Hạnh Phúc Kỳ Diệu – Chương VI

Hệ Thống Miễn Nhiễm

Cơ thể chúng ta gồm có độ 100 ngàn tỷ (100,000,000,000,000) tế bào. Các tế bào của mỗi bộ phận như tim, gan, phổi, não, thận, ruột có hình dáng và màu sắc khác nhau nhưng chúng có cách cấu trúc giống nhau: chúng như là một cái túi, bên ngoài là một màng bọc, bên trong là nước trộn lẫn với các chất hóa học chuyển động không ngừng. Ở giữa tế bào là một cái nhân tương tợ như nhân quả trứng gà, có một màng bọc che một chùm chất DNA như một chùm trái bòn bon xoắn lại.

DNA hay là axit deoxyribonucleic gồm có các nguyên tử khinh khí (hydrogen), dưỡng khí (oxygene), than (carbon), phosphore, và carbon hỗn hợp với nitrogene. DNA là nguồn gốc của tất cả các chất đạm được sử dụng để sửa chữa các tế bào hư hại, tạo ra các tế bào mới, thay thế các di thể bị mất mát hay hư hao, v.v… DNA là nền tảng của đời sống và tuy chỉ là sự kết hợp của những đơn vị vật chất nhỏ bé là các hạt nguyên tử thành những chùm xoắn lại, DNA có sự sống, có sự thông minh, hiểu biết và biết quyết định phải làm gì để duy trì sự sống còn và sức khỏe cho toàn thể hệ thống cơ thể. DNA là một sinh chất.

Các DNA này là nền tảng của một đơn vị cơ thể cao cấp hơn: Tế bào. Mỗi tế bào đều có sự sống: nó thu nhận các thực phẩm do các mạch máu chuyển đến, tiêu thụ và bài tiết chất cặn bã về lại nơi mạch máu. Mạch máu đem những chất thải này đến các bộ phận khác nhau như phổi, thận, v.v… để tống chúng ra ngoài cơ thể. Cơ thể là một hệ thống có đời sống và sự quân bình cùng lành mạnh của cơ thể đặt nền tảng trên sự khỏe mạnh của các tế bào. Cơ thể con người có rất nhiều loại tế bào khác nhau như tế bào tim, gan, thận, xương, ruột hay máu.

Hệ thống miễn nhiễm của chúng ta gồm hàng tỷ các tế bào trắng có tên là bạch huyết cầu. Hễ nơi nào có vi trùng xâm nhập vào, lập tức cơ thể phát ra những tín hiệu báo động và các bạch huyết cầu chạy đến để ngăn chận kẻ xâm lăng. Tuy nhiên, chúng ta biết các DNA không phải chỉ hiện hữu nơi con người mà nó có mặt khắp nơi từ cỏ cây, vi trùng, các sinh vật khác. Các vi trùng xâm nhập vào các tế bào lành mạnh của chúng ta cũng có đời sống, cũng có sự thông minh của chúng, cũng biết cách làm thế nào chiếm đóng những tế bào và sinh sôi nẩy nở thật nhiều để tràn đầy cơ thể chúng ta, làm cho chúng ta bị bệnh ngặt nghèo.

Cách các vi trùng xâm chiếm tế bào cơ thể và dựa vào tế bào mà sanh sôi nẩy nở thường diễn tiến như nhau. Như khi có một con siêu vi trùng cúm tiến đến một tế bào thì nó đi xuyên qua bức màng tế bào một cách dễ dàng, không gặp một sự chống đối nào cả. Sau đó siêu vi trùng cúm tiến đến ngay trung tâm tế bào, làm cho chất DNA ngưng lại mọi sinh hoạt bình thường và chỉ tạo ra chất đạm mới để cho siêu vi khuẩn này sử dụng trong việc sinh sôi nảy nở mau chóng. Như thế, tế bào bị chiếm đóng đã hợp tác với “bọn ngoại xâm” để sản xuất con cháu bọn này rất nhiều. Sau đó các siêu vi trùng mới sanh ra chạy theo dòng máu tràn đến những tế bào khác và lại tái diễn tấn tuồng xâm nhập đó làm cho chúng ta bị cảm cúm.

