Hành Trình Tới Các Cõi Bên Kia Cái Chết – Phần V

Ẩn nghiệp tạo nên bởi những hành động được thực hiện bí mật trở thành hiển nhiên khi nó rơi xuống đỉnh đầu các ông.

Sự lựa chọn giữa thiện và ác nằm trong lòng tay các ông.

Nếu các ông không suy tưởng về điều này, sự ân hận sẽ là vô ích khi các ông tới trước mặt ta, Thần Chết, trong tòa án của ta.

Om mani padme hung.

Như các ông đã thấy, ta tập hợp nhiều tinh linh của người chết làm thuộc hạ.

Chúng ta đâm chúng sinh bằng những vũ khí sắc nhọn,

bắt chúng uống vạc kim loại nóng chảy,

khiến chúng chịu nỗi thống khổ của nóng và lạnh trong nhiều kiếp,

chúng ta đoan chắc rằng đau khổ tiếp diễn không hề gián đoạn.

Om mani padme hung.

Đừng lãng quên những thông điệp này; hãy truyền đạt chúng thật rõ ràng.

Việc này sẽ đem tới cho các ông công đức lớn lao.

Các ông, những tu sĩ và cư sĩ tụ hội nơi đây,

ta yêu cầu các ông quán chiếu tới lui những vấn đề này cho tới khi các ông không còn nghi ngờ ý nghĩa của chúng.

Om mani padme hung.

Con khẩn cầu các cội nguồn quy y, các Đấng Chiến Thắng và những vị kế tục của các Ngài chứng minh cho con. Cầu mong mọi đức hạnh mà con và những người khác tích tập suốt trong ba thời, như được minh chứng bởi năng lực đức hạnh của đức tin và lòng sùng mộ được tập hợp nơi đây, đều được hồi hướng và bởi sức mạnh của sự hồi hướng này, cầu mong giáo lý của các Đấng Chiến Thắng, dù thuộc lý thuyết hay sự chứng nghiệm, phát triển tới những phạm vi rộng lớn nhất xa rộng ở muôn phương. Cầu mong những ý hướng giác ngộ của các đạo sư, những bảo trợ vinh quang của chúng con được hoàn thành. Cầu mong các sự cúng dường làm vui lòng tất cả các Đấng Chiến Thắng và những vị kế tục. Cầu mong các hoạt động giác ngộ của những thánh nhân nắm giữ giáo lý được hưng thịnh. Cầu mong mối ràng buộc thiêng liêng với các bậc bảo vệ giáo lý được hoàn thành nhờ những chất thể linh thánh. Cầu mong cái thấy (kiến) và hành vi (hành) của tăng đoàn duy trì giáo lý được thuần tịnh. Cầu mong năng lực và ảnh hưởng của những ai tôn kính Giáo Pháp được tăng tưởng. Cầu mong sự suy đồi của thế giới các sinh loài và vật vô tri giác được yên bình. Con hồi hướng đức hạnh này để đem lại sự chữa lành bây giờ và trong tương lai.

Tôi hồi hướng đức hạnh này cho hai đấng sinh thành, cũng như cho những kẻ thù, quỷ ma, những chướng ngại và cho tất cả những ai có liên hệ với tôi qua thiện nghiệp hay ác nghiệp và đặc biệt hồi hướng cho những người nam và nữ phụ thuộc vào tôi trong việc sinh nhai, cho những con ngựa cày xới ruộng đồng để phục vụ chúng tôi, cho những con bò cung cấp cho chúng tôi tinh chất của chúng, và cho những con vật mà chúng tôi sử dụng máu, thịt và da của chúng – mọi loài hữu tình mà chúng tôi đã trực tiếp hay gián tiếp gây nên cái chết của chúng. Tôi hồi hướng đức hạnh này để mọi ác hạnh và thiếu sót mà tôi và những người khác đã mắc phạm, hoặc khiến cho người khác mắc phạm, hoặc vui thú trước những ác nghiệp, cùng những kiểu thói quen thuộc nằm dưới chúng, được nhanh chóng tịnh hóa. Tôi hồi hướng đức hạnh này để mọi chúng sinh trong sáu loài và trong bardo có thể dễ dàng và nhanh chóng hoàn thiện hai tích tập vĩ đại, và nhờ đó chứng ngộ trực tiếp bản tánh toàn khắp và nền tảng của thực tại, đạt được giác ngộ không gì sánh, nó làm hiển lộ những phẩm tính của sự từ bỏ và trưởng thành.

