“Tết này nhà mình không bày vẽ gì đâu nhé” là điệp khúc của vợ tôi khi đã lên chức bà từ nhiều năm nay. Những việc được coi là “bày vẽ” bao gồm gói bánh chưng, sắm cành đào thế, nấu nồi chè kho, bày biện cỗ bàn…
Nhưng rồi, Tết đến, thế nào những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn cũng được bày nghiêm ngắn, kính cẩn trên bàn thờ. Thế nào giữa nhà cũng có một cành đào “đại” mà người đảm nhiệm mua sắm là tôi. Có mấy lần tôi định thôi vì không còn thời gian và sức lực để tha thẩn hết buổi này đến buổi khác trên chợ hoa Nhật Tân sát đêm ba mươi, để chọn và vác về cho bằng được cành hoa ưng ý.
Để phù hợp với nhịp sống hiện đại, cái Tết ngày nay đã được giản tiện ít nhiều. Vì vậy mà con trẻ sẽ không còn nhiều ký ức đẹp về Tết như bố mẹ khi xưa.
Nhà tôi vẫn có một nồi chè kho nấu vào đêm 30 với sự trợ giúp của cậu con rể hay của đứa cháu đầu nay đã đủ sức cầm đũa để quấy đều nồi đậu xanh sánh quánh đến nặng tay mà không để bén lửa. Món này được coi là đặc sản của nhà, đặt lên bàn thờ cúng gia tiên và biếu những người thân trong nhà.
Bàn thờ đêm ba mươi thế nào cũng phải có một đĩa gà nguyên con, mỏ ngậm bông hồng như tất thảy những năm trước. Mặc dù vợ tôi vẫn cương quyết “không bày vẽ”, nhưng mâm cỗ không thể thiếu bát măng, bát bóng, không quên cả những điều nho nhỏ như đổi tiền lẻ và mua phong bao để mừng tuổi cả người trên lẫn kẻ dưới…
Bao nhiêu năm, dù bận rộn đến đâu, cả gia đình tôi vẫn tuân thủ đúng lịch chiều ba mươi ăn bữa cỗ cuối năm ở nhà mẹ cùng cả gia đình bên nội; trưa mùng một là bên ngoại… Đó mới là hết cái Tết “cơ bản”, còn lại thì tuỳ cơ, tuỳ sức, tùy thời…
Trong suy nghĩ của bậc làm ông bà hay cha mẹ, Tết đã thay đổi và giản tiện nhiều lắm so với xưa rồi. Còn đám trẻ, các con và cháu, chúng cố giữ nếp chủ yếu để chiều lòng bề trên, chứ trong lòng chắc muốn phá cách cho hợp thời với những cuộc hẹn hò, những thú vui mới mẻ, địa chỉ chơi Tết càng ngày càng xa… nhà.
Giờ đây, ý nghĩa ngày Tết là sự đoàn tụ gia đình, là về quê sum họp, là hội làng với những thú vui truyền thống cũng bắt đầu bị “cạnh tranh” với xu thế đi du lịch Tết để xả hơi sau một năm làm lụng, khiến cho không khí Tết truyền thống cũng bớt rộn rã. Mọi bước chuẩn bị Tết đều được đơn giản hóa để người phụ nữ đỡ vất vả hơn. Người nội trợ “bày vẽ” kiểu như vợ tôi chắc không còn nhiều. Nhưng cũng chính vì vậy mà con trẻ sẽ không còn nhiều ký ức đẹp về Tết như bố mẹ khi xưa.
Nhưng theo lẽ thường, cuộc sống luôn thay đổi theo tiến bộ xã hội, tùy vào hoàn cảnh mỗi gia đình thì có cách đón Tết phù hợp.
Những thay đổi ấy len lỏi vào từng gia đình, làm bùng lên những cuộc tranh luận ngoài xã hội, nhất là trên những trang mạng ngày càng có sức lan toả. Không phải đến Tết này, mà cách nay vài ba chục năm, có người đặt câu hỏi “Có phải Tết nay buồn hơn những Tết trước, Tết xưa?”. Chắc chắn mỗi người, ở độ tuổi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau sẽ có những câu trả lời khác nhau. Chứ lẽ đương nhiên, cuộc sống kể cả phong tục ngày Tết cũng luôn thay đổi theo sự tiến bộ. Xã hội cũng đã dần chấp nhận những thay đổi tưởng như bất di bất dịch.
Ngày Tết có thể coi là yếu tố hệ trọng nhất trong sự luân chuyển thời gian, giúp chúng ta có cơ hội củng cố lại những giá trị của gia đình, cái tế bào nhỏ bé so với cả xã hội rộng lớn, nhưng lại là yếu tố tạo nên sự bền vững cho sự phát triển tiến bộ của xã hội con người.
Với trí tò mò “không biên giới”, trẻ con sẽ học nhiều điều hay và trưởng thành hơn thông qua những bài học về phong tục Tết.
Vì lẽ ấy mà dù “Tết xưa” hay “Tết nay”, dù thời nào đi nữa thì việc “kéo” con trẻ cùng phụ giúp cha mẹ chuẩn bị Tết đều cần thiết. Qua những “giáo cụ trực quan” là những phong tục Tết, trẻ con không chỉ có cái Tết ý nghĩa và đáng nhớ với tuổi thơ, mà còn học được nhiều bài học đầu đời rất dễ nhớ về việc đối nhân xử thế mà ông cha ta lồng ghép khéo léo trong mỗi phong tục.
Theo một cách tự nhiên, trẻ con với trí tò mò “không biên giới” cùng những câu hỏi líu lo về phong tục Tết sẽ dần học được nhiều bài học làm người giản dị, nhờ vào những điều “mắt thấy tai nghe” trong dịp Tết. Chẳng hạn trẻ con có thể cùng mẹ chuẩn bị mâm ngũ quả, bài học về sự tôn kính gia tiên đâu còn khó hiểu; tự tay thả cá chép về trời, con sẽ ý thức sống hướng thiện; làm điều tốt vì ông Táo sẽ bẩm tấu tất cả với Ngọc Hoàng.
Thậm chí, khi cùng cha mẹ gói bánh chưng, trẻ còn tiếp nhận được những bài học kỹ năng sống cần thiết như cách chuẩn bị, sắp xếp nguyên liệu ngăn nắp, cách phân công công việc cho từng thành viên trong gia đình, cách phối hợp với nhau để cho ra đời nồi bánh chưng – thành quả của cả nhà.
Vì lẽ đó, ngày Tết của con càng đủ đầy những phong tục truyền thống thì con càng học được nhiều điều hay.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc trải nghiệm Tết sẽ giúp trẻ làm dày vốn sống. Điều này nghe có vẻ to tát quá, nhưng cho trẻ trải nghiệm Tết thật ra lại bắt đầu từ những việc rất đơn giản như cho con nhặt lá mai, rửa lá dong, lau lá chuối, làm mứt Tết, khai bút đầu xuân… để Tết của con thêm trọn vẹn dù tay con có chút lấm lem hay quần áo vấy bẩn.
Thu Ngân – VnExpress