Có thể có một lúc nào đó trong đời bạn vào một chiều ba mươi Tết, bạn sẽ có những ý nghĩ tuy tầm thường giống như tôi bây giờ nhưng phải chăng đó lại là điều mà mình (bạn và tôi) cứ chiêm nghiệm mãi không thôi …
Chúng ta đều cùng TRỜI CHA, ĐẤT MẸ
Thừa hưởng từ Cha … sức sáng tạo thiên nhiên
Thế kỷ trôi qua mãi vẫn hiện tiền
Mẹ bảo bọc chở che … kiên trì chịu đựng !
Hãy chung nhau đồng góp phần xây dựng
Kết nối… tình đoàn kết nghĩa vụ tâm linh
Mỗi Xuân về … ôn lại những chân tình
Được Tam Bảo đang vươn tay nâng đỡ
Phải chăng chúng ta rất cần tinh thần… cần tâm linh, cần hỗ trợ nhau về mọi mặt, cần nương tựa vào nhau để cùng hướng về một xã hội càng văn minh và phát triển tốt đẹp hơn, và đó cũng chính là nhiệm vụ kết nối yêu thương để sẻ chia cuộc sống … Giờ đây nhớ lại nhiều năm trước tôi có duyên được tham gia vào sinh hoạt của tự viện mà theo quan điểm tôi nhìn … nhiệm vụ kết nối đó cũng chính là mục tiêu mà các vị trụ trì ở các tự viện chân chính tại hải ngoại đang cố gắng làm sao để phát khởi … bằng cách tạo cơ hội cho mọi người đủ giai cấp, đủ mọi lứa tuổi tập làm quen với việc thích đi chùa nhất là vào các lễ hội lớn và vào dịp Tết Nguyên Đán … có thể nói việc đi chùa đầu năm là việc làm ý nghĩa không thể thiếu và cũng là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt để tìm về cội nguồn dân tộc.
Biết được sự bận rộn hối hả thường nhật của các Phật tử tại gia còn trẻ hoặc sự neo đơn của những Phật tử cao niên, nhiều Chùa đã phương tiện nấu các thức ăn chay thật thanh khiết nhưng đa dạng và tuỳ khẩu vị của mỗi người lại với giá rất rẽ so với các nhà hàng chay trong phố thị, nhưng cũng có thể góp chút ít được phần nào chi phí điện nước cho Chùa.
Cũng không ai có thể đoán được rằng muốn chuẩn bị tất cả được trọn vẹn và chu đáo cho một lễ hôi kéo dài cả tuần như vào dịp Tết Nguyến Đán với cả ngàn người tấp nhập ra vào … hàng ngày đã có biết bao những thiện nguyện viên thật hảo tâm đã không ngại sức lực, thời gian, tiền của để góp vào phần nào hầu phục vụ cho quần chúng gần trọn cả tháng trước.
Thương làm sao … những đôi tay bé nhỏ
Nhưng chứa đầy sức dõng mãnh… oai hùng
Chí đã quyết … mọi việc sẽ phục tùng
Sức mạnh tinh thần … làm nên tất cả
Trở về việc lễ chùa vào đêm giao thừa, tôi xin được phép tản mạn lang thang để cùng bạn nhìn lại phong tục của người Việt mình một chút
Tết truyền thống mang ý nghĩa của sự giao thoa giữa đất trời và con người, nơi những giá trị nhân văn, tín ngưỡng vào thần linh được thể hiện trọn vẹn. Tết là một món quà quý giá trong văn hoá Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Cho nên có lẽ người Việt dù trẻ hay đứng tuổi đều tin rằng việc đi chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Đây cũng là lúc mỗi người tìm về với cội nguồn dân tộc.
Bởi vậy, không chỉ đi chùa vào đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết, người Việt còn có phong tục đi chùa du xuân trong tất cả các ngày Tết Nguyên Đán Và hầu như Các Chùa tại Melbourne thường tổ chức hành hương thập tự để giúp Phật tử không có phương tiện tự mình viếng thăm hầu biết thêm nhiều tông phái khác của các chùa bạn như Nam Tông hay Tây Tạng ….
Cũng cần nói thêm chính mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản. Vì vậy mà đi lễ chùa luôn khiến người ta cảm thấy như có một tâm thế thong dong.
Ai một lần được hành hương thập tự
Là đã duyên … Tam bảo tự nhiều năm
Xin tạ ơn … Chùa tổ chức viếng thăm
Chốn linh thiêng … lòng nhẹ nhàng thanh thản
Ngoài ra theo quan niệm của người xưa, đi chùa phải mang lộc về tận nhà, mang những điều may mắn khi bước qua cửa. Trước cửa đình, cửa chùa, thường có những cây đa, cây đề, cây si cổ thụ… khách đi lễ vào đêm giao thừa, lúc trở ra sẽ bẻ một nhánh mang về với ngụ ý là lấy lộc của Trời đất Phật Thần ban cho. Lộc là một nhành cây bởi vì người xưa quan niệm, không có loài nào sinh sôi nảy nở và có sức sống mãnh liệt như loài cây. Mỗi độ xuân về, những chồi non nhú lên thể hiện sức sống tràn đầy sinh lực. Mọi người xin lộc đêm giao thừa là để cầu mong có được sự may mắn đó . Tôi cũngcòn nhớ trước đây khoảng 10 năm… chùa ngày xưa thường có nhiều cây lớn với nhiều cành lá sum suê nên việc hái lộc ít ảnh hưởng đến sức khỏe của cây và ít ảnh hưởng đến mỹ quan cây cảnh.