Bản tóm lược này về những thị kiến trong các cõi địa ngục được biên soạn theo cách chuyển Pháp luân[12] bởi dakini Sherab Chhodron, cũng được gọi là Dawa Drolma, một hóa thân thực sự của Đức Tsogyal.

Sarva Mangalam – May mắn, may mắn, may mắn!

Cầu mong mọi sự tốt lành.


[1] Đây là một sự ám chỉ Đức Padmasambhava mà sự sinh ra kỳ diệu của Ngài từ một hoa sen được tưởng nhớ trong Lời Khẩn nguyện Bảy-giòng (xem chương 1, chú thích 2).

[2] Bài kệ này là một lời cầu nguyện nổi tiếng dùng để tán thán Đức Avalokiteshvara, vị Bồ Tát hiện thân lòng bi mẫn của tất cả chư Phật. Giòng thứ hai ám chỉ Đức Phật Amitabha (A Di Đà), bậc thống lãnh Liên Hoa bộ; Đức Avalokiteshvara thường được miêu tả với Đức Phật Amitabha an trụ trên đỉnh đầu Ngài.

[3] Là một nữ bổn tôn, Đức Tara là mẫu mực của nguyên lý tánh Không là bản tánh nền tảng của mọi hiện tượng. Tánh Không có thể được nghĩ tưởng là “suối nguồn” của tất cả chư Phật (bởi Phật Quả được thành tựu bằng sự hoàn toàn chứng ngộ tánh Không) và phạm vi trong đó những phẩm tính được biểu lộ bởi sự chứng ngộ khai mở đó.

[4] Mười thời kỳ mười-hai giờ của ngày và đêm – nói cách khác là trọn năm ngày.

[5] “Vua và các thần dân” ám chỉ một nhóm hai mươi lăm người Tây Tạng đã trở thành các đệ tử thân thiết của Đức Padmasambhava khi Ngài lưu trú ở Tây Tạng. Nhóm này gồm có vua Tây Tạng, T’hrisrong Detzan mà trong thời gian trị vì của của nhà vua, Đức Padmasambhava đã tới Tây Tạng, và những vị khác (các ngài là thần dân của nhà vua), bao gồm hoàng hậu, Đức Yeshe Tsogyal, các tể tướng trong triều đình, các đạo sư Phật giáo cư sĩ hoặc tu sĩ.

[6] Đó là sự tích tập công đức, sự tịnh hóa các hậu quả của những ác hạnh và sự tăng trưởng các phẩm tính tích cực của ta.

[7] Một trong tám Bồ Tát chính yếu mà sự thiền định của Ngài thì đặc biệt hiệu quả trong việc tịnh hóa những hậu quả của các ác hạnh dẫn tới sự tái sinh trong các cõi thấp.

[8] Sự tỉnh giác mọi sắc tướng đều là thân tướng của bổn tôn, mọi âm thanh là thần chú và mọi tư tưởng và hoạt động tinh thần là sự phô diễn của giác tánh nguyên sơ.

[9] Thân, ngữ và tâm.

[10] Năm hành vi và nghiệp quả của chúng thì trầm trọng tới nỗi nếu không có sự tịnh hóa, chúng dẫn tới việc kẻ phạm vào hành vi đó bị tái sanh lập tức trong một cõi địa ngục vào lúc chết, mà không kinh qua trạng thái bardo thông thường xảy ra giữa sự chết và sự tái sanh. Những hành vi đó là giết cha, giết mẹ, giết một vị A la hán, vì ác tâm mà làm một vị Phật chảy máu, và gây những chia rẽ không thể hàn gắn trong cộng đồng Phật Giáo.

[11] Sự được và mất, danh tiếng và ô danh, khen và chê, và sướng và khổ.

[12] Thành ngữ truyền thống “chuyển Pháp luân” biểu thị hoạt động ban tặng Giáo lý đạo Phật.

http://tuvien.com/chet_va_tai_sinh

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.