Chuyển Pháp Luân Và Tứ Diệu Đế – Phần 7

II-4h CHÁNH ÐỊNH (Sammà-samàdhi)

“Chánh Ðịnh là thế nào?

M. 44 – “Tư cách chú tâm và một vật duy nhất, “Cittakaggata” (và chẳng nghĩ đến bất cứ việc gì khác). Ðó là pháp định tâm”.

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

“Tư cách tịnh tâm toàn hảo “Sammà samadhi” (Chánh Ðịnh) theo ý nghĩa rộng rãi, nó thuộc vào loại Ðịnh tâm phát sanh trong mỗi tư tưởng về việc lành “kusalacitta” (thiện tâm).

Tâm thiện có kèm theo:

– Tư tưởng chân chánh “Sammà sankappa” (Chánh tư duy), trong bước thứ 2 của Bát Chánh Ðạo.
– Chánh tinh tấn “Sammà vàyàma” trong bước thứ 6.
– Chánh niệm “Sammà sati” trong bước thứ 7.

Trạng thái tịnh tâm bất chánh (xấu xa) thường phát sanh do tư tưởng đê hèn dơ bẩn. Nó thuộc về lãnh vực của các giác quan, chứ không phải Chánh Ðịnh.

Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) có nói về 2 trạng thái của phàm Ðịnh:

– Kàmàvacara Kusala Jhàna (Thấm nhuần trong tư tưởng tốt lành cao thượng).
– Kàmàvacara Akusala jhàna (Thấm nhuần trong tư tưởng xấu xa tội lỗi).

Cả 2 trạng thái đó đều thuộc lãnh vực của lục căn.

Nếu được áp dụng riêng rẽ, danh từ Samàdhi cũng có nghĩa “Chánh Ðịnh” (Sammà Samàdhi).

M.44 – Bốn Pháp niệm tưởng căn bản “Tứ Niệm Xứ” là những đề mục tập trung tư tưởng hay là tham thiền.

Bốn pháp tinh tấn cốt yếu, “Chánh Tinh Tấn” (bước thứ 6), rất cần cho sự hành thiền.

Thực hành làm cho phát triển và gieo trồng những Pháp kể trên được gọi là tư cách “tiến triển” (Bhàvanà) trong pháp tu thiền định.

PHÁP ÐỊNH TÂM – GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Có 2 mức độ tiến triển về tư cách Ðịnh tâm chân chánh, hay là “Chánh Ðịnh” (Sammà samàdhi):

– Cận Ðịnh (Upacàra samàdhi) là trạng thái kề cận Ðịnh Tâm(Jhàna) thứ I (Sơ Thiền) nhưng chưa nhập Ðịnh.

– Ðịnh tâm toàn hảo (Appanà samàdhi – Toàn định) là thành tựu đầy đủ 4 bậc thiền.

Tuy nhiên đắc được tất cả 4 bậc Thiền đó không phải là cần thiết để đạt 4 thánh quả, hay là “Bốn con đường siêu thoát”. Vì nói theo bản chất, những trạng thái Cận Ðịnh hay Nhập Định đều có khả năng đưa tới mục đích của “Ðạo Xuất Thế Gian” (Giải Thoát). Và Thiền Ðịnh cũng không thể tẩy trừ các ác Pháp lâu dài đặng.

Bốn đạo quả thánh nhân chỉ thành đạt được bằng Pháp “Minh Sát” (Vipassanà) hay là minh tâm kiến tánh. Nghĩa là dùng trí tuệ soi sáng nội tâm để thấy rõ đúng theo chân lý những trạng thái Vô thường (Aniccatà), Khổ não (Dukkhatà) và Vô Ngã (Anattatà) của tất cả các pháp tạo ra đời sống.

Tuy nhiên tuệ giác cứu cánh chỉ có thể thành đạt trong giai đoạn “cận định” chớ không phải trong lúc nhập định.

Hành giả nào không đắc Thiền định nhưng vẫn đạt được một trong bốn thánh quả được gọi là “Sukkhavipassaka”, nghĩa là người có nhãn quang soi thấu tất cả, hay là người đã dùng “Minh Sát tuệ” làm khô cạn phiền não.

Còn hành giả nào đã thực hành làm phát triển các bậc Thiền mà đắc được trong bốn quả Thánh thì được gọi là “Samaka Yànaka”, nghĩa là người đã dùng pháp môn “Tịnh Tâm” làm căn bản.