Ngày nay, các chùa vì nhiều lý do cần tăng thêm phòng ốc cho việc tu học và có chỗ cho tăng sinh trú học nên không gian trở nên nhỏ hẹp hơn và thường trồng những cây cảnh nhỏ nên việc hái lộc sẽ ảnh hưởng đến cây cảnh và mỹ quan sân chùa.
Để chuẩn bị cho việc hái lộc đầu năm chuẩn bị lộc chùa mang tính biểu tượng như cành hoa, tấm thiệp ghi câu Phật dạy, bao lì xì nhỏ tượng trưng… Dù hình thức đã thay đổi nhưng ý nghĩa của nó vẫn là mong ước bày tỏ niềm hy vọng phúc lộc và may mắn có được cho mọi người trong một năm … khi đã được hưởng sự thanh tịnh an lành … tại một ngôi chùa.
Thiệp chúc Xuân của các tự viện năm nay cũng như mọi năm đều luôn ẩn chứa một sự khuyến khích Phật Tử vừa học lại phải hành để nhận ra sự thâm diệu của lời dạy Đức Phật mà có cuộc sống an bình và hạnh phúc dù ai cũng đôi lúc gặp những thăng trầm trong đời sống.
Lời chúc Xuân… tỏ bày sự quan tâm thiết yếu
Là tố nhân nuôi dưỡng được niềm tin
Sách tấn, động viên, nghị lực nảy sinh
Có phải? Chỉ Xuân về … thiên nhiên ban tặng
Theo Phật giáo, ta phải tự làm chủ vận mệnh của mình (tội phúc vô môn, duy nhân tự triệu – tội phúc không có cửa vào, chỉ do ta đem đến mà thôi). Vì thế, vào thời khắc giao thừa năm mới, mọi người đến chùa dâng hương lễ Phật để tu phúc, tích đức rồi đem những lộc Phật về xông đất nhà mình là tốt nhất.
Ngày mới của năm nay bắt đầu vào đúng ngày đi làm nên nhiều người vì sinh kế nên phải trở về nguyên sở của mình nên lễ giao thừa kết thúc vào lúc một giờ sáng và mọi người ra về mà lòng hân hoan khó tả…
Sáng mùng một … chùa đại thừa nào cũng khai kinh Lăng Nghiêm từ 6.30 sáng và cứ thế chùa lại tiếp đón đồng hương Phật tử đến lễ Phật và dù phần đông lớp trẻ phải đi làm và đa số cao niên phải lệ thuộc vào phương tiện đi chuyển nhưng vẫn thật đông đoàn người với y phục cổ truyền Áo dài truyền thống hoặc những bộ cách tân đủ màu hiên điện trong chánh điện để lễ Phật … Quả thật Chùa mặc nhiên trở thành nơi cho Phật tử, cho đồng hương tìm về, tìm về chốn tâm linh, tìm về nguồn cội, tìm về mái ấm Chùa quê Mẹ, tìm về khóm trúc luỹ tre, tìm gặp bạn bè trao dăm câu hỏi thăm chúc tụng, tìm về những văn hoá Việt, tìm anh, tìm chị, tìm em, để cùng nhau chung vui chào đón một cái Tết truyền thống để còn có chút thời gian gặp gở nhau….
Năm nào cũng vây bắt đầu từ mùng hai Các Chùa mở các khoá lễ cầu an và thời kinh tụng Sám hối đầu năm với kinh Dược Sư tiếp tục dài cho đến rằm thượng nguyên …
Tôi tự nghĩ “Khoảnh khắc chuyển tiếp một năm mới và đón Tết truyền thống với mấy ngàn năm văn hiến được các chùa nơi hải ngoại long trọng tổ chức phải chăng là một việc cần được phải được giữ mãi đến ngàn sau….”
Cuối cùng xin chúc các bạn đón Xuân nhưng nhớ làm cho đóa mai Tâm trong lòng mình nở rộ bạn nhé.
Lời chúc Xuân chân thành không cường điệu
Gửi tới Người như … niềm mơ ước khát khao
Cùng vươn lên … đạt lý tưởng “Đạo” trao
TÂM ĐỊA NHƯỢC KHÔNG, TUỆ NHẬT TỰ CHIẾU ***
***Lời của Tổ Bách Trượng Hoài Hải
Huệ Hương