Thành Phần Và Hoạt Động Của Hệ Thống Miễn Nhiễm

Hệ thống miễn nhiễm gồm có trên 12 loại bạch huyết cầu, tập trung nơi lá lách, tuyến bạch huyết dưới xương ức, giao điểm các mạch bạch huyết. Các loại bạch huyết này tuần tiễu khắp cơ thể và hệ thống mạch bạch huyết. Các bạch huyết cầu này chia làm hai loại: loại tế bào B sản xuất những chất độc làm cho chất độc của các vi trùng xâm nhập cơ thể bị vô hiệu hóa đồng thời giúp cơ thể động viên năng lực để chống lại bệnh tật. Còn nhóm thứ nhì là những sát bào là những tế bào như hình chữ T có nhiệm vụ đi tiêu diệt những vi trùng và vi khuẩn xâm nhập tấn công cơ thể cùng những tế bào phụ giúp cho chúng trong công việc này.

Khi hệ thống miễn nhiễm biết được mặt mũi “quân thù” cùng các loại khí giới chúng “sử dụng”, bèn ào ạt tiến đến tấn công siêu vi trùng cúm với khí giới hữu hiệu nhất là chất kháng thể, tức là các chất hóa học nó sản xuất ra để tiêu diệt loại kẻ thù “đặc biệt và riêng biệt” này. Nói cách khác, hệ thống này thực hành với một kế hoạch quy mô một cách lớp lang rõ rệt:

· Cử các tế bào đến để tìm hiểu rõ vi trùng mới xâm nhập

· Để cho các vi trùng bệnh đó chiếm đóng một số tế bào rồi bắt tế bào sản xuất các chất đạm để vi trùng sử dụng trong việc sinh sôi nảy nở. Khi chúng làm công việc đó thì chúng để lộ ra những chỗ nhược của chúng mà hệ thống miễn nhiễm biết được qua các cách cấu tạo các phân tử trong cơ thể vi trùng để rồi vận dụng các nhóm tế bào phòng vệ cơ thể ào ạt tấn công các vi trùng này.

· Sau khi các vi trùng bị tiêu hủy thì tế bào “hợp tác” với vi trùng cũng bị các tế bào T (T cell), loại bạch huyết cầu chuyên tấn công kẻ địch thuộc hệ thống miễn nhiễm, xịt một chất hóa học làm cho thủng màng bao quanh, chất lỏng bị xì ra và tế bào bị nhiễm trùng đó chết.

· Chất DNA của tế bào trên bị tháo gỡ và mọi sự lại trở nên bình thường.

· Các tin tức về loại vi trùng tạo bệnh đó được ghi lại rõ ràng nơi một loại tế bào chuyên chở ký ức chạy khắp thân thể để thông báo về loại vi trùng này cùng chất kháng thể được sản xuất ra để chống lại chúng. Sau này, nếu loại vi trùng cúm đó lại xâm nhập cơ thể người nói trên thì lập tức hệ thống phòng bệnh thuộc cơ thể người đó, giờ đây đã biết rõ mình phải đối phó với loại địch quân nào, sản xuất ngay chất kháng thể để tiêu diệt chúng.

Hầu hết các vi trùng gây bệnh tật đều có thể bị cơ thể con người chống cự và tiêu diệt theo cách trên chỉ trừ loại siêu vi khuẩn AIDS là loại vi trùng tạo ra chứng Liệt Kháng, làm hệ thống miễn nhiễm mất khả năng kháng cự vì loại vi trùng này tiêu diệt các tế bào của hệ thống miễn nhiễm, tức là loại tế bào T (T cell).