BỐN BẬC THIỀN (Jhàna)

M.141 – “Khi chẳng còn dính mắc với sắc trần với các điều nhơ nhớp, hành giả bước vào bậc Ðịnh tâm thứ nhất là Sơ Thiền. Người thấm nhuần an vui hạnh phúc, không còn luyến ái”.

M.43 – “An trú trong Sơ Thiền, hành giả loại được 5 điều chướng ngại là: Tham dục, Sân hận, Hôn trầm, Phóng tâm, Hoài nghi, và phát triển được 5 thiền chi: Tầm (Vitakka), Sát (vicàra), Phỉ lạc (Piti), An vui (Sukkha) và Ðịnh (Cittekkagatà samàdhi, Nhất tâm định).

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Vitakka (phối hợp sơ khởi các tư tưởng trừu tượng) và Vicàra (Phối hợp tư tưởng liên tục). Những tư tưởng này có tánh cách phụ thuộc so với Tâm.

Trong kinh Visudhi Magga (Con đường thanh tịnh), Vitakka (Tầm) ví như vớ lấy cái ô và Vicàra (Sát) là việc lau chùi cái ô.

M. 27 – “Tiếp theo đó, cái tâm trở nên an tịnh và tư tưởng được thăng bằng, hành giả bước vào tình trạng không còn Tầm (Vitakka) và nhập vào nhị Thiền, phát sanh do tâm Định (samàdhi). Hành giả thấm nhuần sự Phỉ lạc (Piti) và An vui (Sukkha).

Sau đó, cái tâm phỉ lạc tan biến, hành giả an trú trong sự an Ðịnh nhưng còn biết mình. Người trắc nghiệm trạng thái này mà bậc hiền triết thường hoan hô: “Hạnh phúc thay! Khi con người được an trú trong sự thanh tịnh và ghi nhớ của tâm”. Chừng đó hành giả nhập vào Tam Thiền phát sanh với tâm Xả (upekkha), sự An vui (Sukkha) và Ðịnh (Samàdhi).

M.27 – “Tiếp theo đó, sự biến tan của các niềm vui khổ quá khứ, hành giả chẳng còn cảm thấy vui buồn nào cả, người vượt qua khỏi ranh giới của những điều vui khổ và nhập vào Tứ Thiền. Ðến đây, người chỉ còn lại tâm Niệm và tâm Xả.”

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Bốn bậc Thiền Ðịnh (phàm Ðịnh) có thể thành đạt bằng cách niệm hơi thở vô ra (anàpàna sati) và bốn bậc Thiền cao thượng (nhất là Tứ thiền) thì do pháp “Tịnh tâm” (và niệm tưởng).

CÁC BẬC THIỀN CAO THƯỢNG

VM.9 – Tham thiền về tâm từ (metta bhàvanà), tham thiền về tâm bi mẫn (karuna bhàvanà), và tham thiền về sự hỷ lạc (mudita bhàvanà) có thể đưa tới nhập định.

VM.6 – Tham thiền về bãi tha ma cũng như về các vật ô trược (asubha bhàvanà) chỉ đưa tới sơ Thiền mà thôi.

VM.6 – Niệm thân, niệm ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng và niệm Giới thì chỉ đưa tới cận định (upacàra samàdhi).

S.21 – “Các người nên cố gắng làm phát triển pháp môn Thiền Ðịnh, vì kẻ nào có tâm an định mới mong hiểu rõ mọi vật đúng theo chân lý. Mà những vật đó là gì? Ðó là tư cách sanh diệt của năm uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

M.48 – “Như thế cần phải hiểu rõ bằng trí tuệ năm uẩn tạo nên đời sống.

Si mê và tham dục cần phải loại trừ bằng trí tuệ. Pháp môn định tâm (Samatha – an chỉ) và Minh Sát (Vipassanà) phải được triệt để phát triển bằng trí tuệ”.

S.56 – “Ðó là con đường đi giữa (Trung đạo) do Ð?ng Toàn Giác đã khám phá và đem ra phổ biến để đưa tới an tịnh, tới sự biết phân biệt (chánh, tà), tới Giác Ngộ… tới Niết Bàn.

