cả mọi người. Điều quan hệ là người ta thực lòng muốn phát triển từ tâm. Mức độ phát triển còn tùy thuộc vào nhiều sự kiện khác mà chúng ta không biết trước được. Nhưng nếu họ đã cố gắng hết sức mình với ước nguyện biến cõi đời này thành một nơi tốt đẹp hơn thì sau một ngày làm việc, họ có thể tự nghĩ: ‘ít ra, tôi cũng đã hết lòng’.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.