Mỗi ngày các tế bào trong người chúng ta tiêu diệt nhiều vi trùng sinh bệnh tật mà không gây sự xáo trộn trong cơ thể vì hệ thống miễn nhiễm đã biết rõ “căn cước” hay tính chất của chúng rồi nên dễ dàng loại trừ chúng. Nhờ thế, chúng ta có được trạng thái an ổn, khỏe mạnh là trạng thái bình thường của cơ thể. Bịnh tật là trạng thái bất thường.

Khi đạo Phật chủ trương mỗi chúng ta đều có Phật tánh hay chân tâm, một trạng thái an vui rộng lớn và thường trực mà chúng ta có thể kinh nghiệm được trong đời sống hàng ngày, đau khổ chỉ là sự bất bình thường thì ngày nay, các vị bác sĩ cũng nói đến tính cách hòa bình lâu dài trong cơ thể hay là sức khỏe luôn luôn có mặt là điều quan trọng và cần thiết hơn là chiến thắng những cuộc chiến lớn chống vi trùng xâm nhập hay là trị bệnh khi bệnh phát sinh. Ai trong chúng ta cũng mong muốn có một thân thể lành mạnh trong một tâm hồn an vui. Y khoa hiện nay chú trọng đến chữa bệnh và phòng bệnh. Tuy vậy điều đó chưa đủ, như tiến sĩ Tâm Lý Học Wayne Dyer viết trong tác phẩm Chỉ Có Bầu Trời Là Giới Hạn (The Sky’s The Limit) nhấn mạnh chúng ta đã tiến hóa hàng triệu năm mới có được thân thể con người tốt đẹp hiện nay. Do đó, chúng ta không hạn chế khả năng sống an vui và có sức khỏe của mình trong vấn đề chữa trị bệnh tật, phòng ngừa bịnh tật mà chúng ta còn tiến lên một bước nữa là có được một sức khỏe tối đa hay “siêu sức khoẻ”.

Sức Khỏe Hoàn Toàn

Nhà tâm lý học Wayne nói về trạng thái siêu sức khoẻ là mức cuối cùng của một tình trạng sức khỏe do cá nhân tự chọn lựa lấy, tự mình mong muốn thực hành, khác với chữa trị bệnh tật và phòng ngừa bệnh tật theo ba điểm như sau:

Bệnh Tật
Sức Khỏe Bình Thường
Sức Khỏe Hoàn Toàn hay Khỏe Bình Thường

Y Khoa Chữa Trị
Y Khoa Phòng Ngừa
Cá Nhân Chọn Lựa

Những điều nói trên rất phù hợp với Phật giáo khi nói về nhân quả, cách chọn nghiệp thiện hay bất thiện (sống đời tốt đẹp hay không tốt đẹp), và thực hành sống đời an vui lành mạnh bao la. Nơi đây chúng ta hãy tìm hiểu rõ ràng hơn động lực thúc đẩy con người tìm đến nguồn an vui hạnh phúc qua sự tu tập.

Phật giáo nhìn mọi thứ theo con mắt khoa học và thấy tác động của luật nhân quả chi phối mọi hiện tượng kể cả hiện tượng bệnh hoạn hay khỏe mạnh. Một người hút thuốc nhiều, uống rượu nhiều (nhân) chắc chắn sẽ bị bệnh phổi và bệnh gan (quả). Về mặt tinh thần cũng thế, một người hay tức tối, giận hờn (nhân) làm cho cuộc sống của mình khổ đau vì bị căng thẳng tinh thần và bệnh hoạn thân thể (quả). Do đó, khi thân thể bị bịnh tật không những chúng ta đi tìm bác sĩ chữa trị (A: Y khoa chữa trị) cho chóng lành mà còn được chỉ dẫn phòng bệnh như đừng hút thuốc, uống rượu (B: Y khoa phòng ngừa) để cho bệnh đừng tái phát. Sau đó chúng ta còn mong muốn làm sao duy trì được một sức khỏe tối đa, một sức khỏe hoàn toàn hay siêu sức khỏe. Khi thực hành đạo Phật trong đời sống hàng ngày, nhất là khi thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh hàng ngày cùng với ăn uống đúng cách, đưa ta đến được chỗ ấy.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.