DHP.275 – “Và đi theo con đường siêu việt đó, các ngươi sẽ chấm dứt được nguồn thống khổ”.

NIẾT BÀN

A.IV. (198) – “Và tâm trí (của bậc đã được Giác Ngộ) trở nên tự do, không còn tham dục, không còn ngã chấp và đã thoát ly ra khỏi nơi tối tăm mờ ám (vô minh).

Người rất thích thú: “Ta đã được giải thoát rồi!” Nhận định này phát sanh trong con người đã Giác Ngộ.

Người hiểu rằng: “Ta sẽ không còn tái sanh nữa. Ðời đạo đức đã vẹn toàn. Việc phải làm ta đã làm xong và chẳng còn gì phải bận tâm trên thế gian này nữa”.

M.26 – “Ta được tự do vĩnh viễn.
Ta chỉ còn sanh ra trong kiếp này thôi.
Chẳng còn sự tái sanh nào lôi kéo được ta “.

M.140 – “Thật ra, đây là trí tuệ tuyệt vời cao cả. Ta biết rằng nguồn khổ đã biến tan. Và đây là sự an vui tuyết đối. Ta biết rằng đã dập tắt được sư tham dục, si mê, oán hận.”

BẬC THANH TỊNH (MUNI)

M.140 – “Nói rằng: Ta đây, là một ý định vô ích. Không phải ta đây, là một ý nghĩ vô ích. Sẽ có ta nữa, là một ý nghĩ vô ích.” Những ý nghĩ đó, ví như một chứng bệnh, một vết thương, một cái gai nhọn.

Khi nào tẩy trừ được những ý nghĩ vu vơ không lợi ích, người trở thành bậc thanh tịnh “Muni” (Giữ sự im lặng đối với những tư tưởng vô ích).

Và bậc thanh tịnh đó không còn sanh trưởng nữa, không còn chết nữa, và chẳng còn tham muốn gì nữa. Nếu chẳng tái sanh và bị già nua nữa, thì cái chết làm sao đến được? Mà khỏi chết thì có gì phải sợ hải lo âu? Và nếu không còn sợ thì cần gì phải tham muốn?”.

MỤC ÐÍCH THẬT SỰ

M.29 – “Như thế, mục đích của đời đạo đức không phải chỉ trông cậy vào vật tín thí, vào tiếng tăm tham vọng, mà cũng không phải để thành đạt học thức cao thâm thông suốt.

Chỉ có tư cách giải thoát hoàn toàn tâm trí mớ là cuộc sống siêu nhân và đó là căn bản, đó là mục đích”.

M.51 – “Những bậc đại hiền, những bậc Giác Ngộ thời quá khứ khuyến hoá hàng môn đệ với mục đích đó. Hiện nay Như Lai dạy các giới tử cũng thế. Và trong tương lai các Bậc Toàn Giác cũng hành động với đường lối đó”.

D.22 – “Hỡi này các đệ tử! Tuy nhiên sau khi Như Lai diệt độ, các ngươi có thể nghĩ rằng: “Giáo Pháp của đức Thầy không còn nữa! Chúng ta mất vị Giáo Chủ rồi”.

Hỡi các đệ tử! Chớ nên nghĩ như vậy. Chính Giáo Pháp (Dhamma) và Giới Luật (Vinaya) của Như Lai để lại sẽ là thầy tổ các ngươi. Giáo Pháp sẽ là ánh sáng của các ngươi. Giáo Pháp sẽ là nơi nương nhờ của các ngươi. Các ngươi chẳng nên tìm chỗ nương nhờ nào khác.

Hỡi các đệ tử! Chánh Pháp Như Lai truyền lại, các nguơi nên ráng bảo tồn cẩn thận, làm cho đời đạo đức được tiếp tục chảy trôi suông sẻ, được kéo dài trong nhiều thế hệ, để đem lại hạnh phúc cho nhiều người, đem lại nguồn an vui cho thế gian, đem lại thanh bình hạnh phúc cho Chư Thiên và nhân loại”.

-Hết-

Chuyển Pháp Luân và Tứ Diệu Ðế – Maha Thongkham và Huỳnh Văn Niệm soạn dịch
Dựa theo quyển “The Word of the Buddha” của Hòa thượng Nyanatiloka
Tái bản năm 1995 tại Sài Gòn

http://www.buddhismtoday.com